Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Thăm ‘Lá phổi xanh và nóc nhà’ của Tây Nguyên

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có diện tích 41.420ha và được xem là một trong bốn kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Nơi đây cũng được mệnh danh là "lá phổi xanh và nóc nhà" của Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Không chỉ nổi tiếng với ngọn núi chủ Ngọc Linh cao 2.598m, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh còn nổi tiếng về cây sâm Ngọc Linh và là kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được chính thức đặt tên năm 2002, bao gồm quần thể núi đồi rộng lớn, nằm ở độ cao từ 1.500- 2.458m (so với mặt nước biển), trải dài trên diện tích trên 38.000ha, tại địa bàn 5 xã thuộc huyện Đăk Glei (Kon Tum); phía Bắc và phía Đông giáp huyện Giằng, Phước Sơn và huyện Trà My (Quảng Nam); phía Tây giáp biên giới Lào.
Mây núi Ngọc Linh. (Ảnh minh họa)

Ngoài bầu không khí trong lành, mát mẻ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh còn có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, do kiến tạo địa chất lâu đời, nơi đây hiện còn tồn tại nhiều loài loài thực vật cổ xưa như các họ: ngọc lan, họ na, họ chè, họ cáng lồ và các họ thực vật ôn đới. Đặc biệt, có 9 loài thực vật đặc hữu, trong đó sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) cực kỳ quý hiếm.
Nơi đây có nhiều kiểu rừng như: rừng cây lá rộng, lá kim… Về động vật có 5 loài thú được ghi trong Sách Đỏ thế giới bao gồm: khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, báo gấm, hổ, nhím đuôi ngắn và 15 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Trong khu, hệ chim phát hiện hai loài mới là khướu đầu hung, khướu đuôi vằn; khu hệ bò sát có 3 loài đặc hữu là thằn lằn đuôi đỏ, rùa hộp trán vàng và ếch da cóc…
Đây còn là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp cho các huyện phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum và phía Tây Nam tỉnh Quảng Nam và thủy điện Ya Ly... và quần thể núi đồi dãy Ngọc Linh có vai trò rất lớn trong điều hành hệ sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ nghiên cứu khoa học của tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung.
Chính vì có bầu không khí trong lành, mát mẻ và có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng; Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh hứa hẹn một tiềm năng kinh tế, du lịch vô cùng to lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, bọn lâm tặc thường vào rừng khai thác gỗ trái phép, bẫy bắt động vật hoang dã, còn người dân phá rừng trồng mì, cà phê… đã gây tác động xấu đến hệ sinh thái của khu bảo tồn. Vì vậy cần có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời để tránh tình trạng tài nguyên thiên nhiên ở đây tiếp tục bị "chảy máu'.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 222 loài bướm
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum được ghi nhận có 222 loài bướm thuộc 11 họ khác nhau. Trong đó, 2 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam là Teinopalpus và Troide Helena (đều thuộc họ Papilionidae). Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Bảo tàng thiên nhiên Việt.
Phần lớn các loài bướm tại KBTTN Ngọc Linh có số lượng cá thể thấp. Nhiều loài chỉ có từ 1-2 cá thể. Chỉ có 4 loài (chiếm 2%) có số lượng trên 10 cá thể. Càng lên cao thành phần loài bướm càng giảm. Ở độ cao từ 750-900 m có 161 loài; từ 900 đến 1600m có 91 loài và cao trên 1600m có 87 loài.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy ở các sinh cảnh cây bụi, cây nông nghiệp, trảng cỏ, ven suối và khoảng trống thì thành phần loài bướm khá cao đều trên 80 loài. Các sinh cảnh khác như đỉnh núi, rừng thứ sinh số lượng loài thấp hơn, chỉ dưới 50 loài.
Minh Cường
Bảo Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét