Nép mình bên rặng tre làng, các thợ làm mành trúc ở huyện Củ Chi (TP HCM) vẫn miệt mài sơn vẽ ra sản phẩm để xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Nghề mành trúc ở huyện Củ Chi có từ trước năm 1975, tập trung nhiều ở xã Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An. "Thời hoàng kim, có tới 54 cơ sở hợp tác xã làm nghề này để đáp ứng nhu cầu trang trí nhà cửa của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu đến nhiều nước hơn như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc…", ông Nguyễn Hữu Bèn, chủ cơ sở mành trúc có tiếng ở Củ Chi, nói.
Trung bình mỗi ngày, một người thợ có thể kiếm được 200.000 đồng từ việc gia công sản phẩm. "Nghề mành trúc có ưu điểm là tận dụng trong lúc nông nhàn, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể làm được các công đoạn đơn giản", bà Mai nói.
Ông Nguyễn Trung, người làm mành trúc hơn 40 năm, cho biết nguyên liệu trúc nhập chủ yếu từ tỉnh Tây Ninh. Những nhánh trúc tròn đều, được cạo sạch lớp lụa bên ngoài, rồi cắt thành từng đoạn nhỏ dài 6 cm, ngâm trong nước bồ hòn để chống mối mọt. Sau đó, trúc được phơi khô chừng hai nắng hoặc sấy.
Ông Nguyễn Vũ Tạo tỉ mẩn sơn vẽ họa tiết con hổ trên tấm mành trúc. Theo ông Tạo, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn như lựa chọn trúc, xỏ dây, lên khung, sơn cảnh, phơi sấy sản phẩm.
Sơn vẽ trên mành trúc là công đoạn quan trọng nhất, quyết định giá trị sản phẩm. Điều đặc biệt là người thợ sẽ không dùng cọ mà dùng một miếng xốp để vẽ các họa tiết trang trí lên mành trúc.
Tùy theo yêu cầu khách hàng, mỗi mành trúc sẽ có số lượng dây và mẫu mã khác nhau, thông thường là 100 dây với chiều dài 2 m mỗi dây. "Trước đây, mẫu mã chủ yếu tranh phong cảnh đồng quê, ngày nay có mạng Internet nên khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Chúng tôi không am hiểu nhiều về hội họa, chủ yếu sơn vẽ dựa trên kinh nghiệm", ông Diệp Ân Văn, thợ làm lành trúc 42 năm, chia sẻ.
Việc pha chế màu sơn được các họa sĩ tính toán và thử nghiệm bằng cách quệt lên tường hoặc miếng bọt biển trước khi sơn.
"Sản phẩm mành trúc dù có đầu ra nhưng hiện nay, trong xã hầu như không có người trẻ theo nghề vì thu nhập bấp bênh, việc học nghề tốn nhiều thời gian lẫn công sức", anh Nguyễn Văn Sen, thợ làm mành trúc hơn 10 năm, nói.
Nghề mành trúc yêu cầu người thợ vừa phải khéo tay, vừa phải chấp nhận làm việc trong môi trường có mùi sơn độc hại.
Mành trúc sau khi phơi sấy khô sẽ đóng gói để xuất khẩu đi các nước. Giá mỗi tấm mành trúc dao động từ 140.000 đến 200.000 đồng tùy theo số lượng dây và họa tiết khách hàng yêu cầu.
Theo thống kê, xã Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi hiện có khoảng 7 cơ sở lớn chuyên gia công mành mộc cho các công ty sản xuất, kinh doanh xuất khẩu mành trúc. Hoạt động của những nơi này đã tạo công ăn việc làm hàng trăm lao động và hơn 500 hộ gia công ở các xã lân cận thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn. Bình quân lao động thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng.
Thành Nguyễn
Làm đẹp nhà với mành tre
Ở nhà phố đô thị, mành tre, trúc có thể mang lại vẻ đẹp bất ngờ và những công dụng mà các loại vật liệu khác không có được. Mành có thể tạo nên những mảng trang trí sinh động, dù thô mộc nhưng thân thiện.
Mành trúc có chức năng như bức
bình phong. |
Khi ánh sáng đèn chiếu qua, mành cho hiệu ứng với những mảng sáng lay động. Mành trúc màu vàng úa nhạt có thể tạo phông nền nã, làm nổi bật những bộ bàn ghế, vật dụng màu sẫm phía sau. Ngoài ra, mành còn được sử dụng như vách ngăn hờ, một cách phân chia không gian mang tính ước lệ. Cách sử dụng mành trúc thả lửng từ trần xuống cũng là cách làm cho không gian có cao độ lớn “bổng” thấp lại và ấm hơn.
Mành tre trước thềm. | Mành tre làm dáng cho phòng đọc sách. |
Mành tre điều tiết ánh sáng tự nhiên. | Mành trúc hạ thấp độ cao trần nhà. |
Dùng mành trúc quấn quanh những đèn trang trí lớn khá thích hợp để điều tiết ánh sáng và lạ. Mành trúc đưa vào kiến trúc hiện đại tạo nên sắc thái mới, ngay cả ở các phòng trưng bày. Khi kết hợp với chất liệu như sắt, nhôm... chúng ta sẽ có những kiểu trang trí ấn tượng.
(Theo SGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét