Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Bánh phồng xứ Lạng vào mùa

Bánh phồng thường được làm vào những tháng cuối năm, như một món quà Tết ý nghĩa của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn.
Bánh phồng được người dân gọi theo tiếng địa phương là "pẻng khua", nghĩa là “bánh cười”. Đây là món lương khô làm bằng gạo nếp ngâm với tro của cây Trà Dù và một số loại cây khác mọc trên rừng.
 
Người làm bánh phải giã thủ công thật mịn nếp, sau đó cho một bát rượu trắng pha khoai môn xay vào giã tiếp để tạo độ phồng cho bánh.
Việc giã bột được thực hiện đến khi nào khối bột nếp dai, dẻo, dính vào chày, nhấc chày lên mà bột không đứt mới đạt.
 
Ông Hoàng Văn Quyết (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) cho biết đây là nghề do cha ông truyền lại, trước đây chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình, về sau có người đặt mua thì làm thêm để bán ra ngoài.

 
Sau khi giã, bột được cán thành những miếng tròn, mỏng để nguội.
Khoảng từ tháng 10 trở đi, người dân Tràng Định mới làm bánh phồng vì trước đó thời tiết quá nóng, bánh sẽ khô nhanh không có độ dẻo. 
 
Công đoạn tiếp theo sau khi cán bột là gấp đôi bánh rồi cắt thành từng sợi to khoảng 2 đốt ngón tay.
 
Các sợi bánh được cắt thành những miếng nhỏ dài khoảng một ngón tay.
Theo ông Quyết, mỗi ngày nhà ông làm 2 mẻ bánh phồng, vì các công đoạn cần làm tỉ mỉ nên tốn nhiều thời gian. Các hộ làm bánh đều phải dậy từ 3h sáng để kịp nắng lên đem phơi.
 
Bánh phồng được xếp đều, phơi trên những mành tre chờ nắng lên để chống mốc.
 
Mỗi mẻ bánh phải phơi 3 nắng mới đủ khô. Chị Nông Thị Chiến (thị trấn Thất Khê, Tràng Định) cho hay, khi bánh khô sẽ đóng túi bán với giá 80.000 đồng/kg.
 
Thợ làm bánh cho hay, bánh phồng muốn ăn ngon phải chao trong chảo ngập mỡ, sau đó vớt bánh ra ngào với đường đã được thắng lên sẵn. Bánh đạt chuẩn là bên trong không bị rỗng mà có mạng xốp như xơ mướp. 
 
Hồng Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét