Ngoài các thức quà mùa thu như hồng, na, bưởi, bánh nướng, bánh dẻo... mâm cỗ Trung thu truyền thống không thể thiếu ông tiến sĩ giấy.
Cuối tuần qua, mỗi tối hàng trăm du khách đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội để thưởng thức không khí Trung thu. Ấn tượng đầu tiên với du khách là không gian tràn ngập ánh sáng với hàng chục nghìn đèn lồng được treo khắp khu di tích.
Dòng sông ánh sáng là màn trình diễn nghệ thuật sắp đặt trong không gian sân vườn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đèn lồng đủ màu sắc, kích cỡ và hình dáng được treo cao từ cổng, dọc lối đi đến vào sân trong cùng.
Dưới ánh sáng lung linh đèn lồng là các góc tái hiện Trung thư xưa, điển hình là các mâm cỗ Trung thu truyền thống. Để có một mâm cỗ Trung thu ý nghĩa, mâm quả phải đạt yêu cầu: có xanh có chín, như quan niệm của người xưa, màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín mang tính dương. Mâm ngũ quả tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ.
Trong mâm cỗ xưa thường xuất hiện ông tiến sĩ giấy. Đây là biểu tượng cho những người học hành giỏi giang, đỗ đạt được làm quan trong triều. Các gia đình bày ông tiến sĩ giấy trong Tết Trung thu thể hiện mong muốn cho con em mình ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và đỗ đạt thành tài.
Ý nghĩa ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Trung thu xưa
Nhà sử học Dương Trung Quốc giải thích ý nghĩa ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Trung thu.
Không gian Tết Trung thu xưa được phục dựng qua hồi ức, tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nghệ nhân phục dựng Trịnh Bách. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng rất nhiều loại đồ chơi truyền thống như mặt dạ giấy bồi, trống ếch, tàu thủy sắt tây, tò he...
Đèn ông sao, đồ chơi Trung thu được trẻ em khi xưa yêu thích nhất vào dịp này. Trải qua năm tháng, món đồ chơi vẫn giữ được sức hút riêng.
Tại sân nhà Tiền đường trong Văn Miếu, các trò chơi dân gian được tái hiện và thu hút sự tham gia của các em nhỏ. Sau mỗi trò chơi, các em được thưởng phiếu điểm dùng để đổi quà là các món đồ chơi, quà Trung thu.
Khu vực trưng bày tò he, con giống. Khách tham gia cũng được tương tác với các nghệ nhân nặn tò he cũng như làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, làm giỏ thiên nga bông hay giỏ thị...
Ảnh: Nick M
Vy An
Mâm cỗ Trung thu xưa của người Hà Nội
Cứ mỗi dịp trăng tròn tháng 8 âm lịch, những người xa quê hương không khỏi nhớ về mâm cỗ đủ loại bánh trái quen thuộc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để trẻ con phá cỗ đêm rằm.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, mùa Trung thu cũng là mùa hoa quả chín rộ, mâm cỗ vì thế cũng trở thành bản hòa tấu của hương vị tháng tám. "Mỗi nhà có cách sửa soạn mâm cỗ khác nhau, dù thế nào cũng phải có nải chuối trứng cuốc chín vàng, trái hồng đỏ mang hy vọng, trái na mang ước nguyện sinh sôi, trái bưởi mang những điều tốt lành, trái lựu chứa ngọt ngào may mắn…", ông nói.
Tết Trung thu là dành cho trẻ em, tuy nhiên, trên mâm cỗ của người Hà Nội xưa (khoảng thế kỷ 17-18) ngoài những món ăn trẻ nhỏ thích để phá cỗ, người lớn cũng có 1-2 món mặn để vừa nhắm rượu vừa trông trăng, có thể là đĩa giò ốc nhồi lá gừng, gỏi cá trắm hay cá mè...
Có ba phẩm vật của Tết Trung thu được trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh Trung thu, con giống bột (bánh chim cò), và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử.
Con giống bột hay đất nung, một hình thức đồ chơi trẻ em rất thú vị của Tết Trung thu Việt Nam. Các con giống được nặn thường có chủ đề gần gũi, thân thuộc với con người như trâu, ngựa, dê, chó… Khác với tò he bây giờ làm bằng bột nếp dẻo, con giống làm bằng bột tẻ ngày xưa cứng cáp và có thể giữ được nhiều năm.
Hiện nay nhiều hoạt động văn hóa về Tết Trung thu tại Hà Nội vẫn chú ý tới việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Người dân và du khách có thể tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian truyền thống xưa và những thay đổi hiện đại của mùa Trung thu thông qua việc phục dựng lại đầy đủ một mâm cỗ cổ truyền của người Hà Nội. Sự kiện văn hóa Thu vọng nguyệt diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, từ ngày 29.9 - 1.10.
Trà Giang
Ảnh: CTV
Ảnh: CTV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét