Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Chùa Hạnh Phúc Tăng (Sanghamangala)

Chùa Hạnh Phúc Tăng – tiếng Khmer là Sanghamangala – tọa lạc tại ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm. Theo các nhà sư và một số tín đồ cao niên kể lại thì chùa này có niên đại cao nhất so với các chùa Khmer khác trên địa phận hai tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh. Ngôi chùa đầu tiên dựng bằng cây lá đơn sơ vào thế kỷ XIII. Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa xây năm 1971. Lần trùng tu gần nhất vào năm 1999.
Như những ngôi chùa Khmer Nam bộ, chùa Hạnh Phúc Tăng có khuôn viên rộng 3 ha, quanh chùa bao phủ nhiều cây cao, bóng cả, tạo nên khung cảnh thâm nghiêm trầm mặc.
Ngôi chánh điện nền xây cao, lát gạch, tường bê-tông kiên cố. Riêng phần mái ngói lợp thành ba cấp và cấp trên cùng tạo ra độ dốc 45 độ. Hai đầu hồi là hai hình tam giác. Trên mỗI đầu cột đều có hình nữ thần (Kayno) làm gờ đỡ mái chạm khắc khá tỉ mỉ. Phía trước gian chánh điện là một hệ thống gồm nhiều ngọn tháp đựng linh cốt của các vị sư sãi nhiều đời và tro của tín đồ quanh vùng. Riêng ở khuôn viên chùa có các sima xây trên sân gạch, giống như các am nhỏ. Sima là nơi chôn các “hòn đá kiết giới” thiết lập ranh giới của sự tu hành.


Ở gian chánh điện bày trí các tượng Phật : tượng Phật lúc còn là Thái tử Tất Đạt Đa, tượng Phật đi khất thực, tượng Phật thiền định, tượng Phật nhập Niết bàn. Hai bên bệ thờ còn có tượng chằn reahu đắp nổi.
Phía sau chánh điện là sala, xây theo kiểu nhà ngang, tường gạch mái ngói. Gian giữa sala có bàn thờ Phật quay về hướng Đông. Đây là nơi các sư sãi, Phật tử hội họp, tiếp khách và là nơi tiến hành lễ dâng cơm.
Chùa Hạnh Phúa Tăng nằm trên quốc lộ 53 nối liền hai tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh nên được nhiều người biết đến và thuận tiện cho khách tham quan. Ngôi chùa không rộng lắm, kiến trúc tương đối mới nhưng rất cổ xưa nếu xét về phương diện lịch sử – văn hóa.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét