Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Dự lễ hội Katê Chăm - biết thêm những điều ít biết

TT - Katê của đồng bào Chăm năm nay rơi vào cuối tháng 10 dương lịch: từ ngày 22 đến 24-10. 
Thanh tẩy tượng thần - Ảnh: Inrajaya
Thanh tẩy tượng thần - Ảnh: Inrajaya
Cộng đồng Chăm ở VN có ba tôn giáo chính: Bà La Môn, Bà Ni, Islam và hai lễ lớn: Katê và Ramưwan. Ramưwan là biến thể từ Ramadan của Hồi giáo. Hồi giáo vào Champa thế kỷ thứ 14, sau đó được bản địa hóa thành Bà Ni.
Ramưwan được tổ chức định kỳ vào tháng 9 Hồi lịch. Katê cũng định kỳ: đầu tháng 7 lịch Chăm. Định kỳ nhưng so với ngày tháng dương lịch luôn xê xích.
Khác với Sang Mưgik hay Masjid của Bà Ni hay Islam, tháp Chăm được xây dựng ở rất nhiều địa hình khác nhau: trong thung lũng kín đáo, cạnh sông lớn hay giữa đồng bằng; tháp cũng có thể dựng trên ngọn đồi gần cửa biển, ven sông hay trên ngọn đồi biệt lập; được dựng bên sườn núi, trên bờ biển, trên đỉnh núi cao, trong hang động...
Nhưng tất cả đều giống nhau ở sự tách biệt với khu dân cư. Tại sao? Bởi sinh hoạt cộng đồng nào bất kỳ luôn xảy ra bao nhiêu chuyện, trong khi tháp là khu vực linh thiêng chỉ dành cho việc thờ phụng.
Người Chăm vừa sợ hãi vừa tôn kính tháp. Vài thập niên trước, đi gần khu vực tháp, không người Chăm nào dám nói lời xằng bậy hay chửi thề là vậy.
Cả cụm tháp (ba ngôi tháp) tiếng Chăm gọi là bimong, tháp chính gọi là kalan. Biến động lịch sử, bimong bị bỏ rơi, không được thờ phụng, người Chăm gọi là bimong bhaw hay bimong jwa, tức tháp hoang; còn các tháp đang được thờ phụng gọi là bimong diip.
Ngay ở cụm tháp đang được thờ phụng này, mỗi năm người Chăm chỉ mở cửa tối đa ba lần để hành lễ, còn lại thì im ỉm đóng.
Trong các dịp lễ Katê hay Cabbur, người Chăm lên tháp làm lễ mở cửa, cúng tế trời đất và những vị vua có công với non sông đất nước. Cả sư Chăm không bao giờ mở cửa tháp cho khách tham quan nếu không nhằm vào ngày lễ.
Cho dù người Chăm Bà Ni có xuất phát tôn giáo từ Islam, nhưng trong thực tế sinh hoạt tín ngưỡng, bà con Chăm Bà Ni thờ phụng tháp Chăm Ấn Độ giáo như là của mình từ mấy trăm năm qua.
Tháp Po Xah Inư hay tháp Po Dam ở Bình Thuận, cả tháp Po Klaung Girai ở Ninh Thuận cũng thế, rất nhiều bà con Chăm Bà Ni lên cúng tế mỗi dịp tế lễ. Ở tháp Po Rome, Katê hằng năm người Chăm làng Phước Nhơn (Chăm Bà Ni) vẫn lên tháp cúng tế, có khi còn đông hơn cả bà con Chăm Bà La Môn làng Hậu Sanh gần đó.
Điều nữa, trước ngày lễ chính thức, bà con người Raglai vùng trên mang y trang thần Yang về đền hành lễ để ngày hôm sau rước lên tháp. Người Chăm quan niệm dân tộc Raglai là con út vua, nên chỉ có họ mới được cất giữ của cải nhà vua.
Thời xa xưa, Katê chỉ là Katê lễ. Bà con lên tháp hành lễ, sau đó về tư gia cả sư Po Dhya trong khu vực cúng, rồi đến Katê palei (làng). Chỉ mấy thập niên qua do văn hóa du lịch phát triển, Katê mới được biến thành hội: lễ hội Katê. Ở đó có ngoạn cảnh, có vui chơi, có ăn uống linh đình.
Chính những khác biệt này làm nên đặc trưng thú vị của văn hóa Chăm.
INRASARA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét