Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011



Vua Thành Thái mặc triều phục
Các nhà tài trợ kim cương







Cả thành phố Vũng Tàu đang rạo rực chào đón Festival biển đầu tiên sẽ chính thức khai mạc vào ngày 11.4.2006. Nhân dịp này, một phòng trưng bày các tư liệu và di vật của nhà vua yêu nước Thành Thái - người có 12 năm sống trong cảnh “cá chậu chim lồng” ở phố biển cũng được khai trương tại khu di tích Bạch Dinh...


...Cùng với lễ hội bắn súng thần công, việc trưng bày di vật của vua Thành Thái là sự tái hiện lịch sử sống động nhiều ý nghĩa của Festival biển 2006.



Khởi đầu tấn bi kịch gia đình



Vua Tự Đức của nhà Nguyễn lấy trên một trăm bà vợ nhưng không có con nên phải nuôi ba người cháu ruột của mình làm con nuôi là Ưng Chân, Ưng Kỷ và Ưng Đường. Sau khi vua Tự Đức băng hà năm Quí Mùi-1883, để lại di chiếu cho Quốc công Ưng Chân nối ngôi. Đó là vua Dục Đức. Tuy nhiên, mới ngồi trên ngai vàng được ba ngày, vua Dục Đức bị hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết truất phế, tống giam, bức hại đến chết, đem xác vùi trên một ngọn đồi, không một ai được phép đưa tang. Cho đến 20 năm sau, khi người con trai thứ bảy của vua Dục Đức là hoàng tử Bửu Lân ngồi lên ngai vàng thì vua Dục Đức mới được khôi phục đế hiệu, xây lăng tẩm.



Cái chết bi thảm của vua Dục Đức mở đầu cho tấn bi kịch của gia đình ông trong một giai đoạn lịch sử bi hài của một triều đại phong kiến bất lực trước nạn ngoại xâm. Chỉ trong vòng bốn tháng, tiếp sau vua Dục Đức, ngai vàng đẫm máu nhà Nguyễn trải thêm hai đời vua nữa là Hiệp Hoà và Kiến Phúc mà lịch sử gọi là “tứ nguyệt tam vương”. Tấn bi kịch chưa dừng lại. Cái ngai vàng ấy lại liên tục đổi chủ trong một thời gian ngắn thêm bốn đời vua: Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, trong đó có ba vị vua yêu nước bị thực dân Pháp truất phế, bắt đày biệt xứ; chỉ có riêng ông vua bù nhìn Đồng Khánh thì yên vị được ba năm.





Hòang hậu Từ Minh
- mẹ vua Thành Thái
Vua Đồng Khánh đột ngột chết, các con còn quá nhỏ, triều thần thương nghị đưa hoàng tử Bửu Lân con vua Dục Đức lên ngôi. Sử chép rằng, lúc đoàn quan quân với cờ xí uy nghi đến rước, hoàng tử Bửu Lân mới 10 tuổi sợ quá hét lên: “Các ông đến làm chi? Bắt tôi à? Các ông muốn làm chi thì làm nhưng phải đợi ả tôi về đã”. Thân mẫu của Bửu Lân là hoàng hậu Từ Minh đang vắng nhà, nghe tin chạy về, nghẹn ngào khóc van xin: “Lạy các quan! Xin các quan tha cho mẹ con tôi. Tôi không bao giờ quên cái chết vô cùng thê thảm của chồng tôi. Tôi cũng không quên rằng các vua Hiệp Hoà, Kiến Phúc đều đã bị giết và vua Hàm Nghi thì bị đi đày”. Rồi hai mẹ con bà Từ Minh ôm nhau khóc nức nở! Tuy nhiên, cuối cùng cậu bé Bửu Lân cũng buộc phải về triều làm lễ đăng quang, trở thành hoàng đế Thành Thái chỉ ba giờ sau đó.



Mồ côi cha từ năm mới 4 tuổi, sống cơ cực gần gũi với bà con lao động, nhờ đó vua Thành Thái hiểu được nỗi thống khổ của nhân dân và sớm có ý thức về thân phận của ông vua bù nhìn trước cảnh nước mất nhà tan. Chuyện rằng, một lần vua Thành Thái đang đi bộ trên cầu Gia Hội thì gặp phải một người vác tre. Quân lính vội vàng chạy lên định dẹp đường, vua ngăn lại bảo: “Cứ để cho người ta đi! Mình dân không phải là dân, vua không phải là vua, tại sao dẹp người ta làm chi?”. Nhà vua còn thực hiện nhiều chuyến vi hành, tranh thủ các dịp đi săn bắn để hoà nhập, tìm hiểu đời sống dân tình, nhằm thực hiện các dự định cải cách triều chính, canh tân đất nước. Đồng thời không ít lần ông bày tỏ thái độ bất hợp tác với các viên khâm sứ Pháp. Phong độ khác thường của vua Thành Thái so với bậc tiên đế nhu nhược Đồng Khánh đã chiếm được cảm tình, nể trọng của nhân dân.



Vua cha vua con cùng bị đày biệt xứ



Lòng yêu nước thương dân và tinh thần tự cường dân tộc của vua Thành Thái ngày càng làm cho thực dân Pháp lo ngại. Chúng đã tìm cách ngăn cản mọi việc làm của ông. Tệ hại hơn, chúng còn phao tin đồn nhảm rằng nhà vua bị điên để hạ uy tín và dễ bề truất phế. Trong cuốn Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Nxb Thuận Hoá-1997), ông Phạm Khắc Hoè nguyên đổng lý văn phòng vua Bảo Đại cho biết: “Qua đầu năm 1907, Thành Thái định đi Thanh Hoá viếng lăng các chúa ở Triệu Tường rồi tuần du ra Hà Nội, với hai hộ giá đại thần là Lê Trinh và Cao Xuân Dục, nhưng khâm sứ nhất định không đồng ý, lấy cớ là cuộc ngự giá Bắc tuần sẽ tốn kém quá, ngân sách không chịu nổi”. Biết tin, vua Thành Thái rất bất bình, đã phản ứng bằng cách chiêu mộ một số phụ nữ lập đội nữ binh, đích thân nhà vua ngày ngày dạy họ cưỡi ngựa bắn súng. Phản ứng khác thường này bị viên khâm sứ Pháp ở Huế lợi dụng cho rằng vua Thành Thái điên thật, báo cáo lên quan toàn quyền và Bộ thuộc địa để truất phế nhà vua.





Các con của vua Dục Đức (vua Thành Thái ngồi giữa)

Sau khi bàn bạc với Hội đồng thượng thư nhà Nguyễn bù nhìn, ngày 29.7.1907, viên khâm sứ Pháp tuyên bố: “Nhà vua không thành thật cộng tác với chính phủ bảo hộ thì từ nay mọi việc Hội đồng thượng thư cứ tuỳ nghi mà làm”, rồi thông báo cho Thành Thái biết rằng nhà vua đã bị tước quyền hành và cấm rời khỏi nơi ở là điện Cần Thành trong Đại Nội. Đến ngày 3.9.1907, được lệnh của Toà khâm sứ Pháp, các quan đại thần nhà Nguyễn vào điện Cần Thành vái lạy vua Thành Thái và dâng một tờ biểu có chữ ký của tất cả các đại thần (trừ Thượng thư Ngô Đình Khả) cùng dự thảo chiếu thoái vị để nhường ngôi cho con mình là hoàng tử Vĩnh San. Vua Thành Thái cầm lấy đọc lướt bản dự thảo, nhếch mép cười ghi “phê chuẩn” rồi quay lưng bỏ đi.



Sự kiện thoái vị của ông vua yêu nước Thành Thái đã làm cho giới sĩ phu và nhân dân cả nước thêm kính trọng nhà vua, đồng thời càng thêm bất bình hành động ngang ngược của thực dân Pháp cùng sự nhu nhược của giới quan lại “mũ cao áo rộng” bù nhìn nhà Nguyễn. Rõ ràng các vị đại thần ấy chẳng xứng đáng là “bề tôi” của vị vua đầy lòng tự trọng, có tinh thần yêu dân yêu nước, không cam chịu làm con rối để bọn ngoại xâm dễ dàng sai bảo.



Để tránh mối nguy hại tiềm ẩn, ngày 12.9.1907 thực dân Pháp đã ra lệnh áp giải vua Thành Thái vào Sài Gòn, rồi đưa xuống quản thúc ở Cap Saint Jacques (tên của thành phố Vũng Tàu thời Pháp thuộc, hay gọi tắt là Cấp). Trong khi đó ở ngoài Kinh thành Huế, người con trai của ông là hoàng tử Vĩnh San mới 8 tuổi đã bị buộc ngồi lên ngai vàng, trở thành hoàng đế Duy Tân. Cái gien Thành Thái truyền sang Duy Tân, với tính cách và hành động của bậc quân vương đầy lòng tự tôn dân tộc, mong muốn đưa đất nước thoát khỏi ách ngoại bang, nên 12 năm sau-1919 vua Duy cũng bị thực dân Pháp truất phế đưa vào Cap Saint Jacques, để rồi ngay sau đó cả hai cha con cùng bị đày biệt xứ sang tận đảo Réunion của châu Phi.



Bể Cấp bốn bề bủa sóng vây





Bạch Dinh
Trong 12 năm bị quản thúc tại Vũng Tàu, vua Thành Thái ở tại Bạch Dinh, còn gọi Biệt thự trắng nằm triền phía nam núi Lớn, cao gần 30m, sát biển Bãi Trước. Năm 1907, cha con vua Thành Thái – Duy Tân rời Bạch Dinh lên tàu đi lưu đày. Năm 1947, cựu hoàng Thành Thái mới được trở về Tổ quốc, mà nơi ông đặt chân đầu tiên cũng chính là nơi cuối cùng ông đau lòng cất bước ra đi 40 năm trước. Đây cũng là thời khắc mà nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh đã ghi lại bằng nhiều bức ảnh lịch sử.



Về đến đất Cấp - Vũng Tàu trong hoàn cảnh đôi mắt đã bị mù loà, cựu hoàng Thành Thái không nhìn được cảnh vật quê hương, nhưng tâm hồn và trái tim yêu nước vẫn “nghe” vẫn “thấy” được hơi thở của giống nòi còn đớn đau trước tiếng súng tái xâm lược của quân Pháp. Không tuyên ngôn, không diễn văn mà còn mạnh hơn diễn văn, tuyên ngôn, ấy chính là những vần thơ thất ngôn bật lên từ đáy lòng của một ông vua-thi-sĩ, một nhân cách đáng kính:



“Nào ngờ còn có đến hôm nay



Nhìn thấy non sông đất nước này



Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ



Ruột tằm chín khúc mối thù Tây



Thành Xuân muôn dặm mây mù tịt



Bể Cấp bốn bề bủa sóng vây



Tiếng súng đì đùng như khúc nhạc



Dẫu cho sắt đá cũng chau mày”





Vua Thành Thái
trước khi bị truất phế

Thái tử Đan nước Yên bên Trung Hoa ngày xưa bị bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng bắt làm con tin ở nước Tần và hẹn bao giờ ngựa mọc sừng mới cho về. Câu chuyện “sừng ngựa” đã “vận” vào số phận của hai cha con vua Thành Thái - Duy Tân. Tuy nhiên, may mắn hơn người con trai của mình, Thành Thái còn có dịp được “nhìn thấy non sông đất nước này”, dù đằng sau chuyến “qui cố hương” ấy là mưu đồ của Pháp lợi dụng nhà vua vào mục đích chính trị. Có điều, những tên “cao thủ” thực dân đâu ngờ rằng tận đáy lòng con người từng chống đối chúng, từng bị chúng gán ghép là “điên” vẫn “chưa quên câu chuyện cũ”, vẫn canh cánh “mối thù Tây”. Đây là bài thơ đầu tiên của Thành Thái khi về nước và cũng là bài thơ cuối cùng ông viết tại Vũng Tàu, sau đó ông về sống tại Sài Gòn cho đến năm 1954 thì mất, thi hài được đưa ra Huế chôn cất trong lăng vua cha Dục Đức.





Vua Bảo Đại “vấn an” cựu
hoàng Thành Thái ở Sài Gòn

Bể Cấp vẫn còn đó. Bạch Dinh vẫn còn đó...



Ngắm nhìn những di vật, đọc lại những vần thơ rút ruột của vua Thành Thái năm nào, chúng ta càng hiểu hơn, thông cảm hơn, kính trọng hơn tinh thần và nhân cách của một ông vua yêu nước nhưng bất lực trước thời cuộc, trước vận mệnh quốc gia “bốn bề bủa sóng vây”. Cái “chau mày” đau đớn của vua Thành Thái cũng chính là nỗi đớn đau của nhiều bậc tiền nhân một thuở...











Phan Phú Yên (Theo Kiến Thức Ngày Nay 564)





--------------------------------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét