Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Đền thờ ba danh nhân trong một nhà ở Đồng Nai

Hiếm có vị tướng nào mà trong gia đình có 3 người đều được dân chúng dựng đền thờ xem là phúc thần (Tam công) như Nguyễn Tri Phương cùng em trai và con đẻ. Ngoài đền thờ họ Nguyễn Tri ở quê cũ Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), tại đất Đồng Nai cũng có một ngôi đền mà trong đó Đức Ông Nguyễn Tri Phương được xem là thành hoàng của địa phương.
Thành hoàng là danh tướng
Qua cầu Gành thuộc phường Bửu Hoà, Biên Hoà, nhìn về hữu ngạn sông Đồng Nai sẽ thấy khu đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương. Đền thờ quay mặt ra sông, bờ bên kia là Cù lao Phố sầm uất. Khuôn viên đền rộng khoảng 3.000m2, mặt trước đắp nổi 3 chữ Hán: Mỹ Khánh đình (vùng đất này xưa kia thuộc làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên).
Tượng Đức Ông tạc bằng gỗ mít trong chánh điện (trái). Các mảnh giáp trụ còn lại của danh tướng Nguyễn Duy (phải).
Không ai nhớ rõ ngôi đình này được lập từ bao giờ, chỉ biết trước đó là ngôi miếu thờ Thành hoàng bổn cảnh, đến năm 1803 thì được trùng tu thành đình và đến năm 1873 thì đình Mỹ Khánh cũng chính là đền thờ Tam công.
Diện tích của đền là 500m2, với kiến trúc theo lối chữ Công (I) gồm tiền đình, chánh điện và khách xá, mái lợp ngói vảy cá. Đỉnh chánh điện đắp lưỡng long tranh châu và đôi phụng hoàng bằng gốm men xanh nổi tiếng của Trấn Biên xưa. Họ tộc Nguyễn Tri tại TPHCM đã dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương ở trước sân đình. Các bao lam bằng gỗ quý chạm trổ hoa điểu, tứ linh rất công phu.
Trong chánh điện treo nhiều bức hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng hàng trăm năm tuổi cùng đồ bát bửu, giá binh khí, áo mão... Nếu tính từ ngoài sân vào điện thì có đến 3 bức tượng Nguyễn Tri Phương. Trên hương án thờ chánh thần là tượng Đức Ông Nguyễn (cũng là bức tượng chính của đền) được khắc bằng gỗ mít đặt trên ngai chạm hình đầu rồng, sơn son thếp vàng tinh xảo.
Tam vị tôn thần
Bên tả và hữu chánh điện thờ hai vị Tán lý quân vụ Nguyễn Duy và Phò mã Đô uý Nguyễn Lâm. Nguyễn Duy (1809 - 1861) tự là Nhữ Hiền, em trai Nguyễn Tri Phương, thi đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ vào năm 1842.
Năm 1860, ông được phong chức Gia Định quân thứ Tán lý quân vụ, trông coi việc quân sự ở Gia Định cùng Nguyên soái Nguyễn Tri Phương. Ngày 24/2/1861 quân Pháp tấn công Đại đồn Chí Hoà. Nguyễn Duy bị tử trận, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển bị thương nặng, phải rút quân về Biên Hoà đắp đồn luỹ, lập trận tuyến phòng thủ.
Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp cản bằng đá ong để ngăn chặn tàu thuyền địch. Một trong những bức tường cản còn lưu lại tới ngày nay là "cản" ở khúc sông trước đền thờ Nguyễn Tri Phương bây giờ.
Trước khi điều Nguyễn Tri Phương ra giữ thành Hà Nội, vua Tự Đức đã lệnh cho đích thân trông coi việc cải táng, đưa linh cữu Nguyễn Duy về Thừa Thiên an táng. Sau khi cải táng, người dân Biên Hoà đã đắp lại ngôi mộ ở chỗ cũ để thờ vọng. Ngày nay trên bàn thờ Nguyễn Duy có thờ mấy mảnh giáp trụ, chóp mũ chiến đã nám khói súng của ông.
Phò mã Nguyễn Lâm (1844 - 1873) là con trai thứ hai của Nguyễn Tri Phương, được vua Tự Đức gả em gái là công chúa Đồng Xuân (con vua Thiệu Trị) và phong cho chức Phò mã Đô úy. Ngày 20.11.1873, Pháp tấn công thành Hà Nội. Nguyễn Lâm được cha giao chỉ huy giữ cửa đông nam bị trúng đạn tử trận, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, kiên quyết không cho quân Pháp cứu chữa rồi tuyệt thực đến chết 1 tháng sau đó.
Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm và cho lập đền thờ Trung hiếu từ tại quê nhà. Tại Đồng Nai, người dân cũng tạc tượng thờ "Tam vị tôn thần" và đình Mỹ Khánh trở thành đền thờ Tam công từ đó đến nay.
Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được xếp loại Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. Hàng năm tổ chức lễ Kỳ yên long trọng vào hai ngày 16, 17 tháng 10 Âm lịch với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt.
K.D (st)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét