Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Về xóm Trám dự lễ 'Đụ Đị'

Nửa đêm, cán bộ xã dặn chúng tôi: “Sau lễ mật là lễ 'tháo khoán'. Lúc này, các đôi trai gái được “tự do” mọi chuyện. Bởi vậy, trong 15 phút ấy, nếu có ai “nghịch” hay làm gì cậu, cũng không được từ chối. Đó là '15 phút đứng trên mọi khuôn phép' ”.

Lễ giáo gì kì quặc vậy?" - Tôi còn ngơ ngác chưa hiểu sao, nhưng tò mò thì vô cùng lớn, nghe bà con đồn thổi chuyện về Đêm Đụ Đị với những nghi thức phồn thực được lưu giữ kĩ càng đã lâu, ai ngờ lại được đứng đây giữa miếu Trò để đón chờ Hội "Linh tinh tình phộc" đình đám trong tiết xuân mơn mởn thế này.
Sân miếu rộn rã ca múa cổ truyền, chật ních người xem
Người ta vẫn truyền tai nhau rằng: Cách Đền Hùng khoảng 5km về phía Đông Nam và nằm bên bờ tả ngạn sông Thao, xưa kia Tứ Xã là vùng đồng trũng ngập nước, thỉnh thoảng nổi lên những đồi gò là chỗ ở của người Việt cổ, lúa chỉ làm một vụ, quanh năm sinh sống bằng nghề vó bè. Xưa, bên ngòi nước trong khu rừng trám có một ngôi miếu cổ linh thiêng. Cứ hai hoặc bốn năm một lần - các năm chẵn, vào đầu Xuân, dân làng ở đây lại mở lễ hội diễn nhiều tích trò, nên gọi là miếu Trò, và vì nằm trong khu rừng trám nên còn có tên khác là miếu Trò Trám. Xóm ở đó cũng được gọi tên xóm Trám, hay phường Trám.
Ai ơi chớ tưởng tôi già, tôi còn gánh được dăm ba cái... lờ! (trò Trám)
Thực ra Trò Trám chỉ là một phần, nhưng là phần hấp dẫn và vui nhất của Lễ hội Tứ Xã kéo dài trong 3 ngày (10 đến 12 tháng Giêng). Diễn ra vào nửa đêm ngày 11 và kéo dài tới rạng sáng ngày 12, Trò Trám diễn ra tại miếu Trò (miếu Đụ Đị - cái tên cũng đến là 'gợi cảm') gồm: Lễ mật, hay lễ phồn thực cầu cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở; Lễ rước lúa thần - lễ cầu mùa, cầu no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; và Trò Trám: Trò trình nghề tứ dân chi nghiệp với bốn nghề chính trong dân gian là sĩ, nông, công, thương.
Sau các nghi lễ để 'thần linh chứng giám, cụ chủ lễ - một cao niên uy tín trong làng - thận trọng đem hộp son chứa 'linh vật' được cất giấu trên bàn thờ xuống
Đôi vợ chồng được làng cử làm lễ mật đang sửa soạn áo quần cho nghi lễ
Trò Trám kéo về Tứ Xã du khách thập phương chính bởi cái nghi lễ "tế nhị", mô tả cảnh giao hợp hết sức phồn thực, khác hẳn tư duy phổ thông của người Việt. Đúng 12 giờ đêm, đèn đuốc tắt phụt, mọi người nín thở, vị trưởng lão cẩn trọng mở chiếc hòm thiêng, mở các lớp khăn điều lấy ra bộ dùi gỗ tả thực hình dương vật sơn son (Nõ) với chiếc mảng gỗ đỏ tạo hình âm vật (Nường), kính cẩn trao Nõ cho người nam ở trần chít khăn và Nường cho người nữ yếm thắm. Khẩu lệnh “Linh tinh tình… Phộc” lặp lại 3 lần, sau mỗi lần, trong bóng tối, người nam dùng Nõ đâm “phộc” vào Nường. Nếu cả ba lần Nõ đâm trúng Nường thì năm đó thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu… Mỗi lần Nõ đâm trúng Nường, chiêng trống nổi lên, dân làng đứng quanh miếu reo hò vui vẻ.
Cận cảnh sinh thực Nõ, Nường
"phộc!" - tiếng va vào nhau của cặp sinh khí được mọi người hò reo tán thưởng
"Tình phộc" xưa diễn ra trong bóng tối của Lễ Mật, nay dưới ánh sáng flash của rừng ống kính báo chí và những kẻ tò mò, như chúng tôi chẳng hạn, âu cũng khó mà tránh. Sau màn “Linh tinh tình… Phộc” này, đến màn “Tháo khoán”, trai gái và dân làng đổ ra khu vườn đằng sau miếu thờ thoải mái ghẹo nhau, “tự do yêu đương”, thỏa sức làm “chuyện trai gái” nếu muốn. Theo lệ làng, sau đêm “Tháo khoán”, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình với các cụ là có thể về ở với nhau làm vợ chồng. Nếu 9 tháng 10 ngày sau sinh con, đứa trẻ sinh ra từ đêm "tháo khoán" ấy được coi là “trời ban”, không những không bị chê cười mà được xem như điềm may và được cả làng cùng nhau nuôi dưỡng.
Sau nghi lễ, 'linh vật' lại được cất giữ trong hòm son, còn dân làng thì "tháo khoán"
Đương nhiên đó là cái chuyện ngày xưa, nó khác với bây giờ bởi những vấn đề sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cần được kiểm soát hơn cho phù hợp tiến trình phát triển của kinh tế xã hội. Trai gái trong cuộc sống cũng đã có nhiều điều kiện gặp gỡ, tình tự hơn. Vì vậy tục “tháo khoán” gần như không còn nhu cầu kéo dài, chỉ là hò reo vui vẻ, nam nữ trả chiếu ngoài sân miếu ăn lộc thờ và nói chuyện với nhau. Tuy nhiên tín ngưỡng phồn thực, thờ 2 sinh thực cơ quan sinh sản, hoạt động tính giao vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết cầu mong sự phồn vinh phát triển mùa màng, muôn loài và con người của cư dân nông nghiệp. Thế mới biết, hóa ra ông cha ta vẫn có cái nhìn với những lẽ tự nhiên hết sức chân tình và tân tiến lắm chứ.
Giêng hai đã chuẩn bị sang mùa trổ nụ đơm bông, gần xa nô nức trẩy hội, người ta lại háo hức đón chờ cái lễ Đụ Đị như một cách tụng ca tình yêu, lứa đôi, âm dương hòa thuận sinh sôi trong hơi Xuân tràn đầy trời đất.
Nguồn: Maskonline.vn/Depplus.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét