Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Chiêm ngưỡng sắc màu miền đá Suối Giàng

TTO - Miền Tây Bắc ở đâu cũng có núi đá, núi cao sừng sững nhưng chỉ có Suối Giàng, miền đất cao và xa của huyện Văn Chấn (Yên Bái), được thiên phú cho những mỏ đá vừa đẹp lại vừa quý.
Du khách như lạc vào miền đá đẹp - Ảnh: N.T.Lượng
Từ lâu nay, người ta tìm thấy loại đá ấy và mang xuống núi, dày công chế tác thành đá phong thủy. Suối Giàng bừng sáng và lung linh nhờ miền đá ấy.
Linh khí của đất trời
Suối Giàng vốn là vùng đất cổ, vùng thổ nhưỡng khá đặc biệt. Tuy thuộc dải đất vùng cao nhưng nơi đây khí hậu mát lành quanh năm. Ở đây, những dãy núi cao ngất trời bao bọc những thung lũng, mây mù bao phủ quanh năm làm cho tiết trời mát mẻ, trong lành. Vì thế ở vùng đất này cây trái, hoa lá hay cảnh sắc đều rất đẹp và thơ mộng.
Xưa kia ở Suối Giàng rừng rú rậm rạp, dân cư thưa thớt, những ngọn núi đá dường như con người chưa đặt chân tới. Vì thế, không chỉ với cư dân bản địa, ai đi qua miền đất này hay với họ cũng thấy những ngọn núi cao sừng sừng trải dài theo những con suối vừa linh thiêng, vừa bí ẩn.
Mãi đến năm 2007 người dân nơi đây mới phát hiện loại đá vừa đẹp vừa quý tại thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng. Khi mới phát hiện, phủi hết lớp bụi rừng bao phủ, người ta không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ nhận thấy đây không phải là loại đá thường bởi quá đẹp.
Vùng quê Suối Giàng - Ảnh: N.T.Lượng
Suối Giàng không chỉ nhiều núi đá mà đá còn có nhiều ở những con suối - Ảnh: N.T.Lượng
Xem kỹ người ta nhận thấy đá có những hoa văn dạng vân mây cầu kỳ, đẹp hiếm có, hình thù khác lạ. Đặc biệt khi ngắm nhìn những tảng đá tưởng như mộc mạc và vô hồn ấy, như thấy được những sóng vân đang chuyển động từ bên trong thớ đá, làm lóe lên cái lung linh nhiều màu của đá.
Từ đó, được sự cho phép của các cấp chính quyền, cư dân Suối Giàng đã khai thác đá và đưa đá xuống núi chế tác thành đá cảnh, đá phong thủy.
Khi nghiên cứu về sắc, dáng, hình đá, người ta cho rằng đá quý nơi đây không phải ngẫu nhiên có được mà vì đây là loại đá được hình thành và tích tụ  bởi linh khí đất trời, của nắng gió. Vì thế, đá phong thủy Suối Giàng không chỉ đẹp mà còn mang linh hồn của đất trời nơi đây.
Kỳ công từ bàn tay tài hoa
Để có được những tảng đá phong thủy làm đắm say lòng người, những nghệ nhân chế tác đá nơi đây đã dày công chế tác và thổi cả hồn mình vào đá để có những tác phẩm kỳ diệu. Vận chuyển đá nguyên khối từ những vách đá cao sừng sững đã gian nan, khó nhọc, khâu chế tác đá còn khó khăn hơn nhiều. 
Với tảng đá nguyên khối, người ta dùng nước rửa sạch bụi bẩn rồi lấy xà phòng rửa sạch một lần nữa cho sạch hết bụi đất bám quanh. Lúc này khối đá vừa sạch, vừa trong nhưng vân chưa nổi lên hết nên phải dùng vecni hoặc dầu ăn đánh vào bề mặt đá.
Họ bền bỉ đánh cho đến khi nào vân nổi lên, màu đá được đậm nét, bề mặt đá bóng loáng thì khi ấy thành công gần đạt.
Những ý tưởng đầy bí hiểm từ đá - Ảnh: N.T.Lượng
Sản phẩm từ bàn tay tài hoa của con người Suối Giàng - Ảnh: N.T.Lượng
Đá Suối Giàng và nghề chế tác đá nơi đây chủ yếu là đá cảnh, đá phong thủy. Cũng chính vì nghề này mà du khách ở khắp nơi thường đến Suối Giàng mua đá phong thủy.
Sau khi đánh bóng đá, một khâu cực kỳ quan trọng đòi hỏi sự tài hoa và tỉ mỉ là chế tác dáng hình của đá. Để “hồn đá” không đơn điệu, các nghệ nhân nơi đây đã dày công chế tác đá thành những hình thù phong phú, bắt mắt và điều quan trọng là những ý tưởng từ những dáng hình đá ấy.
Lung linh “hồn đá”
Dọc hai bên quốc lộ, những cửa hàng đá phong thủy Suối Giàng ánh lên sắc màu của đá khiến du khách đi qua không thể không dừng chân ngắm nhìn. 
Mỗi dáng hình của viên đá lại có một nét đẹp riêng khiến người chọn đá khó lòng chọn được viên như ý muốn bởi dáng nào cũng đẹp và rộn lên sắc màu từ bên trong. 
Căn cứ vào thuyết phong thủy, sở thích, quan niệm của con người, đá Suối Giàng được tạo tác thành nhiều dáng hình. Có khi là những tảng đá với hình thù bí hiểm, là những hòn đá phong thủy vừa bóng đẹp vừa góc cạnh dùng để ở góc nhà hay cửa nhà để hút linh khí, xua đuổi tà ma. Có khi là tượng đá của những nhân vật mang lại những điều may mắn.
Kỳ công hơn là những hòn đá phong thủy tròn xoe với nhiều cỡ, nhiều màu khác nhau được để trên một trụ đá vững trãi có thể đặt ở bàn uống nước, bàn làm việc hoặc góc tủ hay các con vật thiêng như con nghê, rắn, lân, rùa, rồi hình thù các loại quả.
Tất cả những ý tưởng tạo tác đều xuất phát từ những quan niệm rằng đá sẽ mang lại may mắn cho con người.
Đá còn được chế tác thành những bộ bàn ghế đá khá độc đáo - Ảnh: N.T.Lượng
Dáng hình tuyệt đẹp của đá Suối Giàng - Ảnh: N.T.Lượng
Kỳ thú dáng hình đá Suối Giàng - Ảnh: N.T.Lượng
Đá Suối Giàng có nhiều giá khác nhau, có loại chỉ 1-2 triệu đồng, có dáng 5-6 triệu đồng, có hòn lên vài chục triệu thậm chí hàng trăm triệu tùy thuộc kích thước, phong thủy và sắc màu. Vì thế, cư dân chế tác đá nơi đây ngày càng khấm khá lên nhờ giá trị kinh tế của đá mang lại.  
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Về miền xanh Suối Giàng - Sa Pa của Yên Bái

Nằm ở độ cao 1.300-1.400m, cách Hà Nội hơn 200 km, Suối Giàng có khí hậu trong lành, mát mẻ với các bản H'mông cheo leo bên sười núi, được ví như một Sa Pa của vùng đất Yên Bái.
Vượt qua khoảng 200 km theo quốc lộ 32 tương đối bằng phẳng, chúng tôi bắt đầu rẽ vào cung đường lên Suối Giàng. Đường từ trung tâm huyện Văn Chấn lên xã Suối Giàng chỉ có 13km, nhưng thật sự là cuộc thử thách cho những tay lái ưa thích trèo đèo, lội suối.
Những cung đường đèo, cua, lượn xuất hiện liên tục với dốc cực lớn. Nhiều đoạn xe phải gài về số 2, thậm chí số 1 mới ì ạch đi lên được. Trong cái nắng chói chang đầu hè vã mồ hôi, rã rời chân tay, những con người lặn lội từ phương xa được đền đáp bởi cảnh sắc hùng vĩ bên đường.
Đường vào các bản ở Suối Giàng đèo dốc và hầu hết là đường đất. Ảnh: Hải Dương.
Đường vào các bản ở Suối Giàng đèo dốc và hầu hết là đường đất. Ảnh: Hải Dương.
Càng lên cao, một miền xanh càng lộ rõ. Bốn phương chỉ còn lại màu xanh của mây trời hòa với sắc rừng xanh thẳm với bạt ngàn nương chè hút tầm mắt. Cứ leo hết một con dốc, các bạn trẻ lại dừng chân để ghi những khoảnh khắc vào thẻ nhớ.
Cũng vẫn màu xanh của chè, nhưng chè ở Suối Giàng có cái gì đó hoang sơ, hùng vĩ hơn so với đồi chè ở mạn Thái Nguyên, Phú Thọ và nếu gọi đúng phải là những cánh rừng chè.
Độ cao ngày một tăng, khi xe sắp tới trung tâm xã Suối Giàng đã ở mức 1.400m so với mực nước biển.
Ở Suối Giàng ngoài những cánh rừng chè mới trồng lưng chừng núi thì các vườn chè cổ thụ vẫn luôn hấp dẫn du khách. Những vườn chè cổ thụ đã có từ hàng trăm năm, trong đó có cây chè người ta tính được vòng đời 300-400 tuổi.
Chè cổ thụ tuy không cao, nhưng cành lá sum sê, thân xù xì tỏa bóng mát ra đường kính cả chục mét. Không có gì tuyệt vời hơn khi giữa trưa nắng lại được ngồi nghỉ dưới gốc chè cổ thụ.
Gió núi lồng lộng thổi mát rượi, ngồi dưới bóng chè chỉ vài phút bao mệt mỏi cùng những giọt mồ hôi đã bay đi hết.
Các bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc bên những nương chè. Ảnh: Hải Dương.
Các bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc bên những nương chè. Ảnh: Hải Dương.
Trên đỉnh cao ở trung tâm xã Suối Giàng, phóng tầm mắt xa xa, bạn sẽ thấy bản người H'mông lọt thỏm giữa miền chè xanh. Trong đó, bản văn hóa Pang Cáng ở trung tâm xã vài năm nay đã trở thành điểm khám phá đầy hấp dẫn.
Ở Suối Giàng, người H'mông chiếm đến 98%, số ít còn lại là người Kinh, Thái, Dao. Bản văn hóa Pang Cáng là nơi có 100% người H'mông sinh sống. Đây cũng chính là nơi được tỉnh Yên Bái chọn để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào.
Bản Pang Cáng là nơi hiếm hoi ở Suối Giàng còn giữ được nguyên những nét đơn sơ, thuần khiết trong phong tục văn hóa và kiến trúc H'mông. Những nếp nhà sàn ở đây vẫn được lợp bằng gỗ pơmu.
Ông Vàng A Giao, cán bộ ở xã Suối Giàng, cho biết hơn 10 năm nay xã Suối Giàng đã thực hiện đề án trồng mới những cánh rừng pơmu xen lẫn chè tuyết. Mục đích để bảo tồn một loại gỗ quý và cũng là để xây dựng lên các khu nhà sàn nguyên bản của người H'mông.
Một số nhà sàn làm có mái lợp gỗ pơmu đã được biến thành các điểm homestay cho du khách ngủ qua đêm.
Ở Pang Cáng nói riêng và các bản ở Suối Giàng nói chung, đồng bào các dân tộc đều rất thân thiện, hiếu khách. Họ sẵn sàng hướng dẫn các chàng trai, cô gái dưới xuôi học cách hái chè, sao chè theo phương thức cổ truyền.
Cổng vào bản văn hóa Pang Cáng. Ảnh: Hải Dương.
Cổng vào bản văn hóa Pang Cáng. Ảnh: Hải Dương.
Buổi trưa ở bản Pang Cáng, chúng tôi vẫn thấy nhiều gia đình ăn món mèn mén. Đây là loại bánh làm từ ngô rất nổi tiếng, không chỉ ở vùng cao Suối Giàng. Cuộc sống đã khấm khá hơn, nhưng nhiều phụ nữ H'mông vẫn giữ được nếp văn hóa ẩm thực là sáng sáng dậy sớm xay ngô làm bánh.
Nếu ai muốn dùng bữa trưa ở Pang Cáng sẽ được gia chủ thết đãi thịt gà đồi, thịt trâu sấy, lợn cắp nách, nấu cơm nếp, các món rau rừng và rượu sắn. Tất nhiên ai thích ăn mèn mén, thậm chí mua về làm quà chủ nhà cũng sẵn sàng đáp ứng.
Tuy ở Pang Cáng, một số hộ đồng bào đã manh nha làm dịch vụ, giá cả ăn uống cùng gia đình cho một nhóm khách vài người vẫn còn rất rẻ so với các điểm du lịch khác. Nếu ai muốn dừng chân ở Suối Giàng thêm một ngày nữa, Pang Cáng chính là điểm homstay rất thú vị, thưởng thức các món ăn đồng bào H'mông đặc trưng và ngủ nhà sàn…
Điều thú vị nhất ở các thôn, bản tại xã Suối Giàng mà chúng tôi cảm nhận được là sau bữa ăn hay những lúc ngồi chơi nói chuyện, đều có ấm nước chè tuyết bản địa đậm đà khó quên.
Nếu lên Suối Giàng vào dịp mùa xuân, bạn sẽ được chứng kiến và cùng trải nghiệm rất nhiều lễ hội độc đáo của người Mông, Thái. Độc đáo nhất là lễ hội Gầu Tào và lễ cúng cây chè tổ ở bản Mới xã Suối Giàng.
Nếu như hội Gầu Tào là nét văn hóa chung của đồng bào Mông với tiếng khèn, câu hát đối mời gọi bạn tình thì lễ cúng chè tổ như một phong tục riêng độc đáo ở vùng Suối Giàng.
Vào những ngày đầu tiên của năm mới, các trưởng bản, người cao niên đã tập trung về cây chè tổ ở bản Mới để làm lễ cúng. Lễ cúng diễn ra từ sáng sớm với cơm nếp, rượu, giấy vàng mã, nhưng phải có gà trống đen.
Đây là một loại gà H'mông với lông đen, thịt đen, xương đen là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng chè tổ.
Theo Hải Dương / Báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét