Triều Khúc đến giờ vẫn được gọi là làng mặc dù ở trung tâm Hà Nội. Bún ngan đâu cũng có, nhưng đến làng này ăn bún ngan, thưởng thức không khí làng giữa lòng thành phố cũng rất hay.
Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội, đường vào làng (phố) đối diện với đại học Hà Nội) vốn là một làng nghề truyền thống dệt lụa, là, the, gấm từ 4 thế kỷ trước. Làng nổi tiếng với việc chuyên đi thu gom những đồ vứt đi của thiên hạ để về làm lại thành những thứ có giá trị kinh tế và nghệ thuật. Bởi thế người ta mới khen người Triều Khúc cần cù, khéo tay nhưng người ta lại chê Triều Khúc bởi nơi đây quá ô nhiễm môi trường. Âu cũng là điều tất yếu.
Dân làng chuyên đi thu gom gà, vịt về giết mổ và đi mua lông gà, lông vịt về tái chế thành những sản phẩm chổi, ruột gối… Bởi vậy, làng còn được gọi là làng lông gà lông vịt hoặc làng gà vịt cho gọn.
Hầu hết phụ nữ trung niên ở Triều Khúc đều làm nghề ... lông gà, lông vịt.
Người Triều Khúc có những phong tục rất riêng mà khó có thể tìm thấy ở nơi nào trong nội thành Hà Nội. Ví như tục ăn cỗ kéo dài đến cả tuần lễ. Một đám cưới, đám ma tổ chức phải đến vài ngày. Có một ngày tổ chức ăn cỗ chính với mâm cỗ bày như bình thường. Nhưng những ngày đón tiếp họ hàng đến chơi, làm giúp thì mâm cỗ sẽ có… thịt gà, thịt vịt, thịt ngan.
Triều Khúc còn giữ được mô hình của một làng quê cổ: cây đa, giếng nước, sân đình, chùa, cổng làng. Gần đình và chùa Triều Khúc, có rất nhiều quán bún ngan. Đến Triều Khúc không ghé vào vài quán bún ngan, nhìn bình dân thôi, thì đã bỏ đi cơ hội thưởng thức một món ăn quen nhưng lạ miệng.
Những quán bún ngan khác trên bàn sẽ bày đầy đủ giấm ớt, tỏi, những miếng chanh nhỏ xíu, tương ớt để khách làm gia vị ăn kèm. Các quán bún ngan ở đây thường cắt chanh làm 4, để khách đỡ cảm thấy bị giới hạn trong việc vắt miếng chanh. Và đối với khách, quý nhất là lọ măng ngâm giấm ăn kèm bún ngan.
Gia vị trên bàn có: giấm, nước mắm, ớt, chanh và đặc biệt là măng ngâm giấm.
Măng ngâm giấm trước đây là măng tre, giờ là măng tre Bát Độ (một loại măng tre lai). Thái mỏng theo hình quân cờ những miếng măng non, cho vào nước sôi đã cho chút muối để chần qua. Vớt măng để khô. Ớt chỉ đỏ rửa sạch, bỏ cuống; tỏi để nguyên cả tép. Cho măng, ớt, tỏi vào lọ, đổ giấm, nước mắm vào ngâm cùng nhau. Măng này dùng để ăn với bún ngan rất ngon.
Thực ra Triều Khúc không phải nổi tiếng với ẩm thực, nhưng quả thực bún ngan ở đây ăn có hương vị rất khác. Nước bún ngọt, bún sợi to. Bạn sẽ cảm nhận rõ ràng sự hào phóng của những người chủ quán nơi đây, hay chính con người nơi đây. Nước chan bún có vị ngọt của xương hơn là vị ngọt nhờ nhợ của mì chính. Nhìn miếng thịt trong bát đỡ “lèo tèo” hơn những quán bún ngan khác. Măng trong bát bún cũng nhiều và bát bún cảm giác đầy đặn hơn. Nhưng khi tính tiền, bạn sẽ ngạc nhiên: một bát bún như thế chỉ có 15.000 đồng. Quá rẻ!
Bát bún ngan đầy đặn. Nước bún trong nhưng ngọt sâu, không nhờ nhợ mì chính.
Đến Triều Khúc, nhất là tầm chiều tối và tối để thưởng thức bún ngan, hưởng không khí thoáng đãng của hồ, vẻ cổ kính của sân đình với cây đa cổ thụ. Bạn có thể đi ăn một mình để cảm nhận sự tĩnh lặng trong tâm hồn hoặc rủ bạn bè hoặc người thân đi cùng để rủ rỉ câu chuyện.
Ngồi ăn bún, uống nước ở dưới gốc đa, gốc gạo sau đó ra cạnh hồ uống trà đá.
Quán đông khách, bà chủ quán trán đẫm mồ hôi vẫn tươi cười niềm nở. Ngoài bún ngan có thêm cả bún vịt cũng rất ngon. Mọi người quây quần bên chiếc bàn nhỏ. Những con người xa lạ cũng chợt thấy yêu quý nhau hơn khi thấy sự “công tâm” yêu quý khách hàng của bà chủ quán già luôn miệng gọi những bạn trẻ là “con” và xưng “u”.
Bà chủ quán niềm nở, luôn gọi các bạn trẻ là con, xưng u.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét