Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Thương thay! Trần Nguyên Hãn

Trần Nguyên Hãn người đất Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết là mất vào năm 1429. Trần Nguyên Hãn là cháu nội của Tư đồ Trần Nguyên Đán, nhà thiên văn và lịch pháp nổi tiếng cuối thời Trần.
Khi Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn với Nguyễn Trãi (cháu ngoại của Trần Nguyên Đán) đã sớm tìm đến và mau chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lê Lợi. Cuộc đời và cái chết oan khuất của ông đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 20) chép lại tóm lược như sau:
“Hãn có học thức, giỏi binh pháp, từng giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, được thương yêu và hậu đã và dự bàn những chuyện bí mật. Trần Nguyên Hãn cùng Vua xông pha trận mạc, đến đâu cũng lập được chiến công.
Năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1428), khi (Lê Thái Tổ) định công ban thưởng cho các bậc công thần, Trần Nguyên Hãn được gia phong chức Hữu Tướng quốc, cho mang quốc tính là họ Lê. Công lao và danh vọng của Trần Nguyên Hãn kể vào hàng cao nhất. Nhưng sau, Trần Nguyên Hãn có nói riêng với người thân tín rằng:
- Nhà vua có tướng giống như Việt Vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được.
Nói rồi, Hãn xin về hưu, được Nhà Vua ưng thuận. Nhưng, vì Trần Nguyên Hãn là dòng dõi họ Trần, nên bị nghi kị. Về đến Sơn Đông, sống trong cảnh quê nhà mà Trần Nguyên Hãn vẫn cho xây dựng phủ đệ, đóng thuyền bè, không chịu giữ gìn hình tích. Những kẻ xấu muốn tâng công, bèn thêu dệt gièm pha với Nhà Vua, rằng Trần Nguyên Hãn có mưu toan phản nghịch. Nhà vua tin lời, bèn ra lệnh cho bọn lực sĩ đến bắt. Khi thuyền chở Trần Nguyên Hãn đến bến Sơn Đông, Trần Nguyên Hãn nhảy xuống sông tự tử”.
Lời bàn:
Công trạng của Trần Nguyên Hãn lớn lao đến mức nào, thiết tưởng chẳng cần bàn cũng đã rõ. Tên tuổi Lê Lợi rực rỡ với ngàn thu ra sao, không nói ai cũng tường. Tiếc thay, anh hùng lại chẳng dung tha anh hùng, để đến nỗi Trần Nguyên Hãn không chết vì kẻ thù bạo ngược trong chiến tranh mà lại chết vì sự nghi kị của Vua trong lúc thái bình.
Dẫu đã có hơn mười năm đồng cam cộng khổ, nhưng Trần Nguyên Hãn chỉ xét đoán Lê Lợi qua tướng mạo chứ chẳng phải là qua thực tiễn sinh động của việc làm. Có lẽ cũng vì chỉ xét người qua tướng mạo nên Trần Nguyên Hãn mới nhầm kẻ cơ hội phản trắc ra người thân tín, bộc bạch hết mọi điều thầm kín của mình. Nhưng thôi, nhân vô thập toàn, đó âu cũng là sở đoản của Trần Nguyên Hãn vậy.
Trong chiến tranh, Lê Lợi chỉ thấy Trần Nguyên Hãn là vị dũng tướng có nhiều mưu lược. Nhưng, khi ngồi lên ngai vàng, Lê Lợi lại chợt nhớ ra, đấy từng là chỗ ngồi của hoàng đế họ Trần, bản thân Lê Lợi cũng vừa phải đẩy “hư vị” của Trần Cảo đi, cho nên, Lê Lợi chỉ thấy Trần Nguyên Hãn là người họ Trần, quên hết mười năm vào sinh ra tử của Trần Nguyên Hãn. Sự đa nghi của Lê Lợi có thể dễ giải thích nhưng quả là khó tha thứ. Nhưng thôi, đó âu cũng là biểu hiện của sự “nhân vô thập toàn”, nhấn mạnh quá, sợ có tội với cổ nhân.
Mới hay, kẻ cầm quyền chỉ cần một chút thiếu bình tâm là đã có thể gây nên tai hoạ nghiêm trọng. Có ai nghĩ người nổi danh như Trần Nguyên Hãn lại phải chết chìm đâu. Thương thay!
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
- NXB Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét