Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Chả đẫy: món ăn hình… chiếc túi

Đăng Bởi  -
Chả đẫy: món ăn hình… chiếc túi
Món ăn lưu truyền trong một dòng họ gốc gác ở làng cổ Đông Ngạc, Hà Nội đã khiến nhiều người ngạc nhiên về sự tinh tế và vẻ đẹp của nó.
Chuyên gia nghiên cứu ẩm thực Nguyễn Nhã cùng phu nhân Phạm Vân Loan đã giới thiệu món chả đẫy trong đề án Bếp Việt của mình tới nhiều nước. Bà Phạm Vân Loan chia sẻ: “Món ăn độc đáo này do bà nội tôi là Nguyễn Thị Dần nghĩ ra vào khoảng năm 1910. Thời xưa, mỗi lần tiệc hay có giỗ, đàn bà con gái trong nhà phải phụ trách và luôn sáng tạo những món ăn mới trong những dịp như vậy ở những gia đình quan lại. Món chả đẫy được bà nội tôi truyền lại cho mẹ tôi, sau đó mẹ tôi dạy lại chúng tôi, cho nên, món ăn này là của dòng họ chứ không phải món ăn phổ biến”.
 
Khi mang món chả đẫy giới thiệu ra nước ngoài: Mỹ, Bỉ, Malaysia, bà Loan rất ngạc nhiên vì được các thực khách thích thú. Tại Mỹ và Bỉ gần đây có trào lưu quan tâm đến món ăn Việt vì đặc điểm “vừa ngon, vừa lành”, tức là ngon nhưng không làm dư cân, tốt cho sức khỏe. Món chả đẫy được thực khách hâm mộ vì cách làm rất ít dầu mỡ mà lại có đủ chất dinh dưỡng.
Theo bà Phạm Vân Loan, gọi là chả đẫy vì hình dáng bên ngoài món ăn này giống chiếc đẫy (chiếc túi) của người xưa mỗi khi đi xa, gói ghém đủ thứ để dọc đường dùng đến. Từ hình ảnh thân thương này, với bàn tay tài hoa, người phụ nữ xưa đã sáng tạo nên món chả đẫy.
 
Món chả này đã được chuyên gia Nguyễn Nhã cùng bà Phạm Vân Loan giới thiệu cho thực khách Bỉ đến học nấu ăn tại nhà hàng Little Asia, một nhà hàng Việt nổi tiếng ở Bruxelles của chị Trương Thị Quyền. Vốn không quen cầm đũa nhưng nhiều người Bỉ đã quyết tâm học bằng được để có thể túm trứng thành cái đẫy như tên gọi món ăn này.
Năm 2011, trong tiệc liên hoan do đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức, bà Loan đã tự tay làm 200 chiếc chả đẫy cho các đại sứ cùng phu nhân các nước thưởng thức. Thấy món ăn này vừa đẹp, vừa độc đáo, các phu nhân đại sứ đã yêu cầu bà Loan trình diễn cách làm món ăn này để học theo.
Theo bà Loan, những món ăn quen thuộc của Việt Nam, nước ngoài đã biết đến nhiều, vì thế khi muốn tiếp thị món Việt ra thế giới, cần phải có những món ăn mang tính sáng tạo nhiều hơn nữa thì món Việt mới ghi điểm giữa nhiều nền ẩm thực phong phú.
Khéo tay làm chả
Làm chả đẫy không phức tạp nhưng phải rất khéo tay mới làm được. Nguyên liệu gồm có: tôm, thịt nạc vai, hành tây, nấm hương (hoặc nấm đông cô), cà rốt, trứng vịt, rau ngò, gia vị (dầu, hành, tiêu, muối, mắm…).
 
Thái hạt lựu tôm, cà rốt, nấm, hành tây; thịt băm nhỏ, sau đó xào chung hỗn hợp này cho thơm và vừa ăn. Trứng đánh tơi, thêm chút nước mắm ngon, hạt tiêu. Sau đó dùng chảo không dính đường kính khoảng 20 cm, hơ nóng trên lửa, tráng đều mặt chảo bằng một miếng mỡ heo hay miếng bông gòn tẩm dầu ăn. Để lửa nhỏ cho chảo vừa nóng, dùng một thìa canh, múc trứng vào chảo, nhẹ lắc chảo cho thành một lớp mỏng, trứng thừa phải đổ ra. Khi mặt trên của trứng vẫn còn ướt, nhanh tay cho một thìa nhân vào, gập đôi trứng lại sao cho mép trong nằm thấp hơn mép ngoài. Dùng đũa túm trứng từ hai bên lại thật khéo cho phần trứng mỏng xòe ra như miệng túi.
Công việc tráng trứng và gói nhân lại thành cái đẫy không dễ dàng. Trứng bị tráng dày quá thì hình dáng cái đẫy trông cục mịch, không đẹp, nếu quá mỏng thì sẽ bị vỡ nhân. Đó là chưa kể, để có một đĩa chả đẫy thì phải đều tay, làm cái nào cũng phải giống nhau.
 
Sau khi làm xong, dùng ngọn rau mùi buộc vào cổ của miếng chả. Ngày xưa, phụ nữ thường chỉ ở nhà lo việc nội trợ, có nhiều thời gian nên còn lấy miến (bún tàu) nhuộm màu xanh, đỏ, vàng buộc vào cổ miếng chả, rất thẩm mỹ và công phu.
Với những nguyên liệu và cách làm này, có thể thấy chả đẫy cung cấp đủ chất đạm, chất xơ, ít dầu mỡ tối đa, thích hợp với xu hướng ẩm thực lành mạnh hiện nay.
Theo Duyên Dáng Việt Nam - Ảnh: Nguyên Trương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét