Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Tìm hiểu về người phụ nữ giúp nhà Trần mở nghiệp

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Thị Dung (không rõ năm sinh) sinh ra dưới thời vua Lý Cao Tông trị vì, nhà Lý suy yếu. Bà là con của Trần Lý - người giàu có và thế lực ở Lưu Gia (nay là làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Năm 1209, bà được hoàng thái tử Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) đang chạy loạn đến Lưu Gia, đem lòng cảm mến và lấy làm vợ. 
Cuộc hôn nhân của Trần Thị Dung với vua Lý Huệ Tông khá trắc trở. Năm 1211, bà được phong làm nguyên phi nhưng sau đó lại bị giáng xuống làm ngự nữ do vua nghi ngờ anh trai của Thị Dung là Trần Tự Khánh mưu đồ phản loạn. Mùa xuân năm 1216, Trần Thị Dung được sắc phong là Thuận Trinh phu nhân nhưng vẫn bị hoàng thái hậu ghét bỏ, đuổi đi hoặc sai người đầu độc.
"Thái Hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Vua biết mới ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa, vua chia cho phu nhân một nửa và không lúc nào cho rời bên cạnh. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho, rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chỗ quân của Tự Khánh...", sách Đại Việt sử ký chép.
Mùa đông năm 1216, Thuận Trinh phu nhân Trần Thị Dung chính thức được sắc phong, trở thành hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý. 
Theo sách Đại Việt sử ký, hoàng hậu Trần Thị Dung có 2 công chúa là Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Năm 1224, khi bệnh điên của vua Lý Huệ Tông ngày càng nặng, hoàng hậu đã cùng Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ ép vua truyền ngôi cho Lý Chiêu Thánh. Hai người này sau đó sắp xếp để cháu ruột của mình là Trần Cảnh trở thành chồng của nữ vương.
Năm 1225, vị hoàng đế cuối cùng của triều Lý - Lý Chiêu Hoàng khi ấy mới 7 tuổi, nhường ngôi cho chồng. Giang sơn nước Đại Việt từ đây do triều đại nhà Trần cai trị với vị vua đầu tiên là Trần Cảnh - Trần Thái Tông
Sau khi lấy giang sơn về cho nhà Trần, hoàng thái hậu nhà Lý Trần Thị Dung bị phế ngôi. Vua Trần Thái Tông vì nghĩ bà từng là hoàng hậu của Lý Huệ Tông không nỡ gọi là công chúa nên phong làm Linh Từ quốc mẫu, một cách gọi khác của hoàng hậu. Bà vẫn được hưởng chế độ nghi trượng, kiệu xe theo đúng nghi thức của hoàng hậu.
Linh Từ quốc mẫu sau đó tái hôn với thái sư Trần Thủ Độ, người trong họ và cũng là người ép thượng hoàng Lý Huệ Tông đi tu rồi thắt cổ tự vẫn. 
Dù bị nhiều chê trách trong chuyện hôn nhân, sau đó ép vua Trần Thái Tông lấy chị dâu, nhưng Trần Thị Dung vẫn được đánh giá là "trước sau đều vì sự tồn tại và phát triển cơ nghiệp của họ Trần". 
"Công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều mà phần báo đáp nhà Lý thì không được bằng. Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần", sách Đại Việt sử ký viết.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1258 khi quân Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt, bà Trần Thị Dung đã lập công lớn. Khi hoàng đế và quân nhà Trần đánh nhau với giặc do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, phải rút khỏi Bình Lệ Nguyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc ngày nay) thì ở kinh thành Thăng Long mọi việc đều do Linh Từ quốc mẫu cáng đáng.
Việc rút lui khỏi Thăng Long khá khó khăn và phức tạp do nơi đây ngoài lực lượng quân đội còn có hoàng tộc, thân nhân của quan lại, nhân dân và kho tàng. Quân đội thì đã có triều đình và các vị tướng lĩnh chỉ huy, còn các việc khác nhà Trần đều tin cậy ủy thác hết cho bà Trần Thị Dung. Không phụ lòng trông cậy của vua Trần, vị quốc mẫu đã bảo vệ hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con tướng soái, nhân dân thoát khỏi giặc cướp. 
Bà thực hiện thành công kế sách "vườn không nhà trống", cho vận chuyển kho tàng của triều đình ra khỏi kinh thành. Lương thực, thực phẩm của nhân dân cũng được giấu kín, không để lọt vào tay quân xâm lược. Bà Trần Thị Dung đồng thời khám xét thuyền của các nhà chứa quân khí, sung công cho quân đội nhà Trần.
Hành động này do bà Trần Thị Dung tổ chức, đã đẩy quân Nguyên - Mông vào tình thế khốn quẫn, buộc phải đóng quân ở nơi không một bóng người, không một chút lương thực, thực phẩm. Nhờ thế, vua tôi nhà Trần đã nhanh chóng đánh bại được quân xâm lược.
Năm 1259, Linh Từ quốc mẫu qua đời.
Năm 1259, Linh Từ quốc mẫu qua đời. Lăng mộ của bà được đặt tại xã Liên Hiệp (Hưng Hà, Thái Bình). 
Cuộc đời của người phụ nữ này gắn chặt với sự chuyển đổi quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Bà nhiều lần thay ngôi đổi vị, do sự biến đổi của thời thế... Từ Thái hậu nhà Lý, bà bị giáng xuống làm công chúa, tái giá với kẻ sát hại chồng mình và cùng sắp đặt để con gái lớn lấy em rể, hòa giải 2 cháu là con rể... 
Vì cơ nghiệp của nhà Trần, bà Trần Thị Dung bị nhiều điều tiếng. Tuy nhiên, bà vẫn được người đời ghi nhớ bởi những công lao trong việc mở nghiệp của nhà Trần, tham gia chống quân xâm lược. Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung được tạc tượng, thờ phụng. 

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét