Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Bạn biết gì về chợ thuộc hàng cổ nhất Sài Gòn?

ban-biet-gi-ve-cho-thuoc-hang-co-nhat-sai-gon
Chợ Bến Thành có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định, ban đầu nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). 
Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
dung-cho-ben-thanh-co-tu-truoc-khi-phap-xam-chiem-gia-dinh
Hình ảnh chợ cũ hồi cuối thế kỷ 19. Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức mô tả: "Chợ Bến Thành, phố chợ, nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền".
Thời nhà Nguyễn, cả bốn mặt thành Gia Định đều có chợ. Phía Đông là chợ hàng Đinh (nằm ở khoảng công viên Chi Lăng đến khách sạn Continental hiện nay), chợ Bến Nghé (chợ Sỏi), phía Tây là chợ Vông (trên đường Nguyên Đình Chiểu và Điện Biên Phủ), phía Nam là chợ Da Còm (khu vực Tòa án và Thư viện tổng hợp TP HCM), chợ Đũi (nằm trong khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám - Bùi Thị Xuân - Sương Nguyệt Anh - Nguyễn Thị Minh Khai).
Các nhà nghiên cứu thống nhất chợ Bến Thành xưa nằm bên bờ kinh Lớn, trong khu vực các con đường Nguyễn Huệ - Hải Triều - Ngô Đức Kế - Tôn Thất Đạm.
Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới có 100 nghìn dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất.
Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến mới là một dãy nhà trống lợp ngói.
Tháng 2/1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.
Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng hòa là địa điểm Tổng Ngân khố, nay là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ). Chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.
Đến tháng 7/1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian gồm gian thực phẩm, hàng cá, hàng thịt, hàng ăn uống và hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.
Chợ Bến Thành cuối thế kỷ 19. Ảnh: Wikipedia
Chợ Bến Thành cuối thế kỷ 19. Ảnh: Wikipedia
Thời đó, khu chợ được xây dựng bên bờ phía nam một con kênh, được gọi là kinh Lớn. Phía trước chợ, dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner, hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly. 
Do vị trí nằm giao điểm của khu đô thị và hợp lưu của hai tuyến đường thủy là kinh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi), ghe thuyền có thể cập bến và đổ người lên chợ bất cứ ở phía bên này hay bên kia. Người bên đất liền muốn qua chợ thì có thể đi qua những chiếc cầu gỗ. Do đó, chợ Bến Thành luôn luôn nhộn nhịp.
Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm có thể bị sụp đổ. 
Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho, địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.
dung-hua-bon-hoa-da-bo-tien-xay-cho-ben-thanh-moi
Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20. Ảnh: Wikipedia
Tác giả Trần Nhật Vy trong cuốn Từ Bến Nghé tới Sài Gòn cho biết, tới thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, sau khi kinh Charner đã lấp, việc dời chợ đến nơi mới hình như đã đến lúc cần kíp vì trung tâm thành phố đã hình thành tương đối và có thể vì muốn bộ mặt thành phố sạch đẹp hơn.
Chợ mới do Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa, còn gọi là chú Hỏa), một trong những đại gia Nam kỳ đầu thế kỷ 20 bỏ tiền xây. Hãng thầu Brosard et Maupin trúng thầu xây dựng chợ từ năm 1912 đến tháng 3/1914 thì hoàn thành.
Chú Hỏa xuất than buôn bán phế liệu, kinh doanh nhà đất rồi trở nên giàu có. Có người cho rằng, chú Hỏa đã mua được tượng vàng nên giàu, người khác lại đồn khi mua phế liệu ở nhà một luật sư người Pháp dọn nhà về nước, ông may mắn nhặt được dưới tấm thảm lót một số tiền lớn.
Lễ khánh thành chợ Sài Gòn rất khí thế diễn ra trong ba ngày với xe hoa, pháo bông và hơn 100 nghìn người tham dự.
Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy bốn mặt chợ Bến Thành đều có cẩn phù điêu. Cha đẻ của những bức phù điêu này là ông Lê Văn Mậu, giảng viên trường Mỹ nghệ Biên Hòa.
Ông sáng tác những bức phù điêu này từ năm 1952 với sự góp sức của các nghệ nhân hợp tác xã mỹ nghệ Biên Hòa là Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng. Còn người gắn lên là các ông Võ Ngọc Hảo, PhạmVăn Ngà và Nguyễn Trí Dạng vốn là học sinh trường Mỹ nghệ Biên Hòa.
Lê Văn Mậu (1917-2003) sinh tại Vĩnh Long, là một nhà giáo nhân hậu và một điêu khắc gia tài hoa. Năm 1930, ông lên Sài Gòn ở nhà người cậu là bác sĩ Quế để học trung học. Sau khi đậu Diplôme vào năm 1934, Lê Văn Mậu lên Biên Hòa xin học điêu khắc trong dịp hè với ông Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ.
Theo thư mời của ông Balick, Lê Văn Mậu trở thành giáo viên dạy môn điêu khắc và môn vẽ cho trường Mỹ nghệ Biên Hòa kể từ năm 1944, là người thế chân cho thầy Nhứt (Đặng Văn Quới) nghỉ hưu.
Năm 1963, ông được cử làm hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa, nhưng với tên mới là trường Kỹ thuật Biên Hòa.

Tất cả 12 bức phù điêu được nung có màu ngà đặc biệt với các hình bò và heo, bò và ngỗng (cửa Đông), cá đuối và nải chuối (cửa Tây), bò và cá (cửa Nam), vịt và ngỗng (cửa Bắc).
dung-dap-an-la-bo-va-ca
Phù điêu hình bò và cá ở cửa Nam chợ Bến Thành. Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành có 4 cửa chính và 12 cửa phụ. Từ cửa Nam đến cửa Bắc của chợ dài 136 m; từ cửa Đông đến cửa Tây dài 96 m. 
Cửa Nam là mặt tiền (cửa số 1) hướng ra công trường Quách Thị Trang. Phía Nam chợ Bến Thành ngoài cửa Nam còn có cửa số 2, số 16. Điểm nổi bật nhất của cửa Nam đó chính là tháp đồng hồ. Tháp đồng hồ có ba mặt, được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp. 
Theo tài liệu mà tác giả Trần Nhật Vy sưu tập trong sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn thì chợ Bến Thành mới xây xong từ năm 1914, nhưng mãi đến năm 1952 mới được gắn những bức phù điêu này. Có thể sau năm 1950, chợ bị cháy nên khi tu bổ, người ta đã bổ sung những bức phù điêu kia.
Trước mặt chợ Bến Thành trước kia là ao sình lầy gọi là Bồ-Rệt (Marais Boresse) do viên xã Tây lúc ấy (tức thị trưởng) tên Eugène Cuniac cho lấp năm 1912 và xây chợ mới.
Lúc đầu gọi là bùng binh Cu-nhắc (Rond - point Cuniac) rồi lần lượt đổi tên là công trường Diên Hồng và nay là công trường Quách Thị Trang.
dung-dap-an-la-vong-xoay-quach-thi-trang
Bùng binh phía trước chợ Bến Thành. Ảnh tư liệu
Quách Thị Trang (1948-1963), pháp danh Diệu Nghiêm, là phật tử tham gia trong cuộc biểu tình phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chế độ Đệ nhất Cộng hòa và đã bị bắn chết ngày 25/8/1963.
Năm 1964, chính quyền cho đặt tượng nữ sinh Quách Thị Trang tại bùng binh này, đến năm 1965 thì xây dựng tượng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên một bệ cao, rất uy nghi. 
Tháng 2/2017, vòng xoay Quách Thị Trang được phá dỡ để xây dựng nhà ga ngầm trung tâm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Theo quy hoạch khu trung tâm TP HCM hiện hữu, sau khi hoàn thành nhà ga ngầm cho các tuyến metro trước chợ Bến Thành năm 2020, khu vực này sẽ thành quảng trường hiện đại.
Hiện, chợ Bến Thành rộng 13.056 m2 với tất cả 16 cửa, trong đó có 4 cửa lớn Đông, Tây, Nam, Bắc.
Chợ được chia làm 4 khu vực với 11 ngành hàng, gồm khu vực 1 và khu vực 2 chủ yếu vải sợi và quần áo chiếm khoảng 30% diện tích; khu vực 3 và 4 là tạp phẩm, tạp hóa, mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ chế biến, hàng tươi sống và đồ uống... Chợ có hơn 1.400 hộ với chừng đó sạp kinh doanh.
dung-cho-ben-thanh-rong-khoang-13000-m2
Tiểu thương chợ Bến Thành hối hả trong một buổi chợ đêm. Ảnh: Quỳnh Trần
Tác giả Trần Nhật Vy trong sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn đánh giá, nguồn hàng tại chợ Bến Thành rất phong phú, được tuyển chọn và cung cách phục vụ chu đáo do đó giá cả cao hơn các nơi khác. Có lẽ, bên cạnh nạn nói thách là thói quen vốn có ở chợ này thì ít khi cân thiếu là truyền thống đáng quý của chợ.
Hiện trung bình mỗi ngày chợ Bến Thành đón tiếp hơn 15.000 lượt người đến giao dịch mua bán, tham quan. Khách du lịch trong hay ngoài nước, đến Sài Gòn thì cũng muốn được ghé vào chợ Bến Thành để chuyến đi được trọn vẹn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét