Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Bí mật phép lạ vua Mây lẫy lừng trong sử Việt

(Kiến Thức) - Là 1 trong 12 sứ quân, tham gia trận Bạch Đằng đánh bại quân Nam Hán, Phạm Bạch Hổ không chỉ phò nhà Ngô, giúp nhà Đinh dẹp loạn mà ông còn là “hổ trắng” lừng lẫy.

Là 1 trong 12 sứ quân, tham gia trận Bạch Đằng đánh bại quân Nam Hán, Phạm Bạch Hổ không chỉ phò nhà Ngô, giúp nhà Đinh dẹp loạn mà ông còn là “hổ trắng” lừng lẫy. Khi qua đời, ông hóa ra mây ra gió giúp vua đánh giặc rồi được phong là Đằng Vương, tức vua Mây
Nhưng lịch sử ít ghi chép và cũng ít người biết về giai thoại trước khi Phạm Bạch Hổ ra đời. Khi qua đời, ông được nhân dân phong thánh đúng như câu thơ: Thương dân, dân lập đền thờ. Và hiện nay, ở TP Hưng Yên vẫn còn đó ngôi đền thiêng phố Hiến gọi là đền Mây.
Bi mat phep la vua May lay lung trong su Viet
Đền Mây được xây dựng từ thời nhà Đinh. 
Sinh thành từ giấc mơ hổ trắng
Bà Bùi Thị Phấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên cho biết, từ xa xưa địa phương đã lưu truyền câu chuyện ở trang Ngọc Đường, phủ Khoái Châu có một người hiền nữ, tên gọi Doanh Nương. Nàng sinh trưởng từ một gia đình đã bao đời tu nhân tích đức. Sắc đẹp tựa ngọc, mặt hoa da phấn của nàng như người ở cung nga. Doanh Nương thường hay du ngoạn khắp chốn Đông - Đoài. 
Năm 24 tuổi, gót hồng nàng nhẹ bước qua đất Đằng Châu, phủ Kim Động, bỗng trời đất nổi cơn phong ba bão táp, sấm chớp giật liên hồi. Doanh Nương sợ hãi chạy vào một ngôi miếu cổ thờ Sơn Thần trú chân. Bỗng từ thượng điện, một con hổ trắng to lớn nhảy xuống phủ kín người, nàng bàng hoàng ngất lịm.
Tỉnh dậy, thấy người nhẹ nhõm, bước chân về nhà như có gió đẩy, mây đưa. Sau đó, Doanh Nương có thai rồi sinh một người con trai khôi ngôi, tuấn tú đặt tên là Phạm Bạch Hổ, tự là Phạm Phòng Át.
Phạm Bạch Hổ thông minh khác lạ. Mới bảy tuổi đã thông thạo văn chương. Năm mười sáu tuổi văn, võ song toàn, tài cao trí lớn. Đến năm mười tám tuổi, chàng thoả chí vẫy vùng thì người mẹ lâm bệnh quy tiên. Bấy giờ giặc Nam Hán cử tướng Hoằng Thao đem đại binh sang xâm chiếm nước ta. 
Ngô Vương Quyền hạ chiếu tìm người tài ra giúp nước. Phạm Phòng Át được phong làm Tiền đạo tướng quân, chỉ huy sứ, lĩnh hai ngàn quân đi đánh giặc. Ông dùng kế đóng cọc nhọn xuống sông Bạch Đằng giết chết tướng Hoằng Thao, góp sức làm nên chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng.
Ngô Quyền làm vua được 6 năm rồi mất. Ngô triều suy thoái, đất nước nguy cơ không giữ nổi tự chủ. Mười hai sứ quân đứng lên, mỗi người hùng cứ một nơi. Phạm Bạch Hổ trấn giữ phủ Khoái Châu, tuần phòng lên tới cửa sông Hát. Sau này, Phạm Bạch Hổ cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thành trọng thần nhà Đinh. 
Một ngày kia, khi qua địa phận làng Phương Mạc, Phạm Bạch Hổ bỗng hoá thành đám mây vàng bay về trời. Dân địa phương vô cùng nhớ ơn thương tiếc, lập đền thờ, tôn ông làm thành hoàng làng. Vua Lê Đại Hành sau này phong mỹ tự: “Bản cảnh thành hoàng Phạm Lệnh Công hiển ứng đại vương”. 
Lê Thái Tổ phong: “Phổ tế cương nghị anh linh hùng kiệt đại vương” và sắc chỉ cho dân trùng tu miếu điện, hương khói thờ phụng muôn đời. Ngôi đình cổ bề thế thờ người con là bậc phúc thần. Bên cạnh là đền thờ Thánh Mẫu Doanh Nương. Dân thôn quen gọi là Miếu Bà.
Bi mat phep la vua May lay lung trong su Viet-Hinh-2
 Đền thờ tướng Phạm Bạch Hổ, người có công đánh quân Nam Hán.
Phép lạ vua Mây
Bà Phấn lần giở những tư liệu cổ đã cũ kỹ lắm mà xem lại các ghi chép để lại. Tất cả đều cho rằng đền Mây được xây dựng từ thời nhà Đinh với những câu chuyện linh thiêng. Sách “Việt điện u linh” có nói đến thần thổ địa ở Đằng Châu khi vua Lê Long Đĩnh chưa lên ngôi, có thực ấp ở đây, thường bơi thuyền dạo chơi. 
Một hôm thuyền đang trên sông bỗng mây kéo đến tối sầm, gió thổi rất mạnh, mưa to sắp đổ xuống. Long Đĩnh tìm nơi trú ẩn, thấy trên bờ sông có đền, mới hỏi người làng: “Đền thờ thần gì?”, người làng thưa: “Đây là đền thờ thần thổ địa”, Long Đĩnh hỏi: “Có thiêng không?”, dân thưa rằng: “Đây là chỗ dựa của một châu, lễ cầu mưa hay cầu tạnh đều rất ứng”. 
Long Đĩnh bèn nói to lên: “Nếu thần khiến được mưa gió thì nay thử khiến cho bên này sông tạnh, bên kia sông mưa. Thế mới thật là thiêng”. Nói xong quả nhiên nửa sông bên kia mưa rất to, nửa sông bên này chỉ có gió mát. Long Đĩnh không bị ướt, lấy làm lạ mới sai tu bổ đền thờ.
Lại có câu chuyện kể rằng, thời vua Lý Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành lần thứ 2, qua đền Đằng Châu mới dừng nghỉ ngơi và cho người sắm sửa lễ vật mang vào cầu thần phù giúp thắng trận. Đêm đó, thần báo mộng cho vua hãy tiến quân.
Tuy nhiên, lúc đó quân nhà Lý dùng thuyền xuôi phương Nam nhưng gặp gió thổi ngược. Thần liền hóa thành con chim đậu trên cột buồm. Trời đang gió Nam chuyển thành gió Bắc. Đại quân chiến thuyền thuận gió nên tiến rất nhanh đến cửa Tư Dung.
Khi đó, quân Chiêm Thành đã bày trận sẵn sàng giáp chiến. Tình thế bất lợi cho quân nhà Lý vì phải có thời gian lên bờ. Bỗng trên mặt nước xuất hiện từng đàn cá nổi lên tạo thành con đường cho quân lính đổ bộ.
Quân Chiêm xông đến, chưa kịp giao tranh thì một cơn giông nổi lên, cát bụi cuốn vào trận địa. Quân Chiêm hoảng hồn, rối loạn, quân Lý nhân thế phá trận đánh bại quân Chiêm Thành.
Khi ban sư, ca khúc khải hoàn trở về Thăng Long. Lý Thái Tông đã cho ghi vào điển tích chuyện vua Mây và ban tám chữ: “Điểu tích truyền binh/Ngư đầu hộ độ”.
Bi mat phep la vua May lay lung trong su Viet-Hinh-3
Bia đá cổ trong đền Mây. 
Di sản để lại 
Cho đến nay, sau rất nhiều hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, Mây là ngôi đền có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc còn lưu giữ trọn vẹn với 27 pho tượng cổ thời Hậu Lê. Nhìn vào các pho tượng đó, người thời nay thấy được sự sáng tạo không mệt mỏi của những nghệ nhân cùng giá trị mỹ thuật của từng thời kỳ lịch sử. 
Toà tiền tế với 3 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Chính giữa toà tiền tế treo bức đại tự khảm trai có ghi hàng chữ “Thái Bình vương Phủ”. Dân gian coi vua Mây là vua của khu vực Thái Bình xưa. Các gian bên treo các bức hoành phi ghi chữ: “Phúc dẫn Đằng lưu”, tức sông Đằng dẫn phúc; “Anh phi Châu quận”, tức bậc anh tài ở quận Châu và “Bán giang lĩnh tích”, dịch là nửa dòng sông còn in dấu tích.
Ngoài ra, trong đền còn có các bức cửa võng, đại tự, hoành phi, nhang án, ngai kiệu mang nhiều giá trị lịch sử vô cùng quý hiếm. Đặc biệt là bức trâm của TS Chu Mạnh Trinh ca ngợi sự linh thiêng của ngôi đền. Những hiện vật đó cho đến ngày nay được coi là những báu vật vô giá.
Trước đền Mây, cạnh Miếu Bà là cây đa cổ thụ. Tương truyền cây đa có từ thời mới lập đền. Cây cổ thụ bây giờ chỉ là một nhánh nhỏ còn sót lại mà thôi. Cây đa xưa vươn bóng tỏa rợp một vùng rộng lớn, trùm lên cả bến Lảnh, đò Mây. Thế nên dân gian có câu: Trăm cảnh nghìn cảnh, không bằng bến Lảnh, đò Mây.
“Ðền Mây thuộc quần thể phố Hiến đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đền còn lưu giữ 23 bản sắc phong của các vua triều Lê - Nguyễn. Trong sáu tấm bia đá, giá trị nhất là bia của Tuần phủ Phạm Văn Toán, người đã từng cùng Thống chế Hoàng Kế Viêm đánh Pháp ở trận Cầu Giấy, giết chết tướng F.Garnie”.
Bà Bùi Thị Phấn (Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên)
Thái Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét