Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Chùa Toà Sen

Chùa Toà Sen toạ lạc tại ấp Hoá Thành, xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích của chùa là 17.780 mét vuông. Chùa có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, có vườn cây cổ thụ và cây ăn trái. Các công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê-tông cốt thép.
Chùa Toà Sen được xây dựng vào năm 1800. Lúc đầu xây dựng đơn sơ, mái lợp lá, cột gỗ, vách ván với tên gọI là Chắc-bai, có nghĩa là “đổ cơm”. Chùa Chắc-bai lúc đó do sư cả Sơn Sóc trụ trì. Sau đó, chùa Chắ-bai đổi thành chùa Wêt-ta-sel. Hiện nay, chùa có tên gọI Sensary Satthiaram, thường gọI là chùa Toà Sen.

Chùa Toà Sen, ở ấp Hoá Thành – Đông Thành – Bình Minh – Vĩnh Long


Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ, chùa Toà Sen là cơ sở cách mạng, có vị trí hết sức quan trọng của xã Đông Thành cũng như của huyện Bình Minh và tỉnh Vĩnh Long, có lúc còn là của cả khu Tây Nam bộ. Chùa là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị bám trụ hoạt động cách mạng.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi nuôi chứa các đồng chí đảng viên của xã Đông Thành, có giai đoạn bí mật, có giai đoạn công khai. Trong giai đoạn này, sự kiện điển hình là các sư sãi cùng nhân dân Hóa Thành dướI sự lãnh đạo của Đảng vùng lên cướp chính quyền tháng 8/1945. Sau Cách mạng tháng Tám, chùa là địa điểm hội họp và tiếp tục nuôi chứa cán bộ cách mạng. Bên cạnh đó, các nhà sư cùng Phật tử đấu tranh vớI quân Pháp, không cho chúng đóng đồn trong chùa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa là nơi bảo vệ cán bộ cách mạng. Các sư bố trí lực lượng theo dõi địch ở Cái Vồn, Tam Bình, Trà Ôn. Khi có địch đi càn, cơ sở báo cho sư cả biết để báo động cho cán bộ kịp thời sơ tán. Để đề phòng bất trắc, sư cả cho làm hầm bí mật tại chánh điện. Gặp địch đi càn, sư cả cho cán bộ trú ẩn dướI hầm bí mật hay ở trên liêu. Chùa bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, cán bộ hoạt động cách mạng tại địa phương. Nơi đây còn là cơ sở đặt Trường Đảng, Ban Tuyên huấn của tỉnh, Ban in ấn…
Vào các ngày lễ tết, các sư đón Đoàn Văn công của tỉnh về chùa phục vụ văn nghệ . Sân khấu được ghép bằng ván ngựa của bà con xung quanh tại sân chùa, đốt đèn măng-sông. Đoàn diễn vở “Giải phóng Phật đường” của hai tác giả Trọng Thu và Trần Mộng trong dịp tết Chol Chnam Thmây (năm 1963), thu hút đông đảo nhân dân đến xem. Tác giả lấy sự kiện có thật ở chùa Ô Mịch (Trà Vinh) : địch phá chùa để xây dựng ấp chiến lược và Đảng đã lãnh đạo nhân dân Kinh – Khmer dùng ba mũi giáp công để giải phóng Phật đường. Hôm sau, giặc càn vào phá chùa Toà Sen, lập ấp chiến lược. Nhân dân Hoá Thành đã biến kịch bản sân khấu thành cuộc đấu tranh thật, không cho giặc phá chùa và đã thành công.
Từ năm 1948 đến 1967, các đồng chí lãnh đạo Đảng của xã Đông Thành và một số các đồng chí Huyện uỷ Bình Minh được sư Thạch Rền nuôi chứa. Từ năm 1954, sư Thạch Rền không còn trụ trì chùa, nhưng với uy tín của mình, sư Thạch Rền vẫn tiếp tục che giấu và bảo vệ an toàn cho cán bộ cách mạng. Năm 1968, sư cả Thạch Hanh lên trụ trì. Chùa Toà Sen tiếp tục là cơ sở cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sư cả Thạch Rền và sư cả Thạch Hanh không quản ngại hy sinh, nguy hiểm, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Với thành tích đó, năm 1996, sư cả Thạch Rền được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng khen, sư cả Thạch Hanh được tặng Huy chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương kháng chiến hạng Nhất (1996), Bằng khen của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long.
Chùa Toà Sen được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh (Quyết định số 892/QĐ-UB, ngày 08/4/2004).
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét