Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Ngon lạ với bánh bá trạng mồng năm

Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng đến nước ta được biến đổi mang một hình thức và ý nghĩa văn hoá khác bằng các phong tục như cúng tổ tiên và cúng thổ công, hái lá làm thuốc, diệt sâu bọ,...Trong mâm lễ cúng tết Đoan Ngọ của người Việt thì bao giờ cũng có món bánh ú tro, còn với những người Hoa sinh sống ở nước ta thì bao giờ cũng phải có bánh bá trạng.
Nhìn về hình dáng bên ngoài, bánh bá trạng tương tự như bánh ú của Việt Nam, nhưng to hơn, vị đậm hơn và có nhiều nhân hơn. Về lịch sử, chiếc bánh có nguồn gốc từ đâu vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng lí do được chấp nhận nhiều nhất là để cúng tưởng nhớ Khuất Nguyên - một nhà thơ nổi tiếng và được mọi thế hệ người Trung Hoa kính trọng. Bởi theo quan niệm những chiếc bánh có hình gai góc khi cúng xong thả xuống sông cho Khuất Nguyên sẽ không bị các loài cá ăn được.
Vỏ ngoài của bánh gồm có nếp và đậu phộng, được chế biến khá công phu. Nếp thì hạt mẩy, chắc; đậu phộng phải là hạt tròn to, cỡ đầu ngón tay út trở lên, ngâm mềm và đem luộc với nước có bỏ các vị thảo dược. Khi đậu mềm sẽ được vớt ra, để ráo. Người ăn sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của đậu phộng, vị mặn của thuốc bắc và mùi thơm của thảo dược. Nếu làm không khéo, đậu sẽ có vị chát đắng, rất khó ăn!
Nhân làm bánh bá trạng.
Nhân làm bánh bá trạng.
Nhân bánh gồm các thứ lạp xưởng, tôm khô, nấm, trứng vịt muối và thịt heo đùi được thái thành những miếng vuông. Nhân bánh được ướp ngũ vị hương và sơ chế sao cho phải vừa ăn, không mặn, không lạt. Mỗi gia đình người Hoa thường có cách sơ chế riêng và đây cũng được xem là bí quyết gia truyền mà con cháu trong nhà biết để làm ngon hơn thứ bánh này.
Lá gói bánh phải là loại lá không làm thay đổi mùi vị của bánh sau khi nấu. Thông thường người ta lấy lá cây dong. Do thành phần nhân bánh khá nhiều nên bánh bá trạng thường to, có cái to cỡ bàn tay người lớn xòe rộng, chính vì thế mà người gói và cột bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay sao cho chỉ với 1 sợi dây quấn tròn quanh thân bánh vừa tạo dáng như chiếc bánh ú nhô cao và xòe rộng vừa giúp bánh không bị bung.
Thơm ngon những chiếc bánh bá trạng.
Thơm ngon những chiếc bánh bá trạng.
Nếu cột quá chặt tay, khi nấu bánh, nếp sẽ bung ra bên ngoài, rất mất thẩm mỹ, còn nếu cột không chặt thì nước sẽ thấm vào bánh, ăn không ngon và để không được lâu.
Cũng như bánh ú tro, bánh bá trạng phải ăn chung với đường cát trắng thì sẽ ít có cảm giác ớn. Khi thưởng thức bánh này, người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của nếp, vị béo của đậu phộng, vị mặn của tôm khô, mùi thơm của lạp xưởng và sự hòa quyện của thịt heo, trứng muối tạo nên kiểu ẩm thực đặc trưng của người Hoa.
Hoàng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét