Không bảng tên, nằm sâu hút trong hẻm nhưng quán bún vịt này luôn đông nghịt khách. Trung bình mỗi ngày quán chỉ bán 1 tiếng là đã hết nhẵn hàng.
Thường quán ăn nằm trong hẻm luôn bị tiếng là bất tiện, khó kinh doanh nhưng quán bún vịt trong hẻm 281 lại là trường hợp khác hẳn. Quán dù nằm trong ngách, với số nhà đến “3 xẹt” vẫn đông khách vô cùng. Quán đông đến mức mỗi chiều, xe cộ lại xếp thành hàng dài, và từ khi mở bán chỉ bán khoảng 1 tiếng là hết sạch.
Khá nhiều người phải đứng chờ bên ngoài khi quán hết bàn.
Dù nằm sâu trong hẻm, quán vẫn không một bảng hiệu, không người chỉ dẫn, tuy vậy rất dễ nhận qua quán bởi hai bên hẻm nhiều người vẫn đứng chờ. Lâu lâu lại có một người đàn ông ra dấu hiệu “có bàn” để khách đứng chờ vào ăn theo thứ tự. Thực ra không gian quán không chật. Nơi bán vừa có chỗ trong nhà lại ngoài sân và lan ra hẻm nhưng khách vẫn cứ phải chờ vì đông quá.
Cứ đúng 15h quán bún vịt này mở cửa thì chỉ vài phút sau là hết bàn. Khách quen đã tỏ tường “phong cách” của quán thường đến sớm 15 phút, thậm chí nửa tiếng để có... chỗ ngồi. Người đến trễ đành ngậm ngùi chờ, ai đến trễ quá thì chỉ còn nước lủi thủi đi về. Vì vậy, thường khách ăn quen sẽ biết khung giờ “chuẩn” còn ai đến lần đầu thì phần lớn phải hẹn ngày sau. Bù lại cho việc săn chỗ vất vả, bạn sẽ nhanh chóng được thưởng thức món vịt được nhiều người đánh giá ngon nhất nhì TP Hồ Chí Minh.
Góc bán hàng đơn giản, mỗi buổi chủ quán chỉ bán chưa đến 20 con vịt.
Thực đơn của quán vô cùng đơn giản. Vịt chỉ có luộc chấm với mắm gừng kèm theo bún măng vịt. Khách muốn đổi vị thì có thêm gỏi vịt hoặc bộ đồ lòng luộc. Chỉ đơn giản vậy nhưng lại rất đông khách ăn. Theo họ, vị ngon nằm ở khâu chế biến, luộc thịt vịt và món bún măng được nấu theo công thức riêng.
Thực đơn chính là thịt vịt luộc và bún măng vịt.
Thịt vịt ở đây là những con vừa, ít mỡ, lớp da mỏng, chế biến khéo nên thịt thơm, mềm chứ không có mùi hay dai, vị hôi thường thấy. Ngoài ra quán cũng không có miến hay cháo để chọn lựa, chỉ có duy nhất 1 món là bún măng. Một tô chỉ gồm bún, măng và nước dùng, nhưng ai đến cũng phải ăn. Hầu như khách nào vào cũng phải kêu dĩa thịt vịt kèm theo bún để ăn cùng.
Thịt vịt mềm, da mỏng, ít mỡ.
Khi ăn chấm với mắm gừng.
Nước dùng bún vịt không màu mè, có vị thanh ngọt nguyên chất từ nước luộc vịt. Nhiều người ăn thậm chí còn hạn chế cho thêm gia vị vào tô bún, chỉ vắt xíu chanh vì sợ làm đổi vị nước dùng. Riêng măng được chủ quán chọn là loại còn tươi nhai sần sật. Theo những người ăn quen, nên ăn vịt riêng và ăn bún măng không vịt để thấy rõ hơn vị nước dùng và cái ngon của bún quyện với măng đã thấm đẫm nước vịt.
Bún măng vịt có nước dùng ngọt tự nhiên.
Ngoài ra còn có gỏi ăn kèm. Gỏi vịt cũng làm đơn giản bằng rau bắp cải, ăn hơi nhạt nhưng nếu chấm kèm thịt vịt với mắm vừng thì sẽ rất vừa miệng. Món ăn ít, đơn giản nhưng người bàn bày biện từng miếng thịt được chặt gọn vừa ăn, rất cân đối, đẹp mắt kèm cùng gỏi. Hơn nữa quán cũng khá sạch sẽ nên càng tạo cảm giác ăn ngon miệng.
Gỏi vịt có giá 90 ngàn/ dĩa vô cùng đầy đặn, ngon mắt.
Một dĩa gỏi vịt có giá 90 ngàn, bún vịt 30 ngàn/tô, nếu ăn bún không vịt thì 10 ngàn/ tô. Còn khách kêu thịt vịt luộc nửa ức già cũng 90 ngàn/dĩa. Lòng ở quán chỉ bán nguyên bộ, với giá 50 ngàn/bộ. Vì số lượng vịt có hạn nên khách phải đến cực sớm mới có thể ăn được lòng vịt luộc.
Theo chủ quán, dì bán trong hẻm nhưng tuổi đời quán cũng đã hơn 40 năm do đó có nhiều khách quen. Nhờ vậy, ở hẻm sâu người bán cũng chẳng bao giờ lo ế khách. Về lý do quán chỉ bán 1 tiếng là do chủ quán cứ thong dong mỗi ngày bán chưa đến 20 con vịt, khi hết thì dọn hàng nghỉ.
Quán chỉ bán mỗi ngày 1 tiếng do số lượng vịt không nhiều.
Dù quán bún vịt thuộc loại ngon nhất nhì Sài Gòn nhưng một số khách tỏ ra chưa hài lòng về thái độ phục vụ. Theo họ, chủ quán và nhân viên thân thiện nhưng có lẽ do đông khách cùng lúc nên đôi khi chưa thực sự niềm nở. Thêm vào đó, nước dùng và nước chấm ở đây pha chế theo kiểu miền Nam nên có thể sẽ hơi ngọt nếu bạn không ăn quen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét