Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Phạm Ngọc Thảo – anh hùng tình báo Việt Nam

15/07/2011 22:00:23
-Thông minh, uyên bác, giao du rộng, hào phóng, có tài ăn nói, Phạm Ngọc Thảo đã đường hoàng đi vào hàng ngũ địch mà tung hoành, gây bao sóng gió trong lòng chính quyền ngụy.

Từ chối quốc tịch kẻ thù

Phạm Ngọc Thảo sinh ra trong một gia đình giàu có nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cha anh, ông Adrian Phạm Ngọc Thuần học tại Pháp, đậu kỹ sư đo đạc. Hầu hết các con ông, dù gái hay trai đều được đưa sang Pháp học thành tài mới về nước.

Phạm Ngọc Thảo không được sang Pháp học như các anh, các chị mình. Vì khi anh đủ tuổi đi học thì Chiến tranh Thế giới Thứ hai bùng nổ, việc đi lại giữa các nước rất khó khăn, lúc đó chỉ có một phương tiện duy nhất là tàu thủy. Cả gia đình Phạm Ngọc Thảo đều là dân Tây, có đủ quyền lợi như một người Pháp thực thụ.

Nhưng khi Phạm Ngọc Thảo vừa tốt nghiệp kỹ sư Công chánh ở Hà Nội về thì cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ nổ ra.

Anh rất phẫn uất, gửi một bức điện cho tổng thống Pháp lúc đó là De Gaulle, lên án cuộc xâm lược của Pháp và tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp của mình, vì cho rằng mang quốc tịch của kẻ xâm lược là ô nhục. Anh xin phép và chia tay với cha mẹ, hai người em gái, ra chiến khu.

Nhưng, vì nóng lòng đi tìm Cách mạng, tới bến phà Mỹ Thuận, Phạm Ngọc Thảo lân la ở mấy hàng quán, hỏi thăm cơ quan của Cách mạng. Hành vi của Phạm Ngọc Thảo không thoát khỏi con mắt của anh em dân quân du kích địa phương.

Chờ cho sẩm tối, hai anh thanh niên lực lưỡng bèn bắt giữ Phạm Ngọc Thảo giải đi. Họ xét trong người thấy Phạm Ngọc Thảo có một cây súng sáu do anh mới tìm được trước khi ra chiến khu, mép áo sơ mi lại có hai sọc kẻ xanh đỏ, giống như cờ Pháp. Vậy là họ quyết đoán: Đúng đây là do thám của Pháp...

Những người du kích bến phà Bắc Mỹ Thuận đã chờ tới khuya, khi con nước ròng, trói chân tay anh lại, đưa lên một chiếc xuồng nhỏ, ra giữa dòng, choàng thêm một cục đá lớn vô cổ, đẩy anh xuống sông...

Vốn là một người thông minh, dũng cảm và có sức khỏe, Phạm Ngọc Thảo bình tĩnh quan sát mọi động thái chung quanh mình. Khi bị đẩy xuống sông, anh nín thở, lộn đầu xuống trước để cho hòn đá choàng trên cổ rơi ra, lặn một hơi dài nương theo dòng nước rồi mới ngoi lên hít thở.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo
Đại tá Phạm Ngọc Thảo

Trời tối như bưng, chân tay bị trói, rất khó xoay trở, anh đành phải trườn mình theo dòng nước đang chảy xiết. Tới lúc hai chân đụng phải một chiếc thuyền chìm, anh lặn xuống tìm hiểu con thuyền xem có thể lợi dụng được không. May sao, sau nhiều lần trồi lên, lặn xuống, Phạm Ngọc Thảo đụng được vào một cây sắt, nẹp mui, cứa đứt sợi dây trói tay... Vậy là thoát nạn.

Chờ tới sáng, anh giả đò như một người nông dân đi đánh dậm theo mép nước. Cuối cùng anh gặp mấy người bạn cũ cùng hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Mấy ngày sau, anh ruột Phạm Ngọc Thuần đang làm phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính cho người tới đón Phạm Ngọc Thảo về làm việc ở văn phòng ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Từ đây anh được cử ra miền Bắc học khóa đầu tiên trường võ bị Trần Quốc Tuấn, đặt địa điểm tại Sơn Tây.

Trưởng phòng Mật vụ đầu tiên

Sau nửa năm học tập, Phạm Ngọc Thảo nhận chứng chỉ tốt nghiệp và được lệnh trở về Nam Bộ ngay. Nhưng Phạm Ngọc Thảo chỉ mới tới Phú Yên thì tắc đường. Lúc này Trung ương cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho miền Nam đang kháng chiến. Trong số các đoàn này có đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu được đi riêng và cần giữ hoàn toàn bí mật. Bộ Tư lệnh Quân khu 6 trao nhiệm vụ cho Phạm Ngọc Thảo đưa đồng chí Lê Duẩn về Nam Bộ.

Khi Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Ban quân sự để giúp Xứ ủy về các vấn đề quân sự, Phạm Ngọc Thảo dù là dân Tây, dù là gia đình địa chủ vẫn được đề bạt làm trưởng phòng Mật vụ. Đây là tổ chức tình báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam ở Nam Bộ.

Phạm Ngọc Thảo đã mở được nhiều khóa huấn luyện cán bộ tình báo cho các tỉnh, lập nên một hệ thống tình báo của các tỉnh phía Nam, sau này đã giúp việc đắc lực cho các quân khu nắm tình hình địch và làm công tác địch vận rất có kết quả.

Khi tướng Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Nam Bộ, Ban quân sự Xứ ủy Nam Bộ giải thể và phân bố lại các Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, Phạm Ngọc Thảo được phân công về Quân khu 9, là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410.

Đại tá Tăng Thiện Kim, nguyên Chính trị viên phó kiêm phó bí thư Tiểu đoàn 410, người đã kết nạp Phạm Ngọc Thảo vào Đảng, tại rạch Bà Đăng, Thới Bình, rất quý mến Phạm Ngọc Thảo, cho biết, Phạm Ngọc Thảo là người rất ham học các kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu cũng như các vấn đề chiến lược của cuộc kháng chiến. Anh còn ham mày mò, chế tạo ra chiếc cò nẩy cho súng cối. Có cái cò này, súng cối bắn chính xác hơn trước nhiều.

Khi có lệnh cho đơn vị học tập cách đánh đặc công, Phạm Ngọc Thảo đã cùng trinh sát bò vào đồn địch ban đêm để nghiên cứu cách bố phòng của địch và về đơn vị làm sa bàn, trình bày kế hoạch tiến công. Anh đã tham gia nhiều trận đánh, từ những trận đánh tiểu đoàn độc lập tới những trận đánh phối hợp trong chiến dịch. Nhiều trận đã đem lại thắng lợi to lớn...

Vào giữa năm 1953, Phạm Ngọc Thảo được cấp trên triệu tập đi học lớp huấn luyện trung cao của Xứ ủy Nam Bộ. Lớp học bế mạc sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Gieneve về Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo đã được gọi ra Việt Bắc và đích thân đồng chí Lê Duẩn trao nhiệm vụ vào hoạt động ngay trong lòng địch.

Nghĩa là Phạm Ngọc Thảo cần tìm mọi cách thâm nhập được vào chính quyền ngụy, cố gắng lọt được vào gia đình Ngô Đình Diệm... Anh có lợi thế là gia đình Thiên Chúa giáo lâu đời, thân thiết với linh mục Ngô Đình Thục đã từng cai quản giáo xứ Vĩnh Long là quê quán của Phạm Ngọc Thảo. Chính linh mục Ngô Đình Thục đã làm lễ rửa tội cho Phạm Ngọc Thảo và cũng yêu mến anh như con nuôi của mình...

Phạm Ngọc Thảo công khai mọi công tác, hành động của mình khi đi kháng chiến chống Pháp, chỉ trừ việc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người Việt Nam yêu nước, nay trở về với tất cả niềm tự hào đã góp phần chiến thắng thực dân Pháp, hợp tác với chính quyền mới của Ngô Đình Diệm thường tuyên bố bài phong đả thực, hoan nghênh những người kháng chiến cũ cộng tác với chính nghĩa quốc gia...

Phạm Ngọc Thảo không có trách nhiệm báo cáo chuyện gì với ai... Thảo không phải là một cán bộ tình báo thông thường, cũng không phải là một điệp báo. Khi có việc cần thiết, Phạm Ngọc Thảo có quyền trao đổi với một cán bộ nào đó mà anh thấy thực sự tin cậy.

Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ không quan hệ với ai là bạn bè kháng chiến cũ, kể cả những người lãnh đạo, đề phòng họ đầu hàng... Tuy vậy, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chưa tin cậy ngay. Họ còn cần thời gian để thử thách.

Mới đầu Phạm Ngọc Thảo là Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long. Sau đó anh được cử làm thanh tra Bảo an đoàn, rồi tuyên huấn đảng Cần lao Nhân vị của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Đó chỉ là những chức hữu danh vô thực.
Chinh phục kẻ thù bằng trí thông minh, kiến thức uyên bác

Phạm Ngọc Thảo tự xuất hiện bằng cách viết báo. Cộng tác với tạp chí Bách khoa, chỉ trong hơn một năm, Phạm Ngọc Thảo đã viết hơn 20 bài báo trình bày rõ quan điểm của mình là phải yêu nước, thương dân. Anh đã đề cập đến nhiều vấn đề chiến lược, chiến thuật trong cầm quân và chỉ huy chiến sĩ. Anh còn phân tích cả chiến sách của Tôn Tử trong sách lược dùng quân và bình thiên hạ.

Những bài viết đầy nhiệt tình cách mạng và tính nhân văn của Phạm Ngọc Thảo được độc giả và trí thức rất hoan nghênh. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục đã nghiên cứu kỹ những bài viết của Phạm Ngọc Thảo: giọng điệu thì như Cộng sản, nhưng chính nghĩa quốc gia của họ cũng đâu có thể nào nói lời ngược lại.

Cuối cùng, anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đành khâm phục Phạm Ngọc Thảo là một trí thức uyên bác. Bởi chung quanh họ chỉ có đám võ biền, thô bạo, tham nhũng, còn Phạm Ngọc Thảo xuất hiện như một ngôi sao sáng chói. Ngô Đình Diệm đã đích thân phong tặng Phạm Ngọc Thảo cấp bậc trung tá và cử làm Tỉnh trưởng Bến Tre.

Trước khi nhận nhiệm vụ mới, anh đề nghị trực tiếp với Ngô Đình Diệm ba yêu cầu:

Một, ổn định tình hình tỉnh Bến Tre không phải bằng bạo lực mà chính trị. Vì anh không thể hành động như những quân nhân võ biền khác. Mục đích của anh là không phải đàn áp phong trào đấu tranh của Bến Tre đang lên cao độ.

Hai, nếu bắt được Việt cộng, có đủ bằng chứng, cho lập phiên tòa xét xử. Với yêu cầu này, Phạm Ngọc Thảo sẽ có cớ để trừng trị bọn đầu hàng, bọn chỉ điểm.

Ba, Tỉnh trưởng Bến Tre được đặc cách chỉ báo cáo với Tổng thống, không qua một ban, bộ nào. Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ tránh được những kẻ gièm pha, ton hót...

Ngô Đình Diệm đã chấp thuận cả ba yêu cầu của Phạm Ngọc Thảo. Khi nhận chức tỉnh trưởng, việc đầu tiên của anh là ký quyết định thả 2.000 tù nhân đang bị giam giữ... và lập tòa án trừng trị bọn phản bội, đầu hàng. Nhiều phản ứng của phía chính quyền và quân đội ngụy đều được Phạm Ngọc Thảo bác bỏ bằng luận thuyết rằng, Ngô Đình Diệm đang thí nghiệm một luận thuyết mới: Luận thuyết thân dân, phải có thì giờ kiểm nghiệm.

Nhưng chẳng bao lâu sau, ngay trong các tầng lớp dân chúng Bến Tre cũng xì xào rằng: Hình như Phạm Ngọc Thảo là... một Việt cộng nằm vùng.

Do chính sách của Phạm Ngọc Thảo không cho phép quân lính thuộc quyền đàn áp dân chúng, điều đó đã góp phần cho các cuộc nổi dậy của nhân dân Bến Tre đạt được thắng lợi. Đó chính là phong trào đồng khởi của đội quân tóc dài mà lịch sử sau này mãi mãi ghi công.

Chức tỉnh trưởng Bến Tre của Phạm Ngọc Thảo bị thay thế, nhưng Ngô Đình Diệm chỉ cho rằng anh còn non nớt, chưa có kinh nghiệm cai trị nên cho anh ra nước ngoài học tập một thời gian, khi trở về chuyển làm phát ngôn viên chính phủ vì anh có trình độ học thức cao...

Trong giới tướng lĩnh ngụy, Phạm Ngọc Thảo rất có uy tín vì anh thông minh, giao du rộng, hào phóng, có tài ăn nói... tất cả các tướng lĩnh của chính quyền ngụy đều khâm phục và muốn lôi kéo về mình. Thậm chí, bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc Cơ quan nghiên cứu chính trị (một tổ chức tình báo của chính quyền ngụy), tướng Đỗ Mậu phụ trách an ninh quân đội ngụy... cũng bị Phạm Ngọc Thảo thuyết phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét