(Dân trí) - Chính từ trong dòng chảy của sông nước quê hương, rừng núi Quảng Ngãi đã sản sinh ra những sản vật, những món ăn dân dã thân quen, mang đậm dấu ấn của tình đất, tình người, làm lưu luyến người đến ở, nhắc nhớ người đi xa.
Ớt xiêm rừng gần nửa triệu/kg
Ớt xiêm rừng thường mọc hoang dại trên các núi cao ở một số huyện miền núi phía Tây Quảng Ngãi. Đây là loại ớt tuy có kích thước khá nhỏ nhưng mùi vị cay nồng rất thơm và đặc biệt là “siêu sạch” nên được nhiều người ưa chuộng.
Ớt xiêm có kích thước khá nhỏ.
Vì không có sự chăm sóc, bón phân nên thân cây ớt xiêm rừng chỉ cao khoảng 0,5-1m, trái nhỉnh hơn đầu que hương một chút. Ớt xiêm rừng có thể thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là từ tháng 6-7 với số lượng từ 0,5-1kg trái/cây.
Chính bởi hương vị đặc biệt nên ngoài ăn sống, ớt xiêm rừng còn được mua về phơi khô, xay nhuyễn để sử dụng dần hoặc ngâm thành ớt muối. Hiện tại, loại ớt này đang được bán với giá dao động từ 400 đến 450 nghìn đồng/kg. Tuy có giá “ngất ngưởng” là vậy nhưng do nhu cầu quá lớn nên ớt xiêm luôn “cháy hàng”.
Cá niên 600.000 đồng/kg
Cá niên thường sống theo bầy đàn và cư trú tập trung nhiều ở những vùng nước sâu dọc các con sông, suối đầu nguồn... Thế nhưng, chỗ ưa thích nhất của chúng là dưới chân các con thác, ghềnh đá có bọt nước tung trắng xóa.
Cá niên nướng chấm muối ớt là món ăn đặc trưng của núi rừng. (Ảnh: diachianuong)
Kích cỡ của cá niên trung bình chỉ nhỉnh khoảng 2 -3 ngón tay. Loài cá này rất dễ nhận biết vì có những vi đỏ quanh miệng mọc nhiều hạt trắng tròn, thân màu bạc. Chúng ăn rong tảo ở thượng nguồn nên thịt thơm, ngon, sạch và bổ dưỡng, thường xuất hiện nhiều vào tháng 6 mùa khô.
Người dân Quảng Ngãi hay đãi khách bằng loại cá này, chế biến thành nhiều món ngon như chiên giòn, kho, nấu với nghệ, làm gỏi.... Nhưng hấp dẫn và dễ làm nhất vẫn là cá niên nướng. Gần đây cá niên được nhiều người biết đến và trở thành đặc sản nên giá rất cao, có thời điểm lên đến 600.000 đồng/kg, trở thành một trong những sản vật đắt tiền nhất ở Quảng Ngãi.
Tiêu ở truồng
Hầu hết các cây tiêu ở xã Ba Lế (miền núi huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) được mọc tự nhiên, không có bất kỳ sự chăm bón gì. Do vậy, chỉ đến khi ở giai đoạn 3-5 tuổi, cây bắt đầu bị trụi đoạn phần gốc đến 1-2m nên một số người gọi là tiêu "ở truồng".
Một cây tiêu mọc tự nhiên trên thân cây khác. (Ảnh:danviet)
Hạt tiêu Ba Lế có phần thịt dày và hạt nhỏ hơn các loại tiêu trồng bình thường, còn mùi vị cũng khác biệt hẳn: cay và rất thơm nhưng không nồng xé, có vị hơi ngọt. Vì vậy ngoài sử dụng làm gia vị tẩm ướp cho thực phẩm thịt, cá... tiêu Ba Lế còn được người dân ăn sống, giã vào mắm như ớt trái.
Mười mấy năm trở lại đây, số lượng cây tiêu tụt giảm mạnh do bị người dân phá sạch lấy chỗ trồng cây keo, cây bạch đàn nên cả xã chỉ còn vài trăm gốc. Nhiều người biết được điều này nên nhanh chóng đặt mua mua hạt tiêu "ở truồng" tươi với giá 300.000-350.000 đồng/kg, nhưng không phải lúc nào cũng sẵn có.
Sâm "bảy lá"
Theo người dân địa phương, sâm “bảy lá” chỉ mọc trên núi Cà Đam (Trà Bồng), ở những khu rừng rậm rạp, ẩm thấp. Cây sâm có bảy lá, một hoa và có chiều cao khoảng từ 30-35cm. Lá của loại sâm này rất to, giống như lá khoai môn.
Cận cảnh sâm bảy lá. (Ảnh: danviet)
Hàng năm cứ vào tháng 9 và tháng 10 dương lịch, cây bắt đầu nảy mầm. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn ra lá và hoa, cây sẽ trụi lá “nằm lỳ” dưới đất và đợi vào đúng thời điểm năm sau mới lại phát triển.
Củ sâm có vỏ màu nâu, hình xoắn hơi dài, nặng từ 200-500gram/củ. Sâm "bảy lá" có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng… nên từ xưa đồng bào Kor ở đây đã tìm đào để về ngâm với rượu uống chữa bệnh.
Heo đi hoang
Không bị nhốt trong chuồng hoặc kiếm ăn loanh quanh trong vườn nhà, heo của đồng bào thiểu số người Kor nuôi ở chân núi Cà Đam sống chủ yếu ở trong rừng. Chỉ đến chiều tối, chúng mới trở về ngủ. Cũng vì tập tính kì lạ mà nhiều người gắn cho loài heo này cái tên "heo đi hoang" hay "heo đi chơi".
Heo ở vùng cao Quảng Ngãi sống gần như hoang dã. (Ảnh: nuoiheorung)
Chính vì sống gần như hoang dã, thức ăn chỉ là cỏ, côn trùng nên "heo đi hoang" khi trưởng thành có trọng lượng thường chỉ từ 40 kg/con. Riêng heo đực thì nhỏ hơn, chỉ từ 20-30 kg/con.
Với thịt ngon, săn chắc, sạch 100% cho nên heo đi hoang được nhiều người tiêu dùng ở đồng bằng ưa chuộng. Nhiều thương lái miền xuôi còn bất chấp đường đi lại rất khó khăn, hiểm trở, lên tận nơi mua với giá khoảng 130.000 đồng/kg.
"Lá thịt bò"
Đó là tên mà nhiều người đặt cho lá xuân với lời giải thích: khi nấu canh mà bỏ lá xuân vào thì nồi canh sẽ có mùi thơm của thịt bò.
Lá xuân thường có màu tím nhạt.
Là loại mọc ở bụi rậm ven gò, đồi, chân núi với chiều cao khi trưởng thành từ 1,5-4m, phần sử dụng của lá xuân là lá non và phần đọt có màu tím. Lá xuân có vị chua và mùi thơm của thịt bò nên ngoài dùng để ăn sống, ở miền núi lá này là thứ không thể thiếu khi nấu thịt trâu; còn người đồng bằng thường dùng trong nấu canh chua.
Lá xuân có quanh năm nên người dân thường hay tranh thủ tìm kiếm lá xuân để hái về sử dụng hoặc bán. Gặp điểm mọc nhiều, chỉ cần 2-3 giờ là có thể hái được cả nón, rổ... bán được 60.000-100.000 đồng.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét