Ngọn núi Phật giáo
TTO - Từ nhiều thế kỷ trước, Ngũ Hành Sơn đã là một trong những địa điểm rất sớm in dấu chân khai phá của di dân Đại Việt trên đường Nam tiến.
Tiền nhân không quên mang theo những tín ngưỡng truyền thống để biến nơi đây thành một vùng đất Phật với những ngôi chùa cổ.
Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây
Vua Minh Mạng
Dấu xưa bia cổ
Chiếc thang máy chầm chậm đưa đoàn người lên ngọn núi Thủy Sơn. Từ bên trong nhìn ra ô cửa một vùng biển xanh ngắt với bãi cát dài gợn sóng.
Khi thang chạm đỉnh, dãy Bạch Mã kéo liền tới Trường Sơn rồi toàn bộ quần thể đảo Cù Lao Chàm nằm trong tầm mắt.
Ông Lâm Minh Hùng, Việt kiều Pháp, trước làm nghề thợ ảnh, lặng lẽ quan sát kỹ những ngôi nhà quanh năm hòn núi.
Tay ông đưa cao bức ảnh cũ kỹ chụp từ đài vọng cảnh trên ngọn Thủy Sơn với tiền cảnh là hai cậu bé bán nhang, hậu cảnh là ngọn Hỏa Sơn, xa hơn nữa vùng đồng bằng rộng lớn có vài ngôi nhà đơn lẻ được điểm xuyến bởi dòng Cổ Cò uốn lượn.
Ông Hùng cố tìm lại những hình dung về vùng đất này thời điểm ông chụp bức ảnh trước những xoay vần thời cuộc.
"Khó mà nói hết được cái hình thế đặc biệt của ngọn núi khi lúc này đường lớn được mở tứ phía, nhà cửa đã vươn cao ăn vào chân núi. Lúc tôi ở đây người Mỹ vẫn chưa xây cầu nối đôi bờ sông Hàn.
Sông Hàn và dòng Cổ Cò biến bãi cát ven biển này thành ốc đảo. Các ngọn núi này là một "điểm mạnh" trong khung ảnh dù tay máy có đứng cách đó cả chục cây số" - ông Hùng nói.
Trong các trang sử Việt, không có ghi chép về những người đầu tiên sống trên ngọn núi này. Nhưng bằng chứng về sự tu hành khổ hạnh của các thiền sư thì vẫn còn khắc trên vách đá mấy trăm năm qua.
Hai tấm bia khắc trên vách động Vân Thông (bia Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lặc) và động Hoa Nghiêm (bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật) còn đó như một chứng tích không thể xóa nhòa của thời gian.
Cố GS Lê Trí Viễn, trong cuốn Cơ sở ngữ văn Hán - Nôm có đưa bài văn bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật vào phân tích.
Khi bàn về niên đại bia, GS Viễn và cộng sự đã suy đoán năm Canh Thìn được ghi trong bia là năm 1640 dựa trên những lối sử dụng kỵ húy của các đời vua chúa.
Những văn bia này nói về thiền sư Huệ Đạo Minh người Thanh Hóa, khi đến đây tu đã thấy "dấu Phật" quá đổ nát bèn phát tâm đứng ra quyên góp dựng lại chùa.
Khi đã có những bản dịch từ bia đá, sau này các chuyên gia đối chiếu với các địa danh làng xã cũng đã xác định bia Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lặc lập năm 1631. Như vậy có thể thấy sự hiện diện của Phật pháp đã ăn sâu vào lòng núi từ nhiều thế kỷ trước.
Dấu tích Chămpa thế kỷ 7
Dấu vết của con người ở núi Ngũ Hành Sơn có từ rất sớm, thể hiện qua các di khảo dưới chân núi.
Tại một số hang động trên núi hiện vẫn còn tồn tại hình thái thờ tín ngưỡng linga-yoni và một số bệ đá chạm trổ công phu.
Năm 2000, GS Trần Quốc Vượng và đoàn khảo cổ khi đó đã tiến hành hố khai quật dưới chân ngọn Thổ Sơn. Kết quả của cuộc khai quật cho thấy nơi đây từng là khu vực sinh sống của cư dân Chămpa từ thế kỷ thứ 7-9.
Một núi hai quốc tự
Ngày chớm đông, chúng tôi theo chân sư thầy chùa Tam Thai đi một vòng quanh năm hòn núi trong chưa đầy hai cây số vuông này.
Chúng tôi đếm được 14 ngôi chùa đang có người tu hành nhưng đó là chưa kể những danh tự một thời được sử chép như Thái Bình, Vân Phong, Phổ Đà... nay chỉ còn lại chút vết tích gạch đá.
Sư thầy Thích Đồng Phú chỉ bức không ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1888-1925 ghi lại toàn bộ kiến trúc chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn.
Trong bức ảnh ấy có thể nhìn thấy năm khối nhà gạch mái ngói âm dương được xây kiên cố riêng lẻ, mỗi gian được bao bọc bằng tường rào gạch với lối ra vào bằng phẳng.
"Thời bấy giờ nếu không được nhà vua phong là quốc tự thì khó có những công trình bề thế như vậy trên núi" - sư thầy Thích Đồng Phú cho biết.
Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng vua Minh Mạng có đến ba lần ngự giá lên núi thăm thú chùa chiền, hang động và ban thưởng hậu hĩnh cho các tự viện.
Riêng hai ngôi chùa Tam Thai, Linh Ứng trên ngọn Thủy Sơn được vua ban sắc tứ, trở thành quốc tự của triều đình.
Lần ngự giá đầu tiên của vua năm 1825, sử nhà Nguyễn chép rằng vua bảo thị thần: "Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây".
Sau chuyến đi này, vua Minh Mạng đã lệnh cho tôn tạo Ngũ Hành Sơn, trong đó chủ yếu là xây dựng và sửa sang các chùa chiền, tô tượng, đúc chuông, ban cấp kinh sách...
Ngày nay, chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng vẫn còn lưu giữ một số hiện vật được tạo tác trong thời gian này là hai tấm biển gỗ do vua sắc ban ghi tên chùa.
Chùa Tam Thai còn có một tấm biển bằng đồng hình quả tim có tia lửa vòng quanh, mặt trước có những dòng chữ được in rập từ chính ngự bút của vua Minh Mạng.
Lý giải về sự xuất hiện sớm của Phật giáo trên núi, nhà sư Thích Như Tịnh (chùa Viên Giác, Hội An) nhận định: Với một hệ thống hang động dày đặc thâm u, Ngũ Hành Sơn mặc nhiên trở thành nơi lý tưởng cho những ai có hạnh ẩn tu, xa lìa cõi tục.
Từ những di chỉ của người Chăm để lại, chúng ta có thể biết người Chiêm Thành trước đây cũng đã chọn nơi này làm chỗ tế tự tín ngưỡng. Đến khi mảnh đất này thuộc về Đại Việt, Phật giáo Đại thừa từ miền Bắc theo dòng người di dân đã đến và đặt nền tảng tại đây.
Chùa Tam Thai là một trong những ngôi cổ tự được người Việt lập khá sớm tại núi này, về sau những ngôi tự viện được kiến tạo thêm và nơi đây trở thành một trong các trung tâm Phật giáo lớn nhất xứ Quảng.
Từ lời kể của thiền sư Từ Trí (1852-1921), Albert Sallet, một người phương Tây đến Trung kỳ những năm đầu thế kỷ trước, đã cung cấp thêm một lý do vì sao nơi đây là một trung tâm Phật giáo được nhà Nguyễn nâng đỡ: công chúa Ngọc Lan, con vua Gia Long, cũng là em gái của vua Minh Mạng đã bí mật từ bỏ tất cả danh vọng để đến ẩn tu trong ngọn núi này.
'Danh thắng Đàng Trong' qua mắt người nước ngoài
TTO - Nhiều thế kỷ trước, Ngũ Hành Sơn đã đón những vị khách nước ngoài tới du hành. Họ đến và để lại những sử liệu quý về "đệ nhất thắng cảnh" xứ Đàng Trong.
Ta bình sinh du lịch khe động rất nhiều thấy động này sạch sẽ đẹp hơn hết
Danh tăng THÍCH ĐẠI SÁN
Trong số đó, đáng chú ý hơn cả là ghi chép của nhà sư Thích Đại Sán và nhà nghiên cứu xứ Thuận Hóa Albert Sallet.
Những bài thơ của Thạch Đầu Đà
Ghi chép xưa về thắng cảnh này được danh tăng Trung Hoa thời Khang Hy, Thích Đại Sán (1633-1704, hay còn có tên khác là Thạch Đầu Đà) chép lại ngay trên đường ghé thăm vào năm 1695.
Chuyến du ngoạn sơn thủy và giảng giải phật pháp ở xứ Đàng Trong của Thích Đại Sán theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu được ghi lại toàn bộ trong cuốn Hải ngoại kỷ sự.
Cuốn sách này trở thành một trong những sử liệu quý giá về địa lý, phong tục và con người vùng Thuận - Quảng thế kỷ 17.
Trong bộ sách sáu quyển này, những ghi chép nguyên văn kể lại chuyến đi trên "hồng thuyền" vượt sông Cổ Cò tới núi Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) vào mồng 1-7: "Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt.
Nhìn đồi quanh co đều bằng đất, chỉ có núi đá Tam Thai đứng cao chất ngất, hai hòn lớn day mặt ra nước, còn một hòn hơi nhỏ hơn.
Nhìn xa, hình núi suôn sẻ, lại gần trông lên có nhiều cây lớn hai ba vòng ôm mọc lên từ hốc đá. Đi quanh theo mé núi thấy có viên (đá) mọc đứng thẳng lên, có viên chúc ngược thòng xuống. Có chỗ sâu lõm vào thành hang, lại có chỗ đứng dựng như bức vách"...
Sau khi lên ngôi chùa trên núi, Thích Đại Sán nhìn thấy xung quanh đều là cát trắng, gió thổi mặt cát gợn thành thủy ba. Nhà sư này cũng ghé thăm hệ thống hang động tối om nhưng đủ sức chứa cả nghìn người ở đây.
Theo những ghi chép của ông thì trên các ngọn núi này đầy rẫy khỉ và chúng cũng "khinh lờn người chẳng sợ". Ông viết: "Ta bình sinh du lịch khe động rất nhiều thấy động này sạch sẽ đẹp hơn hết".
Thích Đại Sán mẩn mê với vẻ đẹp đặc biệt của ngọn núi nhưng ông cũng tỏ ra tiếc nuối khi nhiều nơi chủ nhân chưa "gia công giũa gọt" khiến "vùng hoang biển tận, núi lạ đá xinh lại nằm hoang trong gai cỏ thật đáng tiếc".
Đặc biệt, ông dự báo: "Biết đâu nghìn năm sau, nơi rừng bụi hoang vu này trở thành ấp phồn hoa, chốn ve kêu dế khóc này có thể thành nơi đờn ca hát xướng"... Thích Đại Sán đã làm một bài trường ca và một bài thơ vịnh hai phần khi đi chơi núi Tam Thai.
Trong đó có những đoạn ghi chép hệ thống hang động ở đây: "Sơn đồng mách bảo ôn tồn / Rằng đây mười bảy động môn rành rành / Có một động thiên thành mát mẻ / Trong nắng hè nhường thể đông ba... / Lom khom chân bước tới dần / Tầng trên như có hé vần kim ô / Ai khéo trổ tròn vo một lỗ / Sáng như gương trên đó trống không / Trần hang dòm suốt thiên thông / Nhụ toan lóng lánh như lồng đèn treo".
"Linh hồn xứ sở"
"Truyền thuyết về Ngũ Hành Sơn thì nhiều, sự tích lại khá dông dài... Cái thế giới núi đá này tự biểu hiện như là linh hồn của xứ sở...
Vâng, đó là chốn tôn kính, ngoạn mục và vì lý do lịch sử đặc biệt, tâm hồn người An Nam phải chăng bắt nguồn từ đó những bước đi trong cuộc đời.
Những cụm núi này do đó cần phải biết đến nhiều hơn" - đó là lời đề tựa trong cuốn Đô Thành hiếu cổ của Albert Sallet (1879-1948) - nhà sáng lập Hội Những người bạn Huế xưa, nhà văn hóa học xứ Trung kỳ.
Cho tới nay, những ghi chép của A.Sallet được cho là khảo cứu toàn diện về Ngũ Hành Sơn khi vẽ ra được bức tranh toàn cảnh từ địa danh, địa lý, cảnh quan, dấu tích văn hóa, tôn giáo, cư dân...
A.Sallet đánh giá địa mạo ngọn núi kỳ lạ bởi "ven bãi cát biển bỗng mọc lên giữa đồng bằng một quần thể núi đá" và đã trở thành khung cảnh có một không hai khi trước mặt là biển, sau lưng là sông.
A.Sallet liệt kê ra hơn một chục danh xưng của ngọn núi do các triều đại đặt và giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của các tên gọi.
A.Sallet cũng ghi lại những câu chuyện tín ngưỡng dân gian, đức tin linh thiêng đối với chùa chiền, miếu thờ trong hang động trên núi.
Với sự am hiểu văn hóa sâu nặng vùng đất mà mình có thời gian sống suốt 20 năm, học giả Pháp này cũng đã tiếp cận tất cả những sử liệu ghi chép của người Việt về nơi này rồi đưa ra những nhận định riêng của mình về những ngọn núi mà ông cho là linh thiêng ở đây.
Ông đánh giá dân bản xứ "nợ nần" với núi Ngũ Hành Sơn về một vài hiện tượng thi ân quan trọng. Đặc biệt là tục "cắt huyết gà để thề" và cầu tự của những người đàn bà hiếm con (bằng cách uống nước vú đá nhỏ ra ở trong động).
Ông so sánh cung cách đi cúng viếng cầu xin con cái ở chùa Hương Tích (tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ) với những ngôi chùa trên núi Ngũ Hành Sơn: "Ở đây sự cầu nguyện không phải tổ chức thành lễ hội gì cả, không có đám đông, chỉ hành lễ trong sự lặng lẽ.
Dân chúng hai làng Hóa Quê và Quán Khái thường năm vào thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ đi lễ bái để sùng ngưỡng các vị thần hộ mạng chính thức của họ tại các điện thờ trong núi Tam Thai; nhưng những lễ này không quy định phải phô trương mà chỉ có tính cách địa phương, tâm niệm trong lòng".
Cũng chính vị bác sĩ của quân viễn chinh Pháp này là một trong những người chụp lại những bức hình đầu tiên về Ngũ Hành Sơn đầu thế kỷ 20.
Tiếng tăm lan xa
Bản thảo cuốn Hải ngoại kỷ sự được Thích Đại Sán hoàn thành trong năm và đưa cho chúa Nguyễn Phúc Chu đọc và viết lời tựa. Sau khi về cố quốc ông tiếp tục bổ sung, hoàn thiện rồi tới năm 1699 thì cho xuất bản.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), tác phẩm này được lưu hành và lưu trữ ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam... được biên mục vào Tứ khố toàn thư tổng mục dưới triều Thanh Càn Long và được tái bản rất nhiều lần. Như vậy từ những thế kỷ trước, tiếng tăm của ngọn núi thắng cảnh xứ Đàng Trong này đã được lan xa khắp châu lục.
Bằng chứng hội nhập và thủy lộ biến mất
TTO - Ngày 23-2-2010, một nhóm sư thầy hơn 30 người từ ngôi chùa cổ Jomyo, TP Nagoya đến sân bay Đà Nẵng mang theo một món quà quý. Từ sân bay họ đến thẳng Ngũ Hành Sơn.
Dấu tích giao thương trên dòng sông này chính là bến Vịnh Miếu Ông Chài. Người dân vẫn gọi đây là Bến Ngự, Cồn Ngự vì một thời thuyền vua cập bến mỗi khi đến vãn cảnh Non Nước
Ông Đặng Quang Tín
Món quà 400 năm
"Tôi trao lại cho thầy bức tranh này là bằng chứng bền chặt về mối quan hệ xa xưa mà tiền nhân chúng ta đã gây dựng.
Sự giao lưu và gắn bó lâu đời của hai nền Phật giáo chúng ta là khởi điểm giao lưu văn hóa của hai dân tộc" - đại sư Vĩnh Tam Lan (trụ trì chùa Jomyo) nói khi trao món quà cho thượng tọa Thích Hạnh Mãn (trụ trì chùa Tam Thai).
Món quà được các nhà sư Nhật Bản tặng chính là phiên bản bức tranh Thác kiến Quan Thế Âm có niên đại 400 năm trước.
Đây là bức vẽ tượng Phật ngồi phiêu diêu tự tại trên tảng đá, phía sau người là ánh sáng hào quang.
Bức tranh này cùng với bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ được xem là hai bức tranh quý giá đang được lưu giữ tại chùa Jomyo.
Tranh Thác kiến Quan Thế Âm là món quà của An Nam quốc vương (thời Nguyễn) thỉnh từ chùa Ngũ Hành Sơn tặng thuyền Châu Ấn của dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền đến buôn bán tại Hội An thế kỷ 17. Khi về nước, thương nhân Chaya mang đến tặng cho chùa Jomyo.
Riêng về bức Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ, đại sư Vĩnh Tam Lan cho biết đây là bức tranh màu nước đồ sộ cao 0,8m, dài gần 5m.
Theo thời gian, bức tranh này đã bị mất một phần, phần còn lại cho thấy bốn cảnh quan: cảnh thuyền Châu Ấn rời Nhật Bản đi Giao Chỉ và cập bến Hội An (Đàng Trong của Đại Việt), cảnh thương nhân Nhật dâng lễ vật cho một người được cho là vua chúa triều Nguyễn; cảnh phố Nhật ở Hội An; cảnh trong đất liền có ngôi nhà lớn.
Thượng tọa Thích Hạnh Mãn kể trụ trì chùa trước đây khi còn sống đã từng nhắc về bức tượng nguyên tác của tranh Thác kiến Quan Thế Âm. Tiếc rằng không hiểu vì sao mà bức tượng không còn ở đây nữa.
"Đây là điều đáng tiếc khi bức tranh được các nhà sư Nhật Bản gìn giữ suốt 400 năm qua. Nay phiên bản Thác kiến Quan Thế Âm đã về lại Tam Thai để hậu thế biết rằng Ngũ Hành Sơn một thời là kinh đô Phật pháp xứ Đàng Trong, thu hút cả các thương nhân nước ngoài đến đây chiêm bái. Điều này chứng tỏ Phật giáo Việt Nam thế kỷ 17 đã hội nhập và mang tính quốc tế hóa cao" - thầy Mãn nói.
Dấu tích của thương gia Nhật ở Ngũ Hành Sơn được xác thực vào năm 1640 trên tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật khắc vào vách đá trong động Hoa Nghiêm ở ngọn Thủy Sơn tồn tại mãi đến ngày nay. Bia ghi lại công đức của những người đã có công đóng góp xây dựng chùa.
Trong số hơn 30 cái tên có tám người Nhật cùng vợ được khắc tên kèm theo thông tin quê quán, số tiền "cúng dường".
Thầy Thích Hạnh Mãn cho biết đã có một số nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản đến thăm lại văn bia này.
Thậm chí cuối năm 2013, Đại học Đà Nẵng và UBND TP Đà Nẵng còn tổ chức hội thảo "Lịch sử và triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhìn từ miền Trung Việt Nam".
Trong đó các nhà nghiên cứu Nhật đều đánh giá cao những điểm tương đồng về văn hóa, nhất là văn hóa Phật giáo tại hai quốc gia mà khởi điểm sớm nhất từ Hội An và Ngũ Hành Sơn.
Khơi lại dòng chảy Cổ Cò
Đầu thế kỷ 20, vùng đất tọa lạc năm ngọn núi vẫn còn là một nơi cách trở. Vậy tại sao những thương gia Nhật Bản lại có cuộc du hành từ 400 trăm năm trước đến đây? Đáp án đó chính là dòng sông bị bồi lấp mang tên Cổ Cò.
Đây chính là thủy lộ quan trọng chạy song song với bờ biển nối từ Hội An đến sông Hàn. Dòng sông trở nên hữu dụng khi là nơi tránh gió, neo tàu chờ được cấp phép giao thương của thương gia Nhật.
Thế kỷ 17, khi thương cảng Hội An trở thành cửa ngõ của xứ Đàng Trong, những cuộc giao du của người nước ngoài tới "danh sơn xứ Quảng" theo dòng sông này.
Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán từng nhắc đến con sông khi ông từ Hội An đáp thuyền đến Ngũ Hành Sơn.
Ông chép rằng chợp ngủ trên thuyền chừng nửa giờ đã thấy phương Đông sáng bạch, khoác áo choàng đứng dậy thấy sóng yên nước lặng. Khi hỏi những người gần đấy, ông mới biết đây là nơi trú ẩn, tránh gió của nhiều đoàn thuyền chở lương vào Hội An.
Đại Nam nhất thống chí cũng ghi rằng Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) nằm ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía tây núi Tam Thai và nhập với sông Cẩm Lệ. Dòng sông dần dần bị bồi lấp sau triều Tự Đức.
Một ngày cuối thu, chúng tôi xuôi dòng Cổ Cò để hình dung về con đường mà thương gia Nhật Bản đã đi trước đó nhiều thế kỷ, đến đoạn tiếp giáp Quảng Nam thì phải lên bờ đi bộ bởi dòng sông đã bị bồi lấp.
Nhiều khúc sông nay đã thành đầm, ao trồng rau muống của người dân. Người cùng đi với chúng tôi, ông Đặng Quang Tín, đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về núi Ngũ Hành Sơn nhận định thời gian "dòng sông chết" vào cuối thế kỷ 19.
Ông cho rằng thời điểm này nhiều binh biến, cũng như giao thương đường bộ phát triển thì Hội An không còn giữ được sự hưng thịnh như thời hoàng kim với vị thế cửa ngõ xứ Đàng Trong.
"Dấu tích giao thương trên dòng sông này chính là bến Vịnh Miếu Ông Chài. Người dân vẫn gọi đây là Bến Ngự, Cồn Ngự vì một thời thuyền vua cập bến mỗi khi đến vãn cảnh Non Nước" - ông Tín cho biết.
Những người tâm huyết với Ngũ Hành Sơn như ông Tín đang chờ dòng sông lịch sử này sống lại bởi gần đây chính quyền hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã bắt tay nhau để khơi thông lại dòng chảy cho sông Cổ Cò.
Phật giáo xứ Đàng Trong mang tính quốc tế cao
Theo giáo sư Lê Mạnh Thoát (hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam), bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật đã cho chúng ta thông tin đáng tin cậy về hoạt động của Phật giáo vùng này kể từ khi vua Trần Nhân Tông sáp nhập hai châu Ô, Lý thành miền đất Thuận Quảng.
Điểm đặc biệt hơn nữa là danh sách người cúng tiền có những phật tử Nhật Bản, Trung Quốc chứng tỏ Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 17 đã hội nhập và mang tính quốc tế cao, thu hút sự quan tâm, sùng bái của không chỉ dân tộc mình mà còn cả dân tộc khác.
Người anh hùng mang tên núi
TTO - "Hăm mốt tuổi căm hờn / Diệt địch gấp hai lần số tuổi / Đánh trăm trận, ba năm vào bộ đội / Núi Ngũ Hành vang dội Phan Hành Sơn".
Trong chiến tranh ổng nổi như cồn, ai cũng biết tên nhưng tôi không biết ổng được phong anh hùng
Bà Nguyễn Thị Thạnh
Nhà thơ Xuân Diệu viết những vần thơ này cách đây tròm trèm 50 năm. Nay người đã về thiên cổ, người dân mảnh đất này vẫn tạc tượng ông trong tâm trí. Ông là thượng tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phan Hành Sơn.
Đổi tên núi khi trở thành anh hùng
Theo nhà thơ Lê Anh Dũng kể, cuối năm 1979, nhà thơ Xuân Diệu về nói chuyện với sinh viên Đại học Sư phạm Quy Nhơn ở Bình Định.
"Khi nghe tôi nói giọng Quảng đặc sệt, Xuân Diệu mới hỏi: Có biết Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn không? Tôi trả lời có nghe tên nhưng chưa gặp thì Xuân Diệu lắc mái tóc phiêu bồng mà nói rằng: Ở cái đất Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ mà không biết người anh hùng được đặt tên năm ngọn núi thì kể như chưa hiểu gì về xứ Quảng".
10 năm sau, khi ông Dũng gặp được Phan Hành Sơn thì người anh hùng này đã là một lão nông tri điền suốt ngày bên vườn rau ao cá.
"Khi tôi đến bắt chuyện thì ông ấy bảo hòa bình rồi, gác chuyện đánh đấm lại đi ông ơi, lo làm ăn cái đã rồi quăng lưới bắt mấy con cá dưới ao lên để đãi khách nhậu" - ông Dũng kể.
Non Nước những năm 1970 là một tổ hợp quân sự lớn nhất nhì miền Nam. Một chàng trai có tên Phan Hiệp nhà dưới chân núi khi vừa đủ tuổi đã thoát ly vùng kìm kẹp để theo bộ đội.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Trí kể năm 1965 ông trở thành cấp trên trực tiếp của đại đội trưởng Hiệp ở tiểu đoàn bộ binh R20.
Trong nhiều ấn tượng sâu đậm về "đại đội trưởng Hiệp", ông Trí nhớ nhất trận đánh trong chiến dịch X2 (năm 1968) mà sau đó chàng thanh niên chớm tròn 20 này được đổi tên thành Phan Hành Sơn.
Trong chiến dịch này R20 lãnh nhiệm vụ tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích chiến lược của Mỹ tại căn cứ Non Nước.
Trong đợt tấn công vào căn cứ địch, đại đội trưởng Hiệp nổi lên như một chiến binh dũng cảm.
Anh đã lao mình nằm trên hàng rào thép gai bùng nhùng rồi ra lệnh cho anh em băng qua tiến đánh mục tiêu.
Sau đó, Hiệp tung mình khỏi hàng rào cùng anh em đánh thẳng vào sở chỉ huy địch, tạo điều kiện cho các mũi khác nổ súng.
Từ những trận trước đó và đặc biệt là trận Non Nước, tiểu đoàn trưởng R20 Nguyễn Văn Trí cùng đơn vị đã đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho Phan Hiệp.
Một nhà văn đi cùng đoàn của Tổng cục Chính trị vào Khu 5 lúc ấy đề nghị đổi tên Phan Hiệp thành Phan Hành Sơn để gắn với chiến công của anh ở núi Ngũ Hành quê hương.
Cái tên mới này đã được ghi trong bằng tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND giải phóng năm 1969.
Những cơn đau hậu chiến
Trong nhà Anh hùng Phan Hành Sơn có một chiếc tủ gương đặt trang trọng ở phòng khách, đựng những bộ quân phục, huân huy chương, ảnh danh tướng VN qua các thời kỳ...
Bà Nguyễn Thị Thạnh, vợ Anh hùng Phan Hành Sơn, nay đã 65 tuổi, khoát tay nói: "Chuyện chiến đấu hãy để đồng đội ông ấy kể. Tôi chỉ biết ông ấy là một người hùng chịu đựng những cơn đau chết đi sống lại thời hậu chiến".
Bà Thạnh nên duyên với chồng cũng từ... chiến tranh. Anh trai bà, liệt sĩ Nguyễn Vinh Trấu, hi sinh trong một trận đánh.
"Lúc đó một nhóm đồng đội của anh Trấu về giúp gia đình tìm nơi chôn cất. Nhóm này chỉ vào một người rồi giới thiệu đây là anh hùng Phan Hành Sơn với trận đánh "nở hoa trong lòng địch" ở núi Ngũ Hành. Trong chiến tranh ổng nổi như cồn, ai cũng biết tên nhưng tôi không biết ổng được phong anh hùng vì với tôi anh hùng là người đã chết rồi hoặc già lắm" - bà Thạnh cười nhớ lại.
Sau năm 1975, Phan Hành Sơn lại lên đường làm nhiệm vụ tiễu trừ FULRO tại Tây Nguyên. Tháng 8-1978, dọc đường hành quân làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia, ông bị thương nặng do đồng đội đi phía sau vướng phải mìn.
Phan Hành Sơn được đưa về Bệnh viện Quân y 17 tại Đà Nẵng nhưng mấy ngày sau bà Thạnh mới biết tin. "Tôi qua ở với anh được vài hôm thì anh phải ra Hà Nội chạy chữa. Tôi ở nhà lo con nhỏ sau hai năm biền biệt mới gặp lại chồng.
Đồng đội bảo nếu anh không phải là biểu tượng của cuộc chiến đấu chống Mỹ thì không có chuyện đốt đuốc cho trực thăng hạ cánh cứu người trong đêm giữa rừng già Campuchia, đôi chân anh cũng không được quyết liệt giữ lại giữa thời buổi thương binh la liệt" - bà Thạnh nhớ lại.
Kể từ đó, những vết thương thử thách lòng gan dạ của người anh hùng. Chân phải bị gãy phải nối nên bước đi của ông khập khiễng.
Chiếc chân còn lại bị giập bể xương, phải mổ đi mổ lại để gắp những mảnh xương không thể hàn gắn được nữa. 20 ca mổ, tủy rò rỉ gây đau đớn, người anh hùng nghiện moocphin (một loại thuốc giảm đau) lúc nào không hay biết.
"Tôi biết tính chồng không bao giờ kể đau kể khổ. Nhưng những lúc trái gió trở trời ổng như người điên đập phá đồ đạc trong nhà vì những cơn đau đớn hành hạ. Ổng khổ sở một thì tim tôi đau mười khi chứng kiến chồng lăn lê vì đau đớn.
Đến khi ổng thú nhận mình nghiện thuốc giảm đau đến mức phải trèo tường vào trạm xá quân y trộm thuốc thì khi đó tôi mới được giải tỏa" - bà Thạnh nói.
Khi người thủ kho bị truy cứu trách nhiệm và có khả năng ra trước tòa thì Phan Hành Sơn không chịu được, ông thú nhận hành vi của mình để rồi bước vào cuộc chiến cai nghiện.
Bà Thạnh kể thời bấy giờ khó khăn trăm bề, đồng trợ cấp thương binh không đủ để nuôi ba đứa con và thuốc men chạy chữa vết thương. Anh hùng Phan Hành Sơn lại "nghiến răng" chịu đựng những cơn đau thấu trời để lao vào vỡ đất hoang trồng rau, nuôi cá.
Sau quá trình dài lao lực lo chuyện cơm áo, trong năm 2002 ông còn phải nhiều lần ra vào viện để mổ vết thương ở chân. Giữa năm 2003, vết thương phát nặng, ông ra đi cùng với cơn đau khi mới 55 tuổi.
28 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm gia đình Anh hùng Phan Hành Sơn năm 2002 - Ảnh tư liệu gia đình
Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn 28 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ (một lần Dũng sĩ diệt máy bay, bảy lần Dũng sĩ diệt Mỹ, 20 lần Dũng sĩ quyết thắng).
Ông được tặng thưởng 13 giấy khen, 13 bằng khen, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Sau khi ông qua đời, thành phố Đà Nẵng đã chọn tên ông để đặt cho một con đường hướng ra biển tại quận Ngũ Hành Sơn.
Ngũ Hành Sơn - Danh thắng núi đá kỳ lạ: Vang danh nghề đá
TTO - Với cấu tạo đá cẩm thạch, núi Ngũ Hành Sơn đã "vô tình" khởi thủy cho một loại nghề của những người đầu tiên đi khai phá vùng đất này: điêu khắc đá.
Dù bây giờ việc khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn bị cấm hoàn toàn nhưng với bàn tay vàng của những nghệ nhân, làng đá Non Nước nay đã thành thương hiệu danh tiếng.
Từ triều Gia Long, một điều luật đã được ban hành, theo đó chỉ duy quốc gia mới có chủ quyền chuyên mãi đá cẩm thạch ở Ngũ Hành Sơn trong tỉnh Quảng Nam. Do đó, nay tiếp tục nghiêm cấm bất cứ kẻ nào, làng nào xâm phạm vào những ngọn núi đá cẩm thạch này
(Một chỉ dụ của Hội đồng cơ mật năm Khải Định thứ 4)
Người hồi sinh làng đá
Dù đã bước qua tuổi 73 nhưng mỗi khi có thời gian, lão nghệ nhân Nguyễn Việt Minh ở làng đá Non Nước (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vẫn tay búa, tay đục.
Đã mấy lần "rửa tay gác kiếm" vì con cháu lo cho sức khỏe nhưng ông vẫn không thể nào bỏ được cái nghề đã vận theo mình cả đời.
"Lúc chưa độc lập, người Pháp cho đặt nhà máy to đùng dưới chân hòn Mộc Sơn rồi làm một đường ray kéo dài cả trăm mét ra tới đường chính. Ở đó có một nhà máy nghiền những tảng đá to thành những viên gạch chuyên để làm đường ở Đà Nẵng, Hội An. Cha tôi và những người có chút tay nghề đều bị bắt đi làm phục dịch ở nhà máy này" - ông Minh đưa tay vẽ một đường quanh núi.
Ông Minh sinh ra dưới chân núi khi tổ tiên 5 đời đã gắn với nghề đục đẽo đá. Thuở bấy giờ, người dân xứ này vẫn sống chính bằng nghề nông.
Khi mùa vụ nhàn rỗi, những lực điền trong làng lại... mang búa lên núi kiếm vài khối đá về đục đẽo để phụ nữ trong làng có thứ mang ra chợ đổi thức ăn.
Ông Minh kể: "Dù tôi nghe ông già (cha) kể sản phẩm của làng đã mấy lần được Pháp chọn sang đấu giá ở Marseille hồi thế kỷ 19 nhưng lúc tôi ra đời sản phẩm từ đá vẫn còn rất đơn giản. Nó chủ yếu đáp ứng nhu cầu của cư dân quanh vùng như làm chày, cối hoặc bia mộ".
Khi có chút sức vóc, ông Minh làm học trò nghệ nhân Nguyễn Chất, tốt nghiệp trường mỹ thuật thời Pháp. Bấy giờ, tay nghề của người dân làng đá đã đủ để làm các món đồ tinh xảo và thương mại như vòng đeo tay, ống tăm, bình cắm hoa...
Sau khi bị địch bắt, rồi trao trả sau Hiệp định Paris, ông Minh về lại quê hương. Nghề đá lúc bấy giờ gần như tàn lụi bởi "cơm không có ăn thì chế tác đá mần gì", lớp nghệ nhân ban đầu đã "rơi rụng" qua chiến tranh trong khi chưa có người kế cận.
Trong một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghé thăm làng đá và động viên người dân trở lại nghề, HTX điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ra đời với khoảng 100 xã viên.
Ông Nguyễn Việt Minh làm chủ nhiệm với 30 thợ điêu khắc và tiên phong mở lớp dạy nghề cho con em khắp vùng.
"Truyền thống của làng chỉ có cha truyền con nối, nhiều gia đình khi chế tác còn khoanh mái che kín, tuyệt đối không truyền cho người ngoài. Tôi làm điều chưa có tiền lệ nên gặp rất nhiều chỉ trích. Bởi có như thế thì làng nghề mới nhanh hồi sinh" - ông Minh nói.
Học trò của ông Minh bây giờ có hơn 300 người, họ là những nghệ sĩ điêu khắc được Nhà nước phong danh, chủ doanh nghiệp lớn chế tác, kinh doanh đá mỹ nghệ khắp miền Trung. Ông Minh là một trong ba người đầu tiên tại làng đá được phong nghệ nhân ưu tú.
Mang tượng ra thế giới
Nếu như lão nghệ nhân Nguyễn Việt Minh là người mở lối hồi sinh làng đá thì lớp nghệ nhân như ông Nguyễn Long Bửu là hậu sinh kế cận thổi hồn vào các pho tượng đá.
Ông Bửu cho biết khi hết "ngăn sông cấm chợ", du khách nước ngoài đến thăm Ngũ Hành Sơn nhiều hơn. Họ tìm mua những sản phẩm của làng nghề về làm quà tặng.
Lúc bấy giờ dân làng cũng thoải mái trong việc nhập đá chế tác từ khắp nơi về sau khi có lệnh cấm khai thác đá trên núi.
Lượng du khách đến với khu danh thắng nhiều tầng lớp mang tới những yêu cầu khác nhau về phong cách tượng đá các loại. Điều này buộc lớp nghệ nhân không những khéo tay nghề mà còn phải có trình độ thẩm mỹ và phương tiện hành nghề để đáp ứng
Khi yêu cầu đặt hàng phong phú, người thợ ở đây buộc phải học thêm nhiều phong cách điêu khắc, họ phải rèn giũa thêm về nghệ thuật sắp đặt và lịch sử điêu khắc khi chế tác đình chùa miếu mạo hoặc lân phụng, sư tử, nghê đá...
Khi làm các pho tượng tôn giáo hoặc tạc tượng theo ảnh, họ phải biết thêm về thần thái học.
Ông Bửu nói: "Bằng cách này người thợ điêu khắc đã có những bước chân đầu tiên trên con đường nghệ thuật đẳng cấp. Rồi họ tham gia các cuộc thi chế tác lớn trên thế giới để học hỏi và gặt hái giải thưởng. Đến bây giờ thì không kiểu tượng nào mà nghệ nhân ở đây chưa kinh qua chế tác".
Ông Bửu nói lớp nghệ nhân Non Nước bây giờ nhiều người đã đạt đẳng cấp thượng hạng. "Tôi chỉ là người may mắn được thừa hưởng "nhân" tốt của nghề khi mấy đời tổ tiên đã quen với đá, rồi được học bài bản và lập nghiệp lúc nghề đang thịnh nên mức độ nghề nghiệp được chín muồi" - ông Bửu đúc kết.
Hiện nay, tác phẩm của nghệ nhân làng đá Non Nước được trưng bày ở nhiều nước như Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Nhật... Họ cũng nhận đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Những sản phẩm từ đá ở đây không chỉ trở thành thương hiệu mà còn là nguồn sống chính của người dân nơi đây.
Số cơ sở chế tác đã lên trên 500 với hơn 6.000 người tham gia, trong đó có hàng chục người ở đẳng cấp nghệ nhân, theo Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
Làng di sản
Theo lão nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, làng đá Non Nước ra đời cách đây hơn 300 năm.
Năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được quy hoạch lại.
Hiện nay các khu chuyên doanh, đặt tượng được bố trí trên một số tuyến đường gần danh thắng. Riêng khu vực chế tác được dời xa khu dân cư để đảm bảo môi trường và cảnh quan.
Ông Võ Đức Huy, trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, cho biết hiện nay khu vực làng nghề được quy hoạch tách biệt so với khu dân cư và đảm bảo các điều kiện xử lý nước thải cũng như hạ tầng vận chuyển đá.
Danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ cuối: Giành lại 'thủy tú sơn kỳ'
TTO - "Nhờ sự bức tốc của thành phố, giờ đây Ngũ Hành Sơn đã trở thành danh thắng được bạn bè năm châu biết đến. Nơi chúng ta đứng đây cũng không còn là một bến nước u buồn trông ra đồng ruộng như thời tôi mới tới.".
Nhà sư Thích Huệ Hưng trải lòng khi đứng trước bến nước ở chân ngọn Hỏa Sơn.
Vị sư nói thêm: "Nhưng như lẽ thông thường, bài toán phát triển đã để lại cho chúng ta những bài học mà lúc này cần phải hành động ngay để giữ lại nét thủy tú sơn kỳ mà thiên nhiên ban tặng"
“Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đóng góp ngân sách từ tiền vé hơn 40 tỉ đồng/năm. Chín tháng đầu năm 2017 đã có hơn 1 triệu lượt khách tham quan
Nhiều tác động
Gần 30 năm về tu hành ở chùa Quán Thế Âm dưới chân núi Kim Sơn, thầy Hưng tỏ ra nuối tiếc bởi sự can thiệp thiếu thân thiện của con người.
Theo thầy Hưng, những "bài học lịch sử" đã làm thay đổi và thậm chí biến dạng Ngũ Hành Sơn chính là việc người Pháp phá núi lấy đá làm đường, cũng như sau năm 1975 người dân phá núi lấy nguyên liệu chế tác đá. 20 năm trở lại đây là việc xây dựng nhà cửa lấn vào không gian núi. Mới chừng 5 năm trước là việc đường Lê Văn Hiến được mở rộng, đắp cao thêm 2m làm ảnh hưởng đến thế núi vốn khiêm tốn (cao nhất là Thủy Sơn 106m so với mực nước biển) của Ngũ Hành Sơn.
Tháng 9-2011, tại ngọn Mộc Sơn, một khối đá gần 100 tấn rơi từ độ cao trên 50m đè sập nhà hai hộ dân, buộc chính quyền phải di dời khẩn cấp bà con sống quanh chân núi. Theo nhà văn Lê Anh Dũng, đó là hồi chuông thức tỉnh cho chúng ta về việc ứng xử với Ngũ Hành Sơn.
Ông Dũng tỏ ra tiếc nuối vì trong giai đoạn phát triển nóng, Đà Nẵng đã "quên" tính toán tổng thể cho danh thắng này. Ông cho rằng Ngũ Hành Sơn không thể có được lượng khách thập phương như hiện nay nếu đường lớn xung quanh không được mở, resort ven biển không xây lên, thang máy không được làm lên núi... Tuy nhiên, chỉ cần so sánh hai bức hình từ sau giải phóng với hiện nay cũng thấy rằng con người đã can thiệp thô bạo, xây dựng, cơi nới xung quanh núi nhiều như thế nào.
Ở góc nhìn quản lý di sản thuần túy, ông Huỳnh Hùng, giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, cho rằng gần như xung quanh cả năm ngọn núi di tích này đều bị xâm hại.
Theo ông Hùng, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1980, do vậy theo cấp xếp hạng thì khoảng cách vùng đệm tối thiểu từ dưới chân núi lên trên núi phải đạt 500m. "Xét theo luật thì hiện nay có rất nhiều vi phạm vào vùng đệm di tích, vì nhiều công trình xây dính liền khu vực núi" - ông Hùng nói.
Chờ phát triển "chuỗi văn hóa di sản"
Đến năm 1999, danh thắng này mới có ban quản lý thuộc cấp quận để khai thác, bảo vệ. Ông Lê Quang Tươi, trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, cho biết quần thể danh thắng này đang dần trở thành chuỗi di sản văn hóa và trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể năm 2000, Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận lễ hội Quán Thế Âm là một trong 15 lễ hội quốc gia; năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2016, bảy cây cổ thụ trên ngọn Thủy Sơn được công nhận là cây di sản Việt Nam.
"Đà Nẵng đang được thừa hưởng một di sản quý giá của cha ông và của thiên nhiên để lại, với một tiềm năng du lịch vô cùng lớn khi nằm trên trục di sản của khu vực. Việc quảng bá để du khách hiểu được linh hồn xứ sở, để những khối đá vô tri vô giác kể chuyện là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc ứng xử có văn hóa trước di sản cần sự chung tay của cộng đồng xã hội, chứ không của riêng ai" - ông Tươi nói.
Năm 2010, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn trên tổng diện tích gần 131ha với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, có khả năng đón tiếp 3.000 khách/ngày. Không gian khu danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tôn tạo và tái cấu trúc theo ý tưởng kết nối năm ngọn núi Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và Biển Đông.
Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện công tác giải tỏa đền bù và thu hồi đất mới chỉ thực hiện được gần 700 trong số hơn 2.000 hồ sơ.
Theo ông Nguyễn Hòa - phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, để thực hiện dự án này phải giải phóng mặt bằng ở nhiều vệt tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa... và nhiều khu vực quanh hòn Thủy Sơn, Mộc Sơn. Tuy nhiên, đến nay ngoài việc di dời các hộ dân chế tác đá trong khu dân cư đã cơ bản hoàn thành, còn lại chưa vệt nào giải tỏa được trọn vẹn.
"Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã thống nhất thực hiện theo lộ trình giải phóng mặt bằng đến năm 2021-2022 vì khu vực này có rất đông dân cư sinh sống. Trong quá trình thực hiện, một lưu ý đặt ra là việc "xã hội hóa" dự án nhưng phải tiến hành cẩn trọng, phù hợp với Luật di sản văn hóa" - ông Nguyễn Hòa cho biết.
Theo PGS.TS kiến trúc sư Phạm Tứ - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn là một tuyệt tác cảnh quan thiên nhiên vừa huyền ảo vừa mộng mơ, không chỉ của miền Trung mà còn là vùng đất địa linh vô cùng quan trọng của cả nước. Do vậy cần bảo tồn, tôn tạo, phát triển danh thắng hài hòa trong quy hoạch tổng thể đô thị Đà Nẵng hiện tại, hướng đến một di sản văn hóa của nhân loại trong tương lai.
Bảo tàng Phật giáo đầu tiên
Cuối năm 2015, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam ra đời, nằm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm (48 Sư Vạn Hạnh, Q.Ngũ Hành Sơn) có diện tích 700m2, đặt tại tầng 2 ngũ giác đài Sen Ngọc.
Bảo tàng trưng bày hơn 500 hiện vật, trong đó có 200 cổ vật được giám định mang nhiều nét văn hóa điêu khắc khác lạ, có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn. Tại đây cũng hội tụ nhiều bộ tượng Phật, tranh tượng, pháp khí đủ chất liệu như gỗ, đồng, đá, ngọc, gốm...
Đặc biệt nổi bật có bộ tám tượng Phật Mật Tông, nhiều tượng Phật thời Champa với đa dạng hình dáng, bức tranh Đức Phật nhập niết bàn...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét