Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Sơn Tinh là nhân vật có thật trong lịch sử

(Kiến Thức) - Nói đến thánh Tản Viên (hay còn gọi Sơn Tinh), ta dễ tưởng tượng đến một vị thần với tài phép khôn lường, đã chiến thắng Thủy Tinh trong cuộc đua để lấy con gái vua Hùng. Tuy nhiên, tại một ngôi đền ở Phú Thọ có một cuốn Ngọc phả, trong đó viết rõ ràng Sơn Tinh là một người có thật, nhân thân rất rõ ràng.

Từ sự tích sinh thánh

Trong hệ thống các đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), người ta thường biết đến chủ yếu là đền Và (Sơn Tây) và các đền đài trên núi Ba Vì (hay còn gọi là Tản Viên Sơn). Tuy vậy hai ngôi đền đó về mặt lịch sử lại chỉ là những nơi thờ vọng chứ không phải là đất phát tích của nhân vật này. Trong khi đó, nằm phía bên kia sông Đà, về phía huyện Thanh Thủy, Phú Thọ có một ngôi đền mà theo Ngọc phả, chính là ngôi đền đầu tiên thờ thánh Tản Viên. Ngôi đền có tên là đền Lăng Sương, hiện nằm ở xã Trung Nghĩa, Thanh Thủy, Phú Thọ. 

 Cổng đền Lăng Sương.

Theo như tài liệu tại đền Lăng Sương, ngôi đền này được xây dựng vào năm 1011, triều Lý. Đền đặt trên nền đất cũ nơi thánh Tản Viên sinh ra và lớn lên. Ông Tăng Văn Tuất, một trong ba thủ nhang của đền cho biết: “Mọi người thường lầm tưởng thánh Tản Viên là trong truyền thuyết nhưng ngọc phả còn lưu ở đây cho biết ngài là một người có thật, tên là Nguyễn Tuấn. Thân phụ ngài là ông Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen, vốn là những người tu nhân tích đức nhưng hiếm muộn con cái. Một hôm mẫu Đen (Cách người dân ở đây gọi những bậc sinh thành ra thánh Tản Viên một cách kính trọng) ra giếng gánh nước thì gặp rồng vàng phun châu nhả ngọc. Mẫu gánh nước về tắm thì đột nhiên mang thai. Người thường chỉ mang thai 9 tháng nhưng mẫu mang thai đúng 14 tháng mới sinh. Đến thai kỳ thì sinh được một con trai có tướng mạo khôi ngô, đặt tên cho là Nguyễn Tuấn”.

 Đền thờ đức thánh Tản ngay tại mảnh đất thánh hiển sinh.

Ngày nay, trong khuôn viên ngôi đền vẫn còn di tích cái giếng và phiến đá bên miệng giếng có in dấu chân người Việt cổ. Tương truyền rằng những dấu vết đó là dấu ấn do mẹ Nguyễn Tuấn thường ngồi trên phiến đá cúi xuống lấy nước nên in thành vết. Theo ông thủ nhang ra xem giếng, chúng tôi thấy độ sâu của giếng chỉ khoảng 3 đến 4m. Tuy vậy, ông Tuất cho biết rằng chưa bao giờ giếng này cạn nước cả: “Như năm 1954, ở khu vực xung quanh đại hạn, ruộng đồng rồi ao hồ đều cạn nước mà giếng nước này vẫn có nước, nước vẫn trong. Không rõ là có mạch nước ở đâu mà như vậy”.
 
Đến cuộc quyết đấu “Sơn Tinh Thủy Tinh”

Ngọc phả chép lại: Năm 6 tuổi Nguyễn Tuấn mồ côi cha, hai mẹ con dời sang xóm Cốc ở núi Tản Viên, phía bên kia sông Đà sinh sống. Ở đó Nguyễn Tuấn đã được thần núi Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi. Hai mẹ con Nguyễn Tuấn ở núi Tản Viên 3 năm thì lại trở về sống ở động Lăng Sương (tức khu vực đền Lăng Sương ngày nay). 

 Giếng Thiên Thanh – nơi thánh mẫu lấy nước tắm rồi mang thai thánh
Tản Viên.

Đến năm 12 tuổi, Nguyễn Tuấn thường sang núi Tản Viên ở bên kia sông Đà để đốn củi. Nhưng kỳ lạ là cứ ngày hôm sau sang thì lại thấy những cây mình chặt hôm trước đã mọc trở lại. Thấy lạ, chàng mới núp kín rồi rình xem có chuyện gì. Nhờ đó mà Nguyễn Tuấn gặp được ông Tử Vi thần tướng Bạch Tuyết – chính là người đã làm cho các cây gỗ bị chặt mọc lại. Gặp Nguyễn Tuấn, thấy tướng mạo khôi ngô tuấn tú, ông Tử Vi thần tướng bèn truyền cho chàng cây gậy đầu sinh đầu tử. Trên đường trở về nhà, đi qua sông Đà, Nguyễn Tuấn gặp con vua Thủy Tề bị chết. Chàng liền cầm đầu sinh cây gậy chỉ vào làm con vua Thủy Tề sống lại. 

Cảm kích ơn cứu mạng con mình, vua Thủy Tề rẽ nước mời chàng xuống Thủy cung chơi và dùng nhiều bạc vàng để trả ơn nhưng Nguyễn Tuấn đều từ chối, ngài chỉ thích vật duy nhất là cuốn sách ước – Bảo vật của vua Thủy Tề. 

 Ông Phạm Tiến Thi, một trong 3 thủ nhang của đền Lăng Sương đang 
mô tả tư thế của mẫu theo dấu vết chân trên phiến đá

Kể đến đây, ông Tăng Văn Tuất nói: “Ở ngoài tấm biển tóm tắt kia nói là vua Thủy Tề cho Nguyễn Tuấn sách ước là không phải, cuốn sách là bảo bối của ông, lý gì ông lại dễ dàng cho. Nhưng con vua Thủy Tề đã ăn cắp của cha để trả ơn Nguyễn Tuấn. Tức giận vì bị mất sách cho nên vua Thủy Tề mới dâng nước lên đánh để bắt Nguyễn Tuấn hòng lấy lại sách ước. Nhưng ngài có sách ước nên nước dâng đến đâu ngài ước núi cao đến đó. Cuối cùng vua Thủy Tề phải chịu thua”.

 Phiến đá có dấu chân của mẹ thánh Tản Viên, vết tròn phía trái là dấu 
đầu gối mẫu tì vào, bên phải là dấu bàn chân.

Cũng theo ngọc phả, Nguyễn Tuấn sau này lấy con gái Hùng Vương và được truyền ngôi vua. Nhưng đến năm Đinh Thìn thì ngài nhường ngôi cho Thục Phán An Dương Vương để lập ra nước Âu Lạc. Nhờ những công lao trị thủy và hộ quốc an dân, sau khi ngài hóa, nhân dân thờ phụng và tôn làm Tản Viên Sơn Thánh, đứng đầu trong bộ Tứ Bất Tử của người Việt.

 Hòn đá ép bụng và âu đựng nước tắm cho thánh Tản Viên.

Đoạn ngọc phả chép cùng với những giải thích của ông thủ nhang đền Lăng Sương phần nào cho chúng ta thấy một góc cạnh khác về thánh Tản Viên. Ngày nay, truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh đã đi vào tiềm thức của hàng triệu người Việt qua đường truyền miệng hoặc qua sách giáo khoa tiểu học. Tuy vậy, truyền thuyết này lại không cho chúng ta biết nguồn gốc xuất thân của thánh Tản Viên. Về mặt này, cuốn ngọc phả của đền Lăng Sương đã giải thích cặn kẽ hơn. Mặc dù cả hai câu chuyện đều lung linh nét huyền bí, thần thoại song có lẽ với những gì được ngọc phả cung cấp, chúng ta thấy được một nhân vật có thật của lịch sử chứ không chỉ là một Sơn Tinh thần bí trong truyền thuyết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét