Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Đổi thay ở vùng Bảy núi

Vùng Bảy Núi (An Giang) thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn là nơi phên giậu biên cương Tây Nam của Tổ quốc. Trải qua bao năm tháng, Bảy Núi hôm nay đã đổi khác lắm rồi... Tôi đến Núi Cấm ở vùng Bảy Núi, An Giang, nóc nhà của đồng bằng vào ngày đầu năm, tiết trời khá lạnh.
Sương giăng lãng đãng đến gần 8 giờ sáng mới tan dần. Mùa này chưa phải là mùa cao điểm nhưng lượng du khách về đây vẫn đạt mức 1.200 - 1.500 người trong một ngày. 'Năm nay lượng khách tăng hơn 10%', Giám đốc khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm Lý Thanh Sang nói với tôi như vậy. Ðường trên núi Cấm mở dọc ngang, nối thông từ dưới chân núi lên đỉnh. Với cả bốn ấp ở trên núi này, các hộ dân đều đã gắn đồng hồ điện. Ðêm về ánh điện tỏa sáng cả vùng Núi Cấm. Người dân sắm cả ăng-ten 'chảo', bắt hàng chục kênh truyền hình xem 'cho đã'. Và trường, lớp mở ngay trên núi.
Xuân về, cây cối trở mình, xanh mướt, nhấp nhô đồi núi chơi vơi, hùng vĩ. Bồng bềnh mây trắng lưng chừng núi. Trên đỉnh Cấm Sơn, có thể phóng tầm nhìn sang những ngọn núi trong dãy Thất Sơn huyền bí, những cánh đồng như ô cờ trải dài xanh rì, nối sang đất bạn Cam-pu-chia. Vào ngày trời trong, cả Hà Tiên, Rạch Giá... cũng nằm trong tầm mắt. Ở chốn thủy tú sơn kỳ này khéo làm dùng dằng tâm tưởng du khách bởi bao sản vật, từ tắc kè bay, rắn núi, bò cạp lửa, măng mạnh tông, đến các loại dược liệu, mỏ quạ, mật ong rừng... Món bánh xèo ở đây được làm với gần 20 loại rau rừng như lá sung, cát lồi, tàu bay, ngành ngạnh, đọt bứa, kim thất, lá vông..., lại có hương vị thơm là lạ của gạo 'lúa sóc' - loại lúa đồng bào Khmer trồng sát chân núi, mỗi năm một mùa. Và đặc biệt, cua Núi Cấm, hình dáng nhỏ hơn cua đồng nhưng đẹp hơn nhiều, bởi chiếc yếm phớt sắc tím, hai càng ửng sắc vàng pha đỏ điểm bông trắng. Người dân địa phương bàn luận, không biết có phải do sống ở nơi đất trời giao hòa, linh khí tích tụ rừng sâu núi thẳm mà càng lên cao thịt cua núi lại càng chắc, ngọt đậm với mùi thơm đặc trưng.
Từ độ cao 716 m so mặt nước biển, nhìn ngắm hàng loạt công trình dân sinh, giao thông, du lịch, dân cư... trên đồi núi cheo leo uốn khúc mới cảm nhận được sức người và quyết tâm 'phá núi mở đường' của An Giang đưa 'báu vật' của thiên nhiên, của tiền nhân đến với mọi người. 'Ðây là khu du lịch trọng điểm và để chuyên nghiệp hơn, từ năm 2009 tỉnh đã chuyển đổi hình thức hoạt động từ Ban Quản lý các khu du lịch sang công ty cổ phần', Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch An Giang Lê Minh Hưng tâm sự. Và vì thế, Núi Cấm sôi động, nhộn nhịp hơn. Ở nơi 'ngàn thước lên cao ngàn thước xuống' này, uy nghi tượng Phật Di Lặc cao 36 m, nặng 600 tấn được Trung tâm sách kỷ lục (Vietbooks) công nhận là tượng lớn nhất Việt Nam. Hồ Thủy Liêm rộng 6,7 ha đẹp như tranh thủy mặc nuôi khoảng 200 tấn cá lớn nhỏ với hơn 50 chủng loại. Các loại hoa ly ly, cúc đồng tiền, lay-ơn, đỗ quyên... từ xứ lạnh Ðà Lạt mới trồng thử nghiệm đã nở tràn trên núi. Ðặc biệt là con đường 'xương sống' hơn 6 km men theo vách núi cheo leo lên đỉnh rất ngoạn mục, tạo 'cú hích' cho phát triển dân sinh, du lịch Núi Cấm. Rồi chiếc xe gom rác 8 m3 mà Khu du lịch mới sắm và 80 nhân viên chuyên phục vụ vệ sinh môi trường là hình ảnh rất lạ ở vùng núi này. Lại thấy anh chị em công nhân đang hối hả với công trình hệ thống cấp nước công suất 1.000 m3/ngày, sẽ hoàn thành vào tháng tư tới đây...
Ðường lên Núi Cấm quanh co, hiểm trở, có đoạn dốc đứng. Bãi giữ xe rộng 4 ha trên núi đã hoàn thành, mở rộng bến xe dưới chân núi và đã thành lập Ban điều hành bến xe. 'Ðau đầu nhất là việc quản lý, điều hành xe lên núi', Giám đốc Sang nói vậy. Mùa lễ hội, cả triệu người dồn về. Ðịa phương kết hợp cùng Khu du lịch Núi Cấm triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Bà Nguyễn Thị Thanh Láng, PGÐ Trung tâm hạ tầng kỹ thuật huyện Tịnh Biên kiêm Trưởng ban điều hành bến xe cho biết: Ngoài đội xe đặc dụng của Khu du lịch, ô-tô chở khách không được lên núi, trừ khi được cấp phép; 'Honda ôm' có đăng ký được phân bổ theo chuyến và chấn chỉnh việc 'nói thách, giành khách'. 'Ðường chuyên dụng cần phải có xe đặc dụng. Núi Cấm phải có cách quản lý, điều hành xe riêng, chặt chẽ. Cổng thu vé ở ngay chân núi được đặt từ khi hình thành khu du lịch này cũng nhằm mục đích đó. Tất cả để phục vụ tốt hơn cho du khách', bà Láng khẳng định. Mùa xuân, Núi Cấm tưng bừng, gây ngạc nhiên hơn với các màn múa lân - sư rồng, ca nhạc, cưỡi đà điểu châu Phi, câu cá, trò chơi dân gian, bánh xèo trứng đà điểu ăn kèm rau núi, mắm lóc chiên...
Tri Tôn và Tịnh Biên là hai huyện tập trung đông người dân tộc Khmer (gần 80.000 người) và cũng thuộc diện 'nghèo' nhất của An Giang. Sau nhiều năm đầu tư, thực hiện kế hoạch xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân vùng biên đã có kết quả. Hầu hết các phum, sóc hẻo lánh ở Tịnh Biên có điện thắp sáng, nước sinh hoạt. Tri Tôn có 95% các hộ sử dụng lưới điện quốc gia, 97% hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm. Lại có ba trạm tiếp sóng phát thanh và truyền hình ở Tức Dụp, Tà Pạ, Trà Sư phủ trùm vùng Bảy Núi. 'Năm nay, làm gì cũng trúng. Nông sản xuống núi, xuất sang Cam-pu-chia mà thấy ham', vợ chồng Chau Nhanh, ở ven đường đi Tri Tôn cho biết.
Và cái chữ đang làm thay đổi sinh khí của vùng Bảy Núi. Sinh ra và lớn lên trên đỉnh Núi Cấm, nay có hơn 50 em đã và đang học từ trung cấp chuyên nghiệp đến đại học. Ấp An Lương (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) có ít nhất là 30 sinh viên đại học, nếu kể cả cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thì tới cả trăm người. Từ năm 2000 đến nay, Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú An Giang đã có hơn 400 học sinh thi đậu đại học. Ðặc biệt, Trường Trung cấp dạy nghề dân tộc nội trú của tỉnh An Giang - mô hình dạy nghề đầu tiên cho người dân tộc của cả đồng bằng sông Cửu Long đã thành hình trong khuôn viên rộng đến 36.000 m2. Hiệu trưởng trường là Thạc sĩ Châu Sốc Sann, phấn khởi bảo với tôi: 'Khi biết tin có trường, tất cả phum, sóc dọc đường biên này xôn xao, mừng vui. Chúng tôi đã bắt đầu chiêu sinh. Tới năm 2015, số học sinh dự kiến sẽ đạt 2.000 em/năm'.
Anh bạn Thạch Sen đi cùng vừa chỉ vào hàng chục xe lớn nhỏ đang chạy về hướng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên vừa nói: 'Sắp tới con đường này sẽ được mở rộng. Mỗi sáng, trăm xe hàng lớn nhỏ tập kết trên đó, rồi sẽ nhộn nhịp lắm'. Năm qua, Tịnh Biên đón hơn 4,3 triệu lượt khách du lịch, doanh số bán lẻ đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 126 triệu USD. Chợ biên giới Tịnh Biên, Long Bình là hai chợ chi phối toàn tuyến biên giới An Giang, nhưng Tịnh Biên ưu thế hơn bởi bán lẻ hàng ngoại nhập. Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên chiếm 850 tỷ đồng/1.600 tỷ đồng tổng vốn đăng ký đầu tư của An Giang vào năm 2010. Riêng khu miễn thuế thu hút 40 nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 350 tỷ đồng. Nơi đây sẽ mở thêm 150 ha giáp khu siêu thị miễn thuế, xây dựng Khu đô thị nam quốc lộ 91, thị trấn Tịnh Biên và thị trấn Nhà Bàn; mở rộng khu vui chơi giải trí... Hoạt động mậu biên ở An Giang đang có bước đột phá lớn, đúng hướng.
Gọi là Bảy Núi, nhưng thật ra nơi đây là một quần thể 37 hòn núi cao, thấp có một không hai ở Nam Bộ. Trập trùng Thiên Cấm Sơn, hùng vĩ núi Két, đồi Tức Dụp, rừng tràm Trà Sư và lễ hội đua bò độc đáo của người Khmer, gạo Nàng Nhen cổ truyền, bánh xèo Núi Cấm, ngọt thanh nước thốt nốt... đều là nét văn hóa riêng độc đáo, là thế mạnh, là sức quyến rũ của vùng đất này. Rồi đây, Bảy Núi sẽ gắn với tuyến phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Hà Tiên - Phú Quốc - Rạch Giá, tuyến du lịch quốc tế An Giang - Tà Keo - Phnôm Pênh - Xiêm Riệp; rồi du lịch đường sông Cần Thơ - Châu Ðốc - Tân Châu - Phnôm Pênh - Biển Hồ, du lịch đường biển với các nước trong khu vực... Ngày đầu xuân về Bảy Núi, tiếng leng keng của xe ngựa xuống núi, tiếng tu hú gọi bầy trong trẻo giữa không gian trùng điệp hoang dã... như níu kéo hoài du khách. 'Năm Non, Bảy Núi', nơi 'âm dương hội tụ' đã nối thông với Châu Ðốc bằng con đường tráng nhựa phẳng lỳ. Một vùng phên giậu đang khởi sắc.

Bài và ảnh: VŨ THỐNG NHẤT
Nguồn: nhandan.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét