Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Du lịch hồ Pá Khoang đến đảo hoa anh đào



Nếu bạn muốn được ngắm hoa anh đào ngay trên đất Việt, được chiêm ngưỡng mùa hoa đẹp nao lòng giữa khung cảnh mộng mơ thì hãy du lịch hồ Pá Khoang nhé!


du lich ho pa khoang hinh anh
Vì sao phải du lịch hồ Pá Khoang? Giữa hồ Pá Khoang là cồn đất nổi lên, được bao quanh bởi hồ nước trong xanh. Hòn đảo này có tên đảo hoa Pá Khoang (thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Người dân quanh vùng vẫn quen gọi đây là đảo Đào hoa bởi trên đảo trồng bạt ngàn hoa anh đào (hoa Sakura) của Nhật Bản.
du lich ho pa khoang hinh anh 1
Du lịch hồ Pá Khoang, Mường Phăng, Điện Biên, bạn sẽ ngẩn ngơ khi thấy cả rừng anh đào nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc đang khoe sắc thắm, đẹp lung linh rạng ngời mỗi khi mùa hoa về.
Muốn du lịch hồ Pá Khoang ngắm đảo hoa anh đào, bạn đi thuyền đến đảo nằm giữa một vùng cảnh đẹp hùng vĩ giữa mây trời non nước. Sương sớm bảng lảng tạo một phong cảnh huyền ảo. Không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu.
Giữa đại ngàn hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đảo hoa anh đào mê hoặc bước chân du khách. Mỗi khi hoa anh đào bung nở khoe sắc, người người lại du lịch hồ Pá Khoang, chiêm ngưỡng hoa anh đào, thả hồn phiêu lãng cùng khung cảnh nên thơ và tận hưởng những giây phút gần gũi với thiên nhiên.
Hoa anh đào đã “bén duyên” trên đảo hoa ở hồ Pá Khoang cũng gần chục năm. Mỗi dịp xuân về, du lịch hồ Pá Khoang, bạn sẽ đong đầy những xúc cảm tinh khôi, tươi mới và thấy lòng mình trong trẻo, bình yên.
Khi đến đây, bạn nhớ thưởng thức những đặc sản mang đậm hương vị núi rừng và những món ăn chế biến từ cá tôm đánh bắt trong hồ như: món xôi đồ đựng trong coóng và những khoanh cơm lam ngào ngạt mùi lúa nương; các xiên cá nướng, thịt hun khói bên các ché rượu thơm nồng.
BÀI: AN AN
Tiếp Thị Gia Đình


Hồ Pá Khoang - Viên ngọc bích tô điểm núi rừng Tây Bắc

Hải An - Tuấn Anh 
Vanhien.vn - Nằm ngoài lòng chảo Mường Thanh, diện tích trải rộng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hồ Pá Khoang nẳm cách Quốc lộ 279 khoảng 5km về phía Đông, cách Khu Di tích Lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 8km về phía Tây. “Rừng trúc” ( tên theo tiếng Thái của hồ Pá Khoang), nằm ở độ cao gần 900m so với mực nước biển, có diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, được ví như một “Vịnh Hạ Long” của Tây Bắc, là điểm nhấn quan trọng trong du lịch sinh thái của tỉnh Điện Biên.
Bức tranh thiên nhiên hữu tình tuyệt đẹp ở Hồ Pá Khoang. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN.
Để đến hồ Pá Khoang, du khách có thể di chuyển từ Quốc lộ 279, đoạn qua xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, sau đó theo Tỉnh lộ 3 vào địa bàn xã Mường Phăng. Du khách cũng có thể theo tuyến đường bộ phía Đông Nam của thành phố Điện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng. Hai tuyến đường này đều dẫn du khách qua những con đường quanh co, uốn lượn ven lòng hồ Pá Khoang, có lúc lại ẩn mình dưới những tán rừng đặc dụng xanh ngát, không khí trong lành, cảnh sắc thiên nhiên yên ả, khoáng đạt.
Đặc biệt, du khách sẽ “lạc” vào những “tiểu vùng văn hóa” của cộng đồng các dân tộc Khơ-mú, Thái, Mông… sinh sống từ hàng chục năm qua dưới đại ngàn, được trải nghiệm cuộc sống, sinh họa của đồng bào dân tộc nơi đây. Thú vị hơn, tại các bản Đông Mệt 1, Đông Mệt 2, Đông Mệt 3, du khách sẽ được đi qua những cây treo dài, rộng, vững chắc, nối liền những hòn đảo trên cung đường du lịch.
Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng Nguyễn Việt Cường, vào đầu tháng 8 hàng năm, hồ Pá Khoang bắt đầu đóng đập tích nước, mặt nước dâng đầy, mực nước "ăn sâu" vào các khe nhỏ chân núi hình thành nên nhiều đảo nhỏ, bán đảo tạo nên phong cảnh đẹp, có sức hấp dẫn cho du khách. Đây là điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại. Đặc biệt, xã Pá Khoang và Mường Phăng là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái với gần 50 bản sống xen kẽ trong rừng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được các phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào vùng Tây Bắc. Nền nhiệt độ ở khu vực hồ rất ít biến động, chỉ từ 27 đến 29°C. Đó là các điều kiện và là nguồn tài nguyên rất lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái, du lịch nhân văn hấp dẫn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Phạm Văn Khiên, cho biết: Rừng Mường Phăng được quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài diện tích thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là rừng tự nhiên nguyên sinh, diện tích còn lại đặc trưng là rừng tái sinh. Sinh cảnh sau phục hồi tự nhiên ở rừng đặc dụng Mường Phăng phát triển rất tốt, đảm bảo việc giữ gìn, bảo tồn các nguồn gen động vật, thực vật. Bên cạnh đó, rừng đặc dụng Mường Phăng còn đảm bảo giữ nguồn nước, điều hoàn ổn định lượng nước cho hồ thủy lợi Pá Khoang, phục vụ các công trình thủy điện vùng hạ lưu và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của cả cánh đồng Mường Thanh (cánh đồng cho sản phẩm gạo nấu cơm thơm ngon, nức tiếng trong câu “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, tứ Tấc”) qua hệ thống kênh của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.
Theo kết quả khảo sát của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, năm 2014, khu vực rừng và hồ Pá Khoang có thảm thực vật phong phú... Trong các thảm rừng quanh hồ, các hòn đảo có rất nhiều chim, thú và nhiều loại hoa; dưới hồ có nhiều loài cá và thực vật nổi. Cụ thể, nơi đây có hơn 700 loài thực vật thuộc 4 ngành thực vật bậc cao với nhiều loài cây quý như giổi, dẻ, tô hạp, chò xanh, phay sừng, táu xanh, lát hoa, vàng tâm, thạch hộc gấm. Ở đây còn có hơn 300 loài động vật thuộc các loài thú, bò sát, chim và ếch nhái… Hệ chim được phân bố ở 4 sinh cảnh là: sinh cảnh rừng ven sông, suối với 61 loài; sinh cảnh rừng thứ sinh cây bụi với 52 loài; sinh cảnh làng bản, nương rẫy với 46 loài và sinh cảnh rừng thứ sinh trên núi đất với 37 loài.
Hồ Pá Khoang nằm giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, địa hình, địa mạo đa dạng, khí hậu trong lành rất thích hợp cho việc du lịch, nghỉ dưỡng, dã ngoại, khám phá, nghiên cứu. Vào mùa đông, sương mờ bảng lảng phủ khắp cảnh vật, mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mặc kỳ bí, cuốn hút. Ẩn hiện trong lớp sương mờ giăng khắp mặt hồ là dáng núi, dáng đảo, điểm tô bằng những nếp nhà sàn thấp thoáng. Mùa hè, mặt hồ trong xanh, hiền hòa, yên tĩnh, soi bóng núi non, mây trời và đại ngàn xanh thẫm, không khí ở hồ được làm mát bởi những làn gió Nam mang theo hơi nước từ mặt hồ.
Trong khung cảnh êm đềm, thơ mộng, du khách có thể tự chèo thuyền, hoặc ngồi thuyền máy, xuồng máy “rẽ sóng” khám phá những hòn đảo vừa và nhỏ nơi lòng hồ, trong đó có rất nhiều đảo chưa có người ở. Những nơi hồ Pa Khoang “vặn” mình, lấn sâu vào núi tạo nên những vùng “vịnh” hẹp, có đa dạng sinh học độc đáo sẽ cho du khách những trải nghiệm, khám phá lý thú. Tại đây, nếu du khách neo đậu thuyền vào các rặng cây rậm rạp ven hồ ngồi câu cá, sẽ bắt gặp những chiếc thuyền độc mộc của người bản địa ngược xuôi chở củi, hàng nông sản di chuyển trên lòng hồ và trải nghiệm cùng người dân địa phương trong hoạt động thả lưới, quăng chài đánh bắt cá tôm...
Người bản địa thuộc các cộng đồng dân tộc Thái, Khơ-mú sinh sống ở các bản quanh hồ Pá Khoang rất trọng tình, mến khách. Du khách khi tham quan, du lịch hồ Pa Khoang sẽ được thưởng thức những món ăn được chế biến theo văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc, như: Xôi nếp nương đồ bằng “chõ” gỗ đựng trong “coóng”, cơm lam, cá suối nướng, thịt trâu, lợn hun khói bếp...
Hồ Pá Khoang có tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được “đánh thức” đúng tầm, bởi hệ thống cơ sở hạ tầng, lưu trú ở khu vực hồ Pá Khoang còn quá ít; giao thông đi lại vào mùa mưa còn khó khăn, hay xảy ra sạt lở, cản trở giao thông. Hiện tại, khu vực hồ Pá Khoang chỉ có một cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng với quy mô hơn 30 phòng nghỉ. Sự đơn điệu về cơ sở lưu trú dẫn đến việc du khách thiếu sự lựa chọn về nơi ăn, chỗ nghỉ. Hoạt động du lịch ở hồ Pá Khoang còn mang tính thời vụ, chủ yếu tập trung vào hai mùa Hè, Thu và các dịp cuối tuần, kỳ nghỉ dịp lễ, tết. Do không có tour, tuyến, phần lớn du khách phải tự khám phá, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động du lịch dã ngoại, picnic, câu cá...
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu chung của quy hoạch là đến năm 2020, phát triển Khu Du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch Quốc gia; đến năm 2030 thực sự trở thành Khu Du lịch Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc gắn liền với các giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Hồ Pá Khoang và Rừng Văn hóa lịch sử Mường Phăng.
Mục đích của quy hoạch tổng thể này là đưa Khu Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang trở thành điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước bền vững…
Với hoạch định chiến lược, dài hơi đó, những năm tới, hồ Pá Khoang - viên ngọc bích tô điểm cho cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc- sẽ có cơ hội được đầu tư, xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ, thu hút du khách trong và ngoài nước tìm về trong hành trình đến khi về với mảnh đất Điện Biên Phủ Anh hùng.


Nguồn: dantocmiennui.vn

TRẢI NGHIỆM HỒ PÁ KHOANG

Khi đến Điện Biện, du khách thường ghé thăm Sở chỉ huy chiển dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, di tích lịch sử nằm bên thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp là hồ Pá Khoang - một điểm du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn, nằm trên tuyến đường đi từ thành phố Điện Biên Phủ vào Sở chỉ huy chiến dịch.

Nhóm chúng tôi đã có một hành trình khám phá đầy thú vị vào một ngày nghỉ cuối tuần, men theo các con đường nhỏ giữa màu xanh của núi rừng, từng nếp nhà sàn dần dần hiện lên trước mắt, qua những đoạn đường uốn khúc quanh co đã đưa chúng tôi đến xã Mường Phăng.
Trước khi đến Pá Khoang, đoàn chúng tôi vào thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, để cùng nhau ôn lại một chặng đường lịch sử của lớp thế hệ cha ông chúng ta. Những con người đã một thời làm nên chiến thắng vẻ vang làm rạng danh non sông đất nước. Sau khi tham quan Sở chỉ huy chiến dịch đoàn tiếp tục hành trình để khám phá những điều thú vị và mới lạ ở điểm dừng chân tiếp theo đó là hồ Pá Khoang.
Hồ Pá Khoang có sức chứa 37,2tr m3, có thảm thực vật phong phú. Nó được ví như một cái máng khổng lồ chứa nước từ hàng trăm con sông, suối, thác đổ về. Mặt nước hồ Pá Khoang 4 mùa đều trong xanh, hiền hòa yên tĩnh, soi bóng núi non mây trời đại ngàn như một bức tranh thủy mặc tuyệt sắc. Đang giữa mùa hè oi ả, nóng bức nhưng khi đến hồ Pá Khoang, ai nấy đều cảm thấy se se lạnh, không khí trong lành, thoải mái. Chỉ cần 200.000 tiền thuê thuyền, cả nhóm chúng tôi có dịp bồng bềnh trên chiếc thuyền nhỏ theo những con sóng lăn tăn trên mặt nước, rồi say mê lắng nghe người lái thuyền kể về sự tích tên gọi của hồ để rồi tâm hồn mình lãng du hòa với thiên nhiên hùng vĩ.

Khung cảnh thơ mộng của hồ Pa Khoang
Con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt hồ từ từ đưa chúng tôi đến hòn đảo nhỏ mà người dân ở đây đặt cho nó một cái tên đầy thơ mộng, trữ tinh đó là đảo Tình Yêu, hay là đảo hoa Đà Lạt. Sở dĩ, chúng có tên gọi như thế bởi khung cảnh ở đây thật đẹp nó giống như thiên đường dành cho các cặp tình nhân. Trên hòn đảo này, người dân đã mang các loài hoa quý ở Đà Lạt về trồng, đặc biệt là các loài hoa Phong Lan quý, rực rỡ sắc màu và thi nhau tỏa hương, khoe sắc trong ánh nắng ban mai đẹp mê hồn người. Chúng tôi rất thích thú và thi nhau mua các giỏ, giống hoa mình thích về trồng hoặc làm quà cho bạn bè, người thân với giá cả rất phải chăng. Đến đây, du khách không chỉ được đến một thiên đường thơ mộng mà còn có thể vừa buông cần câu cá vừa thưởng ngoạn cảnh sắc và không khí trong lành. Cá ở hồ Pá Khoang thịt rất thơm và ngon. Đây được coi là đặc sản của Pá Khoang. Đã có du khách câu được những con cá hơn 10 kg. Đó thật sự là một thú vui khi đến Pá Khoang.
Sau chuyến khám phá hòn đảo thơ mộng, nếu du khách muốn ở lại dùng bữa hoặc nghỉ lại qua đêm thì có thể ở nhà nghỉ hoặc ở lại các Bản văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú nằm ven hồ. Du khách có cơ hội thưởng thức các món ăn ngon được chế biến từ trên đôi tay khéo léo của người dân bản địa mang đậm hương vị núi rừng như: những xiên cá nướng có vị ngọt được đánh bắt từ lòng hồ, những miếng thịt hun khói thơm nồng mùi mắc khén, những coóng xôi và khoanh cơm lam dẻo ngào ngạt mùi lúa nương và cùng nhau nhâm nhi bên các ché rượu thơm nồng... Vừa ăn, du khách vừa được thưởng thức các làn điệu dân ca trừ tình, những câu chuyện cổ về nguồn gốc các dân tộc anh em cùng sinh ra từ một quả bầu và hòa mình trong các điệu xòe thấm đượm tình đoàn kết cộng đồng. Để thấy người dân Pá Khoang sống vô cùng cởi mở, thân thiện và mến khách.
Có vị khách khi đặt chân đến Pá Khoang đã thốt lên rằng: Phong cảnh ở đây thật sự đẹp và mộng mơ. Nhất là lúc bình minh lên với những tia nắng ban mai đang hé rạng xuyên qua màn sương sớm và khi hoàng hôn xuống với màu xanh tím huyền ảo của màu nước và rừng núi, còn bầu trời thì xao xác từng đàn chim đang chao cánh tìm đường về tổ, một thắng cảnh quyến rũ lòng người. Pá Khoang là thế, như một viên ngọc bích điểm xuyến cho cảnh quan hùng vĩ của núi rừng. Nó xứng đáng là một điểm dừng chân lý tưởng của tất cả du khách đến với Điện Biên.
Nguyễn Thị Thảo
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch
Ảnh: Phòng Nghiệp vụ Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét