Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Điểm đến cuối tuần: Phú Quý thật đẹp



Đảo Phú Quý vào tháng 4ẢNH: N.K.H
Mình đã hẹn với anh em ngoài Phan Thiết lần này ra làm việc rồi đi Phú Quý luôn. Thế là tháng 4 này, mình có mặt ở Phú Quý một ngày trước lễ kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng đảo (27.4).
Khoang mình ngồi có 12 dãy ghế, mỗi ghế 4 hành khách; 22 giường tầng mỗi giường 2 khách. Cả thảy hơn 90 người rời bến đi Phú Quý.
Vẫn có những người vô ý hút thuốc ngay trong khoang tàu chật hẹp. Đến 4 giờ chiều đã thấy những cánh quạt của máy phát điện gió. Đảo Phú Quý hiện dần với những ngôi nhà cao tầng trên đảo. Trước khu di tích công chúa Bàng Tranh là một hồ chứa nước, xưa là một cái ruộng rộng. Nghe nói trước đó có một cái ngòi dẫn xuống ruộng khi mùa mưa tới. Phú Quý không có sông ngòi. Mùa mưa, nước chảy tràn trên mặt đất. Người dân trữ nước vào mùa mưa. Mùa khô thì thiếu nước, phải dùng nước ngầm, nước giếng.
Huyện đảo rộng 17,82 km2, có 3 xã (Tân Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải) với 10 thôn. Mỗi xã một trường mẫu giáo và một trường mầm non, cả huyện có 6 trường tiểu học, 3 trường THCS của 3 xã và một trường THPT (cả trường có 750 học sinh, 53 thầy cô giáo quản lý và đứng lớp). Khoảng 75% học sinh THCS được tuyển vào THPT, số học sinh còn lại đi biển và làm các nghề phục vụ biển.
Người đi du lịch ra đảo thường chỉ từ tháng 2 đến tháng 8. Mùa mưa gió lớn, di chuyển đến đảo khá khó khăn vì sóng lớn. Khách du lịch rất ít, chủ yếu là khách Tây đi du lịch khám phá.
Xe đưa bọn mình chạy quanh huyện đảo. Cây cối hai bên đường xanh tốt. Cả nhóm lên chùa Linh Sơn, leo khoảng 200 bậc thì tới đỉnh, nơi đặt bức tượng Phật bà Quan Âm. Từ nơi này có thể quan sát hết đảo. Đẹp nhất vẫn phải là những khối đá phiến được sóng biển và gió biển bào mòn. Từng lớp, từng lớp đá xếp hàng như những gáy sách xếp chồng lên nhau trông thật đẹp...
Chúng tôi ra khu nuôi cá bè thôn Triều Dương. Trước đây có cả trăm bè, giờ còn hơn 50 bè. Phần lớn các bè phục vụ khách du lịch vì nuôi cá bè giờ không còn có lãi. Ăn trưa ngay tại bè, nằm võng giữa không gian biển trời, cảm thấy Phú Quý đẹp đến lạ lùng...


Nguyễn Kim Hồng

Lên núi Cao Cát ngắm những khối đá kỳ lạ

Núi đá bị phong hóa theo thời gian, mang dáng vẻ thâm trầm sâu lắng

Núi đá bị phong hóa theo thời gian, mang dáng vẻ thâm trầm sâu lắng
Núi Cao Cát được tạo bởi nhiều khối đá có hình thù rất kỳ lạ, chồng xếp lên nhau với những hoa văn hình xoắn ốc bị phong hóa theo thời gian.

Vượt trùng khơi để đặt chân lên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), du khách hẳn ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi đây. Lên núi Cao Cát, bao nhiêu nặng nề sẽ tan biến khi đứng giữa đất trời bao la, nhất là khi được chiêm bái ngôi chùa đã hơn 100 tuổi nằm ở độ cao 106 m so với mực nước biển.
Dọc hai bên những bậc thang cũng như trong toàn bộ khuôn viên chùa, những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi vươn cành ôm lấy ngôi chùa tạo thêm vẻ thâm nghiêm cho nơi này. Trong hành trình khám phá, khi lên đỉnh núi bằng những bậc thang và đường mòn nhỏ hẹp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đặt uy nghi trên một tảng đá lớn.
Công trình này đã góp phần tô đẹp thêm cho quần thể của ngôi chùa cổ thuộc núi Cao Cát - một trong hai ngọn núi cao nhất trên đảo Phú Quý.
Lên núi Cao Cát 1
Hải đăng Phú Quý cao 18 m. Muốn chinh phục ngọn hải đăng, du khách phải leo hơn 120 bậc đá men theo sườn núi, dài khoảng 200 m
Xa xa, thấp thoáng ghe thuyền neo đậu bên những làng chài, những mái nhà ẩn hiện cùng những con đường quanh co, bãi cát trắng mịn và những con sóng bạc đầu. Tiếng gió biển, tiếng sóng khơi, tiếng chuông chùa quyện vào nhau trong không gian hương khói linh thiêng.
Điều đặc biệt của chùa Linh Sơn là không có sư trụ trì, các phật tử trên đảo thay nhau thực hiện các nghi lễ cúng bái và tiếp đón du khách đến tham quan bằng sự chân tình như chính tính cách mộc mạc của người dân nơi đây.
Lên núi Cao Cát 2
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát uy nghi trên đỉnh Cao Cát
Núi Cao Cát được tạo bởi nhiều khối đá có hình thù rất kỳ lạ, chồng xếp lên nhau với những hoa văn hình xoắn ốc bị phong hóa theo thời gian. Từ đỉnh núi nhìn ra xung quanh, du khách sẽ thấy mộ thầy Sài Nại ở phía đông với ghềnh đá màu đen, nương rẫy xanh tươi ở phía nam.
Nhìn sang phía tây là đền thờ công chúa Bàn Tranh và núi Cấm với ngọn hải đăng sừng sững, cùng trạm ra đa được mệnh danh là “mắt thần” canh giữ biển Đông, sang phía bắc là bờ kè Ngũ Phụng với các trạm điện gió cao sừng sững cung cấp điện cho cư dân trên đảo.
Lên núi Cao Cát 3
Không gian tĩnh lặng tại chùa Linh Sơn
Lên núi Cao Cát 4
Hàng cây cổ thụ ở chùa Linh Sơn
Lên núi Cao Cát 5
Từ đỉnh núi Cao Cát, phóng tầm mắt ra xa, cảm nhận cái bao la mênh mông của biển cả
Tấn Cư

Một triệu đồng là đủ đi chơi đảo


NGỌC HÙNG –
Ngồi bên bếp lửa than nướng hải sản tươi sống, nhâm nhi ly rượu vang và kể những câu chuyện hài hước với bạn bè, với người yêu, trong khung cảnh êm đềm của buổi chiều dạt dào gió biển… Để có được những trải nghiệm thú vị đó tôi chỉ phải tốn chừng một triệu đồng cho chuyến phượt hai ngày cuối tuần ra đảo xa Phú Quý.
IMG_0698Phía sau chùa Linh Sơn, nơi đây có thể nhìn được toàn cảnh trên đảo.
Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận. Đảo có diện tích hơn 16 km2 và cách đất liền 120 km. Hiện tại, mỗi ngày ở cảng cá Phan Thiết đều có hai chuyến tàu ra đảo. Tàu chậm chạy khoảng sáu giờ đồng hồ là đến nơi, còn đi tàu cao tốc mất khoảng bốn giờ. Tùy theo túi tiền và thể trạng mà bạn có thể chọn ghế ngồi hoặc giường nằm.
Được một anh bạn vốn thích phượt rủ rê đi chơi Phú Quý vào cuối tuần, tôi vẫn có cảm giác phân vân vì chưa đi tàu trên biển với một hành trình cả trăm cây số bao giờ. Dĩ nhiên, trước khi nhận lời, tôi – với trí tưởng tượng “phong phú” – đã nghĩ đến nhiều tình huống có thể xảy ra khi lênh đênh trên biển. Nhưng cuối cùng, dẹp nỗi sợ hãi, tôi vác ba lô lên đường.
Chúng tôi đón xe giường nằm từ Bến xe Miền Đông và đích đến là thành phố Phan Thiết. Đúng 23 giờ xuất phát và đến hơn 4 giờ sáng thì xe tới nơi. Theo lịch trình, 8 giờ sáng tàu mới bắt đầu chạy ra đảo, và như vậy chúng tôi có mấy giờ vật vờ ở cảng cá. Hôm đó, ngoài chúng tôi còn có những đoàn du khách khác cũng đi Phú Quý nên mấy hàng quán xung quanh cảng chật kín người. Không chỉ có tôi mà có khá nhiều người cũng mới lần đầu đi tàu ra đảo. Một cô gái có vẻ là sinh viên nhìn tôi nói: “Em lo quá, đi thuyền mà không biết bơi, có sao không anh?”. À, hóa ra phải chỉ mình tôi chìm ngập trong tâm lý “sợ hãi”. Hít một hơi thật sâu, tôi nói với cô gái và cũng để trấn an chính mình: “Không sao đâu!”.
Gần 6 giờ sáng, cảng cá nhộn nhịp khi ngư dân đi biển về. “Đúng là chẳng có gì ồn ào bằng chợ cá”, tôi lầm bầm. Tranh thủ đi một vòng, chụp hình, tán chuyện với ngư dân, tôi chợt nhận ra những nơi ồn ào như vậy cũng có khá nhiều điều thú vị.
IMG_0759Ao nuôi cá trên đảo Phú Quý. Bên cạnh ao cá là miếu Long Hoa Thiên Bảo mộ Thầy.
Tàu khá đông người vì ngoài khách du lịch bụi như chúng tôi còn có những người dân địa phương ra đảo nữa. Một hồi còi vang lên. Chúng tôi bắt đầu cuộc rong chơi đảo xa. Từ ngoài khơi nhìn về phía hòn đảo, Phú Quý là một vệt dài như một con sò nhô lên trên bãi cát…
Đặt chân lên đảo lúc trời đã giữa trưa, chúng tôi tấp vào một quán nhỏ để ăn lót dạ vừa cũng để tránh nắng. Ở đây, điện và nước ngọt đầy đủ, nhưng hàng quán thì khá thưa thớt. Có lẽ, đối với những đoàn đông người, cách tốt nhất là nên gọi điện thoại đặt chỗ ăn trưa trước để chuyến đi được thoải mái hơn.
Đảo không quá rộng nên bạn có thể đi hết chỉ trong một buổi. Những điểm có thể tham quan là chùa Linh Sơn, nơi có những tảng đá tự nhiên rất đẹp; tiếp nữa là khu vực ao cá, mộ Thầy, ngọn hải đăng, cảng cá… Nhìn chung, vì đảo khá nhỏ nên bạn cứ thuê một chiếc xe máy chạy quanh đảo, thích chỗ nào thì ghé tham quan và chụp hình mà không sợ làm phiền. Người dân trên đảo hiền lành và thân thiện, rất nhiệt tình khi chỉ đường.
Sau khi tham quan các nơi trên đảo chúng tôi trở về điểm tập kết là khu dã ngoại Triều Dương – nơi chúng tôi sẽ ăn tối và ngủ qua đêm ngay trên bãi biển. Nếu không mang theo lều, bạn có thể thuê nhà dân để nghỉ với giá 50.000 đồng/người. Sáng hôm sau, trở về bằng tàu cao tốc hoặc ở lại tiếp tục khám phá đảo trước khi lên chuyến tàu chậm vào cuối giờ chiều để vào đất liền.
Tính ra, chuyến đi này, chi phí tiền xe từ TPHCM đến Phan Thiết hết 240.000 đồng cả hai lượt; vé tàu ra đảo loại ghế ngồi là 160.000 đồng cả đi và về. Tiền thuê xe máy 50.000 đồng, tiền ở nhà dân là 50.000 đồng. Cá ngừ nhỏ là 20.000 đồng/kg, cua hoàng đế giá 350.000-380.000 đồng/kg, mực hoặc cá thu 130.000 đồng/kg. Hai người đi, mỗi người chỉ cần một triệu đồng là vừa đủ.
Để đặt vé tàu, bạn có thể liên hệ:
  • Tàu Quê Hương 2, điện thoại: 0908.181.121.
  • Tàu cao tốc Hưng Phát 26, điện thoại: 0914.409.117
  • Có thể gọi cho anh Giỏi với số điện thoại 0937.194.908, anh Cốt với số 0946.514.590, hoặc anh Nhàn với số 0987.555.886 để nhờ đặt vé tàu, thuê xe và thuê nhà dân để nghỉ.
Để cuộc chơi thêm thú vị, bạn nhớ mang theo một chai rượu vang để mọi người vừa nướng hải sản, vừa cụng ly ngắm hoàng hôn trên biển. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký tour lặn biển, bắt nhum, câu cá giải trí, và ở nhà dân ba ngày hai đêm với giá trọn gói là 500.000 đồng/người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét