Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Bình yên K9, nơi Bác Hồ từng ở từ 1960-1969

TT - Bình yên và tĩnh tại với không gian mang đậm màu sắc hoài cổ cùng những câu chuyện lịch sử ở khu di tích K9 - Đá Chông (xã Minh Quang, huyện Ba Vì), cách trung tâm Hà Nội chừng 60km.

Các bậc thang đều được rải đá cuội đủ màu sắc - Ảnh: H.Dương
Là một điểm tham quan, du lịch nhưng K9 từ bao năm nay vẫn mang trong mình vẻ bình yên, trang nghiêm vốn có. Con đường nhựa chạy thẳng tắp qua khu di tích hầu như vắng bóng xe cộ qua lại. Nơi đó chỉ có những chiếc lá vàng bay theo gió cùng tiếng chim hót líu lo. Đứng ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy đỉnh núi Ba Vì, nơi có đền Thượng thờ Đức thánh Tản Viên Sơn Tinh rất rõ vào ngày trời trong.
Ngay sát khu di tích là dòng sông Đà hiền hòa chảy. Dòng sông Đà bắt nguồn từ Lai Châu chảy về đây, bất ngờ đổi hướng chảy lên phía Bắc. Khi sông Đà tới đoạn Bạch Hạc đã hợp lưu với sông Hồng, sông Thao tạo thành thủy lưu mênh mông về chầu đất tổ vua Hùng. Theo truyền thuyết, khu vực này xưa kia diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Năm 1957, Bác Hồ đã dừng chân ở đây trong một lần đi kiểm tra diễn tập của bộ đội. Người  từng sống và làm việc ở đây suốt chín năm (1960-1969). Nơi đây có đủ các khu nhà làm việc của Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ.
Khu di tích K9 trong thời gian dài được bảo mật nghiêm ngặt, hầu như không cho người dân và du khách vào tham quan. Nhưng vài năm gần đây, K9 đã mở cửa đón các đoàn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương và ngắm cảnh. Ở vùng đất Ba Vì có đến cả chục địa danh du lịch nổi tiếng như Ao Vua, Đầm Long, Khoang Xanh, Suối Tiên, núi Ba Vì... nhưng rất nhiều bạn trẻ thường bỏ quên K9 trong tour hành trình của mình.
Với những ai đam mê du lịch sinh thái thì không thể bỏ qua K9 trong hành trình khám phá vùng rừng núi Ba Vì. Bạn Phương Nhung, sinh viên đang học ở Hà Nội mà chúng tôi gặp ở K9, cho biết: “Mình không nghĩ một khu di tích lịch sử lại có những cảnh đẹp và nhiều điều thú vị như vậy. Sau gần một ngày ở đây, mình đã có suy nghĩ khác trước hoàn toàn”.
H.DƯƠNG - NG.HƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét