Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Du ngoạn Ngũ Hành Sơn

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng bảy cây số, Ngũ Hành Sơn là chốn thiền môn hoang sơ, tĩnh lặng, thu hút du khách đến khám phá, chiêm nghiệm, thoát ra khỏi cuộc sống ồn ào của phố thị
 5.jpg
Đến Ngũ Hành Sơn, du khách được thăm thú hệ thống chùa chiền
cổ kính xây dựng từ thế kỷ 18


Ngũ Hành Sơn là năm ngọn núi vươn ra như năm ngón tay có tên theo ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Những ngọn núi ấy thành tên từ thế kỷ 19 do vua Minh Mạng đặt. Có nhiều truyền thuyết về sự hình thành Ngũ Hành Sơn, trong đó có chuyện kể rằng: Ngày xưa, nơi đây là vùng biển hoang vu, chỉ có một ông già sống đơn độc trong túp lều tranh. Một hôm, trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm, giông bão nổi lên, một con giao long rất lớn xuất hiện vùng vẫy trên bãi cát và một quả trứng khổng lồ. Lát sau, một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống và giao cho ông già nhiệm vụ bảo vệ giọt máu của Long Quân. Quả trứng càng ngày càng lớn, nhô lên cao, chiếm cả vùng đất rộng lớn. Vỏ trứng ánh lên đủ màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tím, lấp lánh như hòn gạch khổng lồ. Hôm khác, ông lão vừa chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy, trong lòng trứng xuất hiện một cái hang rộng rãi, mát mẻ. Ông cầu cứu móng rùa- vật mà thần Kim Quy đã giao lại cho ông lúc ra đi rồi đặt lưng xuống ngủ thiếp luôn. Ông không biết đang xảy ra phép lạ: một cô gái xinh xắn bước ra từ trong trứng và nơi ông nằm là một trong năm hòn cẩm thạch vừa được hình thành từ năm mảnh vỏ trứng, sau thành năm 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn như bây giờ. 
Cẩm thạch tại Ngũ Hành Sơn có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn màu hồng, ở Mộc Sơn màu trắng, ở Hỏa Sơn màu đỏ, ở Kim Sơn màu thủy mặc và ở Thổ Sơn màu nâu. Thật thú vị khi dạo quanh Ngũ Hành Sơn, bước xuống các bậc cấp là lạc vào các cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ làm bằng đá Non nước. Nơi đây, có cơ man sản phẩm làm từ đá, đa dạng màu sắc và hình mẫu. Những tảng đá lớn được tạc thành các sản phẩm như: sư tử, voi, bệ đá…, nhỏ thành vòng đeo tay, một số mặt hàng lưu niệm.
Ngọn Kim Sơn nằm ở phía Đông Nam, bên bờ sông Cổ Cò. Tại đây, xưa có Bến Ngự, nơi thuyền Vua cập bến mỗi khi du hành Ngũ Hành Sơn. Ngay dưới chân ngọn Kim Sơn có một hang động dài hơn 50m, rộng gần 10m, cao khoảng 10 - 15m. Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, bên trong là những lớp thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật rất thanh tú. Tượng thạch nhũ này còn sinh động hơn nhờ lớp nhũ đá lấp lánh như dải kim tuyến phủ từ bờ vai đến gót chân tượng. Dưới chân tượng là con rồng đang cuộn mình giữa những làn sóng. Đặc biệt, phía sau Bồ Tát còn có một hình tượng nhỏ hơn trông như Thiện Tài đồng tử và bên trái là hình chim Khổng Tước, hai cánh xoè rộng toả khắp trần động.
Mộc Sơn nằm ở phía Đông, sát biển. Phía Đông và Nam là động cát, phía Bắc là ruộng và phía Tây là xóm làng. Tuy thuộc hành Mộc nhưng tại đây lại rất ít cây cối. Đỉnh núi đá bị xẻ thành những răng cưa giống như cái mồng gà trống nên có thể vì vậy mà còn có tên núi Mồng Gà. Trên hòn núi này không có chùa chiền, chỉ có một khối đá cẩm thạch màu trắng trông tựa người đang ngồi. Người địa phương gọi là Cô Mụ hay Bà Quan Âm.
Thuỷ Sơn là ngọn cao nhất trong Ngũ Hành Sơn. Đỉnh núi có 3 ngọn nằm ở 3 tầng, giống 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm Đại Hùng Tinh nên còn có tên là núi Tam Thai. Ngọn cao nhất ở phía Tây Bắc gọi là Thượng Thai, ngọn phía Nam thấp hơn gọi là Trung Thai và ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai. Các chùa chiền và hang động tập trung chủ yếu ở Thuỷ Sơn. Ở ngọn Thượng Thai có Vọng Giang Đài, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm, chùa Tam Thai, Hành Cung, động Hoả Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư. Ở ngọn Trung Thai có hai cổng động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt và các động Vân Thông, Thiên Long, hang Vân Nguyệt. Ngọn Hạ Thai có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Ngũ Cốc, Tàng Chân còn phía dưới núi là Giếng Tiên và động Âm Phủ. Khi đến Vọng Giang, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ, dòng sông Hàn đẹp như tranh vẽ... Du khách muốn thăm chùa Linh Ứng phải lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phía Nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc.
Thăm thú Thủy Sơn cũng quyến rũ du khách bởi tại đây đa dạng về thực vật. Cây Thiên Tuế cành lá sum suê thân quấn vào núi đá, trong những khe đá quanh năm ẩm ướt là nơi mọc của Thạch trường sanh. Rồi các loại cây khác như: Cây Cung - nhân - thảo (Amaryllis), Cảnh - thiên (Crassule), Mộc tê, Chương não, và loại cây Thử có tinh dầu dùng để trét ghe thuyền, cây Tứ quý có rễ dùng làm thuốc bổ, lọc huyết và tiêu thực. Bên cạnh đó là cơ man hoa dại cứ bung nở trong bốn mùa như điểm tô cho Ngũ Hành Sơn.
Hoả Sơn gồm hai ngọn và một đường đá nhô lên nối liền chúng với nhau. Ngọn phía Tây gần Kim Sơn là Dương Hoả Sơn, nằm trên bờ sông Cổ Cò. Ngày xưa, khi Đà Nẵng và Hội An còn giao lưu bằng đường thuỷ, ở đây có một ngã ba sông, ghe thuyền qua lại vô cùng tấp nập. Trên sườn núi phía Tây, mặt hướng về phía Bắc, đối diện với Kim Sơn có 3 chữ Hán rất to được khắc vào vách đá “Dương Hoả Sơn”. Trong núi Dương Hoả Sơn có các hang và chùa Phổ Sơn Đà. Còn ngọn ở phía Đông, gần đường đi Hội An là Âm Hoả Sơn với chóp núi nhô cao, sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy ngang tạo thành lát cắt, mỏm núi phía Đông có một hang đá thông từ sườn phía Nam ra sườn phía Bắc. Cây cối mọc xen dày ở các kẽ đá.
Thổ Sơn là ngọn núi nằm ở phía Bắc hòn Kim Sơn và phía Tây hòn Thủy Sơn. Đây là ngọn núi đất, thấp nhất nhưng cũng dài nhất, trông như con rồng nằm dài trên bãi cát. Phía Tây Thổ Sơn là đoạn sông Ba Chà. Núi có hai tầng, lô nhô những khối đá trên đỉnh, nhất là ở sườn phía Đông. Sườn phía Bắc dốc hơn, có những vách đá dựng đứng, hẹp và thấp. Thân núi có một lớp cỏ mỏng bao phủ, nhiều chỗ để lộ màu đất sét đỏ, gạch cổ thời Chiêm Thành.
Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Khám phá Ngũ Hành Sơn trong nắng vàng hay tiết trời êm dịu, lưng thấm đẫm mồ hôi nhưng du khách luôn thấy nhẹ lòng, bỏ quên sau lưng bao chuyện thế gian.
Vietbao (Theo: quehuongonline.vn)
“Hòn non bộ” xứ Quảng

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, Ngũ Hành Sơn được xem là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung và là niềm tự hào của người dân xứ Quảng.
Đây là nhóm núi đá nằm liền kề với biển. Mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ: Kim Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Mộc Sơn và Hỏa Sơn. Không gian huyền ảo, thơ mộng với chùa chiền, hang động, cây cỏ, tiếng chuông chùa... Ngũ Hành Sơn thật sự là cõi thiên thai giữa chốn trần gian. Khách thập phương khi đến đây, được hòa mình vào thiên nhiên phóng khoáng với núi non trùng điệp, sóng vỗ dạt dào, cây cỏ xanh mướt và lắng lòng nghe tiếng chuông chùa xa xa vọng lại, mọi tạp niệm của cõi trần tục dường như được rũ sạch.
Từ trước đến nay, người ta đặt cho nhóm núi này nhiều tên. Người Việt đặt tên nó là Ngũ Chỉ, tượng trưng cho 5 ngón tay vì từ trên cao nhìn xuống, thấy các ngọn núi như 5 ngón tay ấn xuống đất. Người dân Quảng Nam gọi nó là núi Non Nước. Người Pháp ghi trên bản đồ địa dư đặt tên là núi Cẩm Thạch, và danh từ Ngũ Hành Sơn là do vua Minh Mạng đặt.

Nơi đây, các dấu ấn văn hóa lịch sử còn in đậm trên các công trình chùa, tháp đầu thế kỷ 19, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ 14, 15.  Những di tích văn hóa lịch sử như mộ thân mẫu tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự vẫn còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ... Tất cả là những  minh chứng hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.

Ngũ Hành Sơn không cao, sườn núi dốc đứng cheo leo, cây cỏ lơ thơ. Đá ở Ngũ Hành Sơn là loại đá cẩm thạch có nhiều màu: sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm không cứng lắm và là chất liệu rất tốt cho tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí. Tận dụng nét độc đáo đó mà nhiều bàn tay tài hoa đã biến các khối đá vô tri vô giác kia thành những tác phẩm điêu khắc tinh xảo đến tuyệt vời, để rồi dần dần nơi đây hình thành nên làng đá mỹ nghệ - một làng nghề truyền thống, một điểm du lịch ấn tượng của Đà Nẵng và khu vực.
Ngũ Hành Sơn nhìn từ Vọng Hải đài - Ảnh: Lê Văn Thọ
Ngũ Hành Sơn nhìn từ Vọng Hải đài - Ảnh: Lê Văn Thọ
Thật ra Ngũ Hành Sơn có đến 6 ngọn chứ không phải 5 ngọn như mọi người thường nghĩ, bởi ngọn Hỏa Sơn chia thành 2 ngọn nhỏ gồm: Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn nối với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao lên. Tuy nhiên khi nhắc đến Ngũ Hành Sơn, hầu như người ta chỉ biết đến 5 ngọn núi và quên đi tiểu tiết của ngọn Hỏa Sơn. Hơn nữa trong tư duy và trong đời sống phương Đông, 5 là con số cực kỳ quan trọng, vì vậy 5 ngọn: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tự nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường. Thủy Sơn và Mộc Sơn ở phía đông, Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn ở phía tây.

Kim Sơn là hòn núi khiêm tốn nhất trong 5 ngọn núi. Trong ngọn Kim Sơn có một hang động với những lớp thạch nhũ lấp lánh như kim tuyến bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm cao bằng người thật rất thanh tú, dưới chân tượng là một con rồng đang cuộn mình giữa những làn sóng. Sau khi phát hiện ra bức tượng, một vị hòa thượng đã mở rộng lối vào động và cho xây dựng chùa Quan Thế Âm dựa lưng vào núi, hướng mặt ra khúc sông đầy hoa sen thơm ngát. Hằng năm vào đầu xuân (19.2 âm lịch), chùa mở hội lấy tên là Hội Quán Âm thu hút phật tử thập phương tề tựu về.

Mộc Sơn nằm song song với Thủy Sơn. Ngọn núi này không có chùa chiền, chỉ có một khối đá cẩm thạch màu trắng tựa như một người đang ngồi, người địa phương gọi là Cô Mụ hay Bà Quan Âm. Trong núi có một động nhỏ, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cán bộ và nhân dân địa phương thường vào đây để tránh máy bay địch.

 Thủy Sơn là núi đẹp nhất và lớn nhất trong cụm với phong cảnh hữu tình. Ngọn núi này có nhiều chùa, đẹp nhất là 2 chùa Tam Thai và Linh Ứng. Chùa Tam Thai được xây dựng từ năm 1630. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825), vua cho xây lại chùa. Sau đó, nhà Nguyễn sắc phong ngôi chùa này là quốc tự. Từ trên ngọn Thủy Sơn, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn thấy sông Cẩm Lệ, sông Hàn đẹp như tranh vẽ; hay ra Vọng Hải đài ngắm nhìn bãi biển Non Nước quanh năm sóng vỗ; rồi vào động Huyền Không, động Linh Nham, động Lăng Hư, động Âm Phủ… để có cảm giác như được chạm vào cái thâm u, huyền bí sâu thẳm trong lòng núi.

Hỏa Sơn có sườn núi hiểm trở, cây cối mọc dày đặc trong các kẽ đá, và cũng ẩn chứa trong mình nhiều hang động tĩnh mịch.

Thổ Sơn là núi nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau. Đây là ngọn núi đất, thấp nhất nhưng cũng dài nhất, trông như một con rồng nằm dài trên bãi cát. Thổ Sơn không có phong cảnh đẹp, chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết, Thổ Sơn là nơi ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây. Ngày nay, người ta vẫn tìm thấy những nét văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá. Hãy thử một lần đến đây để chiêm nghiệm thêm về “thuyết ngũ hành” giữa đất trời quê ta.
Theo Thanh Niên
Gửi bình luận cho bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét