Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Tìm lại dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo


SGTT Xuân 2012 - Người đàn ông này sẵn sàng không đi nhà hàng, bớt mua sắm, tiết kiệm từng đồng euro để tìm mua, trân trọng sưu tập hàng ngàn tấm bưu thiếp (postcard) về Việt Nam.
Nỗi ám ảnh mang tên… Việt Nam
Ông là Philippe Chaplain, Chủ tịch Liên đoàn Di sản quốc gia Pháp
Làm chủ một trung tâm vật lý trị liệu về sức khoẻ, luôn tràn đầy niềm cảm hứng để sáng tác âm nhạc, cuộc đời của ông tưởng như đã an bài, ổn định. Thế nhưng không, một thay đổi lớn đến với ông khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào năm 2002.
Ông nói: “So với nhiều người, tôi đến Việt Nam hơi trễ. Lần đầu tiên bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất ồn ào và náo động, tôi tưởng như mình đang lạc vào một thế giới rất khác lạ so với cuộc sống cũ của tôi. Tôi cũng còn nhớ ấn tượng của tôi về người chạy xe ôm ngày ấy với gương mặt đầy mồ hôi trong nắng nhưng miệng vẫn mỉm cười”.
Cùng người quen dạo bước trên đường phố Sài Gòn, trong lòng Philippe Chaplain bỗng dấy lên một cảm giác nôn nao: vừa quen, vừa lạ về một đất nước nhỏ bé đang đứng trước thời khắc chuyển giao giữa cái mới và cái cũ, đang đứng trước quá khứ và tương lai. Ngắm nhìn những đường phố, những công trình kiến trúc mang phong cách thuộc địa, trong đầu ông nảy sinh ra biết bao câu hỏi.
Trở về Pháp với nỗi ám ảnh Việt Nam, ông bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam qua hội của những người yêu Việt Nam tại Pháp, qua những cựu chiến binh từng tham chiến ở đấy và ông đã tìm được câu trả lời khi được một người quen cho xem tấm postcard chụp ảnh cuộc sống Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. “Thời đó, mọi người có thói quen liên lạc với nhau bằng những tấm bưu thiếp. Nhìn tấm postcard, tôi thấy mỗi bức ảnh đen trắng là một tác phẩm nghệ thuật. Người chụp những bức ảnh ấy rất chuyên nghiệp và họ chụp phong cảnh và con người với một tình cảm yêu mến và trân trọng văn hoá Việt Nam”.
Và ông bắt tay vào sưu tầm những tấm postcard về Việt Nam. Ông lục lạo mọi tiệm sách cũ bên bờ sông Seine. Trao đổi với những người yêu Việt Nam, đăng thông tin mua bán trên mạng internet. Từng ngày, từng ngày một, ông gom nhặt từng tấm bưu thiếp. Càng tìm kiếm, ông càng thấy đam mê. Hầu hết những tấm bưu thiếp mà ông mua được đều ở ngoài Việt Nam, có nhiều tấm đến từ những đất nước rất xa xôi. Mỗi tấm bưu thiếp không chỉ cho ông hiểu thêm nét đẹp về một vùng đất của Việt Nam, về cuộc sống, con người, văn hoá Việt Nam mà còn là những câu chuyện rất riêng tư, những khoảnh khắc, những kỷ niệm rất quý giá của mỗi người từng lưu giữ nó. Và tất cả đều có một điểm chung, họ đều yêu quý Việt Nam và mong muốn có một lần được trở lại.
Ông kể: “Trong một lần điều trị cho một bệnh nhân đã 92 tuổi, tình cờ được xem bộ sưu tập của tôi, ông cụ ấy đã nhận ra mình chính là chàng lính trẻ trong một tấm bưu thiếp ở khách sạn Continental Sài Gòn những năm 1930… Thật là kỳ diệu…”
Không chỉ đam mê sưu tầm về Việt Nam, ông còn thuyết phục được cả gia đình lớn của mình ủng hộ. Cả nhà sẵn sàng không đi ăn cơm tiệm, bớt mua sắm để dành tiền mua postcard. “Một bữa ăn tiệm mỗi người mất 40 euro, số tiền ấy tôi mua được hai tấm bưu thiếp”.
“Tôi có cảm giác mình thuộc về nơi này”
Sau chuyến đi đầu tiên, ông đã trở lại Việt Nam đến 40 lần. Mọi thành viên trong gia đình ông đều từng đến Việt Nam. Từ những tấm postcard, ông tìm đến từng con đường, từng ngôi nhà, từng bến sông… để cùng trở về quá khứ, để tìm cho nó một câu chuyện đẹp. Ông chia sẻ: “Tôi có cảm giác như mình thuộc về nơi này. Chúng ta đã có một gia đình cùng nhau trong quá khứ, trong lịch sử”.
Trò chuyện với ông ở tiền sảnh của khách sạn Grand vào một buổi chiều cuối năm 2011, ông say sưa đưa tôi về với quá khứ của vùng đất Sài Gòn dấu yêu xưa. Ông kể về từng bức ảnh với sự hiểu biết sâu sắc: Đây là Toà thị chính những năm đầu thế kỷ 20, gần đó là con đường Catinat rồi nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố cùng những gánh hàng rong, người bán da cọp xuống phố… Kia là tấm bưu thiếp xe hơi cổ ở Sài Gòn đóng dấu bưu điện năm 1900, là gánh hủ tíu, là những người phụ nữ lao động bình dân, rồi đến hình ban nhạc tài tử thuở ban sơ… Dù ở những năm tháng khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau, nhưng những tấm ảnh bưu thiếp đều thể hiện vẻ đẹp chân thực của một vùng đất, nhịp điệu cuộc sống, bản sắc văn hoá… được thăng hoa qua ống kính tài hoa của người chụp ảnh. Những năm tháng tưởng như đã rất xa, nhưng giờ đây những tấm ảnh đem lại cho ta một cảm xúc rất trọn vẹn về những khoảnh khắc tuyệt vời.
Cẩn thận mở từng trang giấy, ông khoe với tôi vừa mua được một tấm bản đồ Sài Gòn năm 1953 qua mạng internet với giá 35 euro ngay trước ngày sang Việt Nam lần này. Ông thực sự thích thú vì ở mặt sau của bản đồ ghi rõ tên những con đường xưa, những trang quảng cáo về các nhãn hàng, nhà may, thợ hớt tóc… cách đây hơn nửa thế kỷ. Với ông, tất cả đều là những chi tiết thú vị cho câu chuyện Việt Nam của ông.
Trước khi hoàn thành bộ sưu tập postcard về Sài Gòn xưa, ông đã đạt kỷ lục với bộ sưu tập ảnh về Hà Nội xưa và giành được nhiều giải thưởng tìm hiểu về Hà Nội. Năm 2009, lần đầu tiên cuốn sách ảnh về Sài Gòn xưa của ông đã ra mắt và được tái bản vào năm 2010. Ông chia sẻ với tôi rằng ông đang gấp rút hoàn thành bản thảo về lịch sử của khách sạn Grand Sài Gòn với nhiều chi tiết rất thú vị như: khách sạn được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1928 và đón khách trên chuyến bay đầu tiên của Air France đến
Sài Gòn vào năm 1930, ông còn tìm lại được các postcard, những bài viết của phóng viên, các nhân viên quản lý đầu tiên, những trang quảng cáo đầu tiên của khách sạn… tất cả đều là những khoảnh khắc đáng nhớ.
Trong quá trình sưu tập postcard cũng giúp ông tìm được nhiều tư liệu về những tác giả nổi tiếng chụp ảnh Việt Nam những năm đầu thế kỷ, và ông dự kiến sẽ ra mắt cuốn sách về các nhiếp ảnh gia này cùng 2.000 bức ảnh nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp vào năm 2013. Ông cũng trao đổi với tôi dự định in lại 12 mẫu postcard về Sài Gòn xưa để giúp du khách thêm hiểu và yêu mến vùng đất này…
Ông chia tay tôi với một lời chia sẻ rất chân tình: Các bạn hãy gìn giữ quá khứ để có thể tự tin bước tiếp trong hiện tại. Ông cười nhẹ nhõm: Và các bạn đừng cảm ơn tôi, tôi làm việc này một phần còn vì chính bản thân tôi.
Tôi đã được trải nghiệm một phần đời quý giá ở nơi đây – một mảnh đất – trong cả quá khứ và hiện tại luôn đầm ấm, hiền hoà và thân thiện.
VIỆT HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét