Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Huyền Trân công chúa làm vợ Chế Mân

Huyền Trân công chúa làm vợ Chế Mân
(PL)- Giữa Hội trường Thống Nhất và Cung văn hóa Lao động có một con đường nhỏ và ngắn đi ngang được mang tên Huyền Trân Công Chúa. 
Trước năm 1975, con đường này từng được mệnh danh là “con đường không số nhà” vì không có một địa chỉ nào trên con đường này. Huyền Trân công chúa không được sử sách xưa nhắc đến nhiều nhưng công lao mở cõi không hề nhỏ khi góp phần đưa về cho nước Việt hai châu Ô, Rí (bao gồm địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đến bờ sông Thạch Hãn hiện nay).
Có những việc các sử gia ít khi nhắc đến. Nhiều người viết sử đã bỏ qua rất nhiều câu chuyện lịch sử trong quan hệ giữa nước ta với Chiêm Thành trong khi giữa hai nước cũng xảy ra nhiều cung bậc trong quan hệ, từ hòa bình hữu nghị cho đến xung đột.
Một lời hứa, một mối bang giao
Đại Việt và Chiêm Thành đã trải qua những trận chiến liên miên không dứt kéo dài trong hơn 200 năm từ đời nhà Lý đến nhà Trần; chỉ đến khi cùng bị quân Nguyên xâm lược hai bên mới ngừng xung đột, chống kẻ thù chung. Tháng 2 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người đã cải thiện bang giao với Chiêm Thành, đến thăm Chiêm Thành và được nhà vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) đón tiếp nồng hậu. Trần Nhân Tông ở Chiêm Thành đến chín tháng trời, vừa ngao du sơn thủy vừa trao đổi Phật pháp. Trước khi về, Thượng hoàng ngỏ ý muốn gả con gái là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để mở rộng bang giao hai nước. Từ đó, năm nào Chiêm Thành cũng cử sứ bộ tới Thăng Long xin cầu hôn. Triều đình nhà Trần phản đối cuộc hôn nhân dị tộc này, chỉ có Văn túc vương Trần Đạo Tái và Đại hành khiển Trần Khắc Chung ủng hộ. Đặc biệt đến năm 1305, khi Chế Mân đề nghị dâng hai châu Ô, Rí làm của hồi môn thì nhà Trần không thể chối từ nữa.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1336), Huyền Trân lên thuyền sang Chiêm Thành. Quan quân và dân chúng đến tiễn đưa công chúa rất đông. Truyền thuyết của người Chăm kể lại đích thân Chế Mân ra đón, mặc bộ quần áo màu trắng, giày đen thêu chim thần Garuda. Hôn lễ cử hành suốt ba ngày ba đêm và Huyền Trân đã được Chế Mân phong cho danh hiệu là hoàng hậu Paramecvari.
Vì sao Chế Mân lại nóng lòng muốn lấy Huyền Trân đến như vậy? Chế Mân được xem là một trong những bậc minh quân và anh hùng dân tộc của người Chiêm, ông là người đã lãnh đạo quân Chiêm đánh bại thủy quân Nguyên xâm lược (chiến công của ông có được cũng nhờ Đại Việt đã ngăn được quân Nguyên trên bộ), khi lên ngôi ông củng cố sự hòa hiếu với các quốc gia lân bang, kinh bang tế thế khiến dân chúng yêu quý, tôn trọng. Chế Mân muốn cưới Huyền Trân để phát triển bang giao hai nước lâu dài.
Đây hẳn là một đám cưới vì mục đích chính trị, bản thân Huyền Trân cũng chỉ là người vợ thứ ba của Chế Mân. Ngoài người vợ đầu người Chiêm, vợ thứ hai là Tapasi là người Java, Chế Mân có lẽ cũng muốn giữ hòa khí và bang giao với phía Nam.
Huyền Trân công chúa làm vợ Chế Mân - ảnh 1
Huyền Trân công chúa, tranh bìa sách của NXB Kim Đồng. 
Cuộc giải cứu Huyền Trân và những nghi vấn còn mãi
Chỉ mới làm vợ Chế Mân được 11 tháng, Huyền Trân công chúa đã trở thành góa phụ. Chế Mân chết khi mới 50 tuổi, trong một trường hợp rất “vô duyên”: Gió lốc bẻ gãy một cành cây trong vườn rơi trúng gáy khi ông đang nằm phơi nắng để trị bệnh ngoài da.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Theo tục lệ Chiêm Thành, hễ vua mất thì hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, bèn sai bọn Khắc Chung mượn cớ sang viếng tang, rồi nói, nếu hỏa táng công chúa trước thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng trước ra bờ biển chiêu hồn ở chốn ven trời, đón linh hồn (Chế Mân) cùng về rồi hãy lên giàn hỏa thiêu. Người Chiêm nghe theo. (Ra biển), Khắc Chung dùng thuyền nhẹ, cướp lấy công chúa đem về”.
Ngày nay, việc này được xem là vô lý vì với một số người thì theo phong tục của Chiêm Thành, việc hỏa táng hoàng hậu theo vua là ân sủng, chỉ dành cho hoàng hậu nào tự nguyện và có cả một hội đồng để xét duyệt nên trong suốt lịch sử của Chiêm Thành chỉ có vài hoàng hậu được hỏa táng theo vua mà thôi. Giả sử đích thân Huyền Trân tình nguyện xin được chết theo vua cũng không được duyệt vì thứ nhất bà không phải hoàng hậu chính thất, thứ hai bà là người ngoại tộc và cuối cùng, khi Chế Mân mất bà đang mang thai năm tháng, tục lệ người Chiêm không hỏa thiêu trẻ em, vị thành niên chứ đừng nói phụ nữ đang mang thai.
Ngoài ra còn các tình tiết khác, đó là Chế Mân mất tháng 6-1337 nhưng tới tháng 10 nhà Trần mới được Chiêm Thành báo tin và cử sứ bộ sang viếng, nếu Huyền Trân bị hỏa thiêu cùng với vua thì làm gì còn sống, đợi bốn tháng sau đến lúc thuyền Đại Việt vào cứu. Điều này dẫn đến nhiều giả thiết khác nhau.
Giả thiết đầu tiên cho rằng vì Huyền Trân đang có thai nên không hỏa thiêu ngay mà phải đợi khi sinh xong mới đưa lên giàn hỏa.
Giả thiết thứ hai cho biết hoàng hậu Tapasi sau đó đã được Chiêm Thành cho về nước nên không có chuyện hỏa thiêu ai cả, chẳng qua do nhà Trần không hiểu rõ phong tục của người Chiêm Thành nên vua Trần Anh Tông đã ra quyết định sai lầm.
Giả thiết thứ ba do ông Dominique Nguyễn, một người Việt gốc Chăm sống ở Pháp, đã viết khảo luận cho rằng Huyền Trân đã vâng lệnh vua dùng mỹ nhân kế để đầu độc Chế Mân nên nhà Trần phải tìm cách giải cứu trước khi sự việc bị phát hiện…
Giả thiết thứ tư là không có chuyện cướp công chúa mà chính Trần Khắc Chung bằng tài ngoại giao của mình đã thuyết phục Chiêm Thành cho đưa Huyền Trân về lại đất Việt.
Bất kể nguyên nhân chính là gì trong ba giả thuyết đầu tiên, hành động giải cứu Huyền Trân công chúa đều ảnh hưởng vô cùng xấu đến bang giao hai nước vì tạo ra sự thất tín giữa hai quốc gia...
Tình sử với Trần Khắc Chung
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rằng: “Khắc Chung dùng thuyền nhẹ, cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô”.
Người đời sau dựa vào đoạn này mà vẽ ra một chuyện tình lãng mạn từ thơ văn đến sân khấu, rằng trai tài gái sắc gặp nhau, vì ngưỡng mộ người hùng liều thân vượt biển cứu mình khỏi giàn hỏa, nàng đã trao trái tim cho chàng. Chàng muốn kéo dài thời gian ở gần với người đẹp nên tìm cách cho thuyền đi loanh quanh, lấy cớ tránh thuyền chiến Chiêm Thành rồi tránh bão mà ghé vào nhiều vùng đảo hoang đẹp như tranh vẽ dọc theo duyên hải nước Việt để tận hưởng cảnh đẹp trần thế với mỹ nhân, cả năm sau cả hai mới chịu về đến kinh thành ra mắt triều thần…
Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là khi sử sách chỉ nhắc đến vẻn vẹn vài câu. Nhưng cần xem xét nhiều yếu tố khác:
Trần Khắc Chung là một đại thần của nhà Trần, ông nổi tiếng khi dám tình nguyện đi sứ gặp tướng giặc Ô Mã Nhi, đối đáp rành mạch khiến tướng Mông Cổ phải thán phục, sau đó Ô Mã Nhi cho người đuổi theo giết để trừ hậu họa nhưng không kịp. Thời điểm cứu Huyền Trân ông là một trụ cột của triều đình, lại đã 60 tuổi, ở thời đó là đã rất già yếu, sự chênh lệch tuổi tác khó tạo thành chuyện “lửa rơm”. Mặt khác, Trần Khắc Chung không đi một mình, trên thuyền còn có An phủ Đặng Vân là phó sứ và các thị nữ hầu hạ công chúa cùng các quân binh khác.
Dẫu biết rằng thời nhà Trần quan hệ nam nữ khá phóng túng nhưng bản thân Huyền Trân công chúa cũng được giáo dục lễ nghi ở mức đáng kể. Thời điểm đó bà đang trong giai đoạn có tang chồng, lại mới sinh con, còn đang ở cữ là lúc tránh các bệnh sản hậu, chuyện dan díu không chỉ trái đạo lý mà còn nguy hiểm cho sức khỏe.
Khi về đến đất Việt, Huyền Trân đã lên Yên Tử gặp phụ thân, sau đó bà quyết định quy y cửa Phật, xuất gia tại núi Trâu Sơn với pháp danh Hương Tràng. Sau này bà đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay ở Nam Định) lập am, sau thành chùa Nộm Sơn. Huyền Trân công chúa (tức ni sư Hương Tràng) mất năm 1340, thọ 53 tuổi.
PHẠM TRƯỜNG GIANG

Minh oan cho công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung

Minh oan cho công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung
(PLO)- Ngày 13- 7, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã khởi công vở diễn mới "Ni sư Hương Tràng".
“Ni sư Hương Tràng” (hay “Công chúa Huyền Trân”) là một trong hai vở diễn được Nhà hát dàn dựng năm 2017 theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
Minh oan cho công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung  - ảnh 1
Điện thờ Công chúa Huyền Trân trong Khu trung tâm văn hóa Huyền Trân.
Vở diễn “Ni sư Hương Tràng”, kịch bản TS Bùi Hữu Dược (cũng chính tác giả của kịch bản "Vua Phật", đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng), chuyển thể Cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên; đã khắc hoạ cuộc đời công chúa Huyền Trân, con gái của Đức vua Trần Nhân Tông, em của vua Trần Anh Tông.
Công chúa Huyền Trân, pháp danh khi xuất gia là Ni sư Hương Tràng là một tấm gương về sự cống hiến, đức hy sinh vì nước, vì dân. Công chúa đã đi vào lịch sử để sống mãi với đất nước qua mối tình Chiêm - Việt, để rồi trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ tài tử, thi nhân ngợi ca.
Ở vị trí nào, dù là một ni sư "lấy đạo để tạo đời" sau này, hay là công chúa cành vàng lá ngọc của Vua cha Trần Nhân Tông, hay là Hoàng hậu đệ nhất chánh cung kiêu sa, quyền quý của Vua Chiêm... Công chúa Trần Huyền Trân cũng sáng lung linh như một ngôi sao giữa bầu trời đêm.
Thông qua cuộc đời của Công chúa Trần Huyền Trân, vở diễn cũng đã khắc hoạ về bối cảnh lịch sử của nước Đại Việt và mối quan hệ đa chiều với các nước lân bang cùng nhiều sự kiện lịch sử đầy chất bi tráng.
"Vở diễn đã cho thấy mối duyên tình trời định giữa bậc quân vương Chiêm quốc - Chế Mân với Công chúa Đại Việt - Trần Huyền Trân. Thông điệp mà vở diễn muốn gửi tới công chúng là: Mỗi con người ở mỗi quốc gia cần biết quý trọng cuộc sống hoà bình; có ý thức, trách nhiệm xây dựng cuộc sống chung trong tình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc. Vở diễn tái hiện lịch sử xưa là để cảnh tỉnh đến mỗi người dân Việt Nam hôm nay, phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh trên nền tảng của độc lập, tự chủ, tự cường", đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ.
Còn theo tác giả Bùi Hữu Dược, qua vở diễn các nghệ sĩ muốn ca ngợi một người phụ nữ Việt Nam trong rất nhiều vai trò, trong đó có  vai trò hết sức quan trọng là một người yêu nước, mở nước, muốn làm vẻ vang cho đất nước của mình. Ngay khi xuất gia, đi tu, bà vẫn thể hiện vai trò hết sức quan trọng của mình là giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, yêu nền độc lập và yêu sự tự cường của dân tộc ta.
"Cũng qua vở diễn này, tôi muốn giải quyết một vấn đề lịch sử mà cho đến nay vẫn là nỗi buồn của nhiều người về một nhân vật Hành khiển Trần Khắc Chung. Nhân vật này trong nhiều vở diễn vẫn là một tội đồ, vì khi cứu công chúa từ Chiêm Thành về bị mang tiếng là một người tư thông với công chúa, 8 tháng cùng công chúa lênh đênh trên biển. Cái tích của lịch sử đó là một vết nhơ, nhưng sự thật không phải là như vậy", tác giả Bùi Hữu Dược nói.
Ông cũng cho hay đã hỏi rất nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt nhà sư… họ đều nói thời đó là thời của võ, nhưng cũng là thời của văn, của Phật, của đạo. Không đời nào có chuyện một vị tướng đi cứu nàng công chúa tuổi mới đôi mươi, vừa mất chồng, chết con lại nỡ làm việc vô đạo như thế.
"Chính vì thế, trong vở diễn chúng tôi có ý muốn minh oan cho Trần Khắc Chung. 8 tháng đi đón Công chúa Huyền Trân, họ không phải lênh đênh trên biển, mà 8 tháng thuyền của họ đi trên biển gặp sóng to, phải dạt vào bờ để chữa thuyền, lấy quân lương. Cùng với việc vào bờ chữa thuyền, nạp quân lương, thì chính bằng tài năng, đức độ của mình, Trần Khắc Chung đã cử những người tâm phúc đi tìm Thái tử Chế Đa Đa. 6 tuần cử tâm phúc đi tìm mà không tìm được, nên họ lại phải lên đường trở về đất nước", tác giả Bùi Hữu Dược cho biết thêm.
VIẾT THỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét