Xã hội) - Trương Vĩnh Ký là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học thông thạo 26 ngoại ngữ, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam với trên 100 tác phẩm các loại.
Khu nhà mộ và chân dung Trương Vĩnh Ký (ảnh TL)
Riêng đối với nền báo chí quốc ngữ, ông được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”, người đặt nền móng, bởi ông chính là người sáng lập, là Tổng Biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên - Gia Định báo.
Xin hãy thương tôi
Tôi tìm đến mộ Trương Vĩnh Ký vào một buổi chiều. Không như nhiều bài báo nói rằng mộ ông khó tìm, khu mộ này rất dễ tìm thấy vì nó nằm ngay góc đường Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM. Cổng chính ở số 520 Trần Hưng Đạo, còn cổng phụ đường Trần Bình Trọng đã bị bít lại. Có khó tìm chăng là do ta không biết trước, vì nơi đây không hề có bảng biển gì cho biết đây là mộ của một danh nhân. Theo tư liệu gia đình, khu mộ phần này được xây dựng trước khi Trương Vĩnh Ký mất (năm 1889), khi đó gọi là Chợ Quán, Sài Gòn. Mộ được xây dựng ngay tại khu sinh phần của dòng họ.
Bên cạnh khu mộ là ngôi nhà cổ với kiến trúc ba gian hai chái truyền thống. Bên trong có treo bức hình chụp cả nhà họ Trương trong ngày chôn cất Trương Vĩnh Ký. Theo con cháu Trương Vĩnh Ký hiện vẫn còn sinh sống tại đây, ngôi nhà này là do đích thân ông chỉ huy xây dựng. Đây cũng là nơi ông sống và làm việc vào những ngày cuối đời.
Khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa. Ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc Đông - Tây, kim - cổ. Cổng vào lăng mộ được xây theo kiến trúc đình, chùa phương Đông với cổng Tam quan, cột hai bên đều có câu đối chữ Hán. Nhưng trên nóc cổng lại có gắn một cây Thập giá của đạo Thiên chúa. Giữa cổng có khắc hàng chữ La tinh trích từ Cựu ước: “Miseremini mei saltem vos acimic mei” - “Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi” như một lời nhắn gửi của học giả họ Trương.
Nhưng không phải chỉ có cửa chính đề chữ La tinh, mà hai cửa còn lại cũng ghi dòng chữ lấy từ Kinh Thánh có nghĩa là “Kiến thức của con người - Đó là nguồn sống” và “Những ai sống và tin Ta sẽ không phải chết đời đời”.
Bước vào trong nhà mồ, chúng tôi ngạc nhiên về sự trống trải, khiêm nhường của nó. Chính giữa là một bàn thờ chung của gia tộc. Mộ của học giả, nhà báo Trương Vĩnh Ký không có nấm mà bằng phẳng với nền nhà, đọc bia mộ mới biết ông nằm giữa hai người thân. Bên trái là phu nhân Vương Thị Thọ, bên phải là người con trai trưởng Trương Vĩnh Thế…
Bên trong nhà mộ, chính giữa là bàn thờ chung
Gia Định báo
Trương Vĩnh Ký chôn nhau cắt rốn ở Cái Mơn, Bến Tre và mồ côi cha từ năm mới 8 tuổi. Ông sớm được đi học chữ Hán với một thầy đồ trong làng. Sau đó một cố đạo chịu ơn của cha ông đã khuyên mẹ ông cho ông đi học chữ Quốc ngữ và cải theo đạo Công giáo. Vì thế, ông có tên là Pétrus Trương Vĩnh Ký, viết và gọi tắt là Pétrus Ký.
Năm 11 tuổi (1848), Pétrus Ký được theo học một Linh mục người Pháp giữ chức Cai tại trường đạo Pinha-lu ở Phnom Penh. Ở đây, có các học sinh là người Cao Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào), Miến Điện (Myanma), Trung Quốc... ông lân la làm quen và rồi học luôn các thứ tiếng ấy.
Năm 1851, Pétrus Ký lại được gửi vào trường đạo ở Penang (nay thuộc Malaysia). Trong khoảng thời gian theo học tại đây, ông còn học thêm các thứ tiếng khác, như: Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Mã Lai, Nhật Bản, Hy Lạp, Thái Lan, Pháp...
Ngày 8/5/1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn, ông được nhận vào dạy. Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản đứng đầu sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã xin Pétrus Ký đi theo làm thông ngôn.
Ngày 8/5/1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn, ông được nhận vào dạy. Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản đứng đầu sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã xin Pétrus Ký đi theo làm thông ngôn.
Ông cộng tác với Pháp, mặc dù chỉ là học quan nhưng cũng khiến một số quan lại nhà Nguyễn đâm ra nghi kỵ. Nhưng sau nhiều suy tính, ông nghĩ rằng phải làm việc để giúp đỡ đồng bào, trước hết là trong phương diện văn hóa, nhất là lúc ấy, Pháp và Nam triều chưa hiểu nhau, chưa thành thật với nhau. Pétrus Ký đã mượn câu cách ngôn Latinh “Ở với họ mà không theo họ”, để làm phương châm khi nhận lời làm việc cho Pháp. Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng khi sưu tầm và chú thích bản “Gia Định thất thủ vịnh”, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi Pháp là “giặc”.
Hoàn cảnh của ông có nét tương đồng với Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) làm thông ngôn cho Pháp nhưng luôn trăn trở và hiến kế cho triều đình về việc chống Pháp. Nguyễn Trường Tộ từng có dự định làm nội ứng cho một cuộc nổi dậy đánh đuổi giặc Pháp, đòi lại Nam Kỳ.
Ngày 8/11/1870, Trương Vĩnh Ký có lời di huấn “Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hễ nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khói. Nên phải liệu sức, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong”...
Ông viết khiêm nhường vậy nhưng đóng góp của ông cho văn hóa Việt sẽ không bao giờ mất, chỉ riêng Gia Định báo thôi đã là một đóng góp hết sức lớn lao. Đây là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng.
Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ, sau đó thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa mà góp phần cổ động việc học chữ quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí hiện đại Việt Nam. Vì thế sau này có người nhận xét: “Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sang sửa, viết như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa”.
Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhắc lại một cứ liệu xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31/12/1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910.
Bia mộ Trương Vĩnh Ký (Ảnh: Hoài Nhân)
Giải phóng câu văn Việt
Đứng lặng lẽ trong ngôi nhà mộ học giả uyên bác, vị Tổng Biên tập tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam nhìn ra khu mộ chung của gia tộc ông đổ nát qua biết bao nắng mưa, thay đổi, nghĩ đến lời cầu xin “Xin hãy thương tôi…” của ông mà không khỏi ngậm ngùi.
Ngôi nhà mồ đã phản ánh phần nào con người uyên bác, chủ động hội nhập với phương Tây nhưng vẫn là người Việt thuần túy từ hình thức đến tâm hồn. Bạn bè cùng thời dù hết lời khuyên can ông cũng không chịu mặc Âu phục, lúc nào cũng khăn xếp, áo the truyền thống, ông cũng quyết không chịu nhập quốc tịch Pháp. Giáo sư Thanh Lãng từng nhận xét: “Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn... Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn”.
Vậy là dù uyên thâm Hán học, tiếp thu văn hóa phương Tây nhưng trước sau như một ông là người Việt Nam sống chết, buồn vui với dân tộc mình, mang tri thức đến với đồng bào ông, dù họ là những người quần manh áo vá. Sự nghiệp đồ sộ của ông có thể còn tranh cãi nhưng chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để hậu thế tri ân ông...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét