Địa danh Mũi điện Kê Gà (H. Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã trở thành điểm du lịch, không thua gì Mũi Né.
Hiện có rất nhiều dự án du lịch đang được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép tại khu vực này. Tiềm năng du lịch của Mũi điện Kê Gà đang trở thành hiện thực.
Tiềm năng biển
Mũi điện Kê Gà tiềm ẩn lợi thế về văn hoá và du lịch - Ảnh Quế Hà
Du khách đến Mũi điện Kê Gà được thưởng thức nhiều món ngon từ biển. Dân chài ở thôn Kê Gà (thuộc xã Tân Thành, H.Hàm Thuận Nam) chủ yếu đánh bắt gần bờ. Từ sáng sớm tinh mơ, những chiếc thuyền thúng cập vào bờ bán cá. Chợ cá không đông lắm, nhưng có đủ thứ hải sản từ biển, tươi roi rói. Những con cua, ghẹ còn bò lổn ngổn trong thúng như mời gọi du khách. Mới hừng đông, những cặp vợ chồng trẻ gỡ lưới trên bãi cát trắng mịn, nở nụ cười tươi đón du khách. Những đứa trẻ nô đùa, nhảy cò, chơi ô quan trên bãi cát, tạo nên cảnh yên bình lạ thường trên biển Mũi điện Kê Gà.
Theo lịch sử ghi chép, ngọn hải đăng này được người Pháp xây dựng từ năm 1897, đến năm 1898 mới hoàn thành. Chiều cao toàn bộ ngọn hải đăng là 65m và có thể quét ánh sáng dài với đường kính 22 hải lý (hơn 40 km) làm tín hiệu cho tàu bè trong khu vực. Chất liệu xây dựng ngọn hải đăng này hoàn toàn bằng đá hoa cương đem từ Pháp sang.
Nhiều người ví von: “Nếu du khách đến đây mà chưa đến tham quan ngọn hải đăng Kê Gà, coi như chưa đến biển Kê Gà”. Chỉ cần bỏ vài chục nghìn đồng, ngư dân sẽ đưa khách lên những chiếc thuyền nhỏ vượt qua eo biển chừng vài trăm mét để tiếp cận đảo nhỏ có ngọn hải đăng hùng vỹ. Nếu vào ngày con nước cạn, du khách có thể đi bộ theo triền cát lên đảo mà chỉ mất chưa đầy nửa tiếng. Du khách có thể vào bên trong ngọn tháp hải đăng, leo lên 183 bậc thang xoáy chôn ốc, đến ngọn đèn và ngắm toàn cảnh biển Mũi điện Kê Gà.
Theo những người già sống lâu năm ở đây, do đặc thù của vùng biển Kê Gà thường có sóng rất to, dòng chảy xiết và nhiều đá ngầm nên cực kỳ nguy hiểm. Từ hàng thế kỷ trước, khi người Pháp vận chuyển vũ khí theo đường biển, rồi những con tàu buôn to qua lại vùng này, không xác định được tính chất phức tạp của dòng nước nên đã bị đắm chìm xuống đây. Ngay cả khi xây dựng ngọn hải đăng cao nhất Đông Nam Á này, nhiều công nhân, kỹ sư người Pháp đã phải bỏ mạng nơi đây. Hiểu được điều này, nên người Pháp đã cho thiết kế và chở vật liệu sang xây dựng ngọn hải đăng này nhằm cảnh báo cho tàu thuyền đi theo hướng từ Vũng Tàu ra Phan Rang né tránh không va phải đá ngầm.
Phát huy lợi thế
Không chỉ có biển, mà Mũi điện Kê Gà còn là điểm đến của di tích văn hoá và tâm linh. Phía đối diện ngọn hải đăng có một ngôi Miếu được dân chài nơi đây xây dựng từ hàng chục năm nay. Ông Năm Giang, một người phụ trách cúng tế ngôi Miếu cho biết: “Hàng năm, cứ vào ngày 20 tháng Giêng là ngày ngư dân cúng vía Ông (cá Voi). Ngày Rằm tháng Tư là ngày cúng vía Bà (cá voi cái). Mấy năm gần đây, năm nào cũng có vài ba Ông vào với bà con vùng biển của chúng tôi. Trước khi Ông vào (cá voi chết trôi dạt vào bờ biển- PV) chừng 2 ngày, thế nào cũng có sóng to gió lớn”.
Chị Yến Ngọc, chủ đầu tư một dự án du lịch tại Mũi điện Kê Gà, cho biết: “Trước đây biển Kê Gà như một vùng biển “chết” mà không ai để ý. Bây giờ, UBND tỉnh Bình Thuận đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho toàn khu vực. Nhiều dự án đã bắt tay vào xây dựng. Mỗi tuần, Mũi điện Kê Gà đã đón hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan bãi biển và ngọn hải đăng. Tiềm năng du lịch của vùng biển này là rất lớn. Nơi đây không chỉ có phong cảnh non nước hữu tình, mà còn là nơi có truyền thuyết văn hoá tâm linh được lưu truyền từ bao thế hệ nay. Nếu được đầu tư và khai thác đúng mức, tôi tin Mũi điện Kê gà sẽ không thua gì Mũi Né”.
Quốc Hanh
Tìm thấy sắc phong Triều Nguyễn ở một ngôi miếu ven biển Kê Gà
Vạn Văn Phong, nơi thờ cúng Ông Nam Hải và cũng là nơi lưu giữ sắc phong của vua Khải Định vừa tìm thấyẢNH: QUẾ HÀ
Ngày 15.12, trao đổi với Thanh Niên ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận khẳng định đã tìm thấy một sắc phong của vua Khải Định trong ngôi miếu ven biển Kê Gà, thuộc H.Hàm Thuận Nam.
Sắc phong đang được bảo quản lưu giữ tại ngôi miếu, đối diện ngọn hải đăng Kê Gà. Đây là vạn chài của ngư dân Kê Gà, được thành lập và xây dựng từ năm 1890. Ngày 15.12, chúng tôi đã có mặt tại đây và cùng theo dõi một nghi thức cúng thần Ông Nam Hải tại vạn chài này và tận mắt chứng kiến sắc phong của Triều Nguyễn ban tặng.
Sắc phong đã hư hỏng nhiều chỗẢNH: QUẾ HÀ
Ông Diệp Minh Hùng, người vạn trưởng, phụ trách thờ cúng ở đây cho biết: “Sắc phong do vua Khải Định ban tặng cho thần Ông Nam Hải (cá voi) vì có công cứu giúp nhiều ngư dân làng chài Văn Lâm (Kê Gà ngày nay) thoát nạn trên biển. Sắc phong được vua Khải Định ban tặng vào năm thứ 9, tháng 7, ngày 25 (tức chỉ trước 4 tháng nhà vua qua đời - PV)".
Theo ông Diệp Minh Hùng, sắc phong được lưu giữ hơn một trăm năm qua và từng bị di chuyển đi nhiều vùng biển khác nhau trước khi quay trở về lại làng Kê Gà.
“Sắc phong do vua ban tặng khi làng chài chỉ vài chục chiếc thuyền thúng. Ngày nay, nhiều người ở làng chài này vẫn chưa hề biết có sắc phong vua ban tặng”, ông Hùng cho biết.
Ngôi miếu (vạn Văn Phong) nằm ngay đối diện ngọn hải đăng Kê GàẢNH: QUẾ HÀ
Theo quan sát của PV Thanh Niên, sắc phong này cũng giống như nhiều sắc phong khác được phát hiện trước đây, làm bằng giấy dó. Chiều rộng chừng 60 cm và dài khoảng 1,2 m. Bản sắc phong đã bị hư hỏng, bong tróc nhiều chữ do bị di chuyển nhiều nơi. Sắc phong có ấn chỉ và bút tích của nhà vua vẫn còn khá rõ.
Ông Đỗ Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Nam cho biết đã nghe thông tin này và khẳng định ngôi miếu mà chúng tôi nói có tên là “vạn Văn Phong”. Hiện nay người dân Kê Gà đã trùng tu khang trang vạn chài này. Huyện đang xúc tiến việc kiến nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận nơi đây là di tích văn hóa cùng với sắc phong của vua Khải Định được lưu giữ tại đây từ hơn trăm năm qua.Quế Hà
Kinh nghiệm đi biển Kê Gà
Kê Gà là vùng biển lý tưởng để đưa gia đình hoặc cùng bạn bè trải qua kỳ nghỉ mùa hè 2017. Không cần mua tour, du khách vẫn có thể lên kế hoạch tự khám phá và thư giãn.
Biển Kê Gà.
Khu vực này có nhiều resort, nhà nghỉ, homestay và không xa Phan Thiết nên không phải lo về chỗ ở. Đặc biệt, có thể giăng lều ngủ an toàn. Nếu không vào khu du lịch sinh thái, dã ngoại, du khách nên hỏi kỹ người dân về những điểm tắm an toàn với những bãi nước nông, không có sóng ngầm và đá ngầm. Riêng khu vực dã ngoại được khai thác, giá vé vào cổng 25.000 đồng/khách, khách thoải mái tắm biển, vui chơi vì có bảo vệ, cứu hộ thường xuyên trên bãi biển. Hơn nữa, khu vực này biển an toàn. Ngoài ra, đơn vị khai thác cũng đầu tư nhiều trò chơi trên biển, trên bờ phục vụ du khách với nhiều sản phẩm đã được tính vào vé vô cổng. Trên biển, người ta cũng giăng phao, cắm cờ để giới hạn vùng nước an toàn cho du khách.
Biển Kê Gà nên đi vào buổi sáng hoặc chiều, tránh buổi trưa rất nắng, thiếu bóng mát. Thời điểm khám phá hải đăng lý tưởng nhất là trước 9 giờ sáng và sau 3 giờ chiều vì phải di chuyển trên đảo từ bãi biển lên hải đăng. Riêng tắm biển thì có thể cả ngày. Trên biển, có những lều trú nắng, để du khách có thể tắm biển trong lều được bố trí trên biển. Ở khu dã ngoại và nhà dân đều có nhiều khoảng sân rộng, không gian cho khách nghỉ ngơi, ăn uống dưới bóng dừa hoặc tán phi lao. Nếu đi vào ngày thường, trừ cuối tuần và ngày lễ, vùng biển thanh bình này rất lý tưởng cho khách cần nghỉ ngơi, thư giãn sau công việc căng thẳng và du khách không thích đám đông.
Mùa này biển rất nắng. Kem chống nắng, dưỡng da và các phụ kiện đi biển như kính mát, khăn choàng mỏng… không thể thiếu. Không chỉ bảo vệ da, chống nóng mà các phụ kiện còn góp phần cho những bức ảnh đẹp hơn trên nền xanh biếc của biển. Vì thế, du khách nên chọn những gam màu nóng hoặc màu đậm cho phụ kiện, ngoài trang phục gọn nhẹ và thoáng mát. Cuối cùng, nếu không có thời gian, khách chỉ cần hai ngày để khám phá và trải nghiệm vùng biển này. Nếu lưu trú ở khu vực lân cận, khách chỉ cần một buổi hoặc một ngày để khám phá Kê Gà.
Bài, ảnh: Thụy Du
Hải Đăng Kê Gà - di sản độc đáo của Bình Thuận
BT- Từ Sài Gòn, chúng tôi làm chuyến phượt về Bình Thuận hy vọng thoát khỏi cái ngột ngạt ở chốn đô thành để về với hương vị biển cả mênh mông sóng vỗ. Qua La Gi, sóng biển ầm ào vỗ bờ cát trắng, thi thoảng có những bãi đá nhô ra biển, chúng tôi ghé thăm ngọn hải đăng Kê Gà.
Ngọn hải đăng này còn có tên gọi khác là Khe Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Đây là ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực, và được xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất không chỉ của Việt Nam mà còn là cao nhất Đông Nam Á. Công trình này được người Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1889, tính đến nay 130 năm.
Lịch sử hàng hải ở khu vực này còn ghi lại: Mũi Khe Gà được coi là vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Xung quanh chân hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước, đến nay còn nguyên, tỏa bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất hải đăng được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.
Lê Huy Phan, Chủ tịch Resort Tropicana ở Phú Quốc bày tỏ: Bình Thuận có di sản quý thế này, nên cần có sự tôn tạo và giữ gìn nhằm thu hút du khách nhiều hơn.
THẾ HẢI
Nhanh chân ra Hàm Thuận Nam lội biển qua đảo Kê Gà
Đảo Kê Gà, có ngọn đèn biển cùng tên cao và xưa nhất ở Việt Nam. Đảo nhỏ, chưa tới 3 ha, cách bờ khoảng 500m, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Đảo toàn đá, không có dân. Chỉ có mấy anh em thuộc Cục Đảm bảo An toàn Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) làm nhiệm vụ vận hành và bảo vệ đèn biển. Hải đăng xây dựng từ tháng 2.1897 đến cuối năm 1898, cao 35m (65m so với mặt nước biển), do kỹ sư Chnavat (Pháp) thiết kế. Công trình có hình lục giác, nhỏ dần lên đỉnh, mỗi cạnh dài từ 3m đến 2m5; tường dày từ 1m6 đến 1m, càng mỏng hơn khi lên cao. Bán kính quét sáng của hải đăng là 40 km.
Hải đăng được xây bằng đá hoa cương, từng khối nhỏ hình chữ nhật, kiểu lắp ráp khít khao và kín kẻ, gần như không sử dụng chất kết dính. Bên trong có 183 bậc thang hình xoắn ốc nối chân với đỉnh đèn. Cách đó không xa là hồ chứa nước mưa, lấy từ mái nhà phía trên. Nhà ở trên hồ chứa nên lúc nào cũng mát rượi như có máy điều hòa. Trừ mấy cây sứ cổ thụ, đảo không có cây lớn. Cả người lẫn cỏ cây trên đảo đều phải tiết kiệm đất và nước để sinh tồn. Đỉnh hải đăng là điểm đón bình minh và tiễn hoàng hôn cực chất. Hải đăng lúc đó tựa ngọn đuốc đang soi đường cho tổ quốc. Ban ngày, nhìn từ xa, hải đăng như cây bút khổng lổ mà bầu trời là trang sách bất tận.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đảo có tên là Kê Dữ, nghĩa là đảo Gà, phần cuối của núi Cẩm Kê nhô ra biển và sụt lún tạo thành. Một số người và cả Wikipedia tiếng Việt đều nhầm khi viết “đảo Gà còn gọi là hòn Bà”. Đảo Gà và hòn Bà là hai đảo nhỏ ven biển Bình Thuận. Hòn Bà cách bờ gần 2km, rộng hoảng 5ha, thuộc thị xã Lagi. Trên đảo nhiều cây hơn và có miếu thờ thần Thiên Y Ana của người Chăm. Có người giải thích Kê Gà là đọc trệch từ Khe Gà, do xưa kia bờ suối có bầy gà rừng sặc sỡ thường ra kiếm ăn. Nghe cũng ổn nhưng vô lý vì phương ngữ. Chỉ có Bắc Trung bộ mới gọi suối, nhỏ hơn sông là khe (Khe Sanh, Khe Gát, Khe Ve…).
Huyền tích kể rằng vùng biển này thủa xưa đẹp hơn thượng giới. Gà, xếp thứ 10/12 con giáp, cũng được Ngọc Hoàng cho xuống trần gian du ngoạn (bây giờ gọi là du lịch). Thấy cảnh quan tuyệt mỹ và con người tốt bụng, hiếu khách; gà mải chơi quên cả thời gian lẫn đường về. Tới hạn, vợ chồng gà trốn biệt xuống thủy cung và ra tận đảo hoang. Địa danh này có tên là đảo Gà từ đó. Nhìn từ xa, đảo Gà như cặp đôi chung thủy. Để phân biệt với gà hạ giới, gà thượng giới có tên là Gà Gà. Gọi là Gà Gà dễ bị hiểu lầm cà lăm nên dân gian đổi thành Kê Gà. Nghe đồn, gà nuôi trên đảo ngon bá cháy.
Trước đây, du khách có thể theo ngư dân lắc thuyền thúng ra đảo hoặc thuê thuyền đánh cá. Bây giờ có cano, chỉ vài phút là tới nới. Mùa biển lặng, có thể tổ chức Team Building kết bè vượt biển ra với Kê Gà.
Ngọc Hoàng giận nhưng vẫn cảm thương nên mỗi năm mấy lần, đặc biệt là dịp hè, lệnh cho Long Vương rút nước biển để nhân gian mở hội, lội bộ ra biển lên đảo vui đùa. Bình thường, thủy triều vẫn lên xuống mỗi ngày nhưng vào rằm tháng giêng, thủy triều rút mạnh, kéo biển ra xa. Lội bộ ra đảo, chỗ sâu nhất chỉ chưa tới một mét. Thời gian có thể xê xích nhưng từ lúc nước rút mạnh và dâng trở lại, kéo dài từ 3 đến 5 tiếng. Thường là từ khuya đến rạng sáng, có thể đi bộ vượt biển qua đảo vô tư.
Biết hè là dịp đi chơi nên 3 tháng 4, 5, 6 âm lịch; mỗi tháng 8 ngày, Long Vương "xả trại" cho mọi người xuống biển rong chơi. Anh Lâm Hòa Bảy, còn gọi là Bảy Tèo, một ngư dân gắn gó với Kê Gà gần nửa thế kỷ. Anh là người lắc thuyền thúng, đưa tôi ra Kê Gà khảo sát vào tháng 4.1997. Anh Bảy cho biết “Suốt 3 tháng đó; cứ độ 17 giờ vào các ngày 13, 14. 15, 16 và 29, 30, 1, 2 âm lịch; mỗi ngày chậm hơn một giờ; biển lại lùi xa, nhiều chỗ trơ đáy”. Chính anh là người cầm đuốc, hướng dẫn đoàn khách du lịch đầu tiên của Lửa Việt và cũng là của cả nước, vượt biển ra cắm trại trên đảo Kê Gà vào lúc 19 giờ ngày 2.6 âm lịch năm 1998.
Năm đó, tôi đưa hai con và 38 học sinh trường chuyên Nguyễn Du (Q.1) cùng thầy cô lội biển ra đảo. Con trai tôi mới 10 tuổi. Dù mọi người đã mặc áo phao, vẫn lo xa nước dâng đột ngột hoặc sợ có hố ngầm. Anh Bảy Tèo và các “lão ngư tri hải” cam đoan là cứ yên tâm, hai giờ sau nước mới dâng mà vẫn lo canh cánh. Nhưng mọi việc dễ hơn ta tưởng. Nước biển chỗ sâu nhất chưa tới mông người lớn, đa phần chỉ quá đầu gối. Biển lênh láng vàng trăng, thi thoảng lóng lánh ánh bạc, tĩnh lặng và dịu hiền đến khó tin. Người người háo hức và hồi hộp. Gió nghịch ngợm đuổi bắt. Từng chòm sao tò mò sà xuống như muốn làm quen với đoàn khách lạ.
Cứ như chuyện Moise rẽ biển Đỏ thành đường, cứu dân trong kinh thánh. Gậy của Moise tách biển thành đường cho dân thoát nạn. Còn thiên nhiên Hàm Thuận Nam, kéo biển lùi xa để mọi người trẩy hội đùa vui. Lên đảo giữa vàng trăng sau gần nửa giờ lội biển. Cái cảm giác đã không thể tưởng và sướng không thể tả. Cả đoàn quây quần hát hò bên đống lửa nhỏ, cám ơn cuộc sống ngàn lần đáng yêu và tự thưởng cho nhau bữa cháo khuya hải sản, rồi ngả lưng thỏa sức ngắm trời sao mộng mị.
Mọi người ngủ lều và trong mấy phòng nhỏ. Ai cũng thật ngon giấc với vô vàn mộng đẹp. Tờ mờ sáng, đã í ới gọi nhau, chuẩn bị lên đỉnh hải đăng đón bình minh tuyệt vời, chào ngày mới. Từ đỉnh hải đăng, biển ngút ngàn xanh vời vợi, nối trời với đất. Gió hào phóng đùa vui gọi nắng hồng thức dậy. Cứ ngỡ đang phiêu linh với con thuyền vũ trụ, lạc trôi vào không gian bất tận xanh.
Theo lịch nước rút, hè 2019, để lội biển ra đảo, chỉ còn các ngày :
1 – 4.7 (nhằm ngày 29 – 30.5 đến 1 – 2.6 AL)
15 – 18.7 (nhằm ngày 13 – 16.6 AL).
31.7 – 2.8 (nhằm ngày 29.7 AL).
13 – 16.8 (nhằm ngày 13 – 16.7 AL).
28.8 – 2.9 (nhằm ngày 27.7 – 2.8 AL).
Giờ lội biển là 17 giờ (ngày đầu) đến 20 giờ (ngày cuối đợt).
Nhanh chân lên các bạn, nếu không phải đợi đến rằm tháng giêng 2020 và hè năm sau. Có thể nói đây là hiện tượng tự nhiên kỳ thú, không đụng hàng.
Thông tin thêm
Có thể khởi hành từ Sài Gòn vào buổi trưa. Dễ nhất là theo quốc lộ 1 đến ngã ba núi Takou, rẽ phải đi tiếp 31 km, qua Tân Thuận là đến bờ biển Kê Gà.
Liên lạc trước với Hương dẫn địa phương để có thông tin chính xác giờ nước rút và kiểm tra các dịch vụ. Nên ăn cơm trước khi lội biển. Lên đảo chỉ ăn nhẹ thêm.
Lội biển ra đảo phải mặc áo phao, đèn pin, trang phục và hành lý gọn nhẹ, có người cứu hộ (ngư dân tại chỗ) cùng đi. Thời gian lội biển khoảng 25 – 30 phút (từ bờ lên đảo).
Nên ngủ lại trên đảo để ngắm trăng, sao; đặc biệt là sáng sớm lên đỉnh hải đăng đón bình minh. Có thể mang theo võng để ngủ.
Giá cả dịch vụ:
- Cano đưa đón qua đảo 50.000 đồng / khách.
- Ăn sáng và khuya từ 30.000 - 50.000 đồng / phần (có cà phê).
Ăn chính, cơm phần từ 80.000 đồng trở lên / mỗi khách. Phải đặt trước để có hải sản tươi.
Hướng dẫn và cứu hộ lội biển ra đảo 500.000 đồng.
Lệ phí lên đảo 50.000 đồng / khách, sử dụng nhà vệ sinh, nước tắm, tham quan hải đăng.
Thuê lều từ 40 – 80.000 đồng / khách tùy loại lều.
Có thể kết hợp với tour đi Bình Châu, Hàm Tân, Takou, Bưng Thị, Tân Thành, Mũi Né, Hòn Rơm… từ 2 – 3 ngày.
Bạn có thể liên lạc với dịch vụ Lâm Hòa Bảy (Bảy Tèo) 0918.729.002 – 0368.897.683
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét