Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Lễ hội té nước - cầu mưa của người Lào ở Na Sang

Trong niềm hân hoan, người dân tộc Lào sinh sống ở bản Na Sang, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã tổ chức ngày hội Bun huột nặm, té nước - cầu mưa.

Lễ hội với nhiều ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh dân tộc qua 30 năm dài bị lãng quên nay mới được phục dựng lại.

Gia chủ trong vai nhà trơi vẩy nước vào đoàn xin nước, cầu mưa.

Chuẩn bị đồ lễ cho ngày tết té nước.
Mang đồ lễ đi xin nước, cầu mưa.



Niềm vui ngày hội té nước của người Lào ở Na Sang.


Bà con ngường Lào ở Na Sang ra suối té nước trong ngày hội.





Xuân Tư (TTXVN)

Bun huột nặm – Lễ hội té nước hay còn gọi là Tết Lào


Bun huột nặm diễn ra nhiều hoạt động như cúng bản, cúng tổ tiên… nhưng vấn đề cốt lõi của Bun huột nặm là cầu cho mưa thuận gió hòa với hoạt động chính là “té nước”. Theo cách hiểu của dân gian, té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa “môn thín” (những điều xui xẻo) gặp phải trong năm cũ. Người dân té nước cho nhau với mong muốn người được té nước năm tới sẽ có những điều tốt lành. Nhưng mục đích chính của té nước là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để cho người dân bắt đầu một vụ gieo trồng mới.
Nhiều năm trở lại đây (từ năm 1986) người Lào ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã tổ chức Bun huột nặm vào dịp Tết Nguyên đán của người Kinh để thuận tiện cho con cháu đi học hoặc đi làm ăn xa về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2015, Bun huột nặm đã được tổ chức vào đúng thời điểm truyền thống theo lịch của người Lào tức ngày 14, 15, 16 tháng Tư dương lịch của người Việt và ngày 11, 12, 13 tháng Năm theo lịch Lào đã góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống của người Lào.
Đến với Bun huột nặm, ngày đầu tiên diễn ra là lễ căm bản (cúng bản) được tổ chức tại “lông xân” (khu rừng thiêng và có miếu thờ chung của bản).
Tại “lông xân”, chảu chẳm (thầy mo) và chảu xửa (chủ áo) chuẩn bị đồ lễ. Lễ vật được chuẩn bị sẵn từ nhà chảu xửa mang vào rừng gồm 4 mâm, trong đó 3 mâm có vải trắng, vải kẻ màu và đặt 02 đĩa sáp ong, lá trầu, vỏ chay dâng lễ bên trong miếu thờ của bản. Còn lại 01 mâm vải kẻ màu, vải trắng, vỏ chay và có thêm những chiếc vòng bạc được dựng đặt bên ngoài miếu. Đồng thời chuẩn bị sẵn bò, lợn, gà, vịt, chó… mang vào khu rừng thiêng giết mổ để chế biến các món ăn làm lễ vật dâng cúng. Vật hiến sinh được làm thành 09 mâm lễ đặt vào 09 ngăn trong miếu thờ. Ngăn thứ nhất là thờ tổ tiên cư trú tại bản Na Sang trước khi người Lào di cư đến là người Khơ Mú, họ bày 01 mâm đầu con vật hiến sinh (đầu lợn hoặc bò) và một ít thịt băm nhỏ có đầy đủ lục phủ ngũ tạng, đặt thêm những thỏi sáp ong. Ngăn thứ hai thờ 03 anh em người Lào đại diện cho 03 dòng họ là họ Vì (họ to nhất của người Lào), họ Lò, họ Lường - họ là những chủ bản người Lào đầu tiên. Ngăn thứ ba thờ tổ tiên dòng họ Vì. Ngăn thứ tư thờ tổ tiên dòng họ Lò. Ngăn thứ năm thờ tổ tiên dòng họ Lường. Mỗi vị trí này người dân bày 01 mâm gồm thịt lợn hoặc thịt bò và một ít muối, đặt thêm những thỏi sáp ong để cúng. Ngăn thứ sáu thờ thần núi, thần rừng và được bày mâm cúng là gà. Ngăn thứ bảy thờ thần ngự tại sông Nậm Ngam và khe suối Huổi Sang. Ngăn thứ tám thờ thần ngự tại các khe suối nhỏ từ trong rừng chảy về. Hai ngăn thứ bảy và thứ tám được bày mâm cúng là vịt bởi họ quan niệm vịt bơi ở dưới nước nên được làm vật hiến sinh cho thần sông, thần suối. Ngăn thứ chín thờ thần lúa, được bày mâm cúng là gà để cầu cho dân bản có mùa màng bội thu.
Bên ngoài miếu, ở giữa sân người Lào dựng 01 mâm lễ (vải kẻ màu, vải trắng, vỏ chay, vòng bạc có cài thêm 01 con chó được thui lên để mời ma Phi Luông – ma to nhất cai quản khu rừng về ăn.


Lễ cúng các thần linh tại bến tắm của bản

Sau lễ cúng, mọi người quây quần bên nhau, vui vẻ ăn uống và chúc nhau những điều tốt đẹp ngay tại “lông xân”. Ăn xong, mọi người kéo nhau về nhà chảu xửa để tiếp tục việc cúng tổ tiên, mẹ lúa, ma nhà.
Khi lễ cúng kết thúc, những người trong bản đã có con dâu, con rể được chảu xửa, chảu chẳm cho làm lễ đổi tên. Từ đây họ không mang tên bố mẹ đặt, mà sẽ gọi bằng tên do bản mường ban cho, được sắp sếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là Sen, Khăm, Tạo, Kẻo (theo nghĩa: Sen là những người làm các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng; Khăm: là người có chức sắc trong tộc người Lào. Tạo: là người có chức sắc từ cấp xã trở xuống và cuối cùng là Kẻo. Kẻo là tên nhưng thực ra lại là họ vì đằng sau các tên này còn có các tên đệm khác tùy sở thích của người muốn đổi tên với một ý nghĩa nào đó như mong khỏe mạnh, giàu có hay sự yêu thương…)
Sau lễ căm bản, ngày hôm sau người Lào tổ chức Bun huột nặm. Trong ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm gồm: Gà, bánh tráng, hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, chè… dâng thắp hương tổ tiên, mời các đời tổ tiên từ quê cũ về ăn tết, sau đó đến nhà nhau chúc tết và té nước (té ít nước để không bị ướt, đặc biệt là những người già không đi chơi tết chỉ ngồi ở nhà thì được mọi người đến chúc tết và té nước để lấy may mắn).
Vào những năm được cho là hạn hán, Người Lào ở Na Sang tổ chức “Xó nặm phạ phốn” (dịch là lễ cầu mưa). Thực tế thì lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ chính của Bun huột nặm. Hơn nữa, Tết của người Lào được tổ chức vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho chu kỳ sản xuất nông nghiệp, thời điểm đã phát nương, đốt nương, làm đất, chọc lỗ, tra hạt, rất cần mưa xuống để hạt giống nảy mầm. Vì thế cầu mưa để cầu xin trời đất, tổ tiên, các vị thần linh ban cho những cơn “mưa vàng, mưa bạc” để hạt nảy mầm, để cây xanh lá, để vạn vật sinh sôi nẩy nở...
Lễ cầu mưa được bà con giao cho một đoàn người gồm những phụ nữ trong bản có tài ăn nói, khéo léo, biết đối đáp đi tới một số gia đình có uy tín, năm trước làm ăn gặp may mắn may mắn xin chủ nhà cho nước mưa và thức ăn.
Sau khi đi khất thực qua lần lượt các gia đình, đoàn người đi ra suối Nặm Ngam (bến tắm của bản), họ bày đồ ăn thức uống, người đại diện lấy ít xôi khấn mời các vị thần linh, sau đó mọi người quây quần trên những tảng đá to ăn cùng nhau. Ăn xong, mọi người vui vẻ cùng nhau té nước.


Té nước tại Lễ cầu mưa

Sau lễ cầu mưa, mọi người hòa cùng với dân bản tham gia các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch hoạ, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho dân, cho bản với nhiều trò chơi hay, sôi nổi và hấp dẫn như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng) Xưa khốp mu (hổ vồ lợn) Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), Pít mắc tanh (hái dưa chín).
Bun huột nặm của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên được tổ chức đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của tộc người cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây là lễ hội và cũng là tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh không chỉ là lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gióa hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn trong năm qua mà thực chất còn là lễ cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc. 
Bài: Lan Anh (Di sản Văn hóa)
Ảnh: Thu Thủy (Trung tâm Văn hóa tỉnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét