(PL)- Tiếp bước Huyền Trân công chúa, hai người con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã lần lượt được gả cho các vị vua của Chân Lạp và Chiêm Thành, để từ đó dẫn đến mối quan hệ bền chặt với các nước láng giềng phương Nam.
Cũng từ đó, các chúa Nguyễn thu phục các vùng đất phía Nam, mở mang bờ cõi nước Việt…
Thế kỷ 17, nước Chân Lạp phải chịu sự kìm kẹp của nước Xiêm La rất hùng mạnh, vua Chân Lạp Chey Cheta II muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa này bèn tìm cách liên kết với các nước lân bang phía Đông, trong đó có Đại Việt. Lúc này nước Đại Việt do vua Lê cai quản chỉ là hình thức, quyền hành thực sự nằm trong tay hai lực lượng chính là chúa Trịnh ở phía Bắc và chúa Nguyễn ở phía Nam.
Hai quốc gia phải nương tựa vào nhau
Ở phía Nam có chúa Nguyễn Phúc Nguyên, còn được gọi là chúa Sãi hay chúa Bụt vì tính tình hiền lành, có cuộc sống thanh đạm. Ông nối ngôi tiên chúa Nguyễn Hoàng lúc vận nước khó khăn, trong khi vùng đất Ô, Rí có được nhờ Huyền Trân công chúa vốn khô cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát không đem lại nhiều lương thực. Chúa Sãi đã cho dời trấn phủ từ Dinh Cát (Quảng Trị) vào Kim Long (Thừa Thiên-Huế), tìm cách hòa hoãn với Chiêm Thành, Chân Lạp ở phương Nam để đối phó với chúa Trịnh ở phía Bắc.
Thế nên khi vua Chân Lạp Chey Cheta II ngỏ ý muốn hội kiến, chúa Sãi đồng ý ngay. Cuộc gặp gỡ đôi bên bàn đến việc tăng cường bang giao cũng như thông thương giữa hai nước. Về nước một thời gian, sứ bộ Chân Lạp mang lễ vật đến, chuyển thư của quốc vương ngỏ ý muốn tăng cường mối bang giao giữa hai nước hơn nữa bằng cách xin hỏi cưới người con gái thứ hai của chúa Sãi là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn vừa tới tuổi cặp kê. Khi đọc thư, chúa Sãi không khỏi phân vân, không thể nhận lời.
Bởi vì Ngọc Vạn là con gái yêu, việc gả con cho một người dị tộc, dù là bậc vương giả, cũng dẫn đến cảnh cha con xa cách, Ngọc Vạn sẽ phải sống tha hương nơi xứ người với khí hậu, phong tục tập quán, văn hóa… khác biệt. Mặt khác, tương truyền Ngọc Vạn cũng đang có một mối lương duyên và đã hứa hôn với một chàng trai Việt là Trần Đình Huy, con một vị quan trong triều.
Quân sư Đào Duy Từ đã cố gắng thuyết phục chúa Sãi nhớ tới chuyện Huyền Trân công chúa năm xưa, đừng bỏ lỡ cơ hội tiến về phía Nam, vận động Ngọc Vạn gác bỏ tình riêng lo chuyện đại sự quốc gia. Cuối cùng chúa Sãi cũng thuận theo, thuyết phục được Ngọc Vạn đồng ý làm dâu Chân Lạp.
Mối giao hảo giữa hai nước đem lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Chúa Sãi đã nhiều lần đưa quân vào giúp con rể chống lại sự xâm lược của nước Xiêm. Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri đã ghi lại trong cuốn hồi ký của ông xuất bản năm 1631 rằng: “Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gửi quân đội giúp vua Chân Lạp, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Chân Lạp thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm...”.
Nhờ có sự trợ giúp thuyền binh của chúa Sãi, Chân Lạp lần đầu tiên trong suốt 100 năm đã đánh bại các cuộc xâm lăng của Xiêm La khiến nước này không còn dòm ngó Chân Lạp nữa, ngược lại người Việt cũng vào định cư rất nhiều ở phương Nam.
Cầu nối cho những cuộc di dân
Chuyện của Ngọc Vạn không hề được sử sách Việt Nam ghi lại. Đại Nam liệt truyện tiền biên ở phần các con của Sãi Vương chỉ ghi rằng “khuyết truyện”. Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả ấn hành năm 1995 có ghi rằng Ngọc Vạn đã làm lễ thành hôn vào năm 1620, ước đoán khoảng 16 tuổi. Ngoài ra, việc tìm thấy những tài liệu ghi trong sử sách của người Kh’mer cũng như của người Pháp sau này đã góp phần làm sáng tỏ về cuộc đời công nữ Ngọc Vạn.
Dù không được sử sách trong nước ghi lại, Ngọc Vạn vẫn được xác định là người rất xinh đẹp. Bằng chứng này đã được nhiều người Pháp ghi lại, ví dụ như Moura trong cuốn Royaume du Cambodge: “Tháng 3 năm 1618, Prea Chey Chessda được phong vương với tước hiệu Somdach Prea Chey Chessda Thiréach Réaméa Thupphdey Barommonpit. Lúc đó vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Somdach Prea Preaccac Vodey Prea Voreac Khsattey”. Hay như G. Maspéro cũng ghi lại trong cuốn L’ Empire Khmer: “Vị vua mới lên ngôi là Chey Chettha II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua…”.
Mặc dù Chey Cheta II đã có trước đó hai vợ, hoàng hậu đầu là người Chân Lạp, người vợ thứ hai là người Lào nhưng ông vô cùng sủng ái Ngọc Vạn (biên niên sử Chân Lạp gọi bà là hoàng hậu Anga Cuv) vì bà không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, điềm đạm, sống mẫu mực, xứng với vai trò một bậc mẫu nghi thiên hạ. Do được giáo dục bởi văn hóa Phật giáo, dù là đại thừa nên bà cũng nhanh chóng hòa nhập với Phật giáo tiểu thừa của Chân Lạp. Khi vào kinh đô Oudong, Ngọc Vạn mang theo đoàn tùy tùng hơn 500 người, có người sau đó làm quan trong triều Chân Lạp. Ngọc Vạn đã cho lập xưởng thợ, mở cơ sở đóng thuyền, mở các nhà buôn quanh thủ đô Oudong, dần dà đã tạo thành hai làng người Việt sầm uất ở đó.
Đến năm 1623, chúa Sãi cử sứ bộ sang gặp Chey Cheta II đề nghị lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa) để khai hoang khẩn nghiệp, sau đó xin cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn). Chính nhờ sự vận động của Ngọc Vạn nên cả hai việc trên đều được vua Chey Cheta II chấp thuận. Từ đó chúa Nguyễn khuyến khích người Việt kéo vào lập nghiệp ngày càng đông, sau đó đưa cả quan quân vào lập đồn, đảm bảo an ninh tại địa phương do Ngọc Vạn đã xin chồng cho người Việt quyền tự trang bị vũ khí, bảo vệ đất đai.
Đến năm 1632, thời hạn các trạm thu thuế đã hết, Ngọc Vạn lại đề nghị quốc vương Chân Lạp cho phép gia hạn và được chấp thuận. Nhờ một tay Ngọc Vạn mà người Việt đã mở mang ở các vùng Đông Nam bộ. Do khác biệt văn hóa nên người Chân Lạp tự bỏ đi, không xảy ra xung đột gì lớn. Chỉ trong vòng năm năm từ ngày công nữ Ngọc Vạn kết hôn, người Việt đã sống trải dài từ Bà Rịa, Biên Hòa, Bến Nghé lên tới Châu Đốc đến tận Oudong (Phnom Penh). Đến cuối thế kỷ 17, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào lập đất Gia Định thì số người Việt ở vùng này đã lên đến 200.000 người với bốn vạn hộ dân.
Cuối đời xuất gia
Ngọc Vạn chỉ sống với chồng một thời gian ngắn vẻn vẹn tám năm. Năm 1628, Chey Cheta II đột ngột qua đời, suốt nửa thế kỷ sau đó vương triều Chân Lạp liên tục khủng hoảng bởi các cuộc chém giết giành ngôi lẫn nhau của các hoàng thân. Tuy nhiên, Ngọc Vạn vẫn ở lại Chân Lạp để che chở cho các thần dân gốc Việt. Bà đã trở thành thái hậu và rất có uy tín trong triều đình, bất kỳ ai lên ngôi báu cũng đều nể vì bà và kể cả một số người thua cuộc trong cuộc tranh giành quyền lực cũng chạy đến tìm sự che chở của bà hay nhận lời khuyên. Ngọc Vạn cũng nhiều lần gợi ý họ cầu cứu với chúa Hiền để đưa quân qua giúp dẹp loạn, ổn định lại vương triều. Mỗi lần nhờ vả chúa Nguyễn động binh, Chân Lạp lại phải đền đáp bằng những quyền lợi lãnh thổ.
Trải qua rất nhiều cuộc biến động, Chân Lạp dần suy yếu, đến năm 1674 chia thành hai quốc gia và đều phải thần phục triều cống nhà Nguyễn. Ang Non (cháu Ngọc Vạn) làm nhị vương đóng đô ở gò Cây Mai (Sài Gòn) và sau này khi Ang Non chết thì toàn quyền cai trị đều đã thuộc về nhà Nguyễn.
Sau mấy chục năm ngự trên ngôi hoàng thái hậu của vương triều Chân Lạp, quá chán nản trước cảnh huynh đệ tương tàn liên tục diễn ra trong triều đình, đến cuối đời Ngọc Vạn quyết định rời khỏi Chân Lạp quay về đất Việt. Tương truyền bà đã tìm về vùng Mô Xoài (Bà Rịa), vùng đất năm xưa là nơi khởi đầu cho người Việt dừng chân tìm miền đất mới. Bà lên núi Chứa Chan (nay thuộc Đồng Nai) để xuất gia. Chùa Gia Lào trên núi không rõ do bà lập nên hay là nơi tu hành, được cho là nơi ở cuối cùng của công nữ Ngọc Vạn tức hoàng thái hậu Anga Cuv trên trần thế này.
Gọi Ngọc Vạn là công chúa, công nương hay công nữ?
Một số tài liệu cũ gọi Ngọc Vạn và người em gái Ngọc Khoa là công chúa. Sở dĩ có chuyện này vì sau này nhà Nguyễn đã truy tôn chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên thành Hi Tôn Hiếu Văn hoàng đế, mà đã là hoàng đế, là vua thì con trai đương nhiên thành hoàng tử, con gái đương nhiên thành công chúa.
Mặc dù chúa Nguyễn danh nghĩa chỉ là chúa nhưng thực chất cũng giống vua một cõi vì độc lập quyết định mọi thứ trong lãnh địa, không phải dưới một ai.
Dẫu sao theo sử sách, khi còn tại vị chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng vẫn chỉ xưng danh là chúa nên việc gọi con gái của chúa là công nữ xem ra hợp lý hơn cả. Không thể gọi Ngọc Vạn là công nương vì từ này thường dùng cho con gái của nhà quyền quý.
|
PHẠM TRƯỜNG GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét