(Dân trí) - Những người sành ăn thường bảo nhau rằng, thưởng thức các món ăn làm từ kiến và trứng kiến phải thật thư thả thì mới cảm nhận được cái ngon, vị khác lạ mà không món ăn nào có được.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày ở vùng núi Đông Bắc. Loại bánh này thường chỉ được làm vào cuối tháng 4 và tháng 5 hàng năm, bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
Không phải lúc nào thực khách cũng có dịp thưởng thức bánh trứng kiến.
Để làm bánh, người ta cần chuẩn bị những nguyên liệu như trứng kiến non, bột nếp nương và lá của cây vả. Trứng kiến to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn.Tuy những nguyên liệu này không khó kiếm, nhưng muốn bánh được ngon thì người làm bánh cần khéo léo và có bí quyết riêng.
Trứng kiến sau khi rửa sạch thì được phi với hành khô. Muốn ngon hơn, người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ. Phần nhân này sau đó được rắc vào giữa hai miếng bánh, bọc bên ngoài là lá vả. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.
Bánh trứng kiến có thể ăn nóng hay nguội tùy ý. Người ăn luôn cảm nhận được độ dẻo của gạo nếp, vị mềm của lá vả, và đặc biệt là vị béo béo ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến.
Gỏi cá - kiến chua
Người Rơ Mâm ở làng Le (Kon Tum) vô cùng tự hào với đặc sản gỏi cá - kiến chua độc đáo. Nguyên liệu chính của món này ngoài kiến chua còn có loại cá sông to và rất nhiều thịt.
Món gỏi cá - kiến chua sẽ mang lại cho bạn một cảm giác khó quên khi đến Kon Tum.
Sau khi kiến chua và cá qua công đoạn sơ chế, hai nguyên liệu này sẽ được trộn với tất cả các loại gia vị rồi bỏ vào ống lồ ô, nướng từ 5 - 7 phút là có thể dùng được.
Món gỏi cá - kiến chua rất đậm đà, vừa có vị ngọt và thơm của cá sông, vừa có vị chua của kiến quyện với mùi thơm nồng của các loại rau rừng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, món gỏi cá - kiến chua cũng là món ăn không thể thiếu của người bản địa trong những ngày lễ hội.
Muối kiến vàng
Dù chỉ là gia vị chấm dùng để ăn kèm, nhưng muối kiến vàng của đồng bào Tây Nguyên vẫn khiến thực khách phương xa phải nhớ đến.
Để có được những tổ kiến với đầy ắp con kiến và trứng kiến vàng, người thợ phải thật cẩn thận đi sâu vào rừng tìm kiếm. Sau khi trải qua công đoạn rang sơ, đầu bếp sẽ cho thêm gia vị như muối, ớt, và một loại lá rừng đặc biệt có tên gọi là “lá then len” vào cối và giã nhuyễn.
Món gia vị đặc biệt của người Gia Lai.
Muối kiến vàng mang hương vị đặc trưng riêng, vô cùng lạ miệng và hấp dẫn. Nó vừa có vị chua chua khác lạ của kiến, vừa có vị mặn của muối và vị cay thơm rất nồng của ớt. Đặc biệt, những người bản địa cầu kỳ trong ăn uống thì trong nhà không bao giờ thiếu loại gia vị này.
Xôi trứng kiến
Vào tháng 5, nếu có dịp ghé Bắc Giang, bạn sẽ được chủ nhà thiết đãi món xôi trứng kiến độc đáo.
Công cuộc đi tìm trứng kiến cũng đã vô cùng vất vả. Khi đã xác định được tổ kiến, người đi săn sẽ mang về rồi và cầm vạc ra gõ nhanh cho kiến và trứng kiến rơi xuống rá. Những quả trứng kiến màu trắng sữa, kích cỡ như gạo tấm hoặc hạt gạo nguyên, căng mẩy. Do trứng kiến rất nhỏ, muốn lấy được nhiều có khi phải đi đến cả ngày trời.
Sức hấp dẫn đến từ xôi trứng kiến.
Những hạt trứng nhỏ li ti được đãi nhẹ với nước ấm, để ráo rồi ướp với bột canh, hành khô và phi với mỡ cho tới lúc tỏa hương thơm lừng. Sau đó, người bản địa dùng lá chuối ngự gói trứng kiến vào để mùi thơm của trứng lẫn với hương lá chuối, kích thích vị giác một cách lạ thường.
Trước khi ăn, đầu bếp đem trứng kiến rắc lên xôi nếp. Xôi nếp thơm phức hòa với vị trứng kiến béo ngầy ngậy. Khi nhai chậm, thực khách có thể lắng nghe tiếng trứng kiến vỡ lép bép trong miệng, thoáng hơi mỡ gà, hành phi và hương thơm lá chuối ngự.
Canh trứng kiến
Đơn giản nhất trong các món chế biến từ kiến có lẽ là canh trứng kiến. Người chế biến chỉ cần đun sôi nồi nước, thả trứng kiến nấu cùng với lá giang, bẹ chuối, nêm nếm chút gia vị cho vừa miệng là có một bát canh ngon miệng. Chắc chắn, thực khách chưa bao giờ được thử một bát canh với vị béo ngậy của trứng kiến, mùi chua của lá giang, vị chát của bẹ chuối.
Món canh dân dã, chứa đựng bao tình cảm của người dân Quảng Bình.
Với người dân Minh Hóa, Quảng Bình, họ lại nấu trứng kiến với lá bún chua. Bún là loại cây hoang dại chỉ mọc ở các bờ suối. Người ta thường ngắt những đọn non rồi về thái sợi, bỏ vào sành, vại muối chua chừng 3 ngày rồi nấu với kiến, tạo thành món canh dân dã nhưng không nơi nào có được.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét