Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Những kỷ vật độc đáo ở Bảo tàng A.Yersin



Bảo tàng A.Yersin nằm trong khuôn viên Viện Pasteur trên đường Trần Phú, TP Nha Trang (Khánh Hòa), được xây dựng năm 1997 với sự giúp đỡ của Bảo tàng Pasteur ở Paris (Pháp). Đây là nơi trưng bày nhiều kỷ vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Alexandre Yersin, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam.
Đến thăm Bảo tàng A.Yersin, bạn sẽ tận mắt được xem kính hiển vi A.Yersin dùng để phát hiện ra vi trùng dịch hạch, kính thiên văn, máy xem ảnh ba chiều… Đây là những kỷ vật “độc quyền” của bảo tàng. Chị Trương Thị Thúy Nga, người phụ trách bảo tàng, nói: “Tất cả những kỷ vật này chỉ Bảo tàng A.Yersin mới có và không có mẫu thứ 2. Do không đủ không gian trưng bày nên vẫn còn nhiều kỷ vật của A.Yersin được cất trong tủ”.


Kính thiên văn trong Bảo tàng A.Yersin 

Bên cạnh những thiết bị A.Yersin dùng để nghiên cứu khoa học, bảo tàng còn trưng bày những cuốn vở khi ông là học sinh ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1883-1884. Ngoài bìa mỗi cuốn vở, A.Yersin đều ghi quyển số mấy, ngày bắt đầu viết, ngày thay vở. Trong vở là những nét bút, hình vẽ rõ ràng, sạch sẽ, thể hiện tính tỉ mỉ, chuyên cần, ngăn nắp của ông. Đặc biệt, khách tham quan không khỏi xúc động khi đọc những dòng chữ chân tình, thấm đượm lòng nhân ái, vị tha: “Con không muốn hành nghề bác sĩ, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi một bệnh nhân trả công khi săn sóc cho họ. Con xem ngành y như là một thiên chức, tương tự vai trò của mục sư. Đòi tiền công săn sóc bệnh nhân, như có phần nào nói với người ấy: tiền hay cuộc sống! Con biết không phải tất cả các đồng nghiệp của con đều chia sẻ những ý nghĩ này, song đấy vẫn là những điều con nghĩ và sẽ khó lòng mà từ bỏ chúng” (Trích thư A.Yersin gửi mẹ, năm ông 26 tuổi).

 
Bút tích học tiếng Việt của A.Yersin


Alexandre Yersin sinh ngày 22.9.1863 tại Thụy Sĩ, mất ngày 1.3.1943 tại Nha Trang. Ông là người đầu tiên tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và điều chế thành công huyết thanh để điều trị căn bệnh này. Ông cũng là người tìm ra độc tố bệnh bạch hầu, có công lớn trong việc di thực cây cao su và cây canh-ki-na vào Việt Nam và sáng lập trường Đại học Y khoa Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang…
Trong số những kỷ vật được lưu giữ tại Bảo tàng A.Yersin, bút tích biểu đồ nghiên cứu mực nước biển ngày 28.2.1943 có ý nghĩa đặc biệt. Nhiều người cho rằng đây chính là nét bút cuối cùng của A.Yersin. Theo cuốn Bác sĩ A.Yersin trong con mắt của những người Việt Nam cùng thời, hàng ngày, A.Yersin quan trắc mực nước biển 4 lần vào lúc 0 giờ, 6 giờ, 12 giờ và 18 giờ. Đêm 28.2.1943, A.Yersin vẫn theo dõi mực nước biển và ghi chép số liệu. Khoảng 1 giờ sáng ngày 1.3.1943, ông trút hơi thở cuối cùng trong ngôi nhà giản dị nằm sát biển Nha Trang. Dường như đối với A.Yersin, thời gian không bao giờ đủ cho công việc, ông đã làm việc đến những giờ phút cuối cùng cho niềm say mê khoa học.
Chiêm ngưỡng những kỷ vật về A.Yersin, du khách sẽ hiểu hơn về một con người bình dị, nhân ái và đam mê công việc đến kỳ lạ. Anh Rudi (41 tuổi, y tá đang làm việc tại Munich, CHLB Đức) lần đầu tiên đến Bảo tàng A.Yersin, chia sẻ: “Trước đây, tôi đã biết nhiều về A.Yersin qua sách báo, tài liệu và âmột số bài viết trên internet. Nhưng mãi đến khi có dịp thăm Bảo tàng A.Yersin ở Nha Trang, tôi mới thật sự cảm nhận được sự vĩ đại của nhà bác học”.
Đến Nha Trang, bạn đừng quên tham quan Bảo tàng A.Yersin, để hiểu thêm về nhà bác học, nhà nhân văn lớn của loài người.
Bài & ảnh: Thành Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét