Tên gọi lò gạch bắt nguồn từ việc nơi đây có cái lò gạch bị bỏ hoang. Năm 1945, Hòa thượng Thích Chí Hoà đã dừng chân tại Hà Tiên và lập nên một ngôi chùa nhỏ, dùng chiếc lò gạch trên làm chính điện. Do chiến tranh kéo dài, chùa bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
Từ năm 1993, chùa Lò Gạch mới được tái thiết, với điểm nhấn là ngôi chính điện có hình dáng một lò gạch.
Tường bao bên ngoài chính điện được xây bằng những viên gạch thô.
Đỉnh chính điện đặt một cụm tượng Phật được bài trí hài hòa.
Không gian trong chính điện dù hẹp những vẫn gây choáng ngợp với bức tường quét nhũ vàng bao quanh tượng Phật ở trung tâm.
Mái vòm vút cao đã tạo nên chiều sâu, khắc phục sự hạn chế về diện tích của "lò gạch".
Ba dãy bài vị xếp song song nhau tỏa ra từ tượng Phật.
Những bức phù điêu hình Phật được xếp thành 5 hàng so le phía trên các dãy bài vị.
Ngôi chính điện kiểu "lò gạch" khiến chùa Phật Đà trở nên đặc biệt và được du khách gần xa biết tới.
Quốc Lê
Chùa Phật Đà - Trang nghiêm và thanh nhã trong cụm thắng tích 'Bình San điệp thúy'
Tác giả: Minh Minh
(PPUD) Chùa Phật Đà (còn gọi là chùa Lò Gạch) tọa lạc dưới chân núi Bình San, nằm trong quần thể “Bình San Điệp Thúy”, một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên.
Nếu như lăng Mạc Cửu mang vẻ ưu tư, trầm mặc hay Phù Dung cổ tự e lệ, cổ kính thì chùa Phật Đà mang vẻ đẹp đơn giản nhưng hiện đại và đậm chất nhân văn.
Xưa kia, nơi đây có lò gạch bị bỏ hoang. Đến năm 1945, trên bước vân du hành đạo miệt Hà Tiên, Hòa thượng Thích Chí Hoà (thế danh Nguyễn Văn Tịnh) đã dừng chân tại đây và lập nên một ngôi chùa nhỏ bằng cây lá mang tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Và vì 1 cái lò gạch được sử dụng làm chánh điện, để tụng kinh bái sám, nên dân địa phương gọi là Chùa Lò Gạch.
Chùa Quần thể kiến trúc chùa vừa cổ kính vừa hiện đại, gồm: chánh điện, nhà thờ tổ, đông lang và tây lang, nhà phương trượng và tăng phòng. Bên trong lò nung gạch là Bồ Tát Mục Kiền Liên, phía trên là tượng Đức Phật A Di Đà. Chánh điện đặt tôn tượng Phật Thích Ca tay cầm hoa sen theo truyền thuyết của Thiền tông, xung quanh có 5 vị chư tăng, tượng trưng cho ngũ phương ngũ Phật. Hai bên chánh điện là nhà chuông và nhà trống. Cây bồ đề nằm chính diện trước sân có niên đại hơn 60 năm. Thân cây có đường kính khoảng 1,5m, tán lá xum xuê, toàn bộ cội rễ đều mọc ra phía trước và hai bên mà không hề mọc vào trong sân chùa, dưới gốc bồ đề là tượng Phật Thích Ca tọa thiền.
Với lối kiến trúc hài hòa, trang nghiêm, thanh nhã, chùa Phật Đà làm tăng thêm vẻ đẹp nên thơ của thắng cảnh “Bình San điệp thúy”(*) ở vùng đất Hà Tiên thập cảnh.
(*) Bình San điệp thúy: (có nghĩa là Núi dựng một màu xanh), là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh (khắc in năm 1737); một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều miêu tả cảnh đẹp của núi Bình San, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên xưa. Nay núi thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
Minh Minh
Theo Phật Pháp Ứng Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét