Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Lạ lùng làng nghiện ăn 'tôm bay'

Ở làng quê nằm ngoại thành của Thành phố Vinh (Nghệ An) sầm uất, từ bao đời nay, người dân vẫn “nghiện” ăn cào cào và xem đó như là đặc sản.

Đặc sản “tôm bay”
“Ân rượu nếp, Kim tôm bay”, câu ca xưa vẫn thường được nhắc tới để nói về đặc sản của hai vùng đất Nghi Ân và Nghi Kim thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ai đã từng nếm rượu nếp Nghi Ân thì chắc chắn sẽ tấm tắc khen cái men rượu ở đây sao mà ngon, cay và thơm đến thế. Tương tự, món “tôm bay” của vùng đất xã Nghi Kim cũng làm cho người ta ngây ngất bởi độ béo ngậy, thơm ngon của nó. Rượu nếp Nghi Ân mà nhắm bằng mồi nhậu “tôm bay” Nghi Kim thì đúng là một sự kết hợp khó cưỡng lại nổi dù là người khó tính nhất. Món “tôm bay” chúng tôi muốn nhắc tới đó chính là cào cào - một món ăn truyền thống của người dân xứ Kim.

Dọc đường về xã Nghi Kim, chúng tôi thấy hai bên đường người mua kẻ bán cào cào tấp nập. Tò mò, thú vị trước món ăn kỳ lạ này, tôi đã đi sâu tìm hiểu và cũng được bạn đãi một bữa đặc sản “tôm bay” thật nhớ đời.
Các cụ cao niên trong xã cho biết, món ăn chế biến từ cào cào không biết có từ bao giờ, khi họ sinh ra, lớn lên đã thấy món “tôm bay” hiện diện trên mâm cơm hằng ngày của gia đình, nó được xem là món ăn truyền thống của người dân nơi đây .
Cụ Kỳ, trú tại xóm 11, năm nay 84 tuổi cho biết, khi lớn lên đã thấy dân làng rủ nhau đi bắt cào cào về ăn. Trước đây cào cào nhiều, chỉ cần mang một cái vợt ra đồng một lúc là có thức ăn ngay, thế nhưng giờ cào cào đồng đã ít đi rồi, người ta lại chuyển sang ăn cào cào xanh (hay còn gọi là cào cào sim), loại này thường sống trên các cành cây thông, phi lao gần nước.
Cũng như cụ Kỳ, những người dân xã Nghi Kim khi được hỏi thì đều trả lời là không biết món “tôm bay” có tự bao giờ.
“Có thể trước đây do đói kém nên người ta bắt về rang lên ăn. Hoặc do nạn cào cào phát triển, phá hoại mùa màng, người ta bắt ăn để giảm thiểu phá hoại hoa màu. Từ đó trở đi thấy thơm ngon nên sau này trở thành thói quen, dần dần nó trở thành món ăn truyền thống, không có nó trong mỗi bữa ăn lại thấy thiếu thiếu”, một cụ già giải thích.
Không chỉ những người quê gốc ở xã Nghi Kim mới nghiện ăn cào cào mà những người từ nơi khác đến đây sinh sống, lúc đầu còn không dám ăn nhưng khi đã thưởng thức một lần rồi thì đâm ra “nghiện” luôn.
Điển hình như ông Nguyễn Quốc Vinh (SN 1941). Ông Vinh vốn quê gốc ở Thanh Chương, nhưng đã sống ở thành phố Vinh hơn 20 năm bảo, lúc đầu thấy họ bán cào cào làm thức ăn cũng thấy làm lạ và không dám ăn. Thế nhưng, một bữa có người bạn trong xã mời đến nhậu. Hôm đó chủ nhà giới thiệu đồ nhắm là món “tôm bay”, ông mới ngã ngửa, không ngờ nó ngon đến vậy. Kể từ đó, ông cũng nghiện ăn, nhậu món này luôn.
Giờ đây món “tôm bay” được xem là đặc sản của người dân Nghi Kim, nó không chỉ là thức ăn hàng ngày mà còn là món tủ dùng để tiếp khách quý của các gia đình.

Kiếm tiền triệu từ những con cào cào
Vào độ chớm Thu, người dân xã Nghi Kim lại tay bì, tay sào lên đường đi săn cào cào để về làm thức ăn.
Từ việc bắt cào cào về làm thức ăn trong mỗi gia đình, dần dần do nhu cầu của xã hội, ở xã Nghi Kim còn ra đời một nghề mới: nghề săn cào cào.
Trước đây, cào cào còn nhiều thì đồ nghề của các thợ săn chỉ là một cái vợt, bao tải là có thể hành nghề được. Thế nhưng, do khí hậu, môi trường cào cào ngày càng ít đi, người ta phải đi săn vào ban đêm mới được nhiều. Và đồ nghề lúc này nhất thiết phải có đèn pin, một cây sào có móc sắt, bao tải dùng đựng chiến lợi phẩm cào cào, có người còn công phu lấy can nhựa loại 5 lít đục lỗ để đựng. Từ khi có cái nghề mới, nhiều gia đình ở xã Nghi Kim kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi mùa săn cào cào, đây quả là một con số ngạc nhiên.
Thời điểm vào mùa săn cào cào, nhiều xóm ở Nghi Kim cả làng kéo nhau đi bắt. Theo kinh nghiệm, loài cào cào xanh mà người dân hay bắt thường sống ở vùng đất cát, độ ẩm cao, trên các cây như phi lao, sắn, thông… Vào buổi đêm, họ kéo nhau đi từng đoàn đến bãi phi lao các xã miền biển của TX. Cửa Lò, khi chỗ này cào cào ngày càng ít, họ kéo nhau sang tận các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ… của tỉnh Hà Tĩnh để săn cào cào.
Mỗi đêm như thế một người có thể bắt được từ 20 đến 30kg, thậm chí có lúc cao điểm, một đêm bắt được 40kg cào cào là chuyện bình thường. Với giá hiện nay một kg cào cào bán từ 30.000 – 50.000 đồng thì mỗi đêm thợ săn cào cào cũng bỏ túi chừng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, số lượng cào cào bắt được không hề sợ ế hàng, có bao nhiêu đều bán được hết.

Diện kiến thợ săn cào cào cừ khôi
Khi nhắc đến thợ săn cào cào, tất thảy người dân trong xã Nghi Kim đều biết đến Ngô Long, một thợ săn cào cào cừ khôi ở xã. Hơn chục năm nay, cũng nhờ cái nghề tay trái này mà anh đã có tiền làm nhà, mua sắm được nhiều vật dụng cho gia đình.
Theo kinh nghiệm của anh Long, thợ săn cào cào cũng phải hội đủ nhiều yếu tố: nhanh nhạy, quan sát tốt, chịu khó, tỉ mỉ và phải hết sức khéo léo. “Không phải ai cũng bắt được hàng chục kg cào cào mỗi đêm đâu, có người đi cả đêm chỉ được một vài cân là cùng, nói vậy để chứng minh cái nghề săn cào cào cũng không phải đơn giản như nhiều người thường nghĩ. Cào cào về đêm không thấy gì nên nó không bay.
Khi phát hiện cành cây có nhiều cào cào đậu thì dùng cây sào có móc sắt vít cành cây xuống một cách nhẹ nhàng sau đó tóm gọn chúng như thế mới không làm cào cào giật mình bay loạn xạ sẽ không bắt được cả bầy”, anh Long chia sẻ kinh nghiệm.
Nhờ những kinh nghiệm “chinh chiến” qua hơn 10 năm săn cào cào mà anh Long được xem là tay thợ bậc nhất ở vùng đất này.
Cũng theo các thợ săn, kiếm tiền từ việc săn cào cào cũng dễ nhưng luôn tiềm ẩn đầy hiểm nguy. Xòe đôi bàn tay có nhiều vết trầy xước cho tôi xem, thợ săn Trần Xuân Bách, trú tại xóm 11 cho chúng tôi biết đó là hậu quả của việc săn cào cào. Những chú cào cào khi bị bắt đưa càng búng loạn xa, cào cấu khắp các ngón tay của người thợ săn, những cái móc nhỏ xíu, sắc nhọn ở đầu hai càng liên tục đâm sâu vào lòng bàn tay tạo ra những vết xước.
“Có khi vừa kéo cành cây xuống thì bỗng xuất hiện một con rắn lao xuống, nếu không tránh kịp thì có lẽ bị rắn cắn rồi, rồi còn rất nhiều rủi ro khác như quần áo lúc nào cũng nghe mùi khó chịu, đi ban đêm rất nguy hiểm…”, Bách chia sẻ.

Bí quyết chế biến món “tôm bay”
Để cào cào trở thành đặc sản, khâu chế biến cũng rất quan trọng, góp phần làm cho món “tôm bay” hấp dẫn được người thưởng thức nó. Cái món cũng lắm công phu và nhiều công đoạn, người làm phải tuân theo những trình tự nhất định.
Theo chị Hằng (vợ anh Long) chia sẻ bí quyết chế biến món tôm bay, cào cào sau khi bắt về sẽ được cắt bỏ phần khuỷu chân trước, chân sau (không bỏ phần đùi), rồi cắt cánh, rút bỏ ruột.
Khi xong phần làm thô thì đến lượt cào cào phải được làm sạch bằng cách ngâm nước muối khoảng 5 phút, sau đó vớt ra rửa sạch bằng nước lã. Tiếp tục đem cào cào lên luộc sôi khoảng 1 phút thì vớt ra đem trộn với lá chanh, sả, ướp khoảng 3 phút.
Đồng thời lúc này cho dầu vào chảo, chiên giòn lên, khi nào thấy cào cào chuyển sang màu vàng thì bỏ gia vị, ớt, tiêu, hành tăm, mật vào rim khô. Đặc biệt, để làm cho món “tôm bay” được ngon, chắc giòn và dai người ta bỏ thêm một ít nước dưa muối hoặc nước cà muối. Khi đó, món “tôm bay” mới thực sự hấp dẫn.
Nếu ai đã từng thưởng thức một lần đặc sản cào cào của xứ Kim chắc không thể nào quên được mùi vị thơm lừng, ăn rất ngon, giòn, đặc biệt là rất béo. Theo người dân ở đây, cả cái vùng này, gia đình nào cũng nghiện món ăn dân dã này.
Những người xa quê lâu ngày trở về thăm gia đình, người thân đều đòi cho được mẹ chuẩn bị cho món tôm bay để thỏa mãn cơn thèm khát. Rồi khi đi xa, họ cũng không quên mang theo một vài cân cào cào đã qua chế biến thô ướp lạnh đem đi làm quà. Họ xem đó là đặc sản quý hiếm dùng để biếu những người mình yêu quý.
Theo Bưu điện Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét