Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Trầm hương Bảy Núi

Một loại nhựa tích tụ từ loài cây bản địa, cư dân Bảy Núi quen gọi là tóc, nó còn có tên trầm hương hoặc dó bầu. Dân gian chưa rõ ai phát hiện và cách thức lấy trầm như thế nào. Nhưng, dịp rằm, lễ hay tết, người ta thấy các chùa ở núi Tượng đều có “xông” trầm để cúng. Họ trân trọng trầm hương từ thiên nhiên ban tặng, coi như một báu vật trong vùng xưa và nay.

  Gắn với đời sống tâm linh
      Văn khố Sài Gòn ghi, đi theo Đức Bổn sư Ngô Lợi về núi Tượng – Ba Chúc có 407 gia đình (1.990 khẩu) từ Gia Định, Cần Giờ, Cần Đước, Bến Tre, Gò Công, Mỹ Tho… Còn theo Hà Tân Dân biên soạn, Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải trải qua 5 cuộc càn quét lớn, 7 lần pháp nạn trong vòng 12 năm (1876-1888) và 3 lần triệt hạ chùa, miễu, nhà cửa bị đốt phá nên buộc đạo phải giải tán! Có lẽ, đó là thời kỳ cư dân núi Tượng phát hiện ra cây tóc ở núi Dài, bằng sản phẩm thô sơ và chưa ai biết tác dụng mần gì, chủ yếu là “xông” cúng rằm thông lệ, lễ thường niên, tết nhứt trong chùa và ở nhà.
       Cụ  Lê Văn Vịnh (Trưởng gánh, khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc) kể, đầu năm Bính Tuất – 1876, những tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa các tỉnh theo Đức Bổn sư Ngô Lợi về núi Tượng khai sơn phá thạch, trảm thảo dựng lên chùa, miễu và hình thành làng An Định trong thời gian trên – dưới 14 năm (1876-1890). Theo ông Phan Văn Gương (Trưởng gánh, ấp An Thành, xã Lương Phi), cuộc sống bấy giờ rất cơ cực, nhưng mọi người cày sâu cuốc bẫm, bám đất giữ làng và giành lấy bờ cõi biên cương. Với năm tháng, cây tóc núi Dài vẫn tỏa ngát hương trầm, hòa quyện cùng nhịp sống cư dân, chứa đựng biết bao giai thoại ở chốn non cao.
      Về sống tại chợ Ba Chúc từ 1954, cụ Trần Văn Khởi nhớ lại: “Trầm hương hồi đó nhiều lắm, đâu ai biết mần gì. Hễ gần tới tết thì ra chợ thấy bày bán, hỏi mua bó cỡ cườm tay vài đồng bạc, rồi đem vô chùa xông cúng, đôi khi còn xách đi biếu anh em để đón giao thừa”. Lắm lúc, có người bỏ ra cả chỉ vàng để mua 1 khía trầm hương “thứ thiệt” đem vô chùa “xông” cúng, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà mần ăn phát đạt, xóm làng yên vui. “Do nhà cửa thưa thớt, mọi người lo mần ăn, tối ngày ít gặp nhau. Khi có đám tiệc, cúng kiếng, đem trầm ra xông thì không khí lại thấy ấm áp, tăng thêm vẻ trang nghiêm, sự long trọng của cuộc lễ, buổi gặp gỡ là vậy”. – cụ Khởi hồi tưởng. 
      Tính đến rằm tháng mười năm Canh Dần rồi, ông Huỳnh Văn Điểu thọ 74 tuổi, đi “thỉnh” trầm từ năm 18 tuổi và là người hiểu biết khá rành núi Dài. Một lần tiếp chuyện, ông nói, chẳng qua là sự “vô tình” từ một vài người đi núi săn bắn, phát hoang rừng rú trúng cây tóc cổ thụ phảng phất hương thơm, họ lấy dăm đem về đốt thử. Thấy có lý, mới đem vô chùa “xông” để cúng, nhiều người mần riết trở thành thói quen. “Rừng núi Dài hồi đó hoang vu, tóc cổ thụ nhiều, nhưng ít ai biết loại quý hiếm của thiên nhiên ban tặng”. – ông Điểu bảo.
      Theo cùng nhịp sống trong vùng
       Nghe đồn, mạnh ai nấy lên núi vô rừng đục đẻo, chặt phá. Do vậy, có người “bỏ mạng” vì lưỡi búa chém quá đà, rồi gặp phải rắn độc nữa! “Họ không biết cách thỉnh, khiến cây tóc rừng chết cũng nhiều”. – ông Huỳnh Văn Điểu tiếc rẽ. Vì đúng “mắt kiếng” mới là thứ thiệt, còn thịt cây dán cháo vàng nhạt thì thuộc loại vừa tích tụ. Mà, muốn “thỉnh” thứ “mắt kiếng”, phải leo lên độ cao 400 – 500m, tạo vết thương trên cây tóc cho khéo; bỏ đó một hoặc hai năm sau trở lại, đục lần lần sẽ có “ăn” hoài. 
      “Trầm hương quý thiệt, song ít người biết xài, hổng phổ biến rộng rải. Thành thử có trầm, chứ bán hổng được”. – ông Nguyễn Hữu Nghi (Trưởng gánh, khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc) cho hay. Ngoài việc “xông” để cúng, người ta dùng trị đau bụng gió, trúng thực, xông lúc bị mề đai… và khi nhức đầu, cảm lạnh cũng lấy đem xông … Lần hồi, trầm hương trở thành loại thuốc quý của Bảy Núi. Qua các thời kỳ chiến tranh, cuộc sống cư dân núi Tượng luôn gặp tai ươn, cây tóc vùng này cũng bị điêu đứng, bởi “cơn lốc” thị trường và cách khai thác lạc hậu. 
      Những năm 1990, lần đầu tiên các nhà khoa học công bố Bảy Núi phát hiện loài cây quý hiếm này, số lượng khiêm tốn nhưng chất lượng không thua Phú Quốc. Bà Nguyễn Thị Thiện ở miệt sông nước, năm 1976, lên núi Cấm “khẩn” 25 công đất dưới chân vồ Ông Bướm, nghe nói cây tóc quý hiếm và thấy vườn mình có nên bà quyết giữ lại. “Hiện tại, trong vườn có một cây tóc cỡ tám chục năm. Người ta trả một trăm ba chục triệu, mà tui chưa bán”. – bà Thiện khoe. Còn bên vồ Bồ Hong, cây tóc của ông Út Ép khoảng 50 năm, nghe đâu ngã giá hơn 100 triệu đồng.
      Cư  dân ô Hồng Hoàng – núi Dài đồn rằng, vườn anh Trần Văn Thống (khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc) còn một cây tóc hơn 50 năm và 39 cây  khác cỡ 30 năm. Hôm tìm gặp, anh Thống xác nhận: “Hồi đó, đâu biết tóc quý nên vừa bán, vừa đốn bỏ cũng nhiều. Lúc thấy được giá trị, mới dưỡng lại để trái rụng mọc tự nhiên, lớp trồng thêm giáp bốn chục công rừng”. Ngày nay, cư dân núi Dài, núi Tượng, núi Cấm thành thạo việc hái trái và gieo ươm cây tóc để trồng, thậm chí còn bán giống kiếm thêm thu nhập. 
      Dân xứ núi còn nói, Nguyễn Thành Đạt (khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc) là một trong số ít người thành đạt, sở hữu tới 60 công rừng trồng xen cây tóc trên Ô Sìn và Ô Vàng (núi Dài); anh tìm tòi cách cấy tạo trầm, thành công rồi mới chế biến tiếp nhang thơm. Đây là một loại sản phẩm đặc sắc, lần đầu tiên xuất hiện trên vùng Bảy Núi, được làm từ trầm hương của cây tóc bản địa. “Em vừa sang Kampốt mua cái nồi và học thêm cách chưn cất. Hy vọng, cất tinh trầm hương đạt như mong muốn, sẽ giúp bà con xứ núi mình tăng thu nhập để gắn bó với rừng nhiều hơn”. – anh Đạt hớn hở khoe. 
    
                                                                                          Bài và ảnh: P.T.A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét