Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Phố mang tên Chùa


chua-vuaTrên đất Thăng Long - Hà Nội, từ xa xưa đã có rất nhiều chùa chiền đẹp và nổi tiếng như: Chùa Láng, Chùa Bộc, Chùa Liên, Chùa Hương Tuyết, Chùa Hưng Ký…nhưng duy nhất chỉ có hai ngôi chùa được đặt tên cho hai đường phố Hà Nội đó là: phố Chùa Vua thuộc quận Hai Bà Trưng và phố Chùa Một Cột ở quận Ba Đình.

Phố mang tên Chùa Vua bởi từ thời Lý ở thôn Thịnh Yên có ngôi chùa Vua nổi tiếng. Đó là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ một vị vua - vua Đế Thích. Quần thể chùa Vua nằm giữa khu "chợ giời" náo nhiệt, mang số 17 phố Thịnh Yên. Chùa nhìn ra phố Thịnh Yên nhưng bên cạnh phía Đông có con đường, thời Pháp gọi là đường 332, sau năm 1954 vẫn giữ tên số này. Đến 1994 mới đặt là phố Chùa Vua, nối từ phố Trần Cao Vân cắt ngang qua phố Thịnh Yên đến đường Trần Khát Chân.

Chùa Vua là tên gọi chung của chùa Hương Khánh, điện Đế Thích - một trong Tứ quán của kinh thành Thăng Long. Vua Lý và bầy tôi thường đi lễ chùa vào 30 tháng Chạp hằng năm. Thời Lê Sơ (1427-1572), chùa nằm trong cung Từ Lương. Một ông hoàng thời Lê tỏ lòng tôn kính bậc cao cờ lập điện thời Đế Thích. Hằng năm vua Lê trước khi đến đền Nam Giao (phố Mai Hắc Đế bây giờ) để cầu quốc thái dân an thường ghé qua, nên trong dân gian có câu: Muốn sống lâu thờ Đế Thích. Tượng Đế Thích trong chùa đội mũ miện, mặc áo cổn, vì ông chính là thần Indra của đạo Bà la môn được coi là vua của các vị thần. Đạo Phật đã đưa Indra vào thần điện của mình, được tạc tượng như một vị vua, ngồi một bên Phật Thích Ca mới chào đời, bên kia là Phạm Thiên tức Brahma. Tuy nhiên cũng có nơi thờ riêng Đế Thích vì coi vị vua - thần này ở gần gũi thế gian hơn. Đặc biệt ở Việt Nam, Đế Thích còn được gắn thêm cho một quyền năng là đánh cờ siêu đẳng và có thể cải tử hoàn sinh. Vì thế, mùng 9 tháng Giêng hàng năm, chùa Vua vẫn mở hội cờ.

Chùa Vua đã từng là cơ sở Cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư xứ ủy Trung Kỳ đã ở đây những năm 1926 - 1930. Thời kỳ đầu kháng chiến, chùa là trụ sở Liên khu 7, Liên khu 2. Tối ngày 4/6/1956 trước khi thăm lớp bình dân học vụ ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thắp hương trong chùa. Chùa Vua được xếp hạng là di tích lịch sử năm 1992.

Vì phố Chùa Vua gần khu chợ Giời vốn có từ lâu, nên từ xưa đến nay con phố này luôn tấp nập người buôn kẻ bán. Khách hàng tứ xứ đến đây có thể mua được hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là các loại phụ tùng dành cho những phương tiện giao thông đường bộ…

Phố Chùa Một Cột dài 855m, kéo dài từ đường Điện Biên Phủ đến phố Ngọc Hà. Đây la phần đất thuộc thôn Phụ Bảo, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận xưa. Trên phố có ngôi chùa với kiến trúc độc đáo - Chùa Một Cột. Chùa Một Cột là một trong tứ đại khí của Việt Nam được xây dựng lại vào năm 1954.
Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật Bà Quan Âm dắt vua lên toà sen. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật Bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu. Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 Âm lịch, vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.

Đến năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa ngôi chùa và cho dựng trước sân hai tháp lợp sứ trắng. Năm 1108, Nguyên phi Ỷ Lan sai bày tôi đúc một cái chuông rất to, nặng một vạn hai nghìn cân, đặt tên là “Giác thế chung” (Quả chuông thức tỉnh người đời). Đây được xem là một trong tứ đại khí - bốn công trình lớn của Việt Nam thời đó: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm. “Giác thế chung” đúc xong nặng quá không treo lên được, để dưới mặt đất thì đánh không kêu. Người ta đành bỏ chuông xuống một thửa ruộng sâu bên chùa Nhất Trụ, ruộng này có nhiều rùa, do đó có tên là Quy Điền chuông (chuông ruộng rùa). Đến thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược, chiếm thành Đông Quan (Hà Nội). Năm 1426 Lê Lợi đem nghĩa quân Lam Sơn ra đánh, vây thành rất gấp. Quân Minh thiếu thốn vũ khí đạn dược, tướng Minh là Vương Thông bèn sai người đem phá chuông Quy Điền lấy đồng. Quân Minh thua trận, nhưng chuông Quy Điền thì không còn nữa.

Cạnh Chùa Một Cột ngày nay còn có một ngôi chùa có cổng tam quan, với bức hoành phi ba chữ “Diên hựu tự”, nguyên là công trình được dựng lần đầu tiên năm 1049, để mở rộng quy mô cho chùa Một Cột trong việc thờ cúng, tụng kinh Phật và sinh hoạt của các tăng ni (trong quần thể chùa Diên Hựu lúc đó). Kiến trúc còn lưu đến hiện nay của công trình này có niên đai khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII (đợt trùng tu năm 1847), phụ vào với Chùa Một Cột. Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu hiện đại (tức là quần thể chùa Diên Hựu xưa) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Chùa hiện nay bao gồm Đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột cao 4m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính 1,20m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có lưỡng long trầu nguyệt. Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, nhưng ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên khu ao hình vuông được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Kiến trúc chùa xây dựng gần với kiến trúc nhà Hậu Lê.

Chùa mang tên Diên Hựu có ý nghĩa cầu chúc cho vua trường thọ. Chùa được xây dựng lại có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với lần xây dựng ban đầu vào năm 1049. Theo tài liệu cổ cho thấy, chùa nguyên bản có cột đá cao tới 20 thước, tương truyền là cột chống trời. Còn theo Đại Việt sử ký toàn thư: ngoài hồ (xung quan chùa) có hành lang trạm vẽ xung quanh, ngoài hành lang là đào hồ Bích Trí, đều bắc cầu vồng để đi qua… vườn chùa hiện có một cây bồ đề sum xuê từ đất Phật, do nguyên Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ năm 1958. Kế bên chùa là bảo tàng Hồ Chí Minh có kiến trúc kết hợp giữa quá khứ và hiện đại. Nó là một phần hình tượng tiêu biểu cho tinh hoa và hồn phách dân tộc.
Trên phố Chùa Một Cột ngày nay bên cạnh những di tích lịch sử nổi tiếng, nhiều cửa hàng - cửa hiệu được hình thành với đa chủng loại kinh doanh như: cà phê, thời trang, hàng điện tử, hàng hoa…

Hoàng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét