Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Đậm đà món cá lóc bánh canh chan nước cốt dừa

Muốn nấu món cá lóc bánh canh để ăn trưa thì ngay từ sáng sớm, người ta xúc lon gạo lúa mùa đem ngâm. Chừng nửa buổi gạo mềm, cho gạo vào cối xay thật mịn. Bột xay xong đem bồng lại rồi dằn cho khô. Hái trái dừa khô nạo lấy cơm, vắt nước cốt để riêng. Chế thêm ít nước âm ấm vào xác dừa vắt lại lần sau, dân gian gọi là nước dão.
Cá lóc đem về đánh vảy, cạo sạch nhớt. Khi mổ bụng nhớ phải chừa lại bộ đồ lòng. Đây là thứ ngon nhất của con cá, khi ăn, người ta thường dành cho người lớn tuổi, như vậy mới gọi là “kính lão đắc thọ”.
Dam da mon ca loc banh canh chan nuoc cot dua
Xắt bánh canh (ảnh tác giả)
Bột được cán mỏng ra trên tấm thớt rồi dùng dao bén xắt thành những sợi nhỏ. Có người dùng tay đắp bột quanh cái chai thủy tinh, sau đó cũng dùng dao bén để xắt thành những con bánh. Người kĩ sẽ bắc nồi nước sôi, trụng con bánh qua một lần rồi bỏ nước. Làm như vậy, bánh sẽ bớt nhựa, người thích ăn đặc thì không cần thao tác này.
 
Bắc nồi nước dão lên cho sôi, thả cá vào, chờ sôi lại, cá chín thì vớt để riêng ra dĩa. Thả những con bánh canh vào. Sau khi nồi nước sôi, bột chín, thì nêm nước mắm, bột ngọt, hành lá, ngò gai, tiêu… rồi nhắc xuống.

Múc bánh canh ra tô, chan thêm ít nước cốt dừa, rắc thêm ít tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn lên mặt, dọn lên cùng với dĩa cá lóc và chén nước mắm trong cùng mấy trái ớt hiểm.
Tô canh nóng bốc khói vừa ngọt, vừa béo khiến cho người thưởng thức ngon miệng lại còn bồi bổ năng lượng cho người dân quê tiếp tục công việc đồng áng. Cũng có khi bên nồi bánh canh cá lóc, người ta cùng nhau mời mấy chung rượu đế nghĩa tình. Nét sinh hoạt văn hóa miền quê thật giản dị mà đậm đà tha thiết tình nghĩa biết bao.
Hai Miệt Vườn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét