Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Phố Tràng Tiền

Tràng Tiền là một phố đẹp từ xưa của Hà Nội. Gốc gác xa xưa, nguyên ở đây, vào khoảng năm 1808, một nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra. Tên gọi Nôm là Trường Tiền (xưởng đúc tiền)... Tên chữ Hán là Bảo Tuyền cục... Chưa thấy ai giải thích về cái tên này.

Lục tìm trong Từ Hải, cuốn từ điển nổi tiếng của Trung Quốc, thì mới biết, đời nhà Minh, Minh Thái Tổ là Chu Nguyên Chương, cho lập các xưởng đúc tiền. ở Kinh thành (Nam Kinh) thì được gọi là Bảo Nguyên cục; các tỉnh cũng có những lò đúc tiền, được đặt tên chung là Bảo Tuyền cục.
Vậy lò đúc tiền của Hà Nội xưa, nơi mà về sau được đặt tên cho phố có nơi ấy là phố Tràng Tiền... là do thế. Lò đúc tiền này, theo các sử liệu, đến năm 1887, thì bị bãi bỏ. Chính quyền thực dân Pháp chia đất cho bọn tư bản xây cửa hàng, cửa hiệu...
Theo các tác giả “Đường phố Hà Nội” thì phố này dài 708m, đi từ phố Trần Quang Khải qua quảng trường Nhà hát Lớn, rồi đến tận đầu phố Hàng Khay... Nhà số 1 phố Tràng Tiền là Viện Bảo tàng Lịch sử... Kể từ cuối thế kỷ thứ 19, khi Tây bắt đầu lấy khu vực Đồn Thủy, làm chỗ đứng chân, thì Tràng Tiền đông vui lắm. ca dao cũ còn ghi:
Nhất vui là hiệu Gô-đa
Ra vào nhộn nhịp ai mà chẳng hay
Tràng Tiền có rạp hát Tây
Bên kia Đồn Thủy, bên này nhà Đoan
(Vui nhất Hà thành)
Trong bài Hà Nội 36 phố phường lại có đoạn:
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên
Trên đầu cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng...
Phong quang lịch sự đâu bằng
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe...
Như vậy, thời kỳ đầu, phố Tràng Tiền lại nhộn nhịp ở đầu phía đông, tức là đầu kế cận sông Hồng nơi có khu Đồn Thủy, chỗ đóng quân và lỵ sở giao dịch của quân Pháp với các quan chức Nam triều, do đó mà mới “dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe”.
Hình như những người Pháp thực dân trước Cách mạng Tháng Tám, đã có ý, tạo dựng Tràng Tiền mang kiểu phố Pháp và là nơi những cửa hàng cửa hiệu, thường là cho những quan chức người Pháp và những người dân Tây (Quốc tịch Pháp) lui tới, mua sắm. Những cửa hàng lớn là nhà Gô-đa, sau này là cửa hàng Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, có thể gọi nôm na là một siêu thị khá nổi tiếng thời bao cấp và bây giờ thời kinh tế thị trường là Tràng Tiền Plaza...
Trên phố Tràng Tiền còn có rạp chiếu bóng Eden (sau đổi tên là rạp Công nhân); có nhiều cửa hàng mỹ phẩm, và những cửa hiệu buôn lớn như là hiệu Chaffanzon... Đầu phố, mạn hồ Gươm có Hotel Hà Nội. Nơi mùa hè có nhiều người đến giải khát đó là quán Taverne Royal... Về cửa hiệu bánh ngọt thì có quán Bô-đê-ga nổi tiếng. Trước Cách mạng Tháng Tám chỉ những người giàu nhiều tiền, như các “ông tây, bà đầm” mới hay lui tới những chỗ này...
Riêng thuở nhỏ, tôi thỉnh thoảng cũng được cha tôi cho đến nhà Bô-đê-ga, mua bánh mỳ dài, ăn rất thơm ngon, nổi tiếng ở Hà Nội...
Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954), Tràng Tiền cũng là khu phố sáng giá với những cửa hàng, nhà may, cửa hiệu lớn, như Nhà in báo Nhân dân... Tổng Công ty Phát hành sách Trung ương, cửa hàng sách Quốc văn của Hà Nội... Nơi Hotel Hà Nội cũ, trở thành trung tâm sách ngoại văn và cửa hàng sách ngoại văn, trung tâm phát hành báo chí. Rồi cửa hàng thời trang, cửa hàng kính, và cửa hàng ăn Tràng Tiền thì tọa lạc ở ngã tư Tràng Tiền - Ngô Quyền...
Hiện Bô-đê-ga cũng trở thành một nơi ẩm thực chứ không kinh doanh chuyên về bánh ngọt nữa. Nhưng, Tràng Tiền hiện nay, (nơi cửa hàng ăn cũ) đã trở thành hãng kem Tràng Tiền nổi tiếng.
Mùa hè đến đấy mà xem, chỉ nhìn khách Việt, khách du lịch nước ngoài, chen chúc nhau mua cho được kem ốc quế, kem que đậu xanh, cốm, sôcôla... đủ loại của Tràng Tiền cũng thật thú vị. Kem Tràng Tiền cũng trở thành một thương hiệu uy tín của những người nghiện kem của Hà Nội.
Nghe đâu lãnh đạo thành phố đang đầu tư xây dựng rạp Công nhân thành một nhà hát hiện đại, để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nơi ấy cũng có một tòa nhà đẹp của trung tâm Văn hóa Pháp. Và Tràng Tiền vẫn là một khu phố đẹp, một trung tâm kinh tế, văn hóa của một địa điểm vốn nổi tiếng từ xưa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét