Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Chiến dịch Đà Nẵng (28-29.3.1975)

Chiến dịch tiến công của LLVT Quân khu 5 (gồm Sư đoàn bộ binh 2, Lữ đoàn bộ binh 52, 2 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương, du kích và lực lượng tự vệ, biệt động…) phối hợp với Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) nhằm tiêu diệt lực lượng thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 QĐ Sài Gòn co cụm phòng thủ tại Đà Nẵng, trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. 
Vào Đà Nẵng
Sau khi mất các tỉnh Quảng trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam, địch cố gắng co về giữ Đà Nẵng, lực lượng khoảng 75.000 quân, gồm: Sở chỉ huy Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Sư đoàn bộ binh 3, tàn quân của các sư đoàn bộ binh 1 và 2, Sư đoàn không quân 1 (279 máy bay, trong đó có 96 máy bay chiến đấu), Liên đoàn biệt động quân 17, Thiết đoàn 11 và tàn quân của Thiết đoàn 20, 7 tiểu đoàn pháo binh, 15 tiểu đoàn bảo an, 240 trung đội dân vệ và 24.000 phòng vệ dân sự…
Vào thời điểm này, địch tại Đà Nẵng đã ở vào thế bị bao vây, cô lập; từ 26.3, Mỹ lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng về Sài Gòn khiến tinh thần binh lính càng thêm rối loạn.
Thực hiện phương án thời cơ (đánh địch ở tư thế rút chạy), 5 giờ 30 phút ngày 28.3, Chiến dịch Đà Nẵng bắt đầu bằng đợt pháo kích mãnh liệt vào các khu vực Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn… kịp thời chi viện cho các mũi bộ binh, xe tăng tiến công từ nhiều hướng: hướng Bắc theo Quốc lộ 1 đột phá qua đèo Hải Vân, chiếm kho xăng Liên Chiểu, thọc sâu vào Đà Nẵng ra bán đảo Sơn Trà, chiếm quân cảng (13 giờ 30 phút, 29.3); hướng Tây Bắc theo Quốc lộ 14 tiến công trong hành tiến, làm chủ Phước Tường, Hoà Khánh và Sở chỉ huy Sư đoàn 3 của địch, sau đó phối hợp đánh chiếm đài phát thanh, toà thị chính (9 giờ 30 phút, 29.3), phát triển ra bán đảo Sơn Trà; hướng Tây Nam đập tan địch ở Phú Hương, Đồng Lâm, truy kích về Ái Nghĩa, chiếm trung tâm huấn luyện Hoà Cầm và phối hợp đánh chiếm sân bay Đà Nẵng; hướng Nam đánh chiếm các khu vực Bà Rén, Duy Xuyên, Nam Phước, Vĩnh Điện rồi phát triển vào Đà Nẵng, chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 1, Sư đoàn không quân 1 và sân bay Đà nẵng (12 giờ, ngày 29.3); hướng Đông Nam làm chủ thị xã Hội An, khu Non Nước, căn cứ hải quân, phối hợp đánh chiếm sân bay Nước Mặn…
Đến 15 giờ, 29.3, chiến dịch kết thúc, ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận; diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ quân địch, thu và phá huỷ 115 máy bay, 47 tàu xuồng, 138 xe tăng và xe bọc thép, hơn 69.000 súng các loại (có 109 khẩu pháo từ 105-175 mm) và nhiều trang bị kỹ thuật khác.
Cùng với thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên-Huế (5-26.3.1975) và chiến dịch Tây Nguyên (4.3-3.4.1975), Chiến dịch Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam VN. (MH165)
  • Nguồn: TĐBKQS / Trung tâm TĐBKQS - BQP.-H.: QĐND, 2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét