Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Dân dã dưa môn muối nước vo gạo

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Với những ai sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung ắt hẳn sẽ không còn xa lạ gì với món dưa môn. Dưa môn muối với nước vo gạo sẽ có vị chua ngọt, thơm và ngon nhất.

                                   Khoai môn được đem phơi hai nắng là có thể muối dưa được
“Chiều, con rảnh đi theo phụ bà ra bờ ao sau nhà cắt vài nắm dưa môn đem về muối chua”- lời bà dặn ân cần ở ngày thơ ấu năm nào vẫn còn văng vẳng đâu bên tai.
Dưa môn muối chua, một món ăn quen thuộc với những người quê, nhất là với những ai sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung. Khi mà, cuộc sống luôn gắn liền với ruộng lúa nương khoai, nếu cánh đàn ông trong nhà ra đồng đi kèm là “con trâu cái cày” thì phụ nữ vào bếp phải có “hũ dưa, hũ cà”.
Chiều đến, tôi lại tíu tít, hớn hở cùng bà men theo bờ ao cắt nhặt những thân khoai. Cảm giác như đây là một trong những hành trình khám thú vị của tuổi thơ và trên tay không quên mang theo lưỡi hái, cùng một bao đựng thóc cỡ to dùng để bọc khoai mang về, phòng không dính mủ trên áo.
Ra đến nơi, xen giữa những đám cỏ, mọc dọc bờ ao là cả một rừng môn tươi tốt được cha trồng từ khoảng hai tháng trước. Khoai môn ngon nhất vẫn là loại có cuống và lá màu xanh, tim lá có chấm đo đỏ, nhiều nơi còn hay gọi là dọc mùng, thường mọc theo các bờ mương, rạch sông, suối. Cha tôi đã chịu khó di thực về trồng ở bờ ao trong vườn.
Sau một buổi chiều, chúng tôi đã có nguyên liệu để chế biến. Hôm nào cắt được ít thì bà chỉ để dành cho gia đình dùng, nhiều thì mang ra chợ đổi lấy con cá, miếng thịt.
                                                              Dưa môn thành phẩm sau khi muối
Cách muối dưa môn không khó. Thân khoai môn đem về rửa sạch bùn, đất, cắt mỏng hai đầu cho bớt bẩn, rồi tước lớp vỏ lụa bên ngoài. Bà từ từ chẻ nhỏ từng cộng, cắt ngắn tầm 6cm.
Tiếp theo, bà đem phơi khoảng hai nắng cho héo. Sau cùng sẽ cho khoai vào hủ sành. Nấu nước muối pha loãng để nguội đổ ngập lớp trên cùng. Cẩn thận hơn, trước khi rửa khoai bỏ vào hũ sành, bà bóp với muối nhiều lần cho khoai ra bớt chất ngứa.
Muốn dưa môn thơm ngon, mau chua thì nên pha thêm nước vo gạo cho vào với một lượng vừa phải. Và khoảng 3- 4 ngày sau dưa sẽ ngả sang màu vàng nâu. Mở hũ sành ra, bốc vài cọng dưa thử thấy dậy mùi chua là ăn được.
Như nhiều loại dưa muối khác, muối dưa môn ngon, màu sắc đẹp, giòn là cả một nghệ thuật của người quê mà phải trải qua rất nhiều lần thất bại mới có được sản phẩm ưng ý. Dưa sau khi muối được vắt sạch cho ráo nước và chế biến thêm nhiều món ăn khác, kiểu gì ăn cũng ngon.
Đơn giản nhất là xào chay với dầu mỡ, tỏi đập dập hay kho với thịt, các loại cá đồng để ăn vào mùa mưa. Còn vào mùa nắng thì nấu canh chua với cá. Dưa môn kích thích vị giác, dù mùa nào cũng ăn được cơm.
Còn nhớ, có những hôm đi học vừa về tới cổng chỉ cần ngửi thấy hương thơm phảng phất là biết ngay bà đang nấu món này. Đói bụng, mệt lả người, không chịu được cơn thèm, vừa thả cặp xuống bàn đã vội chạy xuống bếp xin bà cho xúc cơm nóng ăn trước.
Để đổi khẩu vị lạ miệng, thi thoảng bà cũng hay chẻ nhỏ dưa ra rồi trộn với rau thơm, đậu phộng rang giã. Món này mà ăn với bánh tráng nướng là tuyệt nhất!
Các món được chế biến từ dưa môn đơn giản, dễ làm, không quá cầu kỳ nhưng ngon, bình dị. Dưa môn ăn giòn, vị ngọt thanh với mùi thơm đặc trưng. Bây giờ, nó không chỉ là món khoái khẩu ở quê mà còn rất được ưa chuộng tại các quán ăn, nhà hàng ở thành phố.
Cho dù giá trị thẩm mỹ và bổ dưỡng không nhiều nhưng người ta vẫn thích thưởng thức. Bởi nó chất chứa bên trong là hương đồng cỏ nội, mang theo cả tấm lòng thơm thảo của những người phụ nữ quê như bà. Nó thấm vào trái tim của mỗi người con xa xứ và dù đi đâu, về đâu họ vẫn luôn canh cánh trong lòng một nỗi nhớ.
Bài, ảnh: Thiên Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét