Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Những món cá lóc “danh bất hư truyền“

Cá lóc có nhiều loại khác nhau, nhưng phổ biến nhất ở miền Nam có tên khoa học là Ophiocephalus Striatus. Loại này sống ở môi trường nước ngọt như sông, suối, ao, hồ, lung, bào. Hiện nay, nhiều người còn nuôi cá lóc trong ao hồ nhằm bổ sung cho nguồn cá thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm.
Theo ẩm thực dưỡng sinh, thịt cá lóc ngon nhất và bổ nhất là vào thời điểm mùa hạ. Đối với người sành điệu ẩm thực, ngoài thịt cá ra, ruột cá, mật cá và trứng cá lóc còn là những bộ phận ngon nhất được dân nhậu gọi là món “tuyệt cú mèo”.
Nhung mon ca loc “danh bat hu truyen“
Cá lóc hấp bầu.      
Chính vì đặc điểm ngon, bổ, lành nên mọi người đã xếp loại cá lóc vào hàng đặc sản của vùng đất phương Nam, là món ngon có đẳng cấp.
Cá lóc có thể chế biến gần 20 món ăn hấp dẫn, chủ yếu là các món kho, luộc, hấp, nướng, nấu canh. Gần đây, nhiều đầu bếp tài hoa đã sáng tạo thêm nhiều món ngon độc đáo, mỗi món đều có mùi vị đặc trưng, giúp cho người ăn cảm thấy lạ miệng và dễ kích thích vị giác. Cụ thể như món cá lóc hấp bầu, hấp bồn bồn, cá lóc nấu cà ri, cá lóc nướng trui, cá lóc kho khế, cá lóc kho mận... 
         
Bầu là món ăn dân dã, chỉ quanh quẩn trong các bếp bình dân nhưng với bàn tay tỉ mẫn của người đầu bếp, trái bầu đã đi vào nhà hàng, quán ăn sang trọng và có mặt đường hoàng trên bảng thưc đơn “cá lóc hấp bầu”. Hấp bầu có nghĩa là người ta làm sạch con cá, ướp gia vị, thêm bún, nấm, củ hành rồi móc ruột trái bầu, cho nguyên con cá và các phụ liệu vào ruột bầu đem hấp cách thủy. Món ăn này quyến rũ lạ kỳ là nhờ nước bầu và gia vị thấm vào cá, cá thấm vào bầu, tạo thành một thứ hương vị ngọt lành khó quên.
Nhung mon ca loc “danh bat hu truyen“
Cá lóc hấp bồn bồn.
Món cá hấp bồn bồn cũng là món ngon có một không hai, chất ngọt của cá và vị nồng nàn của bồn bồn hòa quyện vào nhau tạo thành một mùi vị thanh tao. Cọng bồn bồn nhai nghe giòn giòn, thơm và bùi, càng thưởng thức càng ghiền. Cá lóc hấp bồn bồn thích hợp với bữa cơm chính vừa ngon vừa bổ nhờ món bồn bồn thơm ngon, bùi và giòn giòn rất lạ miệng. Ai về Cà Mau, Bạc Liêu ghé qua các nhà hàng đặc sản rất khó cưỡng lại được mùi vị của món cá lóc “hợp tấu” với bồn bồn.
                         
"Bồn bồn mà lại làm chua. Ăn với cá lóc chẳng thua món nào".
         
Cá lóc ru ti là món biến tấu “độc chiêu” thay vì dùng nguyên liệu từ thịt gà, thịt vịt, lại dùng cá lóc vừa ngọt, mềm, vừa béo. Món cá lóc ru ti cũng dùng phụ liệu nước cốt dừa, khoai lang, khoai cao, sả, ớt, tiêu, hành ... nên ăn kèm với bún, bánh mì là ngon tuyệt.
        
Món ăn vừa bình dân vừa sang trọng nhất là cá nướng trui cuốn đọt sen, một loại rau vị thuốc, càng ăn càng khám phá thêm nhiều điều thú vị. Nướng trui là nướng bằng lửa rơm và chỉ có lửa rơm mới làm cho da cá thơm mùi đồng nội. Tinh hoa ẩm thực là ở chỗ đó.
Nhung mon ca loc “danh bat hu truyen“
Cá lóc nướng trui bằng lửa rơm.
Người miền Tây có câu: "Bắt con cá lóc nướng trui. Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa".
        
Cá lóc kho thịt, cá lóc hấp tương hột và bún, nấm, củ hành, cá lóc làm khô, làm mắm... có lẽ ai cũng dùng qua. Riêng cá lóc kho khế là món mới lạ, mùi vị mặn, ngọt, chua thanh. Ai có thưởng thức một lần mới phục tài chế biến của các bà nội trợ.
        
Và nhiều món nữa, món nào cũng “danh bất hư truyền” mà ông cha ta đã trải nghiệm lâu đời để đúc kết thành một kho tàng ẩm thực dân gian quý báu. Đặc biệt các món ăn từ cá lóc ngày càng nâng cao về chất lượng và giá trị thẩm mỹ một phần cũng là nhờ bàn tay khéo léo và sự tinh tế của các đầu bếp.
Bài và ảnh: Phúc Lộc

Về miền Tây ăn cá lóc

Với người miền Tây, cá lóc có thể kho, nấu canh, nướng trui, hấp, nấu cháo... Với mỗi cách chế biến, loại nguyên liệu này lại mang đến một vị ngon khác.



Cá lóc nướng trui là một trong những món ăn đặc trưng của vùng sông nước, nướng bằng rơm hoặc củi. Khi cá chín, gạt bỏ phần vảy cháy, ăn kèm rau sống, bánh tráng mỏng và mắm nêm. Ảnh: Ngọc Trinh.

Món cá lóc nấu mẻ cũng chế biến nguyên con. Khía vài đường trên thân cá lóc, cho lên chảo, phủ một lớp mẻ lên trên, nấu chín cùng gia vị. Cá tươi ngọt quyện cùng độ chua nhẹ của mẻ, rất dễ ăn. Ảnh: Báo Lao Động.

Cháo cá lóc ở miền Tây có 3 cách chế biến: thái lát hấp chín; luộc và tách lấy thịt; xào sơ cá với hành phi. Thêm gạo, thịt viên, nấm để nấu cháo. Ngoài ra, cũng có hai cách thưởng thức món ăn này: ăn từng tô riêng, hoặc dùng kèm với rất nhiều loại rau, ăn chung với nhiều người - lẩu cháo cá. Ảnh: An Huỳnh .

Cá lóc kho tộ thường dùng với cơm, có vị đậm đà của gia vị, tươi ngọt của cá, cay của tiêu ớt. Ảnh: An Huỳnh .

Canh chua cá lóc là món có thể dùng trong bất kỳ thời gian nào của ngày. Canh chua của người miền Tây nói riêng và miền Nam nói chung thường có vị ngọt nhờ đường. Một tô canh ngon hội tụ đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt. Ảnh: An Huỳnh .

Một tô bánh cánh cá lóc đơn giản với nước lèo có vị thanh nhẹ, lát cá lóc tươi ngọt, hành ngò, tiêu. Dọn kèm món ăn này là rau đắng đất và mắm nêm còn nguyên con. Ảnh: An Huỳnh .

Bún mắm là một trong những biến tấu quen thuộc của mắm kho miền Tây. Nước lèo được nấu từ hai loại mắm làm từ cá. Phần thịt đi kèm gồm thịt heo quay, tôm, mực và cá lóc. Ảnh: An Huỳnh .

Bún cá có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây nhưng được biết đến nhiều nhất là Hà Tiên, Châu Đốc và Sóc Trăng. Nguyên liệu, gia vị để nấu bún cá khá phong phú. Nổi bật nhất là ngải bún, một loại củ gia vị có nguồn gốc từ Campuchia, và cá lóc. Ảnh: An Huỳnh .

Bún kèn là một trong những đặc sản bạn không nên bỏ qua khi đến Châu Đốc, Hà Tiên hay Phú Quốc. Loại cá thường dùng để nấu món món này là cá đưng, cá nhồng, cá rựa, cá lẹp vàng.. song nhiều hàng quán cũng dùng cá lóc. Cách chế biến món ăn này không quá phức tạp, chỉ đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn. Cá tươi tách xương chỉ còn lại thịt, giã nhuyễn. Xào thịt cá với sả, ớt, bột nghệ hoặc nước nghệ tươi. Khi cá chín tới, cho nước cốt dừa, dừa tươi vào, nêm vừa miệng. Món này dùng kèm rau sống, đu đủ bằm nhuyễn, tôm khô. Ảnh:Vietnamnesefood.
Theo Zing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét