Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Lên miền “ruộng cuối”

Hải Dương –
Trong tiếng Tày, Na Hang – một huyện của tỉnh Tuyên Quang – có nghĩa là “ruộng cuối”, hay “ruộng dưới thung lũng”. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này những thắng cảnh nổi tiếng. Đến đây, du khách còn được nghe câu hát tâm tình của các cô gái Tày, Nùng bên chiếc đàn tính cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Nơi gặp hai dòng sông
DL_1Con suối chảy quanh ruộng lúa ở xã Phú Sơn, Na Hang.
Từ thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi bắt đầu vượt đoạn đường đèo núi theo dòng sông Năng. Dọc hành trình, con sông lúc ẩn lúc hiện dưới thung lũng đưa chúng tôi sang đất Tuyên Quang. Sau hơn ba giờ qua hơn 100 km của cung đường với những khúc cua ác hiểm, chúng tôi đến được đỉnh đèo cao nhất. Từ đây phóng tầm mắt xuống lòng thung lũng, khung cảnh hiện ra thật ấn tượng với chiếc cầu Đà Vị mờ mờ trong nắng hoàng hôn.
Từ đỉnh đèo, xe chúng tôi lao dốc băng qua những bản làng của người Tày, người Dao đỏ. Trên dòng Năng hiền hòa, lặng lẽ, những chiếc thuyền nan nhỏ của vài ngư dân đang chầm chậm lướt nước vào bờ, kết thúc một ngày mưu sinh. Khu ruộng bậc thang thoai thoải vươn ra lòng sông gợi cho chúng tôi đến cái nghĩa tiếng Tày của Na Hang là “ruộng cuối”. Hình ảnh thực địa và sự tưởng tượng của con người sao mà trùng khớp.
Cầu Đà Vị bắc qua dòng Năng ở đoạn nó phình ra trước khi đổ vào lòng hồ thủy điện Na Hang. Vậy là khúc sông thanh bình và cây cầu đã chào đón chúng tôi về tới thị trấn Na Hang.
Dòng sông Năng chảy sang đất Na Hang gặp dòng Gâm. Sông Gâm từ Quảng Tây, Trung Quốc đổ vào đất Việt Nam ở huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Như vậy nếu chỉ tính trên đất Việt Nam, sông Gâm và sông Năng đều có xuất phát điểm ở Cao Bằng.
DL_3(1)Toàn cảnh hồ thủy điện Na Hang trong ánh bình minh.
Hai con sông gặp nhau ở mảnh đất “ruộng cuối” đã tạo ra 8.000 ha diện tích hồ Na Hang trong tổng thể 21.000 ha của toàn khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung. Nơi hai dòng sông gặp nhau có những cảnh đẹp tuyệt diệu. Vùng lòng hồ mênh mông, quanh năm xanh biếc được bao bọc xung quanh bởi 99 ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp.
Cao nhất trong 99 ngọn núi ấy là ngọn Pác Tạ. Đỉnh Pác Tạ quanh năm mây mù bao phủ. Theo tiếng Tày, núi Pác Tạ có nghĩa là vú của trời, và hình dáng của nó đúng là như vậy. Trên đỉnh núi có hai ngôi đền linh thiêng được người dân thờ cúng là Pác Tạ và Pác Vãng. Nếu du khách thuê thuyền đi dọc hồ thủy điện Na Hang ngược theo sông Gâm lên phía Bắc sẽ được chiêm ngưỡng khu rừng nguyên sinh Tát Kẻ-Bản Bung còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là hệ thống núi đá vôi dựng đứng, hùng vĩ nhô lên mặt nước đôi bờ.
DL_8Phụ nữ Dao đỏ truyền nghề thêu cho thế hệ trẻ.
Kỳ thú nhất trong hệ thống núi đá vôi trên lòng hồ Na Hang phải kể đến một biểu tượng gọi là “núi Cọc Vài” (hay Cọc Vài Phạ). Đây được xem là biểu tượng của du lịch sinh thái Na Hang, nên còn mang cái tên “điểm tham quan lâm thủy Cọc Vài”. Nó xuất hiện trong hầu hết các bức ảnh chụp về hồ Na Hang. Cọc Vài Phạ theo tiếng Tày có nghĩa là cọc buộc trâu. Nó như một ngọn núi, sừng sững nhô lên khỏi mặt hồ với chiều cao gần 40 m. Cọc Vài Phạ gắn liền với truyền thuyết về chàng Tài Ngào người nhà trời, xuống trần gian xẻ đá ngăn sông. Vậy nên nhiều người dân nơi đây gọi Vài Phạ là cọc buộc trâu của người trời.
Không chỉ là nơi hẹn ước của hai dòng sông, Na Hang với khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung còn có nhiều con suối, ngọn thác đẹp. Thác Mơ (hay Pác Ban) dịu dàng chảy từ trên cao đổ xuống các vách núi thoai thoải tạo thành những tầng thác rất đẹp. Thác Khuổi Nhi thì hùng vĩ với 9 tầng, ào ào đổ nước. Đi thuyền trên hồ Na Hang có thể thấy ngọn thác Khuổi Nhi như một dải lụa khổng lồ trắng giữa núi rừng xanh thẳm. Chúng tôi còn bắt gặp thác Bản Lãm, thác Khuổi Sung và dòng suối Nậm Vàng. Con suối Nậm Vàng róc rách chảy ra những bụi cây, mỏm đất rồi đổ xuống tạo thành hồ nước nhỏ trong vắt, mát rượi. Tất cả tạo nên những cảnh đẹp hoang sơ giữa núi rừng, trước khi đổ ra hồ Na Hang.
Những nét văn hóa  độc đáo
DL_7Phụ nữ Tày chơi đàn tính.
Ngoài người Kinh chủ yếu tập trung ở thị trấn thì Na Hang là mảnh đất có sự cư trú của nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đi qua các xã vùng sâu của Na Hang, chúng tôi đã bị cuốn hút bởi những điệu hát cọi, hát quan làng, hát giao duyên ngọt ngào, sâu lắng, được nghe tiếng kèn pí lè, kèn lá, xem điệu múa khèn độc đáo, hay ngắm nhìn những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các cô gái Dao đỏ, bộ váy áo đen tuyền của các thiếu nữ Tày quyến rũ…
Người Tày ở Na Hang còn được nhắc đến với điệu hát then và cây đàn tính truyền thống. Ở xã Sơn Phú, người Tày từ già đến trẻ, gái hay trai đều biết hát then, chơi đàn tính thuần thục. Họ không chỉ hát vào những ngày hội mà ngay trên ruộng, bên bến sông những lúc rảnh rỗi. Câu hát then vang lên đắm đuối, lời hát trong trẻo, hòa vào tiếng thác đổ, chim kêu rồi từ từ ngấm vào lòng người. Họ còn hát giao duyên để những đôi trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng sẽ tìm đến nhau sống cuộc đời thủy chung.
Bên khung cửi, người phụ nữ Dao, Tày vẫn giữ truyền thống căng tơ dệt vải, để sau đó làm ra trang phục cho bản thân và gia đình. Những bộ trang phục của người Dao đỏ có màu sắc sặc sỡ, hoa văn cầu kỳ. Ngoài việc dệt vải, thêu thùa, nhiều phụ nữ Tày, Dao, Nùng ở Na Hang còn vào rừng hái lá thuốc, chăm sóc thảo dược trong vườn nhà.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung ở Na Hang là nơi có hệ động thực vật phong phú. Hiện nay ở đây vẫn còn một số cá thể voọc mũi hếch (được ghi trong sách đỏ thế giới). Ở vùng sông Gâm, sông Năng có hai loài cá cực kỳ quý hiếm là cá rầm xanh và cá anh vũ. Đây là hai loài cá ngày xưa dùng để tiến vua. Để thưởng thức các món chế biến từ hai loài cá này hiện nay không phải là dễ vì sự suy giảm nghiêm trọng. Những nhà hàng bên hồ Na Hang thỉnh thoảng mới có cá quý để đãi du khách gần xa. Ngoài ra, trên lòng hồ còn có loài cá chiên khổng lồ, nhiều con lên đến hơn 10 kg. Chỉ những dân chài giàu kinh nghiệm mới có thể bắt được chúng.
Thật tuyệt vời khi du khách được thưởng thức món cá chiên với những chén rượu ngô men lá say nồng trong nhà bè hay trên thuyền bên hồ Na Hang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét