Sự kiện đặc biệt đó gắn liền với tên tuổi Trần Xuân Soạn (1849-1923), một vị tướng giữ chức Đề đốc quân vụ và chính là người chỉ huy trực tiếp cuộc tấn công đồn Mang Cá ở kinh thành Huế trong sự kiện phe chủ chiến nổi dậy đêm 4 rạng 5.7.1885. Sau đó ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị mở đầu phong trào Cần Vương chống Pháp.
Ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương lần thứ nhất, kêu gọi đồng bào, sĩ phu cả nước đứng lên “đánh đuổi bọn Tây Dương cứu nguy cho xã tắc”.
Được giao nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo phong trào kháng Pháp ở Thanh Hoá, Trần Xuân Soạn cùng với Hoàng Đình Đởn cho lập nhiều cứ điểm quân sự, lấy Thạch Thành làm căn cứ chính và tiến hành hoạt động ở nhiều vùng, liên lạc với nghĩa quân khắp nơi. Ông trực tiếp chỉ huy cánh quân ở Quảng Hoá (thuộc huyện Vĩnh Lộc) để hỗ trợ các căn cứ Ba Đình và Mã Cao (Yên Định, Thanh Hoá) do Đinh Công Tráng, Phạm Bành đóng giữ để án ngữ cửa ngõ miền Trung.
Để tạo thanh thế, Trần Xuân Soạn đã tổ chức đánh thành Thanh Hoá vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 3 năm 1886 (tức là ngày 7 tháng 2 năm Bính Tuất) nghĩa quân dùng 300 cảm tử quân của Tú Phương (tên thật là Nguyễn Phương) từ hai huyện Tĩnh Gia và Nông Cống kéo ra. Một số nghĩa quân khác được ém sẵn trong làng Vĩnh Yên, ở ngoại ô để hỗ trợ cho Nguyễn Phương.
Ngoài ra còn có cánh quân của Đỗ Mậu từ Quảng Xương lên; cánh quân của Lê Ngọc Toản chỉ huy phục sẵn ở làng Phù Lưu; cánh quân của Tống Duy Tân xuôi theo dòng sông Mã, chặn quân tiếp viện của giặc ở các huyện kéo về; cánh quân của Lãnh Phiên bao vây huyện lỵ Quảng Xương ở Hương Lễ (nay thuộc xã Quảng Cát); cánh quân của Lê Khắc Tháo, Nguyễn Hữu Hạnh từ núi Nhồi tiến đánh Phủ Đông Sơn, sát cạnh tỉnh lỵ; cánh quân của Nguyễn Đôn Tiết án ngữ ở làng Yên Vực (Hoằng Hoá) nhằm chặn đường tiếp viện của giặc từ ngoài Bắc vào; lực lượng của nghĩa quân Nguyễn Xuân đóng ở Tào Xuyên; lực lượng của Lê Trí Trực bố trí ở làng Phú Khê và vùng Nghĩa Trang, (Hoằng Hoá).
Cuộc tấn công khiến lính Pháp, lính Nam Triều bị bất ngờ, nhiều kẻ bị giết khi không kịp trở tay, tên Chánh văn phòng toà sứ là Pie (Piert) và trung uý Phơrăngcơ (Franck) bị trọng thương; khắp thành Thanh Hóa lửa cháy rực trời, trống mõ khua vang, tiếng nghĩa quân reo hò như sấm. Đến gần sáng, tính liệu không thể chiếm được thành nên nghĩa quân rút lui để giữ gìn lực lượng. Tuy không đạt được mục đích nhưng trận này đã làm cho kẻ thù khiếp đảm, đồng thời cũng đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng Cần Vương và tạo nên một phong trào khởi nghĩa hợp nhất ở xứ Thanh.
Vừa để trả thù, vừa nhằm khủng bố tinh thần và lung lạc ý chí hòng buộc Trần Xuân Soạn phải đầu hàng, giặc Pháp và tay sai đã đào mộ lấy hài cốt của thân phụ ông đặt ở giữa đường mà thiêu huỷ, nhưng hành động hèn mạt ấy không làm ông lay chuyển mà càng quyết tâm chống lại Pháp quyết liệt hơn. Trong thời gian chiến đấu chống giặc, em trai Trần Xuân Soạn là Trần Xuân Huấn cũng hy sinh, người con trai thứ hai của ông là Trần Xuân Kháng cũng bỏ mình vì nước.
Trần Xuân Soạn từng làm một bài thuật hoài tỏ chí của mình:
Ly Hương khức quốc thậm quai kỳ/ Nam Bắc lưỡng hồi thảo mọc tri
Biến tình cảm ngôn thiên quy nguyệt/ Thu tông tạm dị tị hiềm nghi
Hiền thê mạc quái phu tình bạc/ Hiếu tử hữu đàm phu đạo khuy
Tân phó biệt hoài đồng thuý khứ/ Hận tiên lưu lạc thất tâm tư.
Nghĩa là:
Dời nhà, xa nước trót sai kỳ/ Nam Bắc hai phen cây có ghi
Đối họ dám đâu rằng dối trá/ Náu mình tạm để lánh hiểm nghi
Vợ hiền chớ trách chồng đen bạc/ Con hiếu đừng chê bố lỗi nghì
Trút sạch nhớ thương dòng biển cả/ Trước sau lưu lạc một tâm tư.
Cuối năm Bính Tuất (1886) đầu năm Đinh Hợi (1887) giặc Pháp tăng cường binh lực, dồn sức tấn công phong trào Cần vương ở Thanh Hóa, các căn cứ Ba Đình, Mã Cao lần lượt thất thủ, Trần Xuân Soạn rút quân lên Điềm Lư, châu Quan Hoá (nay là huyện Bá Thước) xây dựng lại lực lượng. Ít lâu sau, ông sang Trung Quốc gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ nhưng vì tình thế biến động nên không thể trở về đành ở lại Long Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) cùng Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật.
Những lãnh tụ này dù thân nơi đất khách vẫn nỗ lực làm những gì có thể, họ đã cùng các đồng sự khác tổ chức liên lạc với các cuộc kháng chiến chống Pháp trong nước; quyên góp tiền bạc mua sắm vũ khí, đạn dược chuyển về cho nghĩa quân. Thậm chí còn tổ chức nhiều toán vũ trang hoạt động chống Pháp từ năm 1891 – 1895 ở vùng biên giới Việt-Trung, mạnh nhất là ở khu Đông Triều, Hoành Mô (Móng Cái, Quảng Ninh).
Năm Quý Hợi (1923) Trần Xuân Soạn lâm bệnh, mất tại Long Châu, thọ 74 tuổi.
Sự nghiệp và ý chí của Trần Xuân Soạn được nhắc đến rộng rãi, được lưu truyền ca tụng trong dân gian, nhưng xuất thân của vị anh hùng này cũng như con đường binh nghiệp của ông thì chưa nhiều người biết rõ.
Trần Xuân Soạn quê ở làng Thọ Hạc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (nay thuộc phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá) sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông anh em, ông phải đi làm thuê cho một nhà giầu trong làng. Mặc dù vất vả nhưng Trần Xuân Soạn rất chăm đọc binh thư, luyện tập võ nghệ nên thao lược cả văn lẫn võ.
Do hoàn cảnh khó khăn nên khi triều đình bắt lính, ông tình nguyện đi thay người làng để lấy tiền giúp gia đình sinh sống. Sau đó trong quân xét duyệt lại thấy ông không hợp cách bèn loại ra; phẫn chí Trần Xuân Soạn xin vào làm người hầu bếp cho Nhuệ vũ quân phó quản thành Bắc Ninh.
Bấy giờ tàn dư của quân Thái Bình thiên quốc bị nhà Thanh đánh bại nên một bộ phận trốn sang nước ta trở thành những toán phỉ đi cướp bóc khắp nơi ở miền thượng du phía Bắc, dân gian gọi chúng là “giặc Khách”. Vì sự nhiễu nhương gây khổ cực cho nhân dân, triều đình đã cử nhiều vị tướng trong đó có Tôn Thất Thuyết đem quân đi tiễu phỉ, nhưng do chúng đông, dữ tợn nên quan quân đánh dẹp gặp rất nhiều vất vả.
Cuộc đời của Trần Xuân Soạn được đánh dấu bằng một sự kiện diễn ra tại Đồng Mỏ (nay thuộc huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), đó là trận đánh giữa quân triều đình và bọn giặc Khách. Khi ấy Trần Xuân Soạn làm phu gánh cơm cho toán lính đang truy kích phỉ, nhưng khi đuổi đến Đồng Mỏ thì bọn chúng kéo ra rất đông, sau một hồi giao chiến, người chỉ huy toán quân là Tán Lập bị giặc giết chết, quân triều đình hoảng hốt bỏ chạy tán loạn. Trần Xuân Soạn vứt bỏ gánh cơm nhưng chạy không kịp, nghĩ rằng đằng nào cũng chết bèn quay lại cầm lấy thanh đao rồi nhặt lá cờ của quân ta cắm lên. Bọn giặc thấy vậy liền kéo đến, ban đầu chúng rất coi thường tưởng có thể “quả địch bất chúng”, một người sao địch nổi số đông nhưng không ngờ Trần Xuân Soạn trổ tài nghệ của mình, múa đao xung sát chém gục hơn chục tên.
Lúc đó, Tán tương quân vụ Tôn Thất Thuyết đang đứng trên núi theo dõi toàn bộ chiến trường, thấy phía xa có người một mình cự giặc bèn sai ghi công và cho quân đến tiếp ứng. Được quân triều kéo tới giúp, Trần Xuân Soạn khí thế càng hăng, tung hoành đâm chém khiến bọn giặc kinh hồn. Kết cục cả toán giặc bị phá, thế trận đang thua trở thành thắng.
Khi trở về doanh trại, Trần Xuân Soạn còn mang theo 18 cái đuôi sam cắt từ tóc giặc; ông được Tôn Thất Thuyết rất khen ngợi và thăng liền một lúc 3 cấp: Suất đội, phó quản, Chánh quản. Thế là từ một anh phu nhưng nhờ lập công lớn, trong một ngày Trần Xuân Soạn được thăng đến 3 cấp là một việc có một không hai. Từ đó ông tham gia nhiều cuộc tiễu phỉ, lập thêm công trạng rồi lên đến chức Lãnh binh Bắc Ninh năm Đinh Sửu (1877), năm sau được thăng Phó đề đốc, năm tiếp theo có công đánh tan giặc Khách ở khu vực sông Sỏi (thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang) được đặc cách thăng làm Đề đốc Nam Định.
Năm Nhâm Ngọ (1882) Trần Xuân Soạn được về kinh đô giữ chức Đề đốc Hộ thành; khi vua Hàm Nghi lên ngôi, ông được thăng chức Tả quân đô thống và trong phong trào Cần vương kháng Pháp bùng nổ sau đó không lâu ông được phong làm Đô thống phủ Chưởng phủ chưởng vệ Trung dũng tướng quân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét