Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Đến Lý Sơn nghe chuyện cá Ông cứu người

(PLO) - Chuyện cá Ông (cá Voi hay Ngài Nam Hải) trong giông bão rẽ sóng cứu người giữa biển khơi không còn xa lạ với người dân đảo Lý Sơn. Hàng trăm năm nay, huyền thoại cá ông cứu người, cứu thuyền vẫn là câu chuyện được lưu truyền tại các vạn chài trên đảo. Nhiều lăng, miếu, đền thờ được lập nên để lưu giữ xương cốt và là nơi thờ cúng ghi tạc công đức của “ngài Nam Hải” đã chở che, bao bọc cho ngư dân đất đảo trước thiên tai, hoạn nạn giữa biển khơi.

 Lăng Tân
Cụ Dương Quỳnh (90 tuổi), một trong những vị cao niên bậc nhất vạn chài thôn Đông xã An Hải trên đảo Lý Sơn kể rằng: Khi còn để chỏm, mỗi lần ngồi nhâm nhi li trà cùng các bạn chài, cha đẻ tôi thường kể rằng, ngày trước tàu thuyền trên đảo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngư dân ra khơi bằng những chiếc thuyền nan tre bé nhỏ gắn buồm vải may từ những bao bố để nương theo gió.
Sau mỗi trận bão, nhiều thuyền nan không kịp về bờ bị trôi dạt hoặc bị sóng nhấn chìm. Hàng chục mạng người bỏ mạng nơi biển khơi xa, nhưng cũng không ít người được cá ông cứu sống. Từ đó trở đi, mỗi khi phát hiện cá ông lụy nơi biển khơi, dù xa xôi mấy ngư dân trên đảo bằng mọi cách phải dắt ông vào bờ để chôn cất và lập đền thờ cúng.
Cụ Quỳnh bùi ngùi nhớ lại: “Khi nội tôi còn sống, tôi được nghe ông kể lại chuyện cách đây hàng trăm năm. Sau những ngày biển động dữ dội, ngư dân không thể ra khơi chài lưới,  sóng dữ vừa dứt phía Tây Nam đảo xuất một vật lạ to như tòa nhà lúc chìm lúc nổi trôi dạt ngoài biển. Nhiều ngư phủ tiếp cận vật lạ thì phát hiện đó là một ông “ Ngài” khổng lồ trên lưng loang lổ vết thương đang thoi thóp gắng gượng cập bờ, theo suy đoán của nhiều người vì ra tay cứu thuyền ngư dân trong cơn sóng dữ nên ông bị thương và kiệt sức. Vừa cập được bờ “ Ngài” dùng sức lực còn lại nhảy lên khỏi mặt nước và thổi cột nước cao cả trăm mét trước khi lụy”.

 Chôn cất cá voi ở đảo Lý Sơn
Cũng theo cụ Quỳnh, cảm động trước công đức của “Ngài”, dân vạn chài huy động cả trăm người ra dắt ngài vào bờ để chôn cất và góp tiền xây lăng thờ cúng. “Cả vạn chài mất gần cả tuần mới đưa được ngài vào bờ. Ngôi mộ chôn ngài đào sát mép biển có chiều dài gần 40 mét, rộng 10 mét, sâu bảy mét. Để hoàn tất ngoi mộ, bốn người đào liên tục trong nhiều ngày mới xong”. Cụ Quỳnh cho biết thêm.
Dừng một lát, cụ Quỳnh kể tiếp rằng ngày chôn ngài là sự kiên trọng đại đối với ngư dân trên đảo. Nhiều lễ tế đã diễn ra, tiếng trống, tiếng chập chọe…, rồi cờ phới đỏ cả vạn chài. “Để leo lên được lưng ngài quấn vải điều, người ta phải dùng đến thang tre chín nấc. Sau khi chôn cất, người dân xây dựng tạm lăng thờ, mười năm sau lễ cải táng ngài diễn ra qui mô. Sau lễ cải táng, dân vạn chài góp tiền, góp công xây dựng Lăng Tân (hay lăng Đồng Đình Đại Vương) bề thế để hằng năm cúng tế ngài theo nghi thức dân gian của ngư dân địa phương”, cụ Quỳnh trầm ngâm.
Ông Nguyễn Cậu (84 tuổi), Trưởng ban khánh tiết Đình Làng An Vĩnh, cho biết qua bao lần xây dựng, hiện phía sau chánh điện nơi thờ “ ngài” còn đang lưu giữ bộ xương cốt của ngài. Mỗi xương sườn có chiều dài 3,7m, xương ngà dài 4,7m, đường kính đốt sống 0,41m, chiều ngang xương đầu dài 2,9m, chiều ngang xương rẻ quạt 1,6m.... Nếu đem so với bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú (Bình Thuận) thì bộ xương cá ông tại Lăng Tân được xem là lớn nhất nước và khu vực Đông Nam Á .

Nghi thức trong lễ chôn cất cá voi ở đảo Lý Sơn 
Dù đã trải qua mấy trăm năm, nhưng xương cốt của ngài vẫn vàng ươm, rắn chắc và được bảo quản kỹ. “Theo phong tục của ngư dân trên đảo, ngoài ngày rằm, mồng một hàng tháng, trước khi vươn khơi Hoàng Sa-Trường Sa, các ngư dân đều mang lễ vật đến tạ và mong ngài che chở độ trì để tàu về tôm cá đầy khoang. Riêng hai ngày trong năm (19 và 20 tháng Chạp âm lịch), cửa “hậu cung” mới mở để người quản lăng và các bậc cao niên trong làng vào lau chùi bụi bặm bám trên xương cốt ngài”. Ông Cậu cho hay.
Về các vạn chài trên đảo Lý Sơn, đi đến đâu cũng nghe chuyện cá ông cứu người, cứu thuyền trong bão dữ. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, lão ngư Nguyễn Sướng, 75 tuổi, người làng An Vĩnh vẫn còn nhớ như in chuyện mình cùng các ngư dân được cá Ông cứu nạn trong giông tố.
“Cách đây hơn 30 năm, tôi và vài ngư dân trong xóm chèo thuyền thúng ra khơi câu mực. Bất ngờ giông tố nổi lên, chiếc thuyền thúng với ba ngư dân bị sóng biển cuốn trôi và nhấn chìm trong tích tắc. Anh em co cụm cột tay nhau bằng dây neo để vật lộn với sóng biển để nếu rủi ro xảy ra người nhà còn có cơ may tìm thấy xác”, Cụ Sướng nhớ lại.
“Trong hoạn nạn chúng tôi chỉ biết cầu khấn ngài hiển linh giúp đỡ. Vừa dứt cầu khấn ngài liền xuất hiện, anh em chúng tôi bám chặt lưng ngài và được ngài đưa vùng nước cạn. Nếu không có ngài, chuyến biển ấy chúng tôi đã về với ông bà tổ tiên”. Cụ Sướng hồi tưởng.
 Đưa cặp mắt đục hướng về phía biển Cụ Sướng chắp tay thành kính “ Biển là như vậy, khi êm đềm thì bao dung như lòng mẹ, nhưng khi giông tố mịt mù nổi lên là hiểm nguy không kể. Ngư dân chúng tôi tin vào các ngài là có thật, bởi hàng trăm ngư dân trong ranh giới giữa cái sống và cái chết đã được ngài cứu giúp toàn mạng trở về với gia đình và người thân”. Cụ Sướng bộc bạch.
Hiện tại huyện đảo Lý Sơn có đến 13 lăng, miếu đền thờ cá ông (đó là chưa kể những cá voi mới được ngư dân lai dắt từ các ngư trường về chôn cất sau này chưa cải táng). Trong đó lăng Tân nơi đang giữ lưu và thờ tự bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam được ngư dân Lý Sơn tôn vinh là lăng Đồng Đình Đại Vươn -vị thần có quyền lực nhất trên biển Đông.
Phạm Mịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét