Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Thơm hương lá nếp

Ngoài Bắc gọi là lá nếp (lá cơm nếp), trong Nam gọi là lá dứa, thứ lá phiến dài, láng bóng, được cả những đầu bếp Trung Quốc, Malaysia ưa chuộng để chế biến nhiều món ăn ngon còn được biết đến với cái tên pandan.
Lá cơm nếp để pha nước, làm bánh, nấu chè… không chỉ cho màu sắc bắt mắt mà còn mang tới hương thơm không thể nhầm lẫn cho món ăn người Việt.
Cái tên lá nếp bắt nguồn từ hương thơm của thứ lá dân dã này. Vò lá ra tay, không có mùi gì đặc trưng, nhưng khi được chế biến, món ăn với lá nếp sẽ thơm hương cơm nếp chín.
Cơm tẻ, trước khi nấu, cho trên mặt gạo vài ba lá nếp rửa sạch, cắt khúc. Nồi cơm khi sôi, ai đi ngang ngõ tưởng trong bếp đang đồ chõ xôi nếp. Bát cơm tẻ nghi ngút khói càng ngon hơn với những món ăn quen.
  Lá nếp vườn nhà.
Lá nếp vườn nhà.
Chè bưởi người An Giang bán ở các thành phố, bên bàn chè, bao giờ chủ quán cũng đặt bình nước nấu lá cơm nếp. Chủ quán tiết lộ, khi nấu nước, chỉ cần bỏ vào ấm vài đoạn lá nếp xanh. Ly nước trong tay vẫn trong, mà hương thơm từ ly nước càng thêm kích thích vị giác thực khách.
Lá cơm nếp rất hay được các chị, các mẹ chế biến thành các món chè, món bánh, bởi không chỉ giúp món ăn thơm phức, thứ nước cốt xanh của lá khi xay ra, sẽ làm món ăn thêm mát mắt với màu xanh non.
Lá nếp xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt, trộn vào bột nếp với đường, viên thêm nhân đậu xanh, dừa sợi, viên bánh trôi dẻo thơm không chỉ có màu trắng đơn điệu. Nước cốt nếp xóc đều với gạo nếp trước khi thổi xôi, đĩa xôi chín đơm ra nhìn đã muốn ăn vì màu xanh ngọc như màu cốm. Làm xôi không có lá khúc, có thể thay bằng nước cốt lá nếp, bánh khúc thơm đậm đà, màu sắc cũng tuyệt vời không kém.
Bánh bông lan xanh ngọc từ lá nếp.
Bánh bông lan xanh ngọc từ lá nếp.
Thứ nước cốt độc đáo từ những phiến lá dân dã này còn được nhồi với bột mì, bột nở, men, trứng, sữa… làm nên món bánh ga tô, bánh bông lan lá nếp tuyệt ngon. Và, có bà nội trợ nào không thích thạch rau câu lá nếp xanh trong, mát lạnh vào mùa hè?
Ngày nay đến các nhà hàng sang trọng, người ta còn thấy bóng dáng lá nếp trong những món nướng thơm lừng như thịt heo, thịt gà quấn lá nếp nướng.
Lá nếp dễ trồng, chỉ cần giâm một cây nếp nhỏ ở nơi đất ẩm vườn nhà, thứ cây sống thành bụi này sẽ chẳng mấy chốc đâm nhánh, xanh tươi. Lá mọc hai bên thân, muốn lấy, chỉ cần tách dễ dàng từng lá.
Với nhiều kiểu chế biến, lá cơm nếp trở thành một thứ lá thơm, làm phong phú hơn cuộc sống với những món ngon khó quên, đậm đà hương sắc quê hương!
Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét