Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt

Đường hầm dài 1,2 km, sâu từ 1 - 9 mét và rộng từ 2 - 10 mét được xây dựng hoàn toàn bằng đất đỏ bazan.
Từ thành phố Đà Lạt đi về phía tây bắc khoảng 20km du khách sẽ đến với một công trình nghệ thuật có một không hai. Đó là Đường hầm điêu khắc. Từ nguyên liệu đất đỏ của vùng cao nguyên, hàng trăm tác phẩm điêu khắc kết nối thành đường hầm điêu khắc dài hơn 1km, sâu từ 1 - 9 mét và rộng từ 2 - 10 mét. Đây là đường hầm nghệ thuật nhân tạo dài nhất thế giới, điểm đến của hàng ngàn du khách khi đến với Đà Lạt.
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 1
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 2
Đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt - Nguồn: Sưu tầm
Điều đặc biệt và vô cùng thú vị của công trình này hoàn toàn được thực hiện bằng việc khoét núi và tạo hình bằng chính nguyên liệu đất đỏ ba zan tại chỗ. Trên một khu vực đồi núi rộng lớn, chuỗi các tác phẩm điêu khắc tinh xảo giàu tính nghệ thuật tái hiện lại các giai đoạn phát triển của thành phố Đà Lạt, kể từ khi thành phố cao nguyên được phát hiện vào năm 1893 bởi bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin cho đến sau năm 1975.
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 3
Công trình được thực hiện bằng việc khoét núi và tạo hình bằng chính nguyên liệu đất đỏ ba zan tại chỗ - Nguồn: Sưu tầm
Toàn bộ cụm công trình được bao bọc bởi chiếc "ghế rồng Việt" dài 1,2 km uốn lượn với thế vươn lên mạnh mẽ, chắc chắn. Bắt đầu cuộc hành trình, du khách sẽ đi từ đuôi rồng và kết thúc ở đầu rồng. Ý tưởng được gửi gắm trong kiến trúc này là khát vọng về sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 4
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 5
Đà Lạt từ thuở hồng hoang với muông thú trong rừng... - Nguồn: Sưu tầm
Chuyến hành trình khám phá câu chuyện về sự hình thành Đà Lạt qua hàng trăm năm được gói gọn trong vài chục phút đi bộ. Lịch sử hình thành Đà Lạt được khắc hoạ từ thuở hồng hoang, chưa có dấu chân người, chỉ có đá và nước cùng các loài muông thú trong rừng như rắn, rùa, voi, cho đến khi xuất hiện người dân tộc với những hoạt động sinh hoạt thường ngày như giã gạo, uống rượu cần, đánh cồng chiêng… những nếp nhà rông của đồng bào cũng được tái hiện.
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 6
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 7
... cho đến nét văn hóa sinh hoạt, những mái nhà rông đều được tái hiện - Nguồn: Sưu tầm
Từ núi Lang Biang, đến những ngôi nhà, những nơi sinh hoạt của người dân bản địa và cả cỗ xe ngựa, những kiến trúc đặc trưng, những con phố thời nay, biểu tượng chế độ mẫu hệ của người bản địa… đều xuất hiện trong đường hầm. Đột phá với chất liệu đất đỏ kết hợp cùng phụ gia không nung, câu chuyện lịch sử Đà Lạt bên Hồ Tuyền Lâm có lẽ sẽ là độc nhất vô nhị. Đó là tập hợp của hàng nghìn tác phẩm điêu khắc nổi, cầu kỳ và đầy tính tượng hình.
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 8
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 9
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 10
Những chiếc xe Vespa cổ, đầu máy xe lửa chạy bằng động cơ hơi nước, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - Nguồn: Sưu tầm
Tác giả của công trình Đường hầm điêu khắc là anh Trịnh Bá Dũng. Với sự đam mê hiếm có, anh vừa là tổng công trình sư, vừa là người thiết kế, đưa ra ý tưởng và cũng trực tiếp tham gia thi công cùng với các nghệ nhân và công nhân khác. Anh Dũng cũng cho biết, dù làm bằng đất đỏ không nung nhưng công trình hoàn toàn có thể chịu đựng được các tác động, biến đổi của thời tiết.
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 11
"Ngôi nhà Việt Nam" bằng đất đỏ bazan không nung - Nguồn: Sưu tầm
Trong khuôn viên của công trình Đường hầm điêu khắc còn có một ngôi nhà được làm 100% bằng đất đỏ bazan không nung. Nét đặc biệt của ngôi nhà là trên mái có bản đồ Việt Nam được đắp nổi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong ngôi nhà có các vật dụng bằng đất đều có thể sử dụng được. Ngôi nhà còn có phần bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm…Ngôi nhà đã được công nhận kỷ lục Việt Nam: ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất; ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất.
Kỳ thú đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới ở Đà Lạt 12
Hồ Tuyền Lâm - Nguồn: Sưu tầm
Bên cạnh đó, khi đến thăm quan đường hầm nghệ thuật, du khách còn có thể hưởng không gian thoáng đãng vô cùng dễ chịu bên hồ Tuyền Lâm, hồ nước ngọt lớn nhất tại Đà Lạt và là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam.
Dù là một địa điểm mới, song đường hầm nghệ thuật đã là địa điểm được nhiều công ty du lịch đưa vào chương trình chính thức dành cho du khách khi đến Đà Lạt. Và bạn, dù đến thành phố ngàn hoa để nghỉ ngơi hay vì công việc hãy dành chút thời gian ghé đến nơi này để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của thành phố mộng mơ trên đường hầm nghệ thuật.

Đường hầm đất đỏ kể chuyện xứ hoa


TT - Kết thúc cung đường quanh co khoảng 10km ôm gần trọn hồ Tuyền Lâm thì đến khu du lịch Đất Đỏ (Công ty Sao Đà Lạt) nằm xuôi theo triền đồi nhỏ. Chính ở triền đất đỏ quạch là nơi đất đỏ Đà Lạt cất tiếng kể câu chuyện từ thuở hồng hoang.
Hình ảnh dân tộc bản địa Đà Lạt được khắc lên vách đoạn đầu tiên của đường hầm - Ảnh: Mai Vinh
Dưới bàn tay tài hoa của ông chủ Trịnh Bá Dũng (sinh năm 1972), hàng loạt công trình kiến trúc cổ nổi danh của Đà Lạt như nhà thờ Con Gà, ga xe lửa Đà Lạt, Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt... đã được dựng lên bằng kỹ thuật điêu khắc đất đỏ bên trong đường hầm dài hơn 1,2km, sâu khoảng 6m. Ngoài các công trình kiến trúc, câu chuyện văn hóa, con người và thiên nhiên của đất Đà Lạt cũng hiện lên bằng những hình tượng điêu khắc dọc bức tường đất đỏ cao rộng.
“Cẩm nang” du lịch bằng đất đỏ
Nhà chủ quyền Việt Nam bằng đất đỏ
Nằm độc lập với đường hầm điêu khắc đất đỏ trong khu du lịch Đất Đỏ của ông Trịnh Bá Dũng là nhà chủ quyền Việt Nam bằng đất đỏ. Trên mái ngôi nhà được đắp nổi hình bản đồ Việt Nam với kích cỡ 2,75 x 11m và có đầy đủ hình ảnh của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội thất như bàn ghế, giường, bồn tắm, bồn rửa tay, lò sưởi... cũng được tạo ra từ nguyên liệu đất đỏ cùng với bột đá và phụ gia. Tất cả nội thất đều sử dụng tốt dù không qua công đoạn nung.
Nói về công trình này, ông Dũng cho rằng đó chỉ là “bìa của một cuốn sách viết về Đà Lạt. Người ta in bìa bằng giấy, tôi dùng chính đất đỏ của vùng đất này”. Theo ông Dũng, du khách sẽ nắm một cách cơ bản về kiến trúc, văn hóa Đà Lạt khi đi hết con đường này, còn phần “nội dung cuốn sách” về Đà Lạt là những điểm đến thực tế ở nội và ngoại thành Đà Lạt.
Tuy nhiên, sau khi tham quan công trình còn dang dở của Trịnh Bá Dũng, nhiều du khách gọi đây là cuốn “cẩm nang” giới thiệu du lịch của Đà Lạt, bởi chỉ cần đi hết đường hầm dài này sẽ mường tượng được những cái hay của Đà Lạt. Du khách sẽ biết mình từng đứng ở đâu trong lòng Đà Lạt và còn những nơi nào phải thăm để được xem là đã đến Đà Lạt.
Với tạo hình độc đáo, từ hình ảnh cây, hoa, nhà cửa tại Đà Lạt..., công trình đem lại nhiều điều mới mẻ và hấp dẫn đối với du khách. Đó là buồng chuối to như ngôi nhà, trái sung trái vả như tảng đá quá tay hai người ôm, nhà thờ Con Gà cao hút tầm mắt lại được thu gọn trong một khoảng tường cao khoảng 6m, rộng 4m.
Đi dọc đường hầm từ đầu đến cuối, nghe đất đỏ kể chuyện và hình dung mình đang xem một cuốn phim. Đất đỏ kể câu chuyện mạch lạc với ba đoạn, ngày xưa Đà Lạt hoang sơ chỉ có suối, thú rừng, tiếp sau có đồng bào dân tộc bản địa. Và Đà Lạt thay đổi diện mạo kể từ ngày bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin tìm ra. Đoạn cuối cùng là một ước vọng cho tương lai Đà Lạt với những cánh đồng hoa bát ngát, chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Liên Khương...
“Sau năm năm ăn cơm uống nước Đà Lạt, tôi hiểu các công trình cổ không chỉ đẹp uy nghi cổ kính mà còn là hoài niệm và là máu thịt của người Đà Lạt” - ông Dũng nói. Và ông chăm chút đặc biệt để khách phương xa hiểu được điều đó. Gặp ông giữa lúc công trình đang còn dang dở, ông tỉ mẩn tạc hình con gà sao cho giống con gà thật trên nóc nhà thờ Con Gà.
Và cũng cách tỉ mẩn như vậy, khi điêu khắc mô hình biệt thự Phi Ánh ông chăm chút các ô cửa sổ và tạo hình các thớ đá giống nguyên bản. Để có thể chuyển tải được câu chuyện 120 năm của Đà Lạt lên vách đường hầm một cách liền mạch, ông Dũng đã đọc kỹ các tài liệu của những nhà Đà Lạt học và đi tìm ý tưởng từ những người già yêu Đà Lạt như xương máu mình.
Mô hình bằng đất đỏ đã được đóng rắn và chịu được lực leo trèo của du khách - Ảnh: Mai Vinh
20 năm gom lại 1 ngày
Ông Dũng kể từ khi phụ việc cho một cửa hàng chuyên in thiệp cưới để kiếm sống vào năm 17 tuổi, những mẫu thiết kế đẹp, những chi tiết hoa văn hay đã thấm vào ông từ đây. Sau thời gian du học tại Đức về nước năm 1996, ông Dũng làm viên chức trong cơ quan nhà nước và phối hợp cùng bạn bè sản xuất, thiết kế nội thất trong nhà và ngoài trời bằng nhựa. Đây là thời điểm ông tích lũy kiến thức và các công nghệ vật liệu. Tính đến thời điểm rời TP.HCM để đến Đà Lạt tìm kiếm cái mới, ông đã có trong túi 20 năm kinh nghiệm. Ông Dũng bảo đó là tất cả chất liệu cho một cuộc chơi sáng tạo.
Nơi đường hầm đất đỏ ngày xưa là một triền đồi lưa thưa thông và cỏ mọc ngút ngàn, một hình ảnh thách thức với con người muốn tạo dựng cái mới. Vốn mê những đường hầm điêu khắc trên thế giới, ông quyết định thực hiện cho riêng mình một đường hầm. Ý tưởng đã có nhưng ông chưa tìm ra chất liệu ưng ý. Một ngày giữa năm 2008, khi cầm cây cuốc chim cỡ lớn để đào móng xây căn nhà tạm, ông quan sát và phát hiện nếu đất đỏ được đóng rắn thì độ bền không thua kém vữa ximăng.
Mất hai năm ông Dũng mới tạo ra được loại keo để đóng rắn đất và chế tạo được loại sơn từ đất đỏ phủ lên các vật liệu khác nhằm tạo độ đồng nhất màu sắc trong công trình. Giữa công trường nhầy nhụa đất đỏ sau trận mưa, ông Dũng kể: “Nếu không có 20 năm làm đủ thứ chuyện chẳng dính gì tới điêu khắc thì chắc không có cái ngày tôi tìm ra được cách đóng rắn đất đỏ. Kinh nghiệm 20 năm gom lại vừa vặn một ngày vậy là quá đủ”. Năm 2010 ông bắt đầu thực hiện công trình. Sau ba năm ròng rã thi công, số lượng đất ông đào lên để tạo đường hầm hơn 85.000m3.
Nhìn cách ông hướng dẫn công nhân tạc công trình lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thì hiểu được đất đỏ mềm, rất dễ tạo hình. Công nhân dùng mũi dao chuyên dụng gọt đất đỏ theo những đường mềm mại đã kẻ sẵn trước đó. Chi tiết xong tới đâu, ông phủ lên một lớp vữa từ đất đỏ và chi tiết đó bị đóng cứng sau ba giờ phơi nắng. Giữa công trường điêu khắc vẫn đang nhộn nhịp dựng các bức tranh về nhà hàng Thủy Tạ, những tình ca Đà Lạt, Trịnh Đình Dũng nói mình đã hết sợ rồi. Ngày từ TP.HCM lên Đà Lạt lập nghiệp giữa khu rừng Tuyền Lâm heo hút ông ngán sợ đất đỏ, ông nhẩm tính không ít hơn năm lần xe ông lủi vô taluy vì mất lái giữa đường đất đỏ trơn ướt. Ông cười: “Mình với đất đỏ Đà Lạt là anh em”.
MAI VINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét